Đối tượng nghiên cứu không chỉ đơn thuần là sự vật, hiện tượng

Tuấn Long

Nghiên cứu

Nghiên cứu khoa học

01 Tháng Sáu, 2024

Đối tượng nghiên cứu không chỉ đơn thuần là sự vật, hiện tượng

(*) Vào cuối tháng 05.2024 có một bạn đọc gửi cho mình mấy câu hỏi qua email. Mình thấy câu hỏi của bạn ấy khá hay nên đã trả lời và chia sẻ lên đây để bạn nào quan tâm có thể cùng tham khảo. Khi viết blog này mình chỉ đơn giản là chia sẻ chút hiểu biết của bạn thân trong quá trình tự học, tự nghiên cứu nên cá nhân mình cũng rất trân quý những bạn đọc đã liên hệ với mình để làm rõ thêm những nội dung mà mình từng viết trước đó.

Xin phép được dấu tên bạn và một lần nữa cám ơn câu hỏi của bạn <3

=====

Bạn đọc:

Chào Thầy Tuấn Long,

Khi đọc bài viết của Thầy về sự "phân biệt Đối tượng nghiên cứu", đúng là hiện nay nhà nghiên cứu cũng lăn tăn, mình có một vài nghĩ thế mong được chia sẻ để mình được hiểu rõ:

(1) Đối với đề tài NC định tính, ví dụ mình nghiên cứu về giải pháp vấn đề kẹt xe của TP.HCM thì đối tượng nghiên cứu là vấn đề kẹt xe, hoặc nghiên cứu về phát triển thương hiệu cho công ty ABC thì đối tượng nghiên cứu là thương hiệu

(2) TUY NHIÊN, nếu nghiên cứu định lượng, ví dụ Quản trị công ty ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Vậy đối tượng nghiên cứu gồm Quản trị công ty VÀ Lợi nhuận, hay đối tượng NC là ảnh hưởng của quản trị công ty đến lợi nhuận ?

Mong nhận được sự giải đáp của Thầy

Trân trọng cảm ơn

p/s: (*) Đối tượng: Là từ chỉ sự vật. Trả lời cho câu hỏi chúng ta nghiên cứu cái gì? Các hiện tượng, biểu hiện, hoạt động, sự kiện... được khoa học quan sát, nghiên cứu, phân tích - đều được gọi là đối tượng nghiên cứu. Ví dụ: hiện tượng tiêu cực, biểu hiện suy thoái, hoạt động kinh doanh, thói quen uống coffee...

---

Trả lời:

Chào bạn, câu hỏi của bạn rất hay.

Thông thường, nghe tên đề tài là có thể phán đoán được đâu là đối tượng nghiên cứu nếu thuần túy hiểu "đối tượng là sự vật hiện tượng". Tuy nhiên khi bắt tay vào nghiên cứu thì câu chuyện lại không đơn giản như vậy vì không phải lúc nào nghiên cứu cũng chỉ dừng lại ở mô tả cho một sự vật hiện tượng nào đó cụ thể (vd: nạn kẹt xe hoặc gian lận học thuật...), mà đôi khi còn bao hàm cả việc chỉ ra mối liên hệ giữa các hiện tượng (vd: ảnh hưởng của hệ thống quản lý giao thông tới tình trạng kẹt xe hoặc tác động từ nhận thức về đạo đức nghề tới hành vi gian lận học thuật...)

Câu hỏi mà bạn đưa ra thuộc tình huống thứ hai, nghiên cứu nhằm chỉ ra mối liên hệ để có thể tiến tới giải thích nhân - quả. Trong đó, theo logic thông thường thì "quản trị" là nguyên nhân, "doanh thu" là kết quả. Theo kiến thức của mình, đối với tình huống nghiên cứu cần chỉ ra mối liên hệ như thế này, thì bản thân đối tượng nghiên cứu cũng phải phản ánh được mối liên hệ giữa các hiện tượng thay vì chỉ mô tả chúng một cách độc lập.

Theo đó, đối tượng nghiên cứu của bạn trong trường hợp này sẽ không chỉ bao gồm mô tả hệ thống "quản trị" và "lợi nhuận" một cách rời rạc, mà sẽ là "các tác động của hệ thống quản trị tới lợi nhuận của doanh nghiệp". Từ cơ sở đó, bạn sẽ tiến tới việc đưa ra được một giải thích phản ánh mối quan hệ nhân quả giữa "quản trị" và "lợi nhuận" và có định hướng để "call for action".

Cám ơn bạn đã đọc bài viết,

Hy vọng có thể phần nào giải đáp được thắc mắc của bạn nhé !

=====

Bạn đọc:

Chào Thầy,

Cám ơn Thầy rất nhiều về trả lời câu hỏi nhanh chóng và tâm huyết để diễn đạt nội dung dễ hiểu. Mình rất đồng thuận với quan điểm của Thầy. Mình cũng đang nghiên cứu, tuy nhiên Hội đồng thường hay lăn tăn những việc như vậy. Tuy nhiên, có 1 vấn đề chia sẻ thêm 1 tí nữa cho rõ ý là như trao đổi của Thầy: Nội dung của mình đúng là tình huống dạng thứ 2. Không chỉ BAO GỒM mô tả hệ thống "quản trị" và "lợi nhuận" một cách rời rạc, mà sẽ là "các tác động của hệ thống quản trị tới lợi nhuận của doanh nghiệp".

Nếu như nội dung mình hỏi bàn đầu, Quản trị công ty ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp thì:

(1) Đối tượng nghiên cứu là "ảnh hưởng của quản trị đến lợi nhuận" HAY (2) Đối tượng nghiên cứu là "quản trị", "lợi nhuận" VÀ "ảnh hưởng của quản trị đến lợi nhuận". Mình cũng đang đang nghiên cứu, còn những vướng mắc mong được chia sẻ, và mong nhận được sự đồng quan tâm, chia sẻ nhau kiến thức của Thầy.

Một lần nữa cảm ơn Thầy !

---

Trả lời:

Chào bạn,

Chữ "và" chỉ là liên từ giúp đưa các biến số đó vào trong một tập hợp chứ chưa đủ để nói lên mối liên hệ giữa các biến số này, vì thế mà cách dùng từ "quản trị", "lợi nhuận" và "ảnh hưởng..." tạo nên sự rời rạc. Như mình chia sẻ hôm qua thì chính là phương án "ảnh hưởng của quản trị tới lợi nhuận". Bạn phát biểu thành một câu hoàn chỉnh như thế thì sẽ rõ ràng hơn bạn nhé.

Thân ái !

---

(*) Các bạn có thể xem thêm bài viết "Làm thế nào để phân biệt đối tượng và khách thể nghiên cứu" [tại đây]

---

Huế, 11:23 AM 6/1/2024