Phương pháp nghiên cứu hỗn hợp là gì ?

Tuấn Long

Kĩ năng

Phương pháp nghiên cứu

13 Tháng Ba, 2023

Phương pháp nghiên cứu hỗn hợp là gì ?

Có một bạn sinh viên gửi mail để hỏi mình về "Phối hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng có nghĩa là gì ?" - mình đã trả lời và nghĩ rằng sẽ hay hơn nếu chia sẻ lên đây để các bạn cùng đọc (*).

Phối hợp nghiên cứu định tính và định lượng còn được gọi là nghiên cứu hỗn hợp / phối hợp, thuật ngữ chính thức là "hybrid research" hoặc "combination quantitative and qualitative research"

Nghiên cứu phối hợp là cách thức kết hợp (combind) những điểm mạnh của mỗi PP nghiên cứu định tính - định lượng và làm giảm thiểu những hạn chế cố hữu của mỗi phương pháp kia. Từ đó đưa ra được bức tranh phân tích / mô tả có chiều sâu thông tin và hoàn thiện hơn so với việc chỉ sử dụng một trong hai phương pháp. Cụ thể:

1. Phân loại phương pháp nghiên cứu

a). Nghiên cứu Định lượng (quantitative method / research)

Phương pháp này có thế mạnh khi mô tả bức tranh toàn cảnh / tổng quan / bề mặt của thực tại xã hội ; lượng hoá các khía cạnh kinh tế - văn hoá - xã hội và chỉ ra mối quan hệ giữa các khía cạnh đó thông qua các chỉ số thống kê (statistics / parameter). Nghiên cứu định lượng giúp trả lời cho câu hỏi bao nhiêu, như thế nào và là niềm tự hào của các nhà Kinh tế học, Tâm lý học...

Nhưng khi cần đi sâu vào lý giải / giải thích các động cơ xã hội sâu xa bên trong của các cộng đồng / nhóm / cá nhân thì phương pháp này khó thực hiện được vì động cơ xã hội, suy nghĩ, thái độ, quan niệm sống của con người không thể đo trực tiếp bằng các con số.

Khi ấy, người ta sẽ có xu hướng sử dụng các PP Định tính với tiên phong là các nhà Nhân học, Sử học, Dân tộc học...

b). Nghiên cứu Định tính (qualitative method / research)

Phương pháp này giúp nhà nghiên cứu tìm thu thập thông tin định tính bằng các công cụ như bản phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, tự vấn, tiểu sử, văn bản, hình ảnh ... - và kể một câu chuyện để truyền tải lại những phát hiện đó. Vì thế, thông tin từ nghiên cứu định tính bao giờ cũng rất cuốn hút người đọc, có chiều sâu, nhân bản, có bản sắc và mang tính chất khám phá / phát hiện rõ nét.

Nghiên cứu định tính giúp trả lời cho câu hỏi: Vì sao, nguyên nhân sâu xa là gì ; thậm chí là giúp khai phá các biến số trung gian mà nghiên cứu định lượng khó làm được

Nhược điểm của PP định tính là khó có thể sử dụng để khái quát cho toàn bộ tổng thể, vì thông tin từ nghiên cứu định tính thường quá hẹp và mang những đặc trưng rất riêng để có thể trở thành thông tin mang tính đại diện (represent) cho quần thể.

c) Nghiên cứu hỗn hợp

Ta có thể thấy, mỗi phương pháp đều có một nhược điểm nhất định và chưa thể khắc phục nếu chỉ thực hiện một cách độc lập, Trong khi đó, thực tại xã hội lại vô cùng phức tạp để thấu hiểu nếu chỉ sử dụng một trong hai phương pháp trên. Ta sẽ rơi vào trạng thái "thầy bói xem voi" nếu chỉ đề cao khía cạnh này mà bỏ qua khía cạnh khác.

Từ thực tế này đặt ra nhu cầu về việc phối hợp các phương pháp với nhau

2. Ví dụ minh họa

Khi xem xét một lớp học nọ, giáo viên chủ nhiệm đưa ra nhận xét rằng lớp có cả nam và nữ (thông tin định tính).

Nhận xét này không sai, song còn mơ hồ. Một phiếu khảo sát được phát ra cho lớp và trả về một bản mô tả sơ bộ cho biết lớp học này gồm có:

-----

  • Tổng số sinh viên là 11 [Số SV]
  • 5 bạn nam, 6 bạn nữ [Giới tính];
  • 4 bạn ở nông thôn, 7 bạn ở thành phố [Nơi ở];
  • 2 bạn người Pako còn lại là người Kinh [Dân tộc];
  • 7 bạn không Tôn giáo, 3 bạn theo Cơ đốc và 1 bạn theo Phật [Tôn giáo]
  • Điểm trung bình tích lũy của lớp là 8.5 [Điểm số]
  • ...

-----

Tất cả các thông tin định lượng khái quát này khiến cho sự hình dung về lớp trở nên chi tiết hơn song vẫn chưa đủ để cung cấp cấp một mô tả thấu đáo về tập thể này, nhất là khi ta muốn đề cập tới khía cạnh bản sắc hay những nét văn hóa riêng

Ta cần thêm một số thông tin định tính có chiều sâu nữa và quá trình quan sát, thảo luận cùng PV cá nhân ta phát hiện rằng:

-----

  • Tập thể này toàn là "trai xinh gái đẹp tự phong" [Nhận xét chung]
  • Lớp có một lớp trưởng đầu bóng loáng mùi sáp, có một danh thủ hết sức dài dòng khi nói chuyện, có lớp phó học tập cao 1m9, rồi thì bí thư thì có biệt tài sửa đồng hồ quốc gia và lớp phó văn thể lâu lâu mới tới trường ... [Thành viên đặc biệt]
  • Tất cả thành viên đều rất đoàn kết, yêu quý nhau [Tình cảm]
  • Cùng đề cao sự tự do thể hiện quan điểm [Quan điểm]
  • Khi có dịp thì họ cà khịa nhau không ai bằng [Hoạt động]
  • ...

-----

Lúc này, mô tả về tập thể lớp trở nên tường tận hơn và có thể giúp phân biệt được lớp này với lớp khác (bản sắc).

Như vậy là ngoài việc sử dụng bảng hỏi (thông tin sơ cấp - định lượng), nhà nghiên cứu còn có thể sử dụng thêm bộ câu hỏi PV sâu, ngoài PV cá nhân, có thể cân nhắc dùng thêm thảo luận nhóm (thông tin sơ cấp - định tính) ; ngoài sử dụng các văn bản chính sách, tài liệu tiểu sử ((thông tin thứ cấp - định tính) còn nên tính thêm việc sử dụng các bộ số liệu thống kê / dữ liệu có cấu trúc (thông tin thứ cấp - định lượng) ...

Từ đó có thể đưa ra một bức tranh mô tả hoàn thiện nhất về thực tại xã hội cũng như về vấn đề ma ta đang nghiên cứu .

3/. Kết luận:

Từ những điều trên, khi nghiên cứu xã hội các nhà nghiên cứu khoa học xã hội có xu hướng sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu cùng lúc. Không chỉ vì yêu cầu (1) gia tặng độ tin cậy cho thông tin nghiên cứu, mà còn (2) giúp giảm thiếu các sai sót trong quá trình thực hiện hay thậm chí là (3) hỗ trợ quá trình tham chiếu các thông tin chéo với nhau. Nếu thông tin thu thập từ phiếu hỏi mâu thuẫn với thông tin từ PVS, rất có thể nghiên cứu đang tồn tại vấn đề mới tại đây.

Định tính và Định lượng - đó đều là hai mặt của một đồng xu, có cái này phải có thêm cái kia thì mới là một đồng xu hoàn chỉnh. Nghiên cứu phối hợp về phương pháp cũng như nghiên cứu liên ngành - đều đang là xu hướng nghiên cứu chính hiện nay trên thế giới.


---

Các bạn có thể tìm đọc thêm các bài viết bằng tiếng Anh trên Google Scholar bằng từ khoá "hybrid research" hoặc "mixed methodology research" hay tìm hiểu thêm về thuật ngữ "Tam giác đạc nghiên cứu" (Triangulation research) để làm rộng thêm vốn hiểu biết của mình về chủ đề này nhé

Chúng đều dựa trên lập luận cơ bản mà mình đã trình bày ở trên đấy

Chúc các bạn đọc vui <3

---

Chú thích:

(*) Lưu ý: Do đây là bài viết dành cho sinh viên năm I nên mình sẽ cố gắng sử dụng ngôn từ phổ thông sao cho các bạn có thể dễ nắm bắt nhất có thể nhé

---

Tài liệu tham khảo chính:

  1. Gordon Mace & Francois Petry (2013), “Cẩm nang xây dựng dự án nghiên cứu trong khoa học xã hội”, NXB Tri thức
  2. Michel Beaud (2014), “Nghệ thuật viết luận văn”, NXB Tri thức
  3. Nguyễn Xuân Nghĩa (2010), “Phương pháp & kĩ thuật trong nghiên cứu xã hội”, NXB Phương Đông
  4. Nguyễn Văn Tuấn (2018), “Phân tích dữ liệu với R”, NXB Tổng hợp TP. HCM
  5. Nguyễn Văn Tuấn (2018), “Đi vào nghiên cứu khoa học”, NXB Tổng hợp TP. HCM
  6. Phan Văn Quyết & Nguyễn Quý Thanh (2001), “Phương pháp nghiên cứu Xã hội học”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội