Bất bình đẳng giới trong sự biến tướng của phong trào Nữ quyền khi du nhập vào Việt Nam

Tuấn Long

Sự kiện

Xã hội học Chính trị

07 Tháng Hai, 2024

Bất bình đẳng giới trong sự biến tướng của phong trào Nữ quyền khi du nhập vào Việt Nam

---

(*) Bài luận này của bạn Trần Thị Thảo Nguyên, mình đọc thấy hay nên biên tập lại và share lên đây.

---

Phần I. Đặt vấn đề

Bất bình đẳng Giới (Gender inequality) là một phần của bất bình đẳng xã hội (Social inequality). Bất bình đẳng Giới xuất hiện khi có sự chênh lệch trong cách xã hội đánh giá, đối xử và cung cấp quyền lợi cho nam và nữ. Nó liên quan đến sự phân phối không đều về quyền lực, tài nguyên cũng như các đặc quyền giữa nam giới và nữ giới.

Bất bình đẳng Giới đến từ nhiều nguyên nhân nhưng bài viết dưới đây tập trung nhìn nhận vấn đề này trong sự biến tướng của các phong trào nữ quyền tại xã hội Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung. Nhận thấy, xã hội hiện nay có nhiều nhà hoạt động nữ quyền nhân danh “thúc đẩy bình đẳng giới” như một chủ trương nhất quán cho các chương trình hành động của họ, nhưng thực chất chỉ đang biến “bình đẳng giới” trở thành "công cụ" cho những tư tưởng nữ quyền độc hại phát triển và thực hiện ham muốn chiếm đoạt quyền lực. Rất nhiều những chi tiết bất bình đẳng tinh vi, giấu kín trong những tư tưởng bảo thủ vẫn đang hô hào sự đấu tranh cho nữ quyền.

Bài này được viết với mong muốn bác bỏ những tư tưởng lệch lạc và khẳng định lại mục đích tốt đẹp của nữ quyền.

---

Manh nha từ nửa đầu thế kỷ XIX tại Hoa Kỳ, cho đến nay, các phong trào của chủ nghĩa nữ quyền (feminism) đã lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Theo Từ điển bách khoa Britannica, “feminism” đại diện cho niềm tin vào sự bình đẳng về xã hội, kinh tế và chính trị của các giới.

Như vậy, về bản chất, nữ quyền là một phong trào xã hội và chính trị chủ trương cho quyền bình đẳng của tất cả các giới tính, không những tập trung đặc biệt vào việc đấu tranh cho cơ hội và quyền lợi chính đáng của nữ giới mà còn giải phóng nam giới ra khỏi những định kiến giới. Tuy rằng trong quá khứ, phong trào nữ quyền đã đem lại những quyền lợi nhất định (và cần thiết) cho nữ giới, ví dụ như quyền bầu cử, quyền hưởng lương công bằng, quyền sở hữu tài sản, … nhưng liệu hiện nay, phong trào này có đang vận hành và lan rộng đúng với những giá trị tốt đẹp ấy?

Câu hỏi về việc các phong trào nữ quyền tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiện nay phải chăng chỉ là một trào lưu cực đoan và làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng Giới? vẫn đang được thảo luận hàng ngày trên mọi diễn đàn và đó cũng là câu hỏi chủ chốt tôi muốn đề cập đến trong bài viết dưới đây.

Qua lăng kính của Xã hội học chính trị, bằng những kiến thức về quyền lực (Power), lí thuyết xung đột (Conflict Theory), bất bình đẳng xã hội (Social inequality) và một số góc nhìn về các chủ nghĩa nữ quyền, bài viết tập trung làm rõ vấn đề bất bình đẳng Giới trong sự biến tướng của các phong trào nữ quyền. Lí giải được vấn đề trên sẽ giúp ta có được một cái nhìn đúng đắn, toàn diện về chủ nghĩa nữ quyền cũng như vấn đề bình đẳng Giới. Từ đó, tỉnh táo để tiếp nhận những thông tin có liên đới đến các vấn đề về Giới một cách có chọn lọc và chính xác nhất.

=====

Phần II. Nội dung chính

1. Do đâu xuất hiện sự biến tướng của phong trào nữ quyền trên toàn thế giới?

---

Trước hết, cần làm rõ phong trào nữ quyền có nhất thiết phải xảy ra không? Câu trả lời là có. Bởi lẽ nó bắt nguồn từ những bất bình đẳng xã hội và sự mất cân bằng trong tương quan quyền lực giữa nam giới với nữ giới.

Dưới góc nhìn của lí thuyết xung đột (Conflict Theory), xã hội không hài hòa, mà thay vào đó nó đặc trưng bởi sự đấu tranh và xung đột. Các nhóm xã hội khác nhau cạnh tranh để giành thứ quyền lực hữu hạn, dẫn đến việc tạo ra và duy trì bất bình đẳng xã hội. Vì có sự chênh lệch giữa quyền lực, của cải, địa vị xã hội so với nam giới nên phong trào nữ quyền diễn ra như một điều không thể tránh khỏi để đấu tranh giành những quyền lợi chính đáng cho nữ giới, sự đấu tranh này là một lực đẩy quan trọng đằng sau sự thay đổi và tiến triển xã hội. Như vậy, phong trào nữ quyền không phải tự nhiên mà có, nó là một điều tất yếu phải và nên xảy ra để duy trì sự phát triển và tồn tại của xã hội.

Thế nhưng, phong trào nữ quyền hay chủ nghĩa nữ quyền có rất nhiều trường phái khác nhau và mỗi trường phái lại có những cách thức đấu tranh không giống nhau. Chính sự đa dạng về quan điểm và khác biệt trong mục tiêu đấu tranh của các làn sóng nữ quyền đã dẫn đến những mâu thuẫn không thể tránh khỏi.

Chủ nghĩa nữ quyền hậu hiện đại (POSTMODERN FEMINISM) tự tạo ra một thế giới riêng, tách biệt với những chủ nghĩa nữ quyền khác, và theo thời gian những giá trị họ mang lại càng ngày càng tách biệt so với những tư tưởng của phần lớn phụ nữ. Việc họ chuyển sự chú ý từ những áp bức của phụ nữ sang cấu tạo giới, hay từ cá thể sang cấu trúc sẽ khiến việc đấu tranh cho phụ nữ trở nên khó khăn hơn một khi mà họ đã đánh mất mục đích của việc đấu tranh này. Bên cạnh đó, Chủ nghĩa nữ quyền tự do (LIBERAL FEMINISM) còn bị phê phán bởi những nhà nữ quyền da đen và nữ quyền hậu thuộc địa vì nó chỉ phản ánh các giá trị của phụ nữ da trắng, dị tính, ở tầng lớp trung lưu và không đánh giá cao vị trí của phụ nữ thuộc các chủng tộc, nền văn hoá hay giai cấp khác nhau. Những nỗ lực nhằm tạo ra một hệ tư tưởng nữ quyền thống nhất và bao trùm đều không thành công.

Hay như ba làn sóng nữ quyền chính cũng dần đi chệch khỏi mục đích vốn có của nữ quyền vì những mâu thuẫn trong cách thức đấu tranh. Những nhà nữ quyền thuộc đợt sóng thứ nhất (First-wave feminism) của thế kỉ XXI và đầu thế kỉ XX đã chiến đấu cho những quyền mà ngày nay chúng ta coi là đương nhiên, đó là các quyền pháp lý, quyền bình đẳng chính trị tiêu biểu là quyền bầu cử cho nữ giới.

Nếu làn sóng thứ nhất đã làm đúng nhiệm vụ của mình thì làn sóng thứ hai (Second-wave feminism) với những phong trào đòi quyền bình đẳng phổ quát cho đàn bà, cụ thể như các quyền bình đẳng xã hội: quyền được trả lương ngang nhau, quyền được hưởng nền giáo dục tương đương với nam giới, quyền sở hữu tài sản, quyền phá thai… Nếu bình đẳng về chính trị khá rõ ràng và có thể đo lường, thì bình đẳng xã hội lại rất lập lờ. Nhìn chung, làn sóng thứ hai đã gặt hái được rất nhiều thành công, tuy vậy, do vẫn chưa có sự thống nhất về đường hướng hoạt động, cũng như thất bại trong việc giải quyết những mâu thuẫn nội tại về tư tưởng giữa các nhóm đấu tranh, phong trào tan rã vào những năm 1980 với Sex war (cuộc chiến tình dục).

Làn sóng nữ quyền thứ ba (Third-wave feminism) ra đời vào những năm 1990 và vẫn còn tranh cãi liệu nó đã kết thúc hay chưa. Làn sóng này tiếp tục mở rộng quan điểm nữ quyền ở nhiều vấn đề như hợp đồng lao động, bạo lực đối với phụ nữ, quyền cộng đồng LGBTQ+, và quyền của phụ nữ trong cộng đồng quốc tế. Trên một phương diện nào đó, những gì làn sóng thứ ba đang thể hiện có phần xung đột với làn sóng thứ hai, khi họ ủng hộ những hành vi mà các bà, các mẹ, các cô của họ đã nỗ lực phản đối, như trang điểm và xu hướng high-femme (những người đồng tính nữ dịu dàng, bẽn lẽn).

Có thể thấy mặc dù cả ba làn sóng nối tiếp nhau diễn ra nhưng không có mối quan hệ biện chứng nào, ngược lại còn phủ nhận lẫn nhau. Bên cạnh đó, mỗi làn sóng chỉ tập trung giải quyết một vấn đề tồn đọng ngay tại thời điểm nó được sinh ra, và những vấn đề đó chỉ nằm ở mặt nổi, nguyên nhân sâu xa là bất bình đẳng xã hội và những định kiến giới vẫn còn đó, phong trào nữ quyền chỉ mới tập hợp một nhóm người cùng nhau đấu tranh mà chưa thể kêu gọi toàn xã hội giúp sức, và chưa cho thấy ý nghĩa thực sự nó muốn mang lại. Thay vào đó là những đấu tranh mù quáng cho quyền phụ nữ và đổ lỗi cho nam giới. Như Janice Fiamengo - một học giả và người viết Canada nổi tiếng với quan điểm lý luận giới tính và quan điểm phê phán một số khía cạnh của phong trào nữ quyền cho rằng “Chủ nghĩa nữ quyền chưa bao giờ là ôn hòa.

Chủ nghĩa nữ quyền chưa bao giờ không kèm theo sự hận thù sâu sắc và nỗi cay đắng đối với nam giới, chưa bao giờ thoát khỏi tuyên bố rằng phụ nữ hoàn toàn là nạn nhân bị nam giới đối xử tàn nhẫn, chưa bao giờ không quan tâm đến việc phá huỷ gia đình, chưa bao giờ chính xác trong những tuyên bố của họ về hoàn cảnh xã hội của phụ nữ … Chủ nghĩa nữ quyền luôn luôn là một loại phong trào căm ghét nam giới, thù hận nam giới, đổ lỗi cho nam giới một cách sâu sắc.”

Bên cạnh đó, các tác động xấu từ yếu tố ngoại vi đơn cử là phương tiện truyền thông đã làm chệch hướng của phong trào nữ quyền. Điều quan trọng là xã hội của chúng ta đã được truyền bá để tin vào một phiên bản lịch sử xã hội hoàn toàn sai. Chẳng hạn như, quan điểm cho rằng phong trào phụ nữ đã giải cứu phụ nữ khỏi sự chuyên chế của một xã hội gia trưởng nơi nam giới không cho phụ nữ đi bầu cử, đồng thời khẳng định đặc quyền kiểm soát chặt chẽ của họ đối với phụ nữ, phụ nữ chưa bao giờ được hưởng nền giáo dục tương đương đàn ông hay không được nắm giữ những trọng trách về chính trị, xã hội.

Thực tế là vào thời điểm đó (khoảng thế kỉ XIX), không phải nam giới nào cũng được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc gia - chỉ những nam giới giàu có sở hữu tài sản mới được đi bầu. Thuế bầu cử, các yêu cầu biết đọc biết viết, và các tiêu chuẩn về tài sản đã hạn chế quyền bầu cử của nam giới, và những người nam được trao cho quyền bỏ phiếu thì phải đổi lại bằng nghĩa vụ mạo hiểm tính mạng của họ để bảo vệ đất nước khi có chiến tranh. Về giáo dục, tại Québec, Canada, từ năm 1639 đã xuất hiện một trường học dành riêng cho phái nữ, tên là L’école de Ursulines de Québec.Tại Hoa Kỳ, trường đại học Công giáo đầu tiên dành cho nữ giới được thành lập ở Ohio vào năm 1871.

Ngoài ra, về chính trị ta có thể kể đến cựu thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu Ngoại trưởng và ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Hillary Clinton là những minh chứng rõ ràng nhất cho việc đàn bà không hề bị giới hạn trong con đường chính trị. Còn vô vàn những tin tức sai sự thật (fake news) hàng ngày vẫn được xào nấu bởi các phương tiện truyền thông đại chúng vì những mục đích chính trị của họ (bôi nhọ và từ từ gạt bỏ đàn ông ra khỏi đời sống kinh tế – chính trị – xã hội cũng như đổ lỗi hoàn toàn cho đàn ông).

Bằng việc truyền đi những thông điệp phụ nữ luôn bị áp đặt và đối xử bất công sẽ vô tình làm cho những người phụ nữ có một cảm giác nạn nhân mà thủ phạm là những người đàn ông, trong khi cả hai đều chịu những bất công và định kiến của xã hội. Và vô tình phong trào nữ quyền đã đi chệch khỏi mong muốn tạo ra một xã hội bình đẳng giữa các giới.

Tóm lại, sự không rõ ràng trong cách đấu tranh, trong mục tiêu chung dẫn đến việc mỗi người đấu tranh cho phong trào này theo một kiểu và mọi nỗ lực để đi đến một tư tưởng nữa quyền thống nhất đều không khả thi. Và thế là, đối với những người phản đối thì họ chỉ đang phản đối vì hiểu nhầm, quy chụp. Đối với những người ủng hộ thì chịu tác động của các phương tiện truyền thông, họ đấu tranh mù quáng mà quên mất rằng đấu tranh chỉ đúng khi mỗi người biết rõ mình là kiểu nữ quyền gì và đang đòi bình đẳng ở phạm trù nào trong cuộc sống cá nhân. Điều này đã khiến cho phong trào nữ quyền biến tướng thành những trào lưu cực đoan và xuất hiện các chủ nghĩa nữ quyền độc hại.

--- 

2. Những tư tưởng lệch lạc về nữ quyền đã ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề bất bình đẳng Giới tại xã hội Việt Nam hiện nay?

---

Nhìn vào bối cảnh xã hội Việt Nam đã từng trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến. Tư tưởng Nho giáo ràng buộc người phụ nữ bằng luân lí nghiệt ngã “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Bởi thế, khi làn sóng nữ quyền lan rộng đến Việt Nam vào những năm đầu thế kỉ XX, bước đầu đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực khi đã giải phóng phụ nữ ra khỏi những lễ giáo hủ bại, bênh vực quyền lợi phụ nữ và tiền đề mở ra một xã hội bình đẳng Giới. Thế nhưng, hiện nay xuất hiện rất nhiều tư tưởng lệch lạc về nữ quyền, nhiều nhà hoạt động nữ quyền quá khích, ham muốn quyền lực và còn đặt ngược lại những định kiến giới giành cho phụ nữ. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình bất bình đẳng Giới tại Việt Nam cũng như tạo ra những bước lùi cho phong trào nữ quyền.

Đầu tiên, với tư tưởng “nữ quyền là quyền thượng đẳng của phụ nữ”, cho rằng ủng hộ nữ quyền là chống lại nam giới, hạ bệ phái nam và đặt vai trò của nữ giới cao hơn nam giới. Nhiều nhà hoạt động nữ quyền đòi hòi, mưu cầu gia tăng quyền lực cho phụ nữ, và đòi thêm một loạt những quyền lợi. Điều này chẳng khác nào là chuyển từ một xã hội bất bình đẳng với nữ giới sang xã hội bất bình đẳng cho nam giới. Đây là quan điểm phổ biến nhất và cũng sai lầm nhất về phong trào nữ quyền khi cho rằng nữ quyền là một zero-sum game (trò chơi có tổng bằng 0, tức một bên được lợi thì một bên phải bị thiệt).

Nếu đi theo hướng như vậy, thì xã hội sẽ lại xuất hiện thêm “phong trào nam quyền” để một lần nữa lấy lại những quyền mà nữ quyền đã lấy mất. Cuộc xung đột không hồi kết này chỉ khiến cho cán cân giữa hai giới không bao giờ được cân bằng. Trái lại, nếu nhìn theo góc độ về lý thuyết quyền lực của Foucault (Theory of Power by Michel Foucault) thì mỗi người trong xã hội cả nam giới và nữ giới đều nắm một phần quyền lực, nhưng tùy vào kiến thức, khả năng và vai trò của mỗi giới thì trong từng tình huống, quyền lực sẽ phát huy.

Nếu hiểu đúng bản chất thì phụ nữ và đàn ông đều là con người, nên về cơ bản họ có thể làm được mọi thứ mà con người có thể. Đàn ông làm được gì thì phụ nữ cũng được làm điều đó, quan trọng họ có đủ khả năng hay không? Tất cả mọi người đều được trao cơ hội như nhau, nhưng mỗi phái đều có những phẩm chất giúp chúng ta vượt trội hơn một nửa còn lại trong vài lĩnh vực. Và cả hai phái được sinh ra để làm tốt hơn những gì phái còn lại không thể phụ trách. Do đó, ta dễ dàng nhận ra, việc cho rằng nữ quyền là chống lại nam giới là hoàn toàn sai lầm và càng khiến cho cán cân bình đẳng chênh lệch thêm.

Thêm vào đó, trong phong trào đấu tranh cho nữ quyền, vấn đề “tính nữ độc hại” (Toxic femininity) đang trở nên cấp thiết nhưng lại bị ngó lơ. Nó vừa gây hại cho bản thân nữ giới nhưng đồng thời cũng trở thành thứ vũ khí để bạo hành nam giới và tác động xấu đến các mối quan hệ xã hội. Từ đó, vấn nạn bất bình đẳng Giới ngày càng trở nên trầm trọng và mất kiểm soát.

Theo những người theo đuổi tư duy quyền phụ nữ, thuật ngữ này đề cập đến việc ép buộc phụ nữ phải tuân thủ hoàn toàn các chuẩn mực về giới tính bao gồm việc kỳ vọng họ phải luôn hiền dịu, phải tỏ ra biết chấp nhận mọi điều và chịu đựng mọi khó khăn, nhằm đạt đến một hình mẫu “phụ nữ hoàn hảo”.

Từ định nghĩa này thì tính nữ độc hại là những khuôn mẫu truyền thống có hại cho bản thân, khi áp đặt và kĩm hãm phụ nữ, làm họ đánh mất các nhu cầu, mong muốn của bản thân để làm hài lòng người khác, làm cho người phụ nữ không thể sống thật với những giá trị vốn có của mình. Tính nữ độc hại khiến phụ nữ tin rằng phải trở thành một người mẹ, người vợ chu toàn gia đình, phải lùi về sân sau làm việc nhà nói như Trác Thúy Miêu thì đây như một là một “đặc ân”, phải đặt chồng con lên trên ước mơ của bản thân, phải dịu dàng, ngoan ngoãn, và biết nhẫn nhịn. Những khuôn mẫu này ngấm sâu đến mức phụ nữ tự phân biệt và kỳ thị chính mình.

Thế nhưng tính nữ độc hại hiện nay lại trở thành thứ vũ khí khi một số phụ nữ dùng sự “yếu đuối” và “nữ tính” của mình để làm hại người khác. Đó là những kẻ ỷ mình là con gái để không tham gia vào các việc nặng nhọc, tự cho mình những quyền lực khi đổ lỗi vào ngày kinh nguyệt, bạo hành đàn ông vì biết rằng họ sẽ không dám đánh lại hoặc xấu hổ không dám tố cáo, … Cần nhìn nhận hiện nay tính nữ độc hại gây hại cho cả nữ lẫn nam, sự thiệt thòi của phụ nữ cũng chính là gánh nặng của đàn ông, và ngược lại. Không thể tránh khỏi có một số đàn ông cho rằng phụ nữ thật ra đâu phải là nạn nhân, bởi đàn ông mới chính là kẻ phải gánh chịu hậu quả của phong trào mang danh bình đẳng giới này.

Chưa có một cuộc đấu tranh cho bình đẳng Giới nào mà chỉ đơn thuần dừng lại ngang việc cân bằng quyền lợi, mà luôn có xu hướng loại bỏ, phủ nhận mọi nỗ lực của giới kia ra khỏi xã hội. Việc hạ thấp vị thế của đàn ông, không hề nâng cao vị thế phụ nữ mà chỉ khiến cán cân bình đẳng Giới thêm chênh lệch. Và cứ thế, vấn đề bất bình đẳng Giới trong vô thức cứ âm thầm lan rộng.

Tóm lại, phụ nữ không phải là nạn nhân duy nhất của vấn nạn bất bình đẳng Giới. Thực tế chỉ ra rằng, các vấn đề về giới luôn được coi là các vấn đề của phụ nữ. Nhiều chương trình, chính sách và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng về giới đang bỏ qua nam giới, trong khi họ ngày càng chịu nhiều áp lực, và chính nam giới cũng bị o ép bởi những khuôn mẫu nam tính. Thêm vào đó, là những tư tưởng lệch lạc về nữ quyền đã và đang hướng mũi dùi vào nam giới, khiến vấn nạn bất bình đẳng Giới tăng cao.

Mặc cho bản chất của nữ quyền là bình đẳng giới với mục đích là xóa mờ đi cách biệt về cơ hội và cách nhìn của xã hội đối với cả hai giới nhưng hiện nay nó vẫn bị hiểu sai và thực hiện sai. Điều quan trọng là sự đính chính kịp thời những tư tưởng sai lệch, lan tỏa những phong trào ý nghĩa, thông điệp rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai giới trong xã hội. Và nữ quyền không giành bất cứ quyền lợi gì từ nam giới, điều cần thiết là phá bỏ những tư tưởng áp đặt, tước đoạt quyền quyết định cá nhân. Nữ quyền cũng đứng về phía nam giới, cũng bảo vệ những quyền lợi phù hợp của nam giới và sẵn sàng hỗ trợ những cá nhân đang đối mặt với sự bất công.  

---
3. Cần hiểu về nữ quyền như thế nào để đạt được bình đẳng Giới?

---

Thực chất, không có cái gọi là nam quyền hay nữ quyền, tất cả đều là nhân quyền. Nhưng sở dĩ người ta nói nữ quyền, dù có dính chữ “nữ” do yếu tố lịch sử, phụ nữ có nhiều thiệt thòi hơn, nên chúng ta đấu tranh để phụ nữ có được nhân quyền, tức là đấu tranh để phụ nữ có quyền lợi như mọi người, chứ không phải như đàn ông. Cũng vì lẽ đó, chúng ta không cần thêm phong trào mang tên "nam quyền" vì nhiệm vụ gốc rễ của nữ quyền đã là tái thiết sự bình đẳng bất kể nam nữ hay một ai khác trong cộng đồng LGBT+. Nếu hiểu như vậy, ta sẽ thấy rằng phong trào nữ quyền cần kêu gọi sự giúp sức của toàn xã hội, vì đây không chỉ mang lại quyền lợi chính đáng cho phụ nữ mà còn giải phóng nam giới khỏi những định kiến giới.

Cơ bản là chính những khuôn mẫu, những cái hộp được vẽ ra cho từng giới tính chính là thứ người ta cần xóa bỏ. Trong bài viết chỉ ra sai lầm lớn của luận thuyết “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” của Nguyễn Phương Mai, Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, phân tích rằng: bản chất nam và nữ không khác biệt một trời một vực như đa số vẫn luôn nghĩ.

Thực tế, những khác biệt đó được hình thành do định kiến và kỳ vọng của xã hội, những khuôn mẫu truyền thống trong môi trường sống, môi trường giáo dục áp đặt. “Đàn ông trở nên giỏi giang về máy móc, kỹ thuật, công nghệ, vì họ thường xuyên bị xã hội trông đợi phải trở thành những chàng thợ không chuyên trong gia đình và tại công sở. Đàn bà trở nên giỏi giang về nội trợ, đàm phán, quản lý nhân lực và đọc xúc cảm vì họ thường xuyên bị xã hội trông đợi phải trở thành những nhà tâm lý không chuyên trong cuộc sống. Thay đổi quan niệm xã hội sẽ dẫn đến thay đổi cách sống và thay đổi chức năng của bộ não”.

Do vậy, thứ mà phong trào nữ quyền cần giải quyết hiện nay không còn là việc chống lại những luật lệ chính trị bất công bởi lẽ thời đại này quyền phụ nữ đã được thông qua trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thứ nó hướng đến nên là giải quyết những quan niệm còn tồn đọng, những chuẩn mực truyền thống, định kiến vô thức của xã hội về các giới, để mỗi cá nhân tự do hưởng quyền lợi tương đương nhau và trao quyền cho mọi người được làm những thứ phù hợp với khả năng.

Bình đẳng giới là một phong trào nhân quyền nhằm giải phóng con người, để không phân biệt đối xử dựa trên giới tính, để mọi người đều có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận các nguồn lực, tự do thể hiện khả năng của mình. Thúc đẩy bình đẳng giới không phải là san bằng giới tính, mà nhằm phát huy được thế mạnh của mỗi giới, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, công lý. Khi vai trò xã hội được phân chia bình đẳng thì không những phụ nữ có cơ hội để chứng tỏ và phát triển bản thân, mà đàn ông cũng bớt đi gánh nặng.

=====

Phần III. Kết luận

Qua những lí giải trên, tôi không phủ nhân việc phong trào nữ quyền hiện nay và ngay cả trong quá khứ đã xuất hiện nhiều biến tướng vì sự đa dạng trong quan điểm của nhiều trường phái nữ quyền cũng như sự phát triển mạnh mẽ các phương tiện truyền thông. Chính sự biến tướng này đã làm chệch hướng mục đích thúc đẩy bình đẳng Giới của nữ quyền và đẩy phong trào này đi xa hơn việc cân bằng quyền lợi giữa các giới. Mặt khác, lại tạo ra những tư tưởng lệch lạc, những trào lưu cực đoan, quá khích, chĩa mũi dùi vào nam giới và khiến vấn nạn bất bình đẳng Giới chưa bao giờ được giải quyết triệt để.

Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn đồng ý nếu nói phong trào nữ quyền trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay là trào lưu cực đoan và độc hại vì đó chỉ là những tư tưởng của một cá nhân hay một nhóm xã hội, không thể đại diện cho cả phong trào. Đây chỉ là những ý kiến mang tính quy chụp và không xác đáng. Chúng ta nên tách bạch và xóa bỏ hoàn toàn những tư tưởng nữ quyền lệch lạc ra khỏi xã hội, để hai chữ nữ quyền có thể làm đúng nhiệm vụ của nó là lên tiếng bình đẳng cho tất cả các giới.

Và nếu muốn cuộc đấu tranh bình đẳng giới ở Việt Nam hiện tại trở thành một làn sóng ý nghĩa, thì chúng ta phải thực sự hiểu nữ quyền là gì, cũng như thực sự hiểu những cái ‘nhãn’ chúng ta đang vận động gán lên cho người phụ nữ có hợp lý hay không? Thay vì mù quáng truyền bá cho một chủ nghĩa mà chưa thể hiểu hết ý nghĩa của nó thì chúng ta có thể tập trung nguồn lực vào truyền bá một thông điệp chung hơn như bình đẳng Giới, hay rộng ra nữa là xóa bỏ những khuôn mẫu, định kiến với mọi giới tính. Thay vì cho mỗi giới đứng ở một đầu chiến tuyến như trước, chúng ta có thể giúp cho mọi người đều cảm thấy mình không phải người xấu, từ đó dễ dàng thông cảm với nhau hơn và có ý thức chấp nhận, giúp đỡ nhau nhiều hơn.

---

(*) Trần Thị Thảo Nguyên, sinh viên lớp QHQT - K4, ngành Quan hệ quốc tế, Khoa Quốc tế, Đại học Huế (01.2024).

--- 

Tài liệu tham khảo:

  1. Anastasia (2019), “Đừng hiểu sai: Nữ quyền không phải là ghét nam giới”, Vietcetera, 5/12/12019. Nguồn: https://vietcetera.com/vn/dung-hieu-sai-nu-quyen-khong-phai-la-ghet-dan-ong
  2. Anh Thư (2021), “Nữ quyền đầu thế kỷ XX: Như vệt sao băng”, Báo Tia Sáng, 6/5/2021. Nguồn: https://tiasang.com.vn/van-hoa/nu-quyen-dau-the-ky-xx-nhu-vet-sao-bang-28095/
  3. Bettina Arndt (2023), “Chủ nghĩa nữ quyền chưa bao giờ là về bình đẳng”, Epoch Times Tiếng Việt, 11/02/2023. Nguồn: https://www.epochtimesviet.com/chu-nghia-nu-quyen-chua-bao-gio-la-ve-binh-dang_358536.html
  4. Dương Kim Anh (2021), “Nữ quyền và bình đẳng giới”, Báo Phụ nữ thủ đô, 3/3/2021. Nguồn: https://baophunuthudo.vn/hoi-va-cuoc-song/nu-quyen-va-binh-dang-gioi-77859.html
  5. Hà, Lam, Linh Châu, K.N., X.T., Louis, T.M.T., Ngô Tố, N. T. D., Như Ngọc, Nguyễn Ngọc Anh (2022), “Nữ quyền: Làm sao để hiểu cho đúng?”, Vietnam Youth Alliance, 10/7/2022. Nguồn: https://vnyouthally.org/nu-quyen-lam-sao-de-hieu-cho-dung/
  6. Mark Manson(2021), “Đâu là vấn đề của phong trào nữ quyền?”, Vietcetera, 1/9/2021. Nguồn: https://vietcetera.com/vn/dau-la-van-de-cua-phong-trao-nu-quyen
  7. Mai Châm (2021), “Nữ quyền có rồi, vậy khi nào có "nam quyền"?”, Báo Dân Trí, 9/9/2021. Nguồn: https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/nu-quyen-co-roi-vay-khi-nao-co-nam-quyen-20210908225901710.htm
  8. Nguyễn Thế Anh (2019), “NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (2): CÁC LÀN SÓNG NỮ QUYỀN”, Book Hunter, 18/10/2019. Nguồn: https://bookhunter.vn/nu-quyen-khong-nhu-ban-tuong-2-cac-lan-song-nu-quyen/
  9. Nguyễn Thế Anh (2019), “NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (3): CÁC LÀN SÓNG NỮ QUYỀN (TIẾP)”, Book Hunter,18/10/2019. Nguồn: https://bookhunter.vn/nu-quyen-khong-nhu-ban-tuong-3-cac-lan-song-nu-quyen-tiep/
  10. Nguyễn Thế Anh (2019), “NỮ QUYỀN KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG (4): NHỮNG HUYỀN THOẠI”, Book Hunter, 20/10/2019. Nguồn: https://bookhunter.vn/nu-quyen-khong-nhu-ban-tuong-4-nhung-huyen-thoai/
  11. PGS.TS Nguyễn Phương Mai (2022), “Trác Thúy Miêu và tính nữ độc hại”, Vietcetera, 8/3/2022. Nguồn: https://vietcetera.com/vn/trac-thuy-mieu-va-tinh-nu-doc-hai
  12. Rubi(2018), “Bài viết chỉ ra sai lầm lớn của luận thuyết "Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim"”, Tâm lý học tội phạm, 17/3/2018. Nguồn: https://tamlyhoctoipham.com/bai-viet-chi-ra-sai-lam-lon-cua-luan-thuyet-dan-ong-sao-hoa-dan-ba-sao-kim”
  13. Sheron Duong (2020), “FEMINISM VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI”, Spiderum, 5/8/2020. Nguồn: https://spiderum.com/bai-dang/FEMINISM-VA-BINH-DANG-GIOI-qb0
  14. @thelonesheep(2019), “NỮ QUYỀN Á? ĐƯỢC THÔI, NHƯNG PHẢI ĐÚNG CÁCH”, Spiderum, 31/5/2019. Nguồn: https://spiderum.com/bai-dang/NU-QUYEN-A-DUOC-THOI-NHUNG-PHAI-DUNG-CACH-gff
  15. Olivia Guy-Evans (2023), “Feminist Theory In Sociology: Deinition, Types & Principles”, SimplySociology, 11/10/2023. Nguồn: https://simplysociology.com/feminist-theory-sociology.html
  16. Paul Main (2023), “Conflict Theory”, Structural Learning, 15/6/2023. Nguồn: https://www.structural-learning.com/post/conflict-theory