Văn hóa, Tiểu văn hóa và Phản văn hóa là ba khái niệm quan trọng trong Xã hội học, thể hiện cách các nhóm người trong xã hội thể hiện giá trị, niềm tin và hành vi của họ. Văn hóa là tổng thể những giá trị, niềm tin, quy tắc, tập quán và hành vi mà một cộng đồng hoặc xã hội coi là chuẩn mực. Văn hóa (culture) bao gồm các khía cạnh vật chất (như nghệ thuật, công cụ) và phi vật chất (như ngôn ngữ, tư tưởng, tôn giáo) - do con người sáng tạo ra trong quá trình tương tác xã hội. Trong Xã hội học, văn hóa không chỉ là những điều mà chúng ta thấy và nghe, mà còn là cách xã hội tổ chức cuộc sống và trao đổi ý nghĩa giữa các cá nhân và nhóm ; văn hóa là hệ thống bao gồm các giá trị, chuẩn mực, ngôn ngữ và biểu tượng - có chức năng định hướng cho hành động của các cá nhân trong xã hội.
Tiểu văn hóa (sub-culture) là nhóm nhỏ trong xã hội lớn có lối sống, giá trị và niềm tin riêng, tuy nhiên vẫn tuân theo các quy tắc và chuẩn mực chung của xã hội. Những người trong tiểu văn hóa chia sẻ những đặc điểm riêng biệt (như trang phục, ngôn ngữ, hành vi) để tạo sự khác biệt với văn hóa chủ đạo nhưng không nhất thiết đối lập hay phủ nhận nó. Ví dụ, các nhóm nhạc underground, cộng đồng LGBTQ+ hay các nhóm học thuật - có thể được xem là những tiểu văn hóa.
Phản văn hóa (counter-culture) là các nhóm xã hội có quan điểm, niềm tin và hành vi phản đối, thách thức hoặc đối lập với văn hóa chủ đạo. Những nhóm này thường từ chối các giá trị chung và tìm cách xây dựng một hệ thống giá trị khác. Phản văn hóa thường gắn liền với các phong trào xã hội hay chính trị có xu hướng cách mạng. Trong Xã hội học, phản văn hóa vẫn được coi là một dạng văn hóa. Lúc này, phản văn hóa có thể được xem như một tập hợp con của văn hóa bởi vì nó vẫn bao gồm các yếu tố như tư tưởng, quy tắc ứng xử, biểu tượng và phong cách sống. Sự khác biệt ở đây là phản văn hóa từ chối hoặc phản đối những giá trị thống trị (dominant values) trong xã hội, tìm cách thay thế bằng những giá trị và niềm tin khác.
Mặc dù đối lập, phản văn hóa không thể tách rời khỏi tổng thể văn hóa vì nó phát sinh từ sự xung đột và tương tác với văn hóa chủ đạo. Ví dụ, phong trào hippie ở Mỹ trong thập niên 1960, dù mang tính chất phản đối các giá trị vật chất và chiến tranh, vẫn là một phần của tổng thể văn hóa xã hội Mỹ trong thời kỳ đó. Nó tạo ra một hệ thống giá trị riêng, nhưng không thể tồn tại ngoài khung cảnh văn hóa mà nó chống lại. Do đó, phản văn hóa cũng là một biểu hiện của văn hóa, chỉ khác ở chỗ nó đối lập hoặc xung đột với các giá trị chung, thay vì hòa nhập vào chúng.
Từ quan điểm Xã hội học, việc nghiên cứu văn hóa, tiểu văn hóa và phản văn hóa giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự đa dạng, xung đột và sự thay đổi trong cấu trúc xã hội, cũng như cách mà các giá trị và niềm tin định hình hành vi của con người. Hãy cùng tìm hiểu các khái niệm thú vị này qua bài viết dưới đây nhé ^^
---
---
Huế, 10:47 PM 10/21/2024
(*) Bài viết nằm trong khuôn khổ của Mini project "SI1M" (Sociology in 1 minute | Xã hội học trong 1 phút). Vui lòng trích nguồn khi sử dụng bài viết.
---
Media Team, Sociology Hue - HUSC
Content & Design: Tuấn Long