Các bước đọc một bài báo khoa học

Tuấn Long

Kĩ năng

Phương pháp nghiên cứu

06 Tháng Chín, 2023

Các bước đọc một bài báo khoa học

Ở bài viết trước, mình đã giới thiệu cho các bạn cấu trúc chi tiết của một bài báo khoa học, các bạn nào chưa đọc thì có thể xem lại ở bài viết đó [tại đây] nhé.

Cũng trong bài viết đó, mình đã chỉ ra rằng một bài báo thường sẽ có rất nhiều hạng mục và nội dung của mỗi bài báo có thể dàn trải trên dưới 20 trang, cá biệt có những bài lên tới hơn 32 trang. Khối lượng chữ dày đặc này có thể làm nản lòng bất cứ ai, bởi hầu như không ai nghiên cứu khoa học xã hội mà chỉ đọc duy nhất một tài liệu tham khảo.

Để có thể đảm bảo hiệu suất khi đọc một bài báo khoa học, chúng ta cần có kỹ năng. Ở bài viết này, mình sẽ giới thiệu cho các bạn trình tự để đọc một bài báo khoa học. Hãy chắc chắn rằng các bạn đã nắm được cấu trúc của một bài báo khoa học và phân biệt được chúng, điều này sẽ giúp các bạn có thể áp dụng ngay sau khi đọc xong bài viết này.

Cuối cùng, hãy xem bài báo khoa học là một căn hộ mới, mà việc đọc bài báo giống như việc bạn đang đi xem nhà trước khi quyết định sở hữu nó hoàn toàn. Khi đó, trình tự đọc một bài báo khoa học có thể được thực hiện qua 5 bước sau:

---

Bước 1: Đọc thông tin tóm tắt

---

(*) Bước này giống như việc bạn chăm chú nhìn vào hình ảnh của một căn hộ xuất hiện trên tờ quảng cáo và tự hỏi: ta có thích một ngôi nhà như thế này không ? Nếu có thì thử đến ngắm nghĩa một chút xem sao.

---

Theo đó, thông tin tóm tắt của một bài báo gồm: (1) Tiêu đề(2) Phần tóm tắt của bài báo. Hai nội dung này sẽ giúp bạn có được thông tin tổng quát về nghiên cứu và nhanh chóng xác định xem nội dung bài báo này có liên quan tới chủ đề mà bạn đang nghiên cứu không.

Nếu có, hãy đọc tiếp. Nếu không, đừng ngần ngại tạm bỏ qua để đi tới bài báo khác.

---

Bước 2: Đọc phần kết luận

---

(*) Việc này cũng giống như việc bạn liên hệ với bên nhà đất và hẹn lịch để đến ngắm nghía ngôi nhà, nhưng thay vì vào trong bạn dừng lại ở việc bạn sẽ được gì hay mất gì khi mua ngôi nhà đó vào thời điểm này vậy.

---

Quay trở lại với bài báo, nhiều người có thể sẽ lấy làm bất ngờ vì kiểu đọc "nhảy cóc" quá mức thực dụng này, nhất là khi người viết đã tốn rất nhiều công sức để hoàn thành một bài báo khoa học.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ của người đọc thì mình đang hướng dẫn các bạn đọc bài báo theo cách đảm bảo hiệu quả nhất, không phải đọc nhiều nhất. Nói khác đi, cách đọc một bài báo khoa học có thể không đi theo đúng trình tự được mà bài báo này được trình bày.

Đi thẳng tới phần "Kết luận" (conclusion) là cách (1) giúp bạn nhanh chóng liên kết được thông tin trong phần tóm tắt với kết quả sau cùng đã được tác giả bài báo dày công đúc kết lại. Đừng quên rằng trong phần Tóm tắt (abstract) vốn đã có kết luận sơ bộ của nghiên cứu, vì thế việc đọc kết luận còn (2) giúp bạn làm rõ thêm các thông tin chưa được trình bày đủ kỹ, một kết luận mới lạ và thú vị có thể (3) giúp củng cố thêm cho việc bạn có quyết định đọc toàn văn bài báo này hay không.

Hãy cứ "nhảy cóc" để thấy được bức tranh lớn trước, chúng ta sẽ quay lại các mảnh ghép chi tiết sau.

---

Bước 3: Đọc các đề mục

---

(*) Điều này cũng gần tương tự với việc bạn quyết định bước chân vào một căn hộ. Nó hoàn toàn mới với bạn, vậy nên bạn quyết định sẽ đi xem từng phòng để chắc chắn rằng nơi ở mới này đã có toilet cũng như có cả cửa thoát hiểm khi cần.

---
Nếu tên của bài báo là tiêu đề (tittle) thì đề mục (sub-tittle). là các nội dung chính bên dưới của bài báo.

Chúng thường được bôi đậm nên luôn nổi bật hơn các phần văn bản khác. Đề mục hiển thị tên của các thành phần cấu thành nên bài báo như: Giới thiệu, Tổng quan nghiên cứu, Phương pháp nghiên cứu, Kết luận, Tài liệu tham khảo ...

Các bài báo được xuất bản tại các tạp chí khác nhau, đôi khi sẽ không giống nhau về mặt hình thức. Ví dụ như không phải bài báo nào cũng có phần "Hạn chế của nghiên cứu" (limitation) hoặc có bài báo lại xếp "Phương pháp chọn mẫu" với "Phương pháp nghiên cứu" ở cùng một phần.

Vì thế, đọc qua các đề mục giúp bạn nhanh chóng nắm được cấu trúc của bài báo.

---

Bước 4: Xem qua các bảng biểu

---
(*) Lúc này bạn đặt tay lên tường và lướt qua từng bức tranh, từng chiếc tủ, từng cái đèn được bài trí sẵn trong căn hộ. Bạn hiểu rằng bạn đã có gần như tất cả mọi thứ nhưng chưa đủ dữ kiện để sẵn lòng mua nhà.

---

Tương tự, phần lớn chúng ta được dạy rằng cần phải dành thời gian để đọc hiểu các thông tin hữu ích (insight) xuất hiện trong bảng số liệu và biểu đồ. Nhưng một lần nữa, chúng ta lại phải tạm gác lại sự cám dỗ này và nhanh chóng lướt qua chúng.

Trên thực tế, chỉ cần bạn có thể nắm được nội dung chính của bảng / biểu số liệu đó là gì thông qua việc đọc tiêu đề của chúng, thì về cơ bạn bạn đã có được một hình dung tối thiểu về các biến số được đem ra phân tích rồi.

Các biểu đồ cũng sẽ tỏ ra hữu ích trong việc giúp bạn phán đoán được các khuynh hướng của dữ liệu.

---

Bước 5: Đọc toàn văn bài báo

---

(*) Đến bước này thì có thể khẳng định ngôi nhà đã gần như chinh phục được bạn, nếu không bạn đã chuyển sang căn hộ khác rồi. Tuy vậy, bạn cần làm rõ thêm các thông tin chi tiết cuối cùng như hệ thống điện nước, khí đốt, điều hòa không khí, hướng ánh sáng, chất liệu sàn nhà và cả độ thân thiện của hàng xóm xung quanh nữa ...

---
Nói cách khác, vào thời điểm này thì bạn đã khá quyen thuộc với cấu trúc và nội dung của bài báo.

Bạn đã đủ tự tin để quay trở lại phần (1) "Giới thiệu" đầu tiên để làm rõ vì sao tác giả thực hiện nghiên cứu này ; bạn có thể thoải mái đi tiếp sang phần (2) "Tổng quan" để xem có thể kế thừa hay tránh né điều gì từ các nghiên cứu đi trước ; bạn có thể hiểu được (3) "Khái niệm" cũng như cách tiếp cận về mặt Lý thuyết của tác giả là gì.

Bạn đọc tiếp tới phần (4) "Phương pháp nghiên cứu", và nhờ việc nắm được thông tin của các biến số trước đó, bạn sẽ cảm thấy có kết nối với nội dung này hơn. Các bảng biểu trong phần (5) "Kết quả nghiên cứu" xuất hiện lại một lần nữa trước mặt bạn, củng cố thêm cho suy nghĩ của bạn về (6) "Kết luận" mà bạn đã đọc trước đó.

---

2 - Ghi chú tài liệu:

Nếu được, các bạn nên in file bài báo ra để đọc. Song song với chuyện đọc, việc kết hợp với thao tác: (1) tự ghi chú, (2) tự tóm tắt (3) tự đánh dấu các thông tin quan trọng được rút ra trong bài báo lên trên lề của chính bài báo này - là một việc đọc tài liệu chủ động rất được khuyến khích.

Sau khi đọc xong, các bạn có thể tìm một người nào đó trong nhóm để (4) giải thích cho họ về những gì mình đã đọc được. Nếu họ cũng hiểu được những gì bạn nói, vậy thì xin chúc mừng, bạn đã nắm được cách đọc bài báo khoa học rồi đấy.

---

3 - Kết luận

Sau khi nắm được thông tin tổng quát, ngay cả khi không đọc toàn văn bài báo, bạn cũng đã có đủ thông tin để quyết định xem có sử dụng chúng trong nghiên cứu của mình hay không.

Tuy nhiên, việc hiểu tương đối trọn vẹn một nghiên cứu nào đó cũng sẽ giúp bạn (1) gia tăng cơ sở khoa học khi quyết định nhắc tới tài liệu đó trong nghiên cứu của mình. Ít nhất, nếu có ai đó đã từng đọc qua tài liệu này thì họ cũng sẽ (2) không làm khó được bạn.

Ở bài viết tiếp theo, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách ghi chú thông tin từ tài liệu tham khảo vào một nơi, được gọi là Khung tổng quan tài liệu tham khảo (literature review frame). Cách thức này sẽ giúp phần ghi chú thông tin của bạn được trở nên hệ thống và nhất quán hơn.

Đừng quên rằng, hầu như không ai nghiên cứu khoa học xã hội mà chỉ đọc duy nhất một tài liệu tham khảo nhé.

---

Huế, 4:45 PM 9/6/2023