Tác động của truyền thông xã hội đến sự kiện “mùa xuân Ả Rập”

Tuấn Long

Sự kiện

Xã hội học Chính trị

11 Tháng Hai, 2024

Tác động của truyền thông xã hội đến sự kiện “mùa xuân Ả Rập”

---

(*) Bài luận này của bạn Lê Minh Tuấn, mình đọc thấy hay nên biên tập lại và share lên đây.

---

Ngược dòng chảy của thời gian trở về khoảng thời gian cuối năm 2010 - đầu năm 2011, một sự kiện gây nên sự rung chuyển của các nước thuộc thế giới Ả Rập (Bắc Phi và Trung Đông) chưa từng có tiền lệ - “Mùa Xuân Ả Rập” hay “Cách mạng truyền thông”, một làn sóng “cách mạng” nổi dậy để phản đối chính quyền các nước tại đây nhằm đòi quyền “dân chủ”. Thế nhưng đó không phải là sự bắt đầu của một mùa xuân của sự sinh sôi, mùa của trăm hoa khoe sắc mà là một “mùa xuân” của sự khủng hoảng và suy thoái toàn diện về cả chính trị, kinh tế, văn hoá, an ninh và xã hội của toàn khu vực. Và tôi tự đặt câu hỏi cho mình là “Vậy thì vì đâu nên nổi và tại sao lại là “Cách mạng truyền thông”?”.

Nguồn căn của “Mùa Xuân Ả Rập” là các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình chưa từng xảy ra trước đây tại các quốc gia ở thế giới Ả Rập như Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen, Sudan, Libya, Oman,… Các cuộc biểu tình này là hàng loạt các hành động chống đối dân sự như tự thiêu, diễu hành, bạo loạn, tại nhiều quốc gia thậm chí còn phát triển thành nội chiến.

---

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra cho sự kiện chấn động thế giới này chẳng hạn như vấn nạn tham nhũng, các vi phạm về nhân quyền,... và tình trạng đói nghèo cùng cực do sự tăng giá lương thực từ cuộc khủng hoảng lương thực 2007-2008 được xem là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, Mùa Xuân Ả Rập lại không xuất hiện tại các quốc gia đói nghèo mà xảy ra tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất Bắc Phi và Trung Đông. Trước khi Mùa Xuân Ả Rập xảy ra, đây đều là các nước có mức độ phát triển về giáo dục và kinh tế ở mức cực kỳ cao trên toàn thế giới, một số quốc gia được xếp hạng hàng đầu về chất lượng giáo dục cũng như phát triển kinh tế như Tunisia, Libya hay Ai Cập. Tuy nhiên, mức độ phân hoá giàu nghèo tại các quốc gia này vô cùng lớn, mức sống của dân nghèo không được chính phủ quan tâm, tình trạng tham nhũng hoành hành, nội bộ chính trị mất đoàn kết, từ đó hình thành lợi ích giữa các phe phái, tạo điều kiện để các thế lực nước ngoài dễ dàng tham dự vào nội bộ của các quốc gia này nhằm gây nên sự hỗn loạn về chính trị và dẫn đến khủng hoảng và xung đột.

Từ góc nhìn của nhiều chính trị gia, nhiều nguồn ý kiến cho rằng Mùa Xuân Ả Rập thực chất là cuộc chính biến được sắp đặt và giật dây bởi các thế lực bên ngoài cụ thể là các nước phương Tây, làm cho chính quyền xáo trộn và sụp đổ. Bên cạnh đó, tại các quốc gia này còn phát triển các tổ chức dưới danh nghĩa phi chính phủ, đầu tư cho mạng xã hội phát triển và hậu thuẫn cho các lực lượng chính trị đối lập để chuẩn bị cho các cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền đương nhiệm và thiết lập chính quyền mới, từ đó có thể tha hồ can thiệp vào các mỏ dầu khổng lồ của các nước Bắc Phi và Trung Đông để hưởng lợi về cho mình.

Khi mà mọi sự chuẩn bị đã sẵn sàng, nhân dân nghèo đói tại thế giới Ả Rập đã đắm mình trong viễn cảnh “thiên đường” nếu như có một cuộc cách mạng nổ ra do sự lan truyền của mạng xã hội, mở màn của sự kiện là ngày 17/12/2010 - Mohamed Bouazizi, một người bán hàng rong ở Tunisia đã tự thiêu (chết sau đó hai tuần) để phản đối việc bị tịch thu xe bán hàng rong, phương tiện kiếm sống cho cả gia đình nghèo khó của anh. Sự kiện này được lan truyền mạnh mẽ và nhanh chóng qua mạng xã hội Facebook, gây nên sự bức xúc và căm thù chính phủ dẫn tới biểu tình và bạo loạn khắp đất nước, cuộc cách mạng nổ ra quá mạnh mẽ cộng với sự giúp sức của mạng xã hội, được gọi là “cuộc cách mạng hoa nhài” trong truyền thông phương Tây, khiến tổng thống Tunisia - Ben Ali buộc phải cùng gia đình di cư ra nước ngoài.

---

Ai Cập, một thanh niên tên Khaled Said bị cảnh sát bắt quả tang khi đang phát tán lên mạng những đoạn băng tố cáo tham nhũng trong ngành cảnh sát, và vì không xuất trình được giấy tờ tuỳ thân nên anh bị lôi ra và đánh đập cho đến chết, sự kiện này cũng được lan truyền qua Facebook và ngay lập tức làm nổ ra làn sóng biểu tình, bạo loạn của hàng trăm nghìn thanh niên, sinh viên và trí thức từ 25/01/2011 đòi tổng thống Ai Cập thời bấy giờ là Hosni Mubarak phải từ chức, sự kiện này được gọi là “cuộc cách mạng hoa sen” theo truyền thông phương Tây, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp mạnh song cuối cùng Tổng thống Mubarak vẫn phải từ chức sau 30 năm cai trị vài ngày sau đó. Sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền tại Tunisia và Ai Cập lan truyền khắp thế giới Ả Rập thông qua mạng xã hội là ngòi nổ làm bùng lên hàng loạt các phong trào cách mạng khác khắp khu vực.

Tại Syria, người dân ở quốc gia này cũng đang chán ghét chế độ độc tài đương thời cộng với sự ảnh hưởng của Mùa Xuân Ả Rập và các cuộc nổi dậy của nhân dân Tunisia và Ai Cập thông qua mạng xã hội và truyền hình, sự kiện khởi đầu cho phong trào cách mạng tại đây là vào tháng 3/2011, những đứa trẻ khoảng chín đến mười lăm tuổi tại Daraa đã vẽ những bức tranh chống chế độ lên tường ở trường học của chúng và sau đó chúng nhanh chóng bị bắt giữ bởi cảnh sát, điều đáng nói là khi bọn trẻ được thả ra thì trên cơ thể chúng có những dấu vết của việc bị tra tấn dã man, bị bỏng, một số bị rút cả móng và thậm chí bị giết (theo Al Saleh & White, 2013).

Sự kiện này được biết đến với tên gọi “Friday of Dignity” là nguyên nhân chính cho cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân tại đây, họ cho rằng tội duy nhất của những đứa trẻ này là bày tỏ cảm xúc của mình lên tường và hình phạt tàn bạo đó dành cho chúng khiến người dân Syria vốn dĩ đã bị chế độ cầm quyền áp bức hàng chục năm qua phẫn nộ và tức giận, cộng thêm việc tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tại Syria cao dẫn đến việc người dân Syria đã bắt đầu cuộc cách mạng bằng cách xuống đường kêu gọi chấm dứt chế độ một cách ôn hoà.

---

Internet và mạng xã hội đã chứng tỏ bản thân chúng là một công cụ mạnh mẽ tại Bahrain trong các cuộc biểu tình xảy ra ở Pearl Roundabout tại thủ đô Manama. Nhiều người đã sử dụng tính năng phát trực tiếp (livestream) trên các dòng điện thoại mới nhất để phát sóng trực tiếp các cuộc biểu tình diễn ra tại đây, “Các trang web như Ustream, Live stream và Bambuser đã cho phép những người biểu tình trẻ truy cập Internet và phát trực tiếp, đồng thời cũng tham gia vào các cuộc biểu tình” (theo Channel 4 News), tuy nhiên đã bị chính phủ Bahrain ngăn chặn bằng cách chặn và đóng cửa nhiều trang web.

Tuy vậy, những nhà hoạt động cách mạng tại đây hoàn toàn không có động thái bỏ cuộc, “Trên twitter, hastag #Feb14 - tức ngày đầu tiên của cuộc biểu tình đã trở thành đặc điểm nhận dạng của các hoạt động cách mạng ở Bahrain, trong khi đó thì hình ảnh và các video được tải lên thông qua các phương tiện khác” (theo Ghannam, 2011), tuy các hoạt động tại Bahrain cuối cùng đều bị ngăn chặn bởi chính phủ nhưng nó cũng góp phần truyền động lực cho những cuộc nổi dậy ở các quốc gia khác cùng khu vực thông qua sự tương tác trên mạng xã hội và internet. Từ đó dưới góc nhìn Xã hội học về quyền lực của Foucault - ta thấy rằng không cần luật pháp, chính dư luận cũng là một loại quyền lực vô cùng cứng rắn cho giới cầm quyền thông qua việc lan truyền và phát tán thông tin trên mạng xã hội.

---

Lợi dụng tình trạng biến động bất ổn này tại khu vực Ả Rập, các tổ chức mang danh nghĩa phi chính phủ ra sức tuyên truyền về nhân quyền, hậu thuẫn cho các hoạt động này trên danh nghĩa “dân chủ, tự do và một tương lai tươi mới” thông qua mạng xã hội. Truyền thông xã hội đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự bùng nổ của Mùa Xuân Ả Rập, hầu hết người Tunisia hay Ai Cập tham gia đã trả lời một khảo sát rằng là họ dùng Facebook để tổ chức các cuộc nổi dậy và truyền đạt những ý tưởng, việc truyền thông phổ biến này là rất quan trọng trong việc cung cấp lực lượng cho Mùa Xuân Ả Rập, giới trẻ đã thêm dầu vào các cuộc nổi dậy khác nhau ở các nước Ả Rập bằng cách dùng các khả năng của thế hệ trẻ trong truyền thông xã hội, không chỉ ở Ả Rập mà còn nhiều nơi trên thế giới.

Gần 28 triệu người tại Ả Rập dùng mạng xã hội chỉ sau năm tháng Mùa Xuân Ả Rập bùng nổ và tiếp tục tăng dần rồi lan rộng ra các nước khác ở khu vực, thêm vào đó, 28% người Ai Cập và 29% người Tunisia trong một cuộc thăm dò nói, ngăn cản vào Facebook làm cản trở hay làm gián đoạn sự liên lạc, điều đó cũng đủ cho thấy rằng khả năng lan toả của mạng xã hội là vô cùng khủng khiếp. Cộng thêm việc vào thời điểm này vấn nạn “tin giả - fake news” vẫn chưa được kiểm soát mạnh mẽ như hiện nay dẫn đến việc phát tán tin tức chưa được xác thực và chọn lọc diễn ra một cách rất phức tạp, làm dấy lên nhiều tin tức xa rời sự thật khiến cho các chủ đề xoay quanh chính phủ lâm thời trở thành “món mồi ngon” cho các tổ mang tính chất phản động và chống phá, thêm vào đó là sự giúp sức của các thế lực bên ngoài làm cho truyền thông xã hội trở thành một vũ khí vô cùng mạnh mẽ cho việc phát triển và lan rộng của Mùa Xuân Ả Rập ra các nước khác trong khu vực.

Các cuộc biểu tình diễn ra với nhiều hình thức tiếp tục lan rộng ra các nước khác như Algeria, Jordan, Saudi Arabia, Yemen, Palestine, Iraq, Kuwait, Lebanon, Oman, Djibouti,… Truyền thông tiếp tục tiếp sức cho các sự kiện này khi họ liên tục đưa tin, qua truyền thông xã hội những lý tưởng của các nhóm nổi dậy và tình trạng thời bấy giờ tại mỗi quốc gia đã được quốc tế chú ý. Hệ quả là các nước Trung Đông và Bắc Phi đã bị đẩy vào sự khủng hoảng khủng khiếp với những cuộc đấu đá quyền lực dẫn đến đổ máu giữa các phe phái bên trong lẫn sự cạnh tranh ảnh hưởng từ bên ngoài như Mỹ và NATO biến khu vực này thành một đống hỗn tạp và kéo họ tụt hậu về xã hội và kinh tế đến cả thập kỷ.

---

Bên cạnh đó là những hậu quả rất lớn hậu Mùa Xuân Ả Rập khiến con người nơi đây rơi vào tình trạng đói nghèo cùng cực, bất ổn vì chính trị và nội chiến diễn ra thường xuyên, nhiều quốc gia trở thành “vùng đất tội phạm”, nơi cho những người vượt biên trái vào châu Âu, có những nơi đã có sự quay trở lại của vấn nạn buôn bán nô lệ và hơn hết là sự hình thành của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS với quy mô tổ chức lớn hơn cả tổ chức khủng bố Al-Qaeda, những hậu quả đó còn ảnh hưởng cho đến tận ngày nay, không thể khống chế và gây nguy hại cho an ninh không chỉ cho khu vực mà còn cho cả châu Âu và thế giới.

---

Từ góc nhìn của các nước trên thế giới ta có thể thấy được tầm quan trọng của truyền thông xã hội trong việc định hình nên Mùa Xuân Ả Rập rộng khắp Trung Đông và Bắc Phi. Vậy liệu rằng nếu truyền thông xã hội không góp mặt vào Mùa Xuân Ả Rập thì phải chăng “mùa xuân” ấy sẽ không diễn ra chăng, một kịch bản cho rằng điều đó có thể đúng vì nó sẽ hạn chế sự lan truyền nhanh chóng đến với quần chúng nhân dân và các nước khác, chính phủ cầm quyền có thêm thời gian để ngăn chặn sự lan tỏa của phong trào này, và bởi vì thành phần tham gia của Mùa Xuân Ả Rập chủ yếu là giới trẻ và bị tác động chủ yếu từ mạng xã hội dẫn đến việc tham gia phong trào này nên khi truyền thông xã hội không góp mặt thì sự tác động từ các tư tưởng chống phá sẽ bị hạn chế và giảm đi đáng kể, dẫn đến khả năng không thể phát triển lớn mạnh của phong trào như thực tế, cộng với sự đàn áp mạnh mẽ của chính phủ thì có thể Mùa Xuân Ả Rập sẽ chỉ còn là Mùa Xuân cộng với tên của một quốc gia nào đó mà thôi. Tuy nhiên đó cũng chỉ là kịch bản mang tính chủ quan mà thôi bởi vì trên thực tế thì lòng căm phẫn của nhân dân đối với chính phủ vẫn còn đó, mặc dù truyền thông xã hội có thể tác động mạnh mẽ đến ý kiến của cộng đồng, tạo ra sự lan truyền thông tin nhanh chóng, cũng có thể tạo ra sự kích thích và tương tác giữa người dân và các nhà lãnh đạo chính trị, nhưng truyền thông xã hội không phải là tất cả trong sự kiện Mùa Xuân Ả Rập, không có truyền thông xã hội không có nghĩa là Mùa Xuân Ả Rập sẽ không xảy ra, bởi cốt lõi của mỗi quốc gia là nhân dân và nếu họ đã có ý định và nhen nhóm sự vùng lên ấy thì đến một ngày nào đó, không bằng cách này thì bằng cách khác, họ sẽ tiếp tục nổi dậy.

---

Thay lời kết

Khi một làn sóng đấu tranh nổi dậy, nó sẽ trở thành ngòi châm cho hàng loạt những cuộc nổi dậy khác nữa, bởi Mùa Xuân Ả Rập bị thúc đẩy bởi nhiều yếu tố hơn là mỗi những tác động từ truyền thông xã hội, bao gồm sự bất mãn với chính quyền, tình hình kinh tế khó khăn và nhu cầu thay đổi nền chính trị và xã hội. Và mạng xã hội truyền thông chỉ là công cụ trong quá trình phát triển nhanh chóng và lớn mạnh của sự kiện này.

Dù không có truyền thông xã hội đi chăng nữa, thì nhân dân sẽ dùng những hình thức lan truyền khác và thứ duy nhất thay đổi là về quy mô và tốc độ của sự kiện, và chắc chắn rồi sự sụp đổ của các quốc gia ấy sẽ cũng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Mặc dù cả hai đều chỉ là kịch bản được dựng lên, nhưng khách quan theo Xã hội học mà nói thì có lẽ kịch bản sau có phần hợp lý và dễ xảy ra hơn khi cái “liệu rằng” ấy xảy ra. Ngặt nỗi, lịch sử thì không có “nếu như” hay “liệu rằng”, điều duy nhất chúng ta có thể làm là chấp nhận lịch sử, rút kinh nghiệm từ lịch sử và kiến tạo tương lai.

---

(*) Lê Minh Tuấn là sinh viên lớp QHQT - K4, ngành Quan hệ Quốc tế, Khoa Quốc tế, ĐH Huế (01.2024).

---

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Al-Saleh, A., & White, L. (2013, June). Dissecting an evolving conflict: The Syrian uprising and the future of the country. Ispu.org. https://www.ispu.org/wp-content/uploads/2013/06/2013_Dissecting-an-Evolving-Conflict.pdf?x46312

2. Beaumont, P. (2011, February 25). The truth about Twitter, Facebook and the uprisings in the Arab world. The Guardian. https://amp.theguardian.com/world/2011/feb/25/twitter-facebook-uprisings-arab-libya

3. Binh, N. T. (2012, January 13). “Mùa xuân Ả-rập” và bài học giữ nước ngay từ thời bình - Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Tapchiqptd.vn. http://tapchiqptd.vn/vi/binh-luan-phe-phan/mua-xuan-arap-va-bai-hoc-giu-nuoc-ngay-tu-thoi-binh/952.html

4. Charlton, S. (2011, February 25). Arab revolt: social media and the people’s revolution. Channel 4 News. https://www.channel4.com/news/arab-revolt-social-media-and-the-peoples-revolution

5. Ghannam, J. (2011, February 3). Social Media in the Arab World: Leading up to the Uprisings of 2011. Ned.org. https://www.cima.ned.org/wp-content/uploads/2015/02/CIMA-Arab_Social_Media-Report-10-25-11.pdf

6. Himelfarb, S. (2011, April 11). Social media in the Middle East. United States Institute of Peace. https://www.usip.org/publications/2011/04/social-media-middle-east

7. Huang, C. (2011, June 6). Facebook and Twitter key to Arab Spring uprisings: report. The National. https://www.thenationalnews.com/uae/facebook-and-twitter-key-to-arab-spring-uprisings-report-1.428773/

8. Lê Thế Mẫu. (2012, November 12). “Mùa xuân Ả-rập” - sau hai năm nhìn lại. Tapchiqptd.Vn. http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/mua-xuan-arap-sau-hai-nam-nhin-lai/1558.html

9. Minh, N., Hưng, N., Duyên, V., Hiếu, V., & Thạch, N. (2020, December 19). Mùa xuân Arab - 10 năm nhìn lại. Báo Quân Đội Nhân Dân. https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/mua-xuan-arab-10-nam-nhin-lai-646970

10. Thomas, L. (2011, February 2). Middle East In Revolt. Tropicpost.com. https://web.archive.org/web/20110606075617/http://www.tropicpost.com/middle-east-in-revolt/