Phân tích cấu trúc của một bài báo khoa học

Tuấn Long

Kĩ năng

Phương pháp nghiên cứu

06 Tháng Chín, 2023

Phân tích cấu trúc của một bài báo khoa học

---

(*) Notice: Vì bài khá dài nên mình muốn lưu ý trước với các bạn là bài viết này hướng đến việc giúp các bạn nắm được cấu trúc một bài báo khoa học, chứ chưa phải là hướng dẫn cách viết / trình bày bài báo khoa học nhé. Enjoy !
---

Một bài báo khoa học là một sản phẩm trí tuệ được công bố từ những nghiên cứu khoa học bài bản. Sau mỗi nghiên cứu, nhà khoa học đều sẽ phải đưa ra được một phát hiện nào đó. Các phát hiện này được đúc kết thành một bài báo và công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành.

Dung lượng trang của tạp chí trong mỗi kỳ là có hạn, vì thế bài báo cũng phải được trình bày theo tiêu chuẩn nhất định sao cho vừa trình bày được kết quả nghiên cứu vừa đảm bảo không vượt quá số trang yêu cầu. Theo đó, mỗi bài báo khi trình bày đếu phải được tổ chức theo một cấu trúc khoa học chặt chẽ.

Tuy đọc bài báo khoa học gần như là nội dung bắt buộc, nhưng điều kỳ lạ là rất ít sinh viên được hướng dẫn về cách đọc một bài báo khoa học. Đọc lướt hoặc đọc toàn bộ bài báo ngay từ đầu đôi khi không phải là một lựa chọn đúng vì việc đọc lướt sẽ bỏ qua các thông tin quan trọng, trong khi đọc môt bài báo hơn hai chục trang ngay từ lần đầu có thể làm nản lòng bất kỳ ai.

Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ cho mọi người cấu trúc thường thấy của một bài báo khoa học xã hội mà mình đúc kết được sau một thời gian nghiên cứu.

1 - Cấu trúc của một bài báo khoa học

Một bài báo khoa học xã hội đăng trên các tạp chí thường được chia làm hai cột. Nếu nhìn từ trên xuống dưới & đọc từ trái qua phải, thì một bài báo khoa học thông thường được cấu tạo nên bởi các thành phần sau:

---

  • Tiêu đề (Tittle)
  • Tóm tắt (Abstract)
  • Giới thiệu (Introduction)
  • Tổng quan nghiên cứu (Literature review)
  • Lý thuyết (Theory)
  • Khái niệm chính (Key conception)
  • Phương pháp thu thập dữ liệu (Data colection)
  • Phương pháp phân tích dữ liệu (Data analysis)
  • Phát hiện (Fiding) / Kết quả nghiên cứu (Result)
  • Kết luận (Conclusion)
  • Hạn chế (Limitation)
  • Đề xuất (Recommendation)
  • Lời cám ơn (Acknowledged)
  • Tài liệu tham khảo (References)

---


Các bạn cũng lưu ý là tùy thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu mà cấu trúc trên có thể giống hoặc khác nhau, ví dụ Khoa học xã hội (social sciences) sẽ rất chú trọng phần Phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu nhưng phần này có thế ít xuất hiện hơn nếu nghiên cứu về Nghệ thuật (art) hoặc Nhân văn (humanity). Tương tự, các tạp chí khác nhau có thể sẽ có yêu cầu khác nhau về cấu trúc.

Các thành phần của bài báo được thể hiện thành dạng các đề mục (sub-tittle), chúng được bôi đậm nên thường nổi bật hơn so với các đoạn văn bản khác.

Trong mỗi phần đó, nhà nghiên cứu sẽ chỉ trình bày nội dung có liên quan tới đề mục. Nội dung phương pháp nghiên cứu sẽ được trình bày trong phần "Phương pháp" (method) và tuyệt đối không có chuyện được xuất hiện trong phần "Kết quả nghiên cứu" (Result).

Vì thế, bạn muốn tìm kiếm thông tin nào thì nhanh chóng tìm đến đúng tiêu đề để đọc. Kỹ năng này cũng sẽ hữu ích khi bạn muốn chú thích hoặc ghi chú thông tin quan trọng vào các Frame tổng quan tài liệu.

2 - Nội dung các phần trong bài báo

Mỗi thành phần của bài báo sẽ mang trong mình một nội dung khác nhau, nắm được cấu trúc và thông tin của mỗi phần là việc đầu tiên bạn cần làm trước khi bắt đầu đọc bài báo khoa học.

Cụ thể:

---
1. Tiêu đề (Tittle)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Nghiên cứu này nói về điều gì ?

---

Tiêu đề luôn là hàng chữ lớn nhất, xuất hiện ở trên cùng của bài báo. Đọc tiêu đề sẽ giúp bạn có một cái nhìn khái quát về nội dung của bài báo và xác định xem chúng có liên quan tới đề tài mà bạn đang nghiên cứu hay không.

Bên dưới tiêu đề là tên của tác giả hoặc nhóm tác giả cùng với địa chỉ liên hệ của họ. Bạn có thể tìm được nơi làm việc của nhóm tác giả này ngay phía bên dưới phần ghi chú của bài báo, thường là ở ngay trang đầu tiên.

---

2. Tóm tắt (Abstract)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để trong vòng 200 từ có thể thuyết phục các độc giả đọc toàn văn bài viết này ?

---

Phần tóm tắt sẽ nằm ngay bên dưới tiêu đề và tên tác giả. Chúng được in nghiêng và phía dưới cùng của phần tóm tắt này là các từ khóa chính (Key words) xuất hiện trong bài báo.

Phần tóm tắt thường bao gồm 4 nội dung được trình bày theo thứ tứ:

  • (1) Bối cảnh nghiên cứu ;
  • (2) Vấn đề nghiên cứu ;
  • (3) Phương pháp nghiên cứu và
  • (4) Kết quả nghiên cứu.

Mỗi nội dung được trình bày gọn trong 2 - 3 câu và toàn bộ phần tóm tắt này sẽ không nhiều hơn 250 từ.

Đọc tóm tắt của bài báo rất quan trọng, nếu tiêu đề cho bạn một cái nhìn tổng quát nhất thì tóm tắt lại giúp bạn nắm được thông tin tổng quan nhất mà không cần đọc cả bài báo. Thậm chí bạn có thể đánh giá sơ bộ cho bài báo đó ngay khi nắm được (2) Vấn đề và (3) Phương pháp mà nghiên cứu đó triển khai là gì.

---
3. Giới thiệu (Introduction)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Tại sao chúng ta lại có nghiên cứu này ?

---

Phần giới thiệu là phần đầu tiên của bài báo. Phần này tập trung vào làm rõ các thông tin về bối cảnh kinh tế - văn hóa - xã hội mà từ đó xuất hiện nên vấn đề nghiên cứu của mình.

Phần Giới thiệu thường được viết theo dạng 3 vòng tròn đồng tâm, trong đó vòng tròn ngoài cùng là (1) vấn đề khái quát nhất từng được Nhà nước và dư luận xã hội để ý, vòng thứ hai đi vào (2) vấn đề cụ thể mà tác giả đang quan tâm và vòng thứ ba là (3) đề xuất nghiên cứu của tác giả.

Nói cách khác, nghiên cứu này là cấp thiết và tác giả muốn làm rõ lý do cũng như động cơ nghiên cứu của mình là gì. Vậy nên, nếu bạn thắc mắc vì sao nghiên cứu này được thực hiện thì có thể tìm thấy câu trả lời ở ngay trong phần Giới thiệu này.

---
4. Tổng quan nghiên cứu (Literature review)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Chúng ta có thể kế thừa được điều gì từ những người đi trước ?

---

Phần tổng quan thường sẽ chiếm một dung lượng đáng kể trong phần đầu của bài báo. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu vì đây là nội dung bắt buộc trong các nghiên cứu khoa học xã hội.

Phần tổng quan cũng được chia thành nhiều phần tùy thuộc vào tiêu chí phân chia, song nhìn chung các tiêu chí này thường mang tính đối lập để từ đó gợi ra tranh luận:

  • Theo thời gian (Trước vs Sau một mốc thời gian nào đó) ;
  • Theo trường phái (Thực chứng vs Phản thực chứng) ;
  • Theo quan điểm nhà khoa học (M.Weber vs E.Durkheim vs Parson)
  • Theo quốc gia (Trong nước vs Ngoài nước)
  • Theo phạm trù nghiên cứu (Khách quan vs Chủ quan ; yếu tố Bên trong vs yếu tố Bên ngoài ; Gia đình vs Nhà trường vs Xã hội) ...

Mỗi đoạn trong tổng quan nghiên cứu thường sẽ được thể hiện theo cấu trúc:

  • (1) Đưa ra một bối cảnh / vấn đề / xu hướng nghiên cứu nào đó
  • (2) Trình bày một luận điểm mang tính mô tả hoặc khám phá cho xu hướng đó
  • (3) Đưa ra các thành phần cụ thể được mô tả trong luận điểm đó
  • (4) Chú thích tên tác giả / nhóm nghiên cứu / công trình khoa học đã phát hiện ra các nội dung trên
  • (5) Tiếp tục trình bày tiếp các xu hướng khác (nếu có)
  • (6) Đưa ra bàn luận / nhận xét / đánh giá về những phát hiện của các nghiên cứu đó
  • (7) Chỉ ra hạn chế / khoảng trống mà nghiên cứu hiện tại có thể hoàn thiện

Nếu các bạn muốn học hỏi cách viết tổng quan thì có lẽ hay hơn cả là cố gắng đọc thật nhiều các tổng quan nghiên cứu và tự nghiền ngẫm xem tác giả đã tổ chức thông tin như thế nào. Chắc chắn là sẽ không chỉ có liệt kê các nghiên cứu như chúng ta vẫn nhầm tưởng đâu (cười).

---

5. Lý thuyết (Theory)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Cách tiếp cận của tác giả trong nghiên cứu này là gì ?

---

Trong báo cáo khoa học, Lý thuyết và Khái niệm được trình bày trong phần "Cơ sở lý luận và khoa học". Trong bài báo khoa học, chúng được tách ra một phần riêng. Một số bài báo sẽ trình bày phân Lý thuyết cùng với Khái niệm, nhưng đa phần là sẽ được trình bày độc lập với nhau.

Lý thuyết cung cấp cho bạn thông tin về cách tiếp cận (approach) / góc nhìn (point of view) / quan điểm (perspective) của tác giả về chủ đề mà họ đang nghiên cứu. Các quan điểm này được thể hiên của một hoặc một nhóm các lý thuyết thuộc về một trường phái triết học nào đó.

Quan điểm nghiên cứu khác nhau dẫn tới việc thu thập dữ liệu và kiến giải vấn đề cũng khác nhau. Vì thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu thấy ở cùng một chủ đề nghiên cứu là lệch chuẩn và tội phạm, nhưng các tác giả theo trường phái "Cấu trúc chức năng" lại có kiến giải khác so với những người theo thuyết "Tương tác biểu trưng", đặc biệt là nhóm những học giả đi theo "Lý thuyết về học hỏi".

---

6. Khái niệm (Conception)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Các khái niệm chính được hiểu như thế nào ?

---

Phần này không chỉ trình bày, giải nghĩa các khái niệm then chốt từng xuất hiện trong Tiêu đề (tittle) và Từ khóa (key words) mà đôi khi còn giải thích cả quá trình thao tác hóa khái niệm (conceptualization).

Chúng ta đều biết rằng, hầu hết các nghiên cứu trong khoa học xã hội đều cố gắng lý giải mối liên hệ giữa các biến số khi đặt chúng trong một bối cảnh văn hóa xã hội nào đó. Các biến số này được thao tác hóa ra từ các khái niệm, vì thế đọc phần khái niệm giúp ta nắm được (1) các khái niệm then chốt, (2) cách hiểu về những khái niệm đó, ta cũng sẽ (3) dự đoán được dữ liệu gì sẽ được thu thập, (4) nên thu thập dữ liệu ra sao và (5) kết quả nghiên cứu sẽ nhắm vào trả lời cho cái gì.

Điểm quan trọng nhất khi đọc phần khái niệm là chúng ta phải nắm được tác giả hiểu khái niệm đó ra sao và chọn cách tiếp cận nào để giải thích. Nếu phần này không được trình bày đủ tốt, chúng ta sẽ lệch pha nhau trong cách hiểu và có thể gặp vấn đề nghiêm trọng khi đi vào các nội dung tiếp theo đấy.

Sau khi trình bày được các khái niệm chính và hệ thống biến số, tác giả có thể nhân đó để trình bày luôn Giả thuyết nghiên cứu (hypothesis) vì bản thân giả thuyết chính là một mệnh đề kết nối các biến số với nhau. Hãy đánh dấu các giả thuyết này, vì chúng sẽ là cơ sở để bạn hiểu các phát hiện và kết luận được trình bày ở cuối bài báo đấy.

---

7. Phương pháp thu thập dữ liệu (Data collection)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Dữ liệu được thu thập như thế nào ?

---

Phương pháp thu thập dữ liệu cũng thường bao gồm hai nội dung chính:

  • (1) Phương pháp chọn mẫu (Sampling) và
  • (2) Phương pháp nghiên cứu cụ thể (Methods) giúp thu thập thông tin.

Phương pháp chọn mẫu giúp chúng ta biết được cỡ mẫu (sample size) và cách thức chọn mẫu. Cỡ mẫu đủ lớn (100 - 500 quan sát) giúp đảm bảo tính đại diện của mẫu nghiên cứu, nhưng cỡ mẫu nhỏ (30 - 100 quan sát) cũng không hẳn là vấn đề, cái chính là tác gia có lý giải được nguyên nhân vì sao không ?

Với phương pháp nghiên cứu cụ thể, ta sẽ biết được tác giả sử dụng những phương pháp nào để thu thập thông tin, các phương pháp này bao gồm: phỏng vấn cấu trúc / bán cấu trúc / phi cấu trúc ; thảo luận nhóm tập trung ; quan sát tham dự / không tham dự ; phân tích tài liệu / nội dung ; ...

Tác giả có thể sử dụng duy nhất một phương pháp định tính hoặc định lượng , song phần lớn nghiên cứu khoa học xã hội hiện này thường sử dụng phương pháp hỗn hợp (mixed). Bạn có thể tìm hiểu về phương pháp hỗn hợp [tại đây].

---

8. Phương pháp phân tích dữ liệu (Data analysis)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Dữ liệu sẽ được phân tích như thế nào ?

---

Nhìn chung, dữ liệu định tính sẽ có cách xử lý khác với phân tích định lượng.

  • Với dữ liệu định tính, ta cần xem tác giả đã tạo ra danh mục mã hóa các phạm trù (coding freame) ra sao ? Cách xử lý thông tin như thế nào ? Sử dụng phần mềm gì ?
  • Với dữ liệu định lượng, ta cần xem tác giả sử dụng phương pháp phân tích thống kê nào (mô tả hay suy luận) ? Phân tích tham số hay phi tham số? Ngưỡng tin cậy là bao nhiêu ? Sử dụng phần mềm gì ?

Các nội dung (1) "Tổng quan nghiên cứu" (2) "Lý thuyết - Khái niệm" và (3) "Phương pháp nghiên cứu" giúp ta đánh giá được cơ sở khoa học của một nghiên cứu. Đây cũng là những phần nội dung mà các tạp chí úy tín thường khắt khe nhất với các công bố khoa học.

---

9. Phát hiện (Fiding) / Kết quả (Result)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Nghiên cứu đã có những phát hiện quan trọng nào ?

---

Nghĩa là tác giả sẽ chỉ tập trung vào trình bày các phát hiện quan trọng mà họ đã khám phá ra thông qua nghiên cứu này. Chuyện đưa ra các phát hiện hoặc kết quả nghiên cứu, thực chất chính là việc (1) đưa ra các bằng chứng thuyết phục nhằm bác bỏ (reject) hay chấp nhận (accept) các giả thuyết nghiên cứu mà họ đã trình bày trước đó.

Bạn cũng có thể căn cứ vào các giả thuyết được chấp nhận để (2) đánh giá sơ bộ xem nghiên cứu đã đạt được mục tiêu hay thõa mãn được động cơ nghiên cứu của tác giả đã trình bày ở phần Giới thiệu chưa.

Như vậy, bằng cách căn cứ vào sự logic này bạn có thể nhanh chóng hiểu được mạch liên kết giữa các thành phần trong một bài báo khoa học. Rõ ràng, không có nội dung nào thừa trong một bài báo như thế này cả.

---

10. Kết luận (Conclusion)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu mà tác giả đã đặt ra là gì ?

---

Nếu kết quả thiên về cái mà nhà nghiên cứu đã tìm ra (finding) thì Kết luận là phần tinh túy nhất mà tác gia đúc kết được sau tất cả những nỗ lực đã trình bày ở trên.

Kết luận trả lời cho câu hỏi nghiên cứu và giúp khép lại nội dung nghiên cứu. Căn cứ vào kết luận, chúng ta có thể tái khẳng định lại những phát hiện mà nghiên cứu tìm được đã cũng cố ra sao cho việc trả lời câu hỏi nghiên cứu mà tác giả đã đặt ra ngay từ đầu

Ngày cả khi bạn đã đọc được nó trong phần "Tóm tắt", nhưng tới cuối bài báo cũng đừng bỏ qua phần này. Hãy xem hai phần kết luận đó có liên kết và logic với nhau không nhé.

---

11. Hạn chế (Limitation)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Nếu ngay cả nghiên cứu này cũng chưa hoàn hảo, vậy thì đó sẽ là gì ?

---

Thực ra không có nghiên cứu nào là hoàn hảo hay toàn diện cả, đây thực chất là (1) động thái thể hiện sự khiêm tốn của nhà nghiên cứu trước các độc giả ; các tác giả cũng muốn (2) loại bỏ trước các thắc mắc không đáng có, nếu ai đó cố tình xoáy sâu vào các hạn chế của nghiên cứu này do sự hữu hạn về nguôn lực.

Thay vào đó, tác giả (3) hy vọng các độc giả sẽ tập trung vào bức tranh lớn hơn đề từ đó (3) gợi ý tới các nghiên cứu tiếp theo, nhằm hoàn thiện thêm cho nghiên cứu này.

---

12. Đề xuất (Recommendation) hoặc Giải pháp (Resolution)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Chúng ta có thể làm gì để cải thiện / giải quyết vấn đề nghiên cứu ?

---

Nội dung này sẽ xuất hiện nhiều hơn trong các nghiên cứu ứng dụng, thiên về việc tập trung giải quyết vấn đề. Mặc dù vậy, với các nghiên cứu cơ bản, mô tả, nhóm tác giả cũng mạnh dạn đưa ra một số giải pháp hoặc đề xuất phương hướng vận động chính sách nào đó như một nỗ lực đóng góp cho xã hội.

Mỗi khi bạn cảm thấy "bí đề tài", ta có thể dựa vào các đề xuất hoặc giải pháp này để làm cảm hứng cho các nghiên cứu tiếp theo.

---

13. Lời cám ơn (Acknowledged)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Có những ai đã giúp đỡ tác giả thực hiện nghiên cứu này ?

---

Với những nghiên cứu phức tạp, thật khó để thực hiện nghiên cứu này một mình. Việc gửi lời cám ơn đến những người đã hỗ trợ nghiên cứu không chỉ là một (1) hành động thể hiện lòng biết ơn, mà còn (2) gián tiếp muốn nói với độc giả về độ phức tạp của nghiên cứu, họ khó có thể hoàn hành nếu không có sự giúp đỡ từ người khác và điều đó (3) phản ánh về những nỗ lực mà họ và đồng nghiệp của họ đã bỏ ra.

Một cách để PR rất tinh tế (cười).

---

14. Tài liệu tham khảo (References)

Phần này trả lời cho câu hỏi: Tác giả đã tham khảo những tài liệu nào ?

---

Nội dung này tính ra lại khá quan trọng, vì căn cứ vào mức độ có liên quan về nội dung của các tài liệu tham khảo mà ta phán đoán được hàm lượng cũng như chất lượng thông tin thu nhận được trong bài báo. Một nghiên cứu về "quyền lực chính trị" nhưng lại xuất hiện các tài liệu về "hiện tượng bắt nạt tại trường học" có thể bị xem là một tín hiệu không tốt về hàm lượng thông tin.

Tỉ lệ tự trích dẫn (self-citation) quá nhiều cũng sẽ là một điểm trừ, bởi có vẻ như tác giả nghiên cứu này kế thừa quá nhiều nghiên cứu của mình trong khi đó có hàng ngàn tài liệu chất lượng khác đang tồn tại ở ngoài kia. Hiện tượng này xuất hiện khá nhiều trong các bài báo của Việt Nam.

Bạn cũng nên xem qua danh mục tham khảo này, vì đó là gợi ý cực kỳ hữu ích về mặt tài liệu cho các nghiên cứu có liên quan của bạn trong tương lai. Thay vì hỏi GVHD hoặc bạn bè, tại sao không sử dụng ngay sự những thông tin đáng giá nằm ở phần cuối cùng của bài báo ?

---

3 - Kết luận:

Như vậy là mình đã trình bày cho các bạn cấu trúc và nội dung của một bài báo khoa học. Chúng quả thực rất dài song tựu trung lại có những phần quan trọng nhất mà bạn cần nắm, gồm:

  • (1) Tiêu đề & Tóm tắt ;
  • (2) Tổng quan tài liệu
  • (3) Lý thuyết & Khái niệm ;
  • (4) Phương pháp nghiên cứu
  • (5) Phát hiện & Kết luận.

Ở bài viết tiếp theo mình sẽ hướng dẫn các bạn cách thức để đọc một bài báo khoa học. Yên tâm, chúng ta sẽ không đọc toàn bộ bài báo ngay từ đầu đâu vì ngay cả các biên tập viên của tạp chí cũng sẽ không làm như vậy đâu (cười).

---

Huế, 12:04 PM 9/6/2023