Căn nguyên của hiện tượng học hộ - thi hộ dưới góc nhìn Xã hội học

Tuấn Long

Sự kiện

XHH về Lệch chuẩn & Tội phạm

02 Tháng Hai, 2024

Căn nguyên của hiện tượng học hộ - thi hộ dưới góc nhìn Xã hội học

---

(*) Bài viết là nội dung trả lời phỏng vấn từ bạn Thu Hà, sinh viên Báo chí năm IV của trường USSH (2024). Bài viết này hoàn toàn mang suy nghĩ chủ quan của mình và hoàn toàn không nhắm vào bất cứ một cơ sở GDĐH nào.

---

Việc học hộ thi hộ không phải là chuyện bây giờ mới xảy ra, cũng không phải chỉ diễn ra với người trẻ và càng không phải chỉ có ở sinh viên mới có hiện tượng này. Người đi làm lâu năm, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục có lẽ sẽ chẳng lạ lẫm gì với chuyện học hộ - thi hộ. Có chăng bây giờ người ta biết đến hiện tượng này nhiều hơn là do sự nở rộ của mạng xã hội. Ccác thông tin "bóc phốt nhau" do học hộ - thi hộ mà có học bổng ; hoặc các vụ tố cáo cá nhân làm bài thay nhưng không trả tiền một cách sòng phẳng mà dẫn tới xung đột giữa các bên...

Ở một khía cạnh nào đó thì dư luận nói đúng, "có cầu ắt có cung" nên học hộ thi hộ sẽ là một hiện tượng bình thường trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, đứng ở chức năng giáo dục mà nói, hiện tượng gian lận học thuật (academic dishonest) tràn lan tại Việt Nam hiện nay - mà học hộ thi hộ là một biểu hiện của hiện tượng đó - hoàn toàn không còn là một chuyện bình thường nữa mà đã là một cái gì đó bất thường, thậm chí trở thành "căn bệnh của xã hội".

Nếu đã xem "học hộ thi hộ" là bệnh của xã hội, thì căn nguyên của bệnh sẽ xuất hiện từ ngay bên trong xã hội chứ không phải chỉ nằm ở người học như dư luận từng nói. Theo đó, mối quan hệ giữa các bên liên quan trong việc gian lận học thuật kể trên sẽ bao gồm: (1) ý thức của người học, (2) vai trò của người dạy, (3) sự quản lý của nhà trường, (4) về hệ giá trị của gia đình và xã hội.

---

1. Về ý thức của người học:

Chuyện này đã được bàn tới khá nhiều nhưng không hiệu quả, vì suy cho cùng, không có nhiều người trẻ quan tâm tới những khía cạnh quá xa rời thực tế như ý thức, trách nhiệm hay đạo đức. Bởi có những thứ còn quan trọng hơn và đang chiếm trọn tâm trí của các bạn trẻ khi bước chân vào xã hội - đó là nhu cầu xác định và khẳng định cái tôi. Trong sự khẳng định đó, mạng xã hội đóng vai trò không hề nhỏ.

Trên thực tế, mạng xã hội gắn liền với quá trình lớn lên của phần lớn các bạn trẻ hiện nay. Các bạn trẻ lớn lên trong sự hoàn hảo của những bức hình được chỉnh sửa cẩn thận, của những nút like / care / heart và của những lời bình luận luôn đem lại cảm giác phấn khích, khen ngợi, động viên. Ở đó không có chỗ cho sự chê bai, nói xấu hay mất hình tượng ; ở đó họ có quyền lực để 'mute' hoặc 'unfollow' bất cứ một ai có phát ngôn trái với kỳ vọng của họ. Và họ mang nguyên cái "quyền lực" đó ra ngoài đời thực. Ngặt nỗi, ở ngoài đời họ lại không phải là một phiên bản hoàn hảo, và vì thế, họ sẵn sàng làm mọi thứ để che dấu đi hạn chế của mình.

Việc học hộ là một biểu hiện như vậy. Người tìm tới dịch vụ học hộ sẽ đưa ra đủ thứ lý do để bào chữa cho việc "bận rộn" của mình, hoặc bao biện cho việc "không có thời gian để học" của bản thân. Họ không muốn người khác thấy rằng họ đang lười biếng, họ càng không muốn phải bỏ công sức ra mà lợi ích thu lại chả là bao. So với những gì họ thu lại khi sống trong thế giới ảo, cuộc sống ngoài kia quá là vất vả. Cơ chế "vô hiệu hóa" sự dằn vặt chiếm quyền kiếm soát của họ và nhanh chóng đưa tới các giải pháp thay thế.

Dư luận sẽ nói rằng, tất cả chỉ là sự ngụy biện, song cũng không nên bỏ qua việc tìm hiểu xem sự ngụy biện đó xuất phát từ đâu. Nó xuất phát từ ngay trên màn hình điện thoại từ rất lâu rồi ;

---

2. Về vai trò của người dạy:

Học hộ suy cho cùng là việc đối phó với chuyện điểm danh của GV, như vậy, việc đánh trống ghi tên một cách hình thức mà không có phương pháp quản lý người học hiệu quả chính là một kẽ hở trong quản lý giờ học mà các GV đã và đang mắc phải. Sinh viên không thích tới lớp nhưng lại sợ bị đánh vắng nên tìm tới dịch vụ học hộ như một giải pháp tình thế. Việc thi hộ cũng không khác là mấy, lại là một cách đối phó với những đề thi nặng về học thuộc, bó buộc nhiều nguyên tắc khô cứng và không giúp phát huy được sự hứng thú nơi người học.

Nếu đứng ở khía cạnh này, có lẽ nguyên nhân khiến một số sinh viên không muốn tới lớp chưa hằn đã là do người học lười biếng, mà trước hết có thể là do GV không tạo được hứng thú trong giờ học của mình. Sinh viên ngày nay khác với trước rất nhiều, thông tin bài vở đầy rẫy ở trên mạng; Chat GPT và các công cụ AI khác đã có thể làm thay công việc truyền đạt kiến thức không thua kém gì slide của GV ... nhưng cách dạy của GV thì dường như chưa theo kịp với tốc độ tiến hóa của AI và càng không theo kịp nhu cầu đón nhận được những lớp học thú vị từ người học.

Dư luận có thể trách mắng các bạn trẻ về sự lười biếng của họ, song cũng không nên bỏ qua sự thiếu vắng những giờ học lý thú trên giảng đường hiện nay. Đại học không có nghĩa là "học đại" song càng không có nghĩa là ... "dạy đại" ;

---

3. Về sự quản lý của nhà trường:

Việc gian lận trong học thuật nói riêng và dễ dãi trong quản lý sinh viên nói chung là một hệ quả tất yếu sẽ diễn ra do một hiện tượng có xuất phát từ bên trong chính sách của các trường đại học hiện nay.

Có thể nhiều người đã từng nghe tới chuyện tỉ lệ học sinh cấp III lựa chọn vào đại học hiện nay đang có xu hướng suy giảm, dẫn tới việc ít sinh viên theo học "đại học tuyến dưới" hơn và khiến cho nguồn thu của các trường đại học suy giảm theo. Đối với các trường đại học, việc không có tiền đồng nghĩa với không thể trả lương cho GV, không có kinh phí đầu tư cho CSVC, và không thể đảm bảo vị thế cho một có sở GDĐH.

Một trong những việc mà các trường Đại học này cần làm đó là cố gắng tuyển càng nhiều người học càng tốt. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em theo học và duy trì việc đóng học phí cho nhà trường nhằm đảm bảo nguồn thu. Trong chừng mực nào đó, các trường Đại học đã trở nên dân chủ hơn, tôn trọng người học hơn nhằm tạo thiện cảm với các em. Ban đầu, đây là bước đi tốt trong giáo dục nhưng về lâu dài sẽ là mặt trái của việc thiếu vắng kỷ luật và tự chịu trách nhiệm trong giáo dục. Sự dễ dãi tạo ra kẽ hở cho người gian hành động, cho những dịch vụ đen luồn lách.

Dư luận có thể trách người học lười biếng, nhác học nhưng cũng không nên bỏ qua sự dễ dãi để làm vừa lòng người học của một bộ phận GV, nhà quản lý giáo dục trong các trường đại học hiện nay. Rõ ràng, "kẻ xấu chỉ xuất hiện khi người tốt lựa chọn im lặng".

---

4. Về hệ giá trị xã hội:

Như có lần mình từng chia sẻ, xã hội ảnh hướng tới cách nghĩ của các cá nhân nhiều hơn ta tưởng. Một xã hội đang phát triển nhanh như Việt Nam hiện nay là một dạng xã hội mà đồng tiền và các lợi ích vật chất thường được đưa lên trước các giá trị đạo đức, coi đó như một thước đo thành công ngay cả khi thước đo đó chỉ mang tính trước mắt và không bền vững.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một xã hội tiêu dùng và nhu cầu tiêu thụ của các bạn trẻ ngày nay hoàn toàn khác so với thế hệ bố mẹ ngày trước. Phần lớn các bạn trẻ ngày nay được lớn lên trong một môi trường đầy đủ về vật chất, mọi thứ dịch vụ đều sẵn có và gần như các yêu cầu tối thiểu đều được gia đình và xã hội đáp ứng đầy đủ. Khi nhu cầu hưởng thụ gia tăng mà việc làm chính thức lại chưa có, thì việc khát khao có một nguồn thu nhập nhanh chóng nhưng lại không mất nhiều công sức sẽ nhanh chóng chiếm trọn tâm trí của các bạn và trực tiếp tác động đến việc các bạn trẻ này đưa ra lựa chọn. Cái được goi là "việc nhẹ lương cao" đồng nghĩa với nỗ lực bỏ ra thấp nhất nhưng lợi ích đạt được lại lớn nhất - vốn là một nghịch lý trong kinh tế tạo ra sự kìm hãm trong xã hội - lại đang trở thành một hệ giá trị mới trong các bạn trẻ.

Dư luận trách các bạn ấy lười biếng và ưa hưởng thụ, song lại bỏ qua trách nhiệm của chính mình trong quá trình nuôi dạy đã gián tiếp dung dưỡng cho sự hưởng thụ đó của các em.

---

5. Thay lời kết

Tóm lại, "học hộ và thi hộ" là một hiện tượng gây nhức nhối cho toàn xã hội nói chung và cho ngành giáo dục nói riêng.

Hệ quả của việc "học thì láo mà báo cáo thì hay" của sinh viên hôm nay sẽ là chuyện gian lận trong công việc và sản xuất của người lao động sau này. "Học hộ và thi hộ" chính là một căn bệnh của xã hội. Song cũng chính vì đó là căn bệnh của xã hội, nên nó sẽ không phải là căn bệnh tự dưng mà có từ một hai cá nhân, càng không phải chỉ là chuyện của một vài cá nhân có liên quan.

"Học hộ thi hộ" là một triệu chứng ngoài da tuyệt với phản ánh nên một xã hội đang trên đà phát triển, thừa hưởng một hệ giá trị quá xem trọng tiêu dùng, hưởng thụ và sở hữu một nền giáo dục thiếu lành mạnh. Nếu dư luận xã hội chỉ đồ lỗi cho người học mà không chịu thừa nhận thiếu sót trong cách thức giáo dục thế hệ trẻ hiện nay - từ gia đình cho tới màn hình điện thoại - thì căn bệnh này vẫn sẽ còn đó và không bao giờ chấm dứt được.

---

Huế, 6:12 PM 1/12/2024

(*) Bài viết hoàn toàn mang ý nghĩ và đánh giá chủ quan của người viết. Mình sẽ rất vui nếu được nghe thêm những suy nghĩ khác nhau từ bạn đọc.

---