Để học sinh được đi làm thêm - Nên hay không nên ?

Tuấn Long

Sự kiện

Sự kiện & Bình luận

08 Tháng Tư, 2024

Để học sinh được đi làm thêm - Nên hay không nên ?

(*) Bài viết dưới đây là toàn văn nội dung mình trả lời phỏng vấn từ nhà báo Nguyễn Hà về việc có nên để học sinh từ 15 - 18 tuổi đi làm thêm như một hình thức lao động, song song với việc học không. Một số ý kiến đã được được trích ra và đăng trên báo Sài Gòn giải phóng online. Các bạn có thể xem bài báo đó [tại đây] (thực hiện tháng 04.2024).

---

1 - Sự thay đổi trong mục tiêu giáo dục thông qua hoạt động lao động

Ngoài nhiệm vụ học tập, học sinh còn phải lao động. Nếu nhìn nhận làm việc / làm thêm như một dạng lao động và thụ hưởng các lợi ích giáo dục từ các hoạt động lao động đó thì trên thực tế, việc học sinh làm lao động không phải là chuyện mới. Từ trước đến nay, các cấp học tại Việt Nam đã bao gồm một số hoạt động lao động và xem nó như một phần của quá trình giáo dục - đào tạo. Trước đây do áp dụng mô hình giáo dục của Liên Xô, mà ngoài các môn học chính khóa như Toán và Ngôn ngữ, các em học sinh còn được tham gia học thêm giờ "lao động" (labor / труд) - bản chất là tham gia trải nghiệm học kỹ năng thực hành các nghề nghiệp cơ bản như mộc, cơ khí, xây dựng....

Tuy nhiên, thời điểm đó Việt Nam chưa có đủ điều kiện vật chất để tạo ra các lớp học như vậy, nên từ cấp II, các giờ lao động nghề nghiệp được chuyển sang dạng "lao động công ích", các lớp sẽ tiến hành dọn dẹp khuôn viên trường theo giờ quy định trong tuần. Mỗi lớp còn cử ra một chức lớp phó, phụ trách quản lý lớp trong việc lao động gọi là "lớp phó lao động" và sẽ đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh dựa vào quá trình tuân thủ hoạt động này.

Việc lao động công ích như trên, không chỉ có mục tiêu giúp học sinh ý thức được tầm quan trọng của lao động, mà còn giáo dục nhận thức cho các em biết yêu quý và tôn trọng người lao động để từ đó trở thành một công dân có ích cho xã hội. Chính vì giúp ích cho xã hội và là một phần của quá trình giáo dục, nên tất nhiên, các hoạt động lao động này của các em sẽ không được trả công mà chỉ được quy đổi thành điểm hạnh kiểm. Nghĩa là học sinh bỏ công sức ra để nhận lại sự đánh giá về đạo đức của nhà trường như một lẽ thường.

---

Tuy nhiên, mục tiêu giáo dục thông qua lao động này có thể đã trở nên khác biệt so với cách nghĩ của nhiều người dân Việt Nam hiện nay.

Trước hết, Việt Nam đang trở thành một quốc gia công nghiệp mà một trong những biểu hiện cơ bản nhất của xã hội công nghiệp là sự phân công trong lao động. Trong xã hội công nghiệp đó, công việc được chuyên môn hóa cao độ, mỗi người sẽ đảm nhiệm một đầu việc cụ thể nào đó nhằm đảo bảo cả bộ máy kinh tế của tổ chức / doanh nghiệp / đất nước được vận hành trơn tru và mỗi người sẽ nhận việc dựa trên năng lực cũng như kỹ năng mà họ được đào tạo. Theo đó, việc lao động công ích / dọn dẹp sẽ là công việc của đội ngũ lao công, còn học sinh - sinh viên tập trung tối đa vào việc học với hy vọng ra trường được làm đúng chuyên môn với mức lương xứng đáng.

Lúc này, trong suy nghĩ của phụ huynh và học sinh Việt Nam dần dần hình thành nên những quan niệm thực dụng, đề cao tính cá nhân cụ thể hơn là đóng góp cho cộng đồng một cách mơ hồ.

Theo đó, học sinh cần phải giành thời gian để (1) làm những công việc sao cho "có giá trị", (2) được trả công tương xứng với nỗ lực bỏ ra, cũng như (3) giúp ích cho cơ hội phát triển bản thân sau này thông qua các kỹ năng công việc và trải nghiệm môi trường nghề nghiệp tại nơi làm việc. Những công việc lao động công ích trước đây sẽ có người khác đảm nhiệm, còn học sinh - sinh viên dần nhắm tới dạng lao động được trả công, với tiền công có thể là tiền bạc cũng có thể là cơ hội xã hội.

Đây cũng là lúc manh nha nên động lực đi làm thêm, kiếm tiền để không chỉ đáp ứng cho các nhu cầu ngày càng đa dạng của bản thân, mà chính các em học sinh cũng không còn sợ bị xã hội / nhà trường và gia đình chỉ trích.

---

Có thể nói, tuy chính sách cho học sinh đi làm thêm là thứ mà ta đang nhìn thấy hiện nay, nhưng chính sách thực ra chỉ là sự thiết chế hóa cho các hoạt động làm thêm ngoài giờ học vốn đã được các em học sinh thực hiện từ trước đó khá lâu. Các hoạt động làm thêm ngoài giờ học này xuất hiện, và phát triển nhanh chóng tới mức đã xảy ra nhiều bất cập, dẫn đến việc phải có một khung khổ pháp luật để quản lý cũng như xử lý các trường hợp không hay xảy ra.

Cho nên về mặt Giáo dục việc các học sinh đi làm thêm có thể giúp các em đạt được các mục tiêu giáo dục nhân bản như chính sách này kỳ vọng và chính sách cũng có thể khả thi đi vào thực tiễn vì chúng đáp ứng đúng hiện trạng xã hội cũng như nhu cầu của xã hội hiện giờ. Để cho học sinh được đi làm thêm và xây dựng chính sách cho nó là việc làm đúng đắn, khả thi. Và chuyện này sẽ còn đúng đắn, khả thi hơn nếu chúng ta không chủ quan, ngược lại, dám nhìn thẳng vào những bất cập có thể xảy ra trong chuỗi sự kiện tốt đẹp kể trên như hai mặt của một đồng xu.

Việc học sinh đi làm thêm có thể bao gồm các lợi ích giáo dục tốt đẹp và cũng có thể xảy ra các rủi ro mà không một ai trong xã hội mong đợi, đặc biệt là các vị phụ huynh.

---

2 - Những bất cập có thể xảy ra khi học sinh đi làm thêm

Đã có khá nhiều nguồn tin nói về những bất cập mà học sinh đi làm thêm có thể xảy ra, đặc biệt là các quan điểm bảo thủ, xem việc đi làm thêm là "cái rốn" của những rủi ro. Những suy nghĩ này hoàn toàn không phải vô căn cứ. Mình sẽ dựa vào các tiêu chí cần có khi đi làm thêm để làm rõ các bất cập cũng như rủi ro này. Để đi làm thêm, học sinh cần những thứ sau:

  • (1) Thời gian ;
  • (2) Loại hình công việc ;
  • (3) Yêu cầu về thái độ làm việc ;
  • (4) Ý thức về quyền của bản thân ;
  • (5) Kỳ vọng của bản thân và tự trọng của gia đình

---

(1) Trước hết là bất cập về THỜI GIAN

Thời gian học của học sinh khác hoàn toàn với sinh viên. Sinh viên học theo hệ tín chỉ với thời gian biểu linh hoạt, có thể học trước hoặc học sau, miễn là sau thời gian đào tạo có thể tích lũy đủ số tín chỉ thì sinh viên đó có thể ra trường. Trong khi chương trình học của học sinh lại được thiết kế theo hệ niên chế, mỗi năm sẽ có quy định cụ thể và đồng bộ về chương trình học mà người học không thể tự ý thay đổi. Sinh viên ra trường muộn là chuyện bình thường, nhưng học sinh bị lưu ban mà không có lý do chính đáng là chuyện mà các bậc phụ huynh không dễ chấp nhận trong môi trường giáo dục Việt Nam hiện nay.

Đó là chưa nói tới chương trình THPT của Việt Nam khá nặng, lớp 12 là năm cuối cấp - các em học sinh phải dành thêm thời gian cho việc học thêm, thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Việc đi làm thêm có thể ngốn một lượng thời gian tương đối lớn của các em học sinh. Kể cả khi có sắp xếp được thời gian học thêm và học chính khóa thì cũng chỉ còn buổi tối là thời gian thích hợp để đi làm. Vậy, học sinh lấy đâu ra thời gian để nghỉ ngơi ?

---

(2) Kế đến là bất cập về LOẠI HÌNH công việc

Yêu cầu về công việc thường bao hàm yêu cầu kỹ năng và yêu cầu về thái độ. Những công việc mà các em học sinh có thể làm nên tương ứng với kỹ năng và sức khỏe của các em. Trừ phi các em không có lựa chọn nào khác, những công việc nặng nhọc như mang vác vật liệu xây dựng, thợ nề, làm thợ quét đường... nên là các công việc cần tránh vì chúng ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển thể chất của các em. Ngược lại, những công việc như làm gia sư, bán hàng online, phục vụ cà phê, bán hàng cho các shop áo quần ... nên là những công việc được ưu tiên hơn. Chúng cho các em thu nhập, trải nghiệm nghề nghiệp đa dạng mà không lấy đi của các em quá nhiều năng lượng.

Bất cập xảy ra ở chỗ, trong khi thị trường việc làm còn rất ảm đạm thì những công việc mà các em học sinh được khuyên làm cũng là những công việc mà giới sinh viên cũng có thể làm, thậm chí là làm tốt hơn với chí phí thấp hơn. Học sinh sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với sinh viên và rất có thể sự thất bại trong tìm kiếm công việc lý tưởng có thể sẽ dẫn tới công việc mà các em không mong muốn.

---

(3) Bất cập về tính cách và THÁI ĐỘ cũng không thể xem nhẹ

Ai từng làm cha, làm mẹ chắc cũng đều trải qua cảm giác bất lực trước sự khó bảo của con mình trong giai đoạn từ lớp 8 cho đến lớp 11. Đây có thể xem là giai đoạn "khó bảo" nhất của các em học sinh. Giai đoạn này tương ứng với thời gian các em bắt đầu dậy thì với những sự biến đổi về tâm tính.

Suy nghĩ đi tìm cái tôi và khẳng định cái tôi trỗi dậy, lớn hơn bao giờ hết và rất dễ nảy sinh ra các hành động bộc phát khi mọi thứ không đi theo ý mình. Hãy thử đặt những tâm tính đó vào môi trường làm việc, nơi mà những người đồng nghiệp không phải là người thân, không phải gia đình, không phải thầy cô - ngược lại - chỉ toàn là những người xa lạ mà không phải ai trong số đó cũng dễ dàng thấu cảm và thông cảm cho các tâm tính trái nết đó của các em.

Không dễ để các em có thể điều chỉnh hành vi của mình trong một sớm một chiều. Trên thực tế, xung đột giữa người làm chủ và người làm thuê - là thứ hoàn toàn có thể xảy ra mà sự ức chế do không đủ kinh nghiệm giải quyết sẽ là cảm giác mà các em phải nhận. Nếu các em sống trong một gia đình hạnh phúc, bao dung, có thể các em sẽ có đủ năng lượng để vượt qua ; ngược lại, nếu gia đình quá thực dụng, đề cao vật chất thì có thể sẽ bỏ qua áp lực vô hình này mà đòi hỏi những điều vượt quá tâm trí đang còn non nớt của các em. Các hành vi lệch lạc cũng có thể từ đó mà hình thành.

Người lớn khi bị áp lực trong công việc có thể nghĩ tới chuyện tự tử, vì sao những người làm chính sách và xã hội lại có thể bỏ qua các em ?

---

(4) Ý thức về QUYỀN CỦA BẢN THÂN là chuyện nói dễ hơn làm

Vì như đã phân tích ở trên, các em chưa đủ kinh nghiệm sống và không phải ai cũng đủ may mắn được tiếp thu một nền giáo dục nhân bản mà ở đó, người ta giúp các em ý thức được tầm quan trọng của bản thân cũng như nhận thức được những quyền cơ bản mà một người có thể có là gì. Khi chính sách đi vào thực tiễn, các em học sinh sẽ trở thành người lao động thực thụ, hưởng những quyền lợi mà một người lao động được hưởng và bị ràng buộc vào các điều kiện lao động do bên tuyển dụng đưa ra.

Bất cập sẽ xảy ra ở chỗ, khi mà các cử nhân còn đang xếp hàng dài trước văn phòng tuyển dụng thì các công ty / doanh nghiệp sẽ chưa đủ sẵn sàng về mặt tâm lý để nhận những học sinh cấp III đang còn trái tính trái nết lại chưa được trải qua qua đào tạo bài bản vào làm (trừ phi đó là các cá nhân thực sự xuất sắc).

Như vậy, các em học sinh sẽ phải tính tới chuyện làm việc cho các tổ chức / doanh nghiệp chưa có tên tuổi, thậm chí là "làm chui" dù trong hình thức online hay offline. Ở những môi trường như thế này, ngay cả khi bản thân học sinh đã mang trong mình ý thức về quyền lợi chính đáng của một người lao động, thì cũng không vì thế mà doanh nghiệp sẽ đảm bảo các quyền lợi chính đáng đó cho các em. Suy cho cùng, doanh nghiệp mới là người có quyền ra quyết định có tuyển dụng các em vào làm hay không. Chỉ cần lấy lý do không tuyển học sinh cấp III thì cái được gọi là ý thức về quyền đó cũng trở nên vô giá trị. Để vào làm, các học sinh cần tỏ ra "biết điều", gác lại ý thức về "quyền" và đó là lúc mà các em có thể bị lợi dụng và lạm dụng sức lao động.

---

(5) Bất cập giữa kỳ vọng của bản thân và tự trọng của gia đình

Bản thân người đi làm có thể mang trong mình nhiều kỳ vọng. Một trong những kỳ vọng đó là cảm giác "tự do tài chính". "Tự do tài chính" và "tự trọng của gia đình" - tuy hai mà một.

Khi các cá nhân đủ lớn, bất cứ ai cũng hướng tới chuyện tự do tài chính. Khả năng tự do tài chính không chỉ là khát khao các cá nhân mà còn là kỳ vọng của xã hội. Các kỳ vọng này ăn sâu vào tiềm thức của các cá nhân từ khi còn nhỏ thông qua quá trình xã hội hóa. Tới một thời điểm nào đó, các cá nhân sẽ nhận ra rằng "tự do tài chính" là cái gì đó mang lại cho họ sự tự hào, tự tin và tự trọng. Ngược lại, các cá nhân chưa thể làm chủ được tài chính sẽ xuất hiện cảm giác tự ti, lo sợ và xấu hổ. Giá trị xã hội đang định hướng cho hành vi của các cá nhân. Các em học sinh đi làm thêm với động lực sớm đạt được tự do tài chính cũng là hệ quả của quá trình trên.

Tuy nhiên, nếu nhu cầu về tự do tài chính xuất hiện ở độ tuổi 25 là chuyện hết sức bình thường, thì việc xuất hiện sớm quá, ví dụ 15 - 18 tuổi, có thể sẽ mang lại bất cập ở khía cạnh quan hệ gia đình, cụ thể là tự trọng của các vị phụ huynh. Chúng ta đang sống trong môi trường Á Đông, vì thế những người làm chính sách cũng cần phải hiểu điều tế nhị mà không phải ai cũng dám nói ra trước công chúng.

Suy cho cùng, không có bố mẹ nào không muốn lo cho con và càng không có bố mẹ nào muốn con mình phải lao tâm khổ tứ quá sớm cho việc chạy ăn chạy mặc. Nói cách khác, để con cái thiếu thốn là chuyện không thể chấp nhận đối với bậc làm cha làm mẹ. Chúng ta cũng cần hiểu thêm rằng, ngay cả khi con em họ không có ý định thi vào đại học thì việc bán sức lao động để kiếm tiền cũng đã là một rào cản quá lớn đối với tự trọng của các vị phụ huynh, vì hàng xóm và những người xung quanh có thể đặt câu hỏi về lý do mà các em phải đi làm: Phải chăng, bố mẹ của các em không chăm sóc được cho các em ?

---

Cho nên khát khao "tự do tài chính" là một động cơ đúng đắn, nhưng sẽ không phù hợp lắm khi biến nó thành một giá trị phổ quát để đòi hỏi mọi cá nhân trong xã hội này phải làm theo. Chúng có thể thể trở thành áp lực và gánh nặng tâm lý không đáng có cho các em học sinh.

Thay vì giúp các em nhìn vào một bức tranh lớn hơn như học đại học, đi làm cho một doanh nghiệp có tên tuổi, tích lũy kiến thức & kinh nghiệm để thăng tiến và đạt tới ngưỡng tự do tài chính một cách bền vững, việc đi làm thêm có thể khiến các em rơi vào cái bẫy tài chính trước mắt, với những khoản thu nhập nhỏ chỉ đủ để mua vài bộ áo quần nhưng lại ảo tưởng rằng đó đã là "tự do tài chính".

Vòng xoáy luẩn quẩn giữa "tự trọng của gia đình" và "ảo tưởng tự do tài chính" có thể sẽ khiến cho nền móng của các em bị lung lay. Đây là việc mà không một người làm chính sách nào hướng tới nhưng cũng không nên vì thế mà bỏ qua. Chúng khó nói thành lời và vì thế mà càng nguy hại hơn chỉ vì không ai nhìn thấy hay thừa nhận.

---

3 - Gợi ý về chính sách cho Việt Nam

Suy cho cùng, dù ở Tây hay ở Ta, mỗi người cũng chỉ có 24 giờ / ngày, trong đó có 8h làm việc theo quy định của luật lao động. Cho nên việc hạn mức thời gian chỉ là các chỉ báo để thiết chế hóa các hoạt động thực tiễn vốn đã xuất hiện trong xã hội Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhưng ta cần hiểu rằng, đây không phải là thứ quyết định duy nhất để đưa chính sách này trở nên khả thi.

Thói quen văn hóa, định hướng giá trị, nhu cầu xã hội và các yếu tố tâm lý lứa tuổi - cũng là các yếu tố ẩn (latent factor) mà người ta cần tính đến khi để việc học sinh đi làm thêm trở thành một phần khả thi của chính sách. Học sinh chính là chủ thể của hiện tượng và là một mắt xích quan trọng trong mối quan hệ lao động - việc làm song song với gia đình / nhà trường và nhà tuyển dụng. Tất cả đang sống trong một bối cảnh văn hóa xã hội phức tạp mà ở đó, môi trường làm việc tại các quốc gia phương Tây có thể tồn tại những điểm không tương đồng với xã hội Việt Nam.

Chính sách muốn trở nên khả thi thì không nên chỉ bê những gì mà Phương Tây đã làm vào trong xã hội Việt Nam vì thành công của họ không nhất thiết cũng là thành công của Việt Nam. Ngược lại, nếu bỏ qua các yếu tố thuộc về bản sắc của Việt Nam thì chính sách này sẽ chỉ là một văn bản dưới luật không hơn không kém. Khi chính sách không phù hợp với người dân, họ sẽ không làm theo. Điều này không chỉ gây ra khó khăn trong quản lý mà còn có thể trở thành điều kiện để các hoạt động bất hợp pháp có cơ hội được nảy nở. Đến khi mọi chuyện trở nên mất kiểm soát, không biết chừng người ta sẽ xem việc học sinh đi làm thêm là vấn nạn của xã hội và đề ra một loạt chính sách khác để kiểm soát việc này cũng nên.

Tóm lại, không có đúng sai tuyệt đối trong chính sách, chỉ có sự phù hợp hay không phù hợp. Để học sinh Việt Nam được đi làm thêm là chuyện nên làm, xây dựng chính sách quản lý là chuyện cần làm và tạo nên những cơ chế quản lý phù hợp với bản sắc văn hóa - xã hội Việt Nam là chuyện chắc chắn phải làm. Khi đó, chính sách sẽ khả thi và các mục tiêu giáo dục đặt ra có thể sẽ trở thành hiện thực.

---

Huế, 5:07 PM 4/8/2024