Tản mạn về chuyện gian lận trong thi cử

Tuấn Long

Sự kiện

XHH về Lệch chuẩn & Tội phạm

02 Tháng Hai, 2024

Tản mạn về chuyện gian lận trong thi cử

(*) Bài viết này chia sẻ lại cảm nghĩ của mình sau một buổi coi thi môn "Kinh tế xây dựng" của nhóm sinh viên năm IV. Bài viết mang một chút bức xúc về sự gian lận của sinh viên, song vì lý do nhạy cảm, thông tin về trường Đại học và sinh viên này xin phép được dấu kín.

---

Câu chuyện: Đến cuối giờ, khi sinh viên bắt đầu lục đục lên nộp bài cũng là lúc mình rời vị trí để chuẩn bị ra về. Đoạn đi ngang qua bàn của một bạn sinh viên ngồi khá xa vị trí của mình, bỗng nhiên thấy hai tờ phao (tài liệu) phẳng lì trải ra giữa bàn.

Mình trợn tròn hai con mắt, nhìn bạn này và ngạc nhiên hỏi:

- Em để phao ra chép ngay trên bàn như thế này hả ????

- Dạ mô thầy, em che lại rồi

- ...

Mình dùng đúng một từ là "đứng hình toàn tập". Nhìn 02 tờ phao trên bàn và đống phao trong túi, mình hỏi cậu ấy một câu:

- Tự trọng của em để ở đâu ?

Cậu ấy không nói gì, chỉ lảng nhìn đi chỗ khác sau đó thản nhiên lên ký và nộp bài như chưa có chuyện gì xảy ra.

Lúc đó đã hết giờ làm bài, cũng không bắt quả tang được ngay lúc cậu ta đang dùng tài liệu nên mình và Giám thị 2 cũng không tiện lập biên bản. Mà tâm trí mình khi ấy cũng chả thiết tha gì chuyện trách phạt vốn mang nặng hình thức, chỉ có thể nhìn cậu ấy trâng trâng.

===

BÀN LUẬN 1:

Nếu ai đọc được câu chuyện này và cho rằng đây là "chuyện bình thường", thì hãy mường tượng lại môi trường giáo dục mà mình vừa thụ hưởng. Vì tính ra trong thi cử:

  • Sinh viên không học bài nên lựa chọn gian lận là chuyện bình thường
  • Sinh viên muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ bè bạn nên quay ngang quay ngửa là chuyện bình thường
  • Sinh viên chép bài bạn trong lo lắng là chuyện bình thường
  • Sinh viên dùng phao một cách lén la lén lút cũng là chuyện bình thường
  • ...

Có thể thấy,

(1) Nếu được lựa chọn giữa trung thực và gian lận, thì ai cũng đề cao trung thực. Nhưng khi trung thực không đem lại lợi ích thì gian lận, nhất là sự "gian lận được che dấu" sẽ là một hành vi lựa chọn mang lại hiệu quả tức thì

Đó là lý do vì (2) sao người ta đưa ra hệ thống giám thị, giám sát và trừng phạt với hy vọng giảm thiểu được các hành vi này. Sinh viên gian lận và giám sát viên cũng như cuộc chiến giữa cảnh sát và tội phạm. Một bên cố phát hiện, một bên cố che dấu. Đây cũng là chuyện bình thường.

Ngoài ra, (3) trong một xã hội đề cao sự trung thực và ngay thẳng thì gian lận trong thi cử được xem là hành vi lệch lạc, sai trái. Vì thế những người vi phạm - dù vô tình hay hữu ý - cũng sẽ có ít nhiều sự lo lắng khi thực hiện, dẫn đến ngượng ngùng khi bị phát hiện. Đây cũng là một điều bình thường khác và còn là biểu hiện của sự tự trọng tối thiểu.

Nhưng gian lận bị phát hiện một cách công khai như thế mà vẫn thản nhiên nói câu: "Dạ mô thầy, em che lại rồi" ; nghĩa là em có nhìn phao nhưng em che lại rồi nên chuyện này coi như không có gì xảy ra - vì thế mà không một lời xin lỗi, không một sự xấu hổ, không một nét sợ hãi - thì đó lại là chuyện không bình thường.

Nếu không muốn nói là rất không bình thường.


===

BÀN LUẬN 2

Mình tự hỏi, trong 5 năm đại học bạn ấy đã trải qua những gì và để lại trong đầu những gì mà sự tự trọng lại trở nên thấp đến như thế ?

Hẳn (1) đây không phải là lần đầu tiên cậu ấy gian lận ; (2) có vẻ như xung quanh cậu sinh viên này cũng không ít những người gian lận và (3) các hành vi gian lận này thường được bỏ qua rất nhiều lần. Cái tâm lý "giúp" sinh viên qua môn để ra trường đúng hạn, cốt sao cho SV đóng học phí đầy đủ là được thi và ra trường hết - là một cách quản lý giáo dục rất thiếu trách nhiệm.

Vì thế "chuyện bất thường" mà mình nói tới từ lâu đã là "chuyện bình thường" dưới góc nhìn của cậu ấy. Vậy hóa ra, "gian lận công khai" (chứ không phải gian lận lén lút) đang trở thành chuyện bình thường của giới sinh viên. Và chuyện xấu hổ trước việc làm sai trái đang dần trở thành một phản ứng không cần thiết.
---

Nghĩ đi một chút. Sau khi cầm trên tay tấm bằng kỹ sư / cử nhân / bác sĩ - sẽ là hàng loạt các công trình được các bạn ấy góp tay tạo dựng.

Nhưng khi (1) chuyện gian lận đã được bình thường hóa, (2) khi mà sự tự trọng xuống dưới mức tối thiểu , (3) khi mà sự tự xấu hổ như một toà án lương tâm kiểm soát hành vi cá nhân bị "cơ chế vô hiệu hóa" chiếm quyền kiểm soát ... thật không khó để nhận ra vì sao có nhiều công trình "beton cốt tre" như thế được dựng nên

Chúng manh nha từ khi ta còn ngồi trên ghế nhà trường và suy nghĩ về việc làm sao có thành tích cao mà không cần phải nỗ lực. Và khi mọi chuyện thành công, sự gian lận này tạo ra một thứ "cỏ" hít hoài không chán, một bầu không khí "ảo ma canada" củng cố thêm cho sự ảo tưởng sức mạnh của các sinh viên mới ra trường.

Tại sao tôi phải nỗ lực khi mà tất cả những gì tôi phải làm khi còn đang đi học chỉ là không để cho giám thị phát hiện ?


===

BÀN LUẬN 3

Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Mình e rằng ngay cả việc lập biên bản, trừng phạt hay hệ thống giám thị cũng không làm được gì nhiều trong việc giảm thiểu hành vi gian lận. Vì đứng trước một cuộc chiến tranh giành sự sống và cái chết, bức tường phòng thủ càng cao các phạm nhân càng cố công tìm cách để vượt qua.

Gian lận, kiểm soát gian lận và vượt qua sự kiểm soát đó trong thi cử - cũng giống như việc một hacker cảm thấy tự hào khi có thể vượt qua tường lửa để truy cập vào các cơ sở dữ liệu khách hàng tối mật mà bản thân anh ta không được phép truy cập (access denied).

Nên vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở việc sinh viên gian lận (triệu chứng), mà còn nằm ở sâu bên trong (1) nhận thức lệch lạc của chính các sinh viên này, cũng như (2) sự lệch lạc trong chính môi trường giáo dục của chúng ta vô tình đang củng cố cho các niềm tim lệch lạc ấy (mầm bệnh).

---

Vì sao chúng ta không thể dạy các em trung thực ?

Có lẽ vì trong xã hội thực dụng như hiện nay, chính các giảng viên cũng nhận thấy sự trung thực một cách thuần khiết và vô tư (1) không phải lúc nào cũng có thể đem lại lợi thế cạnh tranh khi so sánh với lựa chọn làm khác. Nếu học thuật khi nào cũng liêm khiết và ngay thẳng thì Admin của các Fanpage như "Liêm chính học thuật" đã không phải bận rộn lọc bài tới như vậy. Và cũng vì nói lời ngay thường mất lòng nên những người tham gia các diễn đàn kể trên không phải lúc nào cũng dám sử dụng tên thật mà chỉ dám tham gia với tư cách thành viên ẩn danh.

Vì sao chúng ta không thể dạy các em trung thực ? Vì chính giảng viên chúng ta đôi khi còn đang (2) sợ bị trả thù và mất quyền lợi nữa là... Trách gì các em.

---

KẾT LUẬN:

Vậy thì hay là thế này đi,

  • Bước 1: Gian lận trong học thuật - thi cử là hoàn toàn sai trái. Trong mọi tình huống, hãy trung thực nếu có thểdám lường trước mọi chuyện sẽ ra sao nếu gian lận bị phát giác.
  • Bước 2. Nếu buộc phải gian lận - hãy sống để bụng, chết mang đi - tuyệt đối không được để người khác phát hiện ra
  • Bước 3. Nếu bị phát hiện ra, hãy biết xấu hổ và chấp nhận cái giá phải trả trước khi dám quay lại bước 1.

---

Sau khi chưa thể đưa ra một viễn cảnh gì sáng sủa hơn cho nền giáo dục của nước nhà ngoài cách lý giải, mình thừa nhận bản thân cũng chỉ là một GV bình thường ngỡ ngàng trước cái câu: "Dạ mô thầy, em che lại rồi" .

---

Huế, 11:23 AM 2/2/2024

(*) Bài viết hoàn toàn mang ý nghĩ và đánh giá chủ quan của người viết. Mình sẽ rất vui nếu được nghe thêm những suy nghĩ khác nhau từ bạn đọc. Thân ái <3