Có những phương pháp nghiên cứu cụ thể nào ?

Tuấn Long

Nghiên cứu

Đề cương nghiên cứu

17 Tháng M. một, 2019

Có những phương pháp nghiên cứu cụ thể nào ?

Một đề cương nghiên cứu thường bao gồm:

Đặt vấn đề > Ý nghĩa của đề tài > Tổng quan nghiên cứu > Đối tượng và Khách thể nghiên cứu > Phạm vi (không gian, thời gian, nội dung nghiên cứu) > Câu hỏi nghiên cứu > Giả thuyết nghiên cứu > Phương pháp nghiên cứu > Khung phân tích.

Bài viết này chia sẻ về một số phương pháp nghiên cứu thông dụng trong lĩnh vực xã hội học (sociology)

8. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu là hệ thống các cách thức giúp nhà nghiên cứu tìm ra bằng chứng có độ tin cậy cao để chấp nhận hay bác bỏ các giả thuyết. Hiểu một cách đơn giản, phương pháp nghiên cứu trả lời cho câu hỏi chúng ta sẽ thực hiện nghiên cứu này bằng cách nào?

Phân loại phương pháp nghiên cứu:

Cách thức triển khai một nghiên cứu phụ thuộc vào chương trình nghiên cứu được vạch ra trong đề cương nghiên cứu thông qua câu hỏi nghiên cứu. Các phương pháp nghiên cứu được triển khai phù hợp với tính chất của nghiên cứu. Phương pháp định tính áp dụng cho nghiên cứu về đặc tính, tính chất nhằm trả lời cho câu hỏi nguyên nhân xảy ra hiện tương, trong khi phương pháp định lượng được áp dụng nhằm trả lời cho câu hỏi nghiên cứu dự báo xu hướng, phân tích tỉ lệ, tần suất - các đặc điểm số học của hiện tượng

Các phương pháp nghiên cứu cụ thể:

Phân tích tài liệu

Tài liệu là một dạng tài nguyên cần được phân tích trước khi đem vào sử dụng trong nghiên cứu. Phân tích tài liệu chính là hoạt động cần thực hiện để xây dựng tổng quan nghiên cứu, cung cấp bức tranh sơ bộ về tình hình nghiên cứ gần đây trong cùng một chủ đề.

Phân tích tài liệu được áp dụng cho cả nghiên cứu định tính và định lượng, song chủ yếu là định tính. Việc thu thập các dạng thông tin như sách vở, tạp chí, nhật ký, tiểu sử nhân vật, video, file ghi âm, tranh ảnh - các dạng thức này cung cấp thông tin thứ cấp cho chủ để nghiên cứu

Phân tích tài liệu là quá trình "gạn đục khơi trong" để đưa ra những thông tin đáng giá nhất phục vụ cho việc giải mã câu hỏi nghiên cứu.

Quan sát

Triết học thực chứng xuất phát từ khoa học tự nhiên, vốn đề cao việc quan sát ngay từ đầu. Tuy nhiên, kỹ năng này chưa được coi trọng đúng mực khi thực hiện triển khai khảo sát xã hội học, nhất là ở Việt Nam hiện nay. Quan sát được sử dụng rộng rãi trong Dân tộc học và Nhân học. Với cách tiếp cận như hiện này, quan sát có thể được chia làm hai dạng:

  • Quan sát tham dự: người quan sát trực tiếp tham gia và quá trình sinh hoạt, sinh sống của cộng đồng chứa khách thể quan sát. Người nghiên cứu thâm nhập và mô tả từ bên trong
  • Quan sát không tham dự: người quát sát gián tiếp tham gia và quá trình sinh hoạt của cộng đồng và cố gắng mô tả từ bên ngoài. Cách làm này đem lại sự an toàn cho người quan sát nhưng chất lượng thôn tin chỉ mang tính bề mặt, hiếm khi có được chiều sâu và điểm mới như quan sát tham dự

Khác với Nhân học hay Dân tộc học, do khách thể nghiên cứu là các nhóm xã hội vốn có số lượng rất lớn, vậy nên quan sát không tham dự tỏ ra là giải pháp phù hợp và khả thi hơn.

Sau khi lựa chọn phương pháp quan sát, ta có thể lên danh sách cho một số công cụ hỗ trợ trong việc ghi nhận thông tin quan sát. Gồm:

1/. Phiếu hướng dẫn quan sát: có hình thức tương tự với bảng phóng vấn cấu trúc, nhưng cách ghi nhận là việc quan sát có chủ đích. Các thông tin ghi nhận sẽ được "tick" vào phiếu quan sát và được sử dụng làm dữ liệu bổ sung cho nghiên cứu. Trong một số trường hợp, dữ liệu này sẽ góp phần tham chiếu câu trả lời của người tham gia phỏng vấn

2/. Máy ảnh: nên sử dụng các dòng máy ảnh nhỏ gọn như compact, mirrorless hoặc điện thoại, thay vì dòng máy DSLR chuyên nghiệp để tránh cồng kềnh do khi di chuyển. Ngoài ra, việc mang vác một chiếc máy to khiến bạn trở nên gần giống với nhà báo, sẽ khiến người dân có cảm giác đề phòng, giảm thiểu khả năng trả lời phóng vấn của ta về sau

3/. Thiết bị lưu GPS: quan sát địa thế của hộ dân trong mối tương quan với địa hình địa vật xung quanh sẽ hữu ích hơn nếu có công cụ hỗ trợ là bản đồ. Trên bản đồ, ta cần một điểm gốc làm tâm, đó chính là vị trí của hộ dân. Lúc này sử dụng thiết bị lưu GPS sẽ giúp ta đánh dấu căn nhà và quay trở lại khi cần thiết, nhất là khi nơi làm việc là "nhà không số, phố không tên". Vị trí của các hộ dân được trình diễn trên bản đồ cũng là cách thức để ta quan sát được phân bố của người dân trên thực địa, góp phần làm phong phú thêm thông tin khi diễn giải dữ liệu.

Phỏng vấn

Là cách thức sử dụng quá trình hỏi đáp có chủ đích để thu thập thông tin. Tất nhiên, phỏng vấn diễn ra giữa các lĩnh vực khác nhau cũng không hoàn toàn giống nhau. Phỏng vấn trong xã hội học có nhiều điểm gần gũi với phỏng vấn báo chí, nhưng đề cao tính khuyết danh và hỏi rất sâu về một chủ đề nào đó. Hai dạng phỏng vấn này khác với phỏng vấn tuyển dụng và hoàn toàn tách bạch với thẩm vấn điều tra tội phạm.

Phỏng vấn trong xã hội học được chia làm 3 dạng:

1/. Phỏng vấn cấu trúc: là dạng thu thập thông tin bằng việc sử dụng một bộ câu hỏi đã được cấu trúc hóa và phương án lựa chọn được chuẩn bị từ trước (questionnaire). Người điều tra viên cầm bộ câu hỏi để hỏi, thường là các câu hỏi đóng đã được cấu trúc hóa. Người tham gia khảo sát trả lời theo đúng trình tự có trong bộ câu hỏi ấy, không được làm khá đi. Dạng phỏng vấn này áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu định lượng hoặc thu thập thông tin nền (base line).

2/. Phỏng vấn phi cấu trúc: hay còn gọi là phỏng vấn sâu. Khác với dạng phỏng vấn cấu trúc ở trên, phỏng vấn sâu sử dụng hoàn toàn câu hỏi mở và khai thác rất sâu vào một khía cạnh nào đó. Phỏng vấn dạng này đòi hỏi người thực hiện có kinh nghiệm cao nhưng lại tạo nên được cảm giác linh hoạt và chiều sâu của thông tin thu về, góp phần lý giải nguyên nhân xảy ra hiện tượng

3/. Phỏng vấn bán cấu trúc: là kiểu phỏng vấn kết hợp ưu điểm của hai dạng phỏng vấn trên. Trong một số dự án nghiên cứu không đủ nguồn lực để tiến hành cả phỏng vấn cấu trúc và phỏng vấn sâu, người ta thường lựa chọn phỏng vấn bán cấu trúc. Điều tra viên sẽ tiến hành thu thập các thông tin đã được cấu trúc hóa thông qua việc "tick" vào các phương án lựa chọn đã được chuẩn bị từ trước với trình tự không đổi, song cũng ở mỗi phương án đấy điều tra viên được phép hỏi rộng ra khỏi khuôn khổ câu hỏi hoặc hỏi sâu thêm vào câu trả lời nhằm làm rõ các thông tin quan trọng. Các chú thích quan sát và cảm nhận của điều tra viên về người tham gia phỏng vấn cũng được phép ghi chép lại trong phiếu khảo sát bán cấu trúc.

Một số lệch lạc khi áp dụng PV bán cấu trúc

Khi quan sát các đề cương nghiên cứu của sinh viên Xã hội học hiện nay, chúng ta thấy có một điểm chung trong việc áp dụng phỏng vấn bán cấu trúc.

Về khách thể, dạng phỏng vấn này thường được giành cho những cán bộ, viên chức Nhà nước - những người được hiểu là không có nhiều thời gian. Tuy nhiên, điểm thứ hai - thời lượng giành cho các phỏng vấn này giao động trong khoảng 30 - 45 phút, nghĩa là không quá khác biệt với phỏng vấn cấu trúc và cũng chỉ thua phỏng vấn sâu tầm 15 - 20 phút. Thứ ba, cấu trúc của các câu hỏi hoàn toàn tương tự với phỏng vấn sâu.

Đây là cách áp dụng một cách máy móc phương pháp nghiên cứu, muốn làm dày đề cương thay vì lựa chọn phương pháp thu thập thông tin phù hợp. Ở điểm này, chúng ta cần hết sức tránh.

Phát vấn

Còn được gọi là phương pháp trưng câu dân ý. Do đặc thù ngành Xã hội học thu nhận thông tin theo nhóm với số lượng lớn nên việc thực hiện khảo sát bằng bảng hỏi được ưu tiên sử dụng thường xuyên.

Mặc dù vậy, thỉnh thoảng có một số khái niệm hay bị sử dụng nhầm lẫn - xuất phát từ việc chưa phân biệt “phát vấn” (poll) với “phỏng vấn cấu trúc” (structured interview). Hai phương pháp này khác nhau ở cách triển khai phiếu hỏi tới người tham gia khảo sát.

Như đã trình bày ở trên, phỏng vấn cấu trúc là việc bạn cầm phiếu hỏi đi hỏi người dân, sau đó tự điền câu trả lời vào phiếu hỏi; thông tin phỏng vấn cấu trúc thường được ghi nhận và trao đổi trực tiếp. Trong khi phát vấn là việc bạn đưa phiếu hỏi cho người tham gia khảo sát để họ tự điền câu trả lời vào, sau đó hẹn để tới thu lại. Phát vấn có thể phát trực tiếp cho một nhóm hoặc gửi phiếu khảo sát online qua mạng, khảo sát giấy qua bưu điện...

Câu hỏi được sử dụng trong phát vấn thường được thiết kế đơn giản, đẹp mắt dễ hiểu hơn so với câu hỏi trong phỏng vấn cấu trúc. Do đặc thù dễ bị từ chối cao khi thiếu đi sự tác động từ người khác, nên phương pháp phát vấn áp dụng khi cần thu nhận thông tin với số lượng lớn, trong khi phỏng vấn cấu trúc đảm bảo thông tin được tiếp nhận theo tiêu chí đúng và đủ.

Rủi ro bị từ chối khi phỏng vấn

Phỏng vấn là thời điểm mà người nghiên cứu tiếp xúc gần nhất với người dân, cũng là thời điểm dễ xảy ra các rủi ro mà người tham gia khảo sát chưa có kinh nghiệm dễ mắc phải. Bị từ chối hoặc bị dừng lại khi chưa kết thúc là rủi ro mà điều tra viên nào cũng có lần nhận phải, nhưng nguyên nhân dẫn tới rủi ro này lại rất nhiều.

Có một gợi ý để các bạn tham khảo, việc thuyết phục người dân đồng ý trả lời đôi khi phải tuân theo "tiêu chuẩn kép".

Không chỉ ở việc đề tài này có ý nghĩa như thế nào với xã hội, mà trước hết, vẻ bề ngoài của bạn phải phù hợp với bối cảnh: việc sở hữu một giọng nói hay, thái độ nhã nhặn, tác phong chuyên nghiệp, nụ cười tươi, ánh mắt sáng ... tất cả đều là vốn tự nhiên gián tiếp hỗ trợ bạn có được cái gật đầu của người dân.

Kế đến còn có thể kể đến khung thời gian phù hợp, tâm trạng của người dân ổn định, sức khỏe đảm bảo, an ninh an toàn tốt, Lúc này, việc bị từ chối hoặc bị dừng là điều có thể tránh khỏi. Nếu rủi ro vẫn xảy ra, ta nên nhẹ nhàng rời đi và tìm đến một hộ dân khác phù hợp hơn

Đặc biệt lưu ý, nếu hộ dân mà ta đến tạo cảm giác ban đầu không an toàn, đường xá xa xôi, thiếu ánh điện, nhất là khi điều tra viên là thiếu nữ trẻ, người trả lời là nam giới có vẻ bề ngoài không đàng hoàng, lại yêu cầu vào trong nhà phỏng vấn một mình. Lúc này chính điều tra viên lại nên là người chủ động từ chối để tránh rủi ro đáng tiếc.

Kết luận

Không có phương pháp nào mạnh hơn phương pháp nào mà chỉ có phương pháp nào là phù hợp với đặc thù của nghiên cứu.

Kinh tế học, Tâm lý học có thế mạnh về nghiên cứu định lượng; Nhân học, Dân tộc học có thể mạnh về nghiên cứu định tính. Xã hội học tiên phong trong việc kết hợp các thế mạnh nghiên cứu nên thường sử dụng song song cả hai phương pháp. Nghiên cứu định lượng áp dụng cho các khách thể tầm vĩ mô và trung mô, trong khi định tính tỏ ra rất hữu dụng khi áp dụng khi nghiên cứu tầm vi mô. Các bạn có thể đọc thêm về phương pháp nghiên cứu hỗn hợp (mixed methodoogy research) tại bài viết này

Thống kê xã hội học và phân tích diễn ngôn đều là những kỹ thuật chủ lực trong nghiên cứu xã hội học hiện nay

Hy vọng bài viết bày giúp ích được cho các bạn!

---

Tài liệu tham khảo chính:

  1. Gordon Mace & Francois Petry (2013), “Cẩm nang xây dựng dự án nghiên cứu trong khoa học xã hội”, NXB Tri thức
  2. Michel Beaud (2014), “Nghệ thuật viết luận văn”, NXB Tri thức
  3. Nguyễn Xuân Nghĩa (2010), “Phương pháp & kĩ thuật trong nghiên cứu xã hội”, NXB Phương Đông
  4. Nguyễn Văn Tuấn (2018), “Phân tích dữ liệu với R”, NXB Tổng hợp TP. HCM
  5. Nguyễn Văn Tuấn (2018), “Đi vào nghiên cứu khoa học”, NXB Tổng hợp TP. HCM
  6. Phan Văn Quyết & Nguyễn Quý Thanh (2001), “Phương pháp nghiên cứu Xã hội học”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội