Một số tiếp cận Xã hội học về hành động xăm mình

Tuấn Long

Sự kiện

Sự kiện & Bình luận

28 Tháng M. một, 2023

Một số tiếp cận Xã hội học về hành động xăm mình

Các hình ảnh trừu tượng, sự chuyển dộng của những mùi dùi, những thông điệp được truyền tài qua hình khối và màu sắc.

Cùng với bấm khuyên, đeo vòng, nhuộm tóc, sơn vẽ Iên tuờng, mặc áo quần kiểu hippi và phóng mô tô quanh các con phố - giới trẻ ngày nay sử dụng hình xăm như một cách dễ thể hiện cá tính của mình, gây ấn tượng với người khác và để lại dấu ấn riêng. Dấu ấn đó dễ dàng đọng lại trong hình dung của công chúng để rồi tùy vào cách nhìn nhận hay gán nhãn khác nhau mà mỗi người trong công chúng lại tự đưa ra cho mình một cách lý giải riêng về lựa chọn xăm vẽ lên cơ thể của chính mình.

Hành động xăm mình có vẻ bề ngoài là một lựa chọn cá nhân, song chính xã hội, nơi mà giới trẻ sinh sống lại chính là môi trường góp phần kiến tạo nên sự lựa chọn tưởng chừng mang màu sắc cá nhân ấy. Xăm mình có khi được đánh giá là một hành vi bồng bột thiếu suy nghĩ của tuổi trẻ, hoặc cũng có thể còn là một động thái hợp lý đã được cân nhắc dựa trên hệ giá trị mà chính giới trẻ đề cao – hay nói theo quan điểm của P. Berger: “Mọi thứ không phải như chúng có vẻ là”.

Hiểu và giải mã những hiện tượng ấy là điều quan tâm của các nhà xã hội học. Bên cạnh việc tiến hành các khảo sát thực nghiệm hoặc quan sát, một số cách tiếp cận về lý thuyết xã hội học có thể giúp những người quan tâm giải mã được những hành động này và có cái nhìn khách quan hơn về lựa chọn của giới trẻ ngày nay.

=====

1. Lý thuyết hành động xã hội của M.Weber

M.Weber (1864 – 1920) được nhắc đến như người sáng lập ra khái niệm xã hội học thông hiểu (understanding sociology), lĩnh vực xã hội học nhấn mạnh khía cạnh chủ động tích cực của các cá nhân trước các cấu trúc khách quan của xã hôi. Khác với người tiền nhiệm như A.Comte, E.Duirkheim nghiên cứu xã hội như một cỗ máy, các cá nhân sống trong xã hội có nghĩa là chịu ảnh hưởng của logic xã hội, xã hội chi phối các cá nhân và cá nhân phục tùng trong xã hội đó. Ở phương diện nhận thức về xã hội, M.Weber có một hướng tiếp cận khác. Nhà xã hội học người Đức cho rằng có thể hiểu được xã hội thông qua lăng kính chủ quan của các cá nhân.

Người nghiên cứu xã hội khác với nhà sinh vật học, họ không có nhiệm vụ giải phẫu xã hội như các cơ quan sinh lý ngược lại họ cần nghiên cứu các mà xã hội được tạo nên thông qua các tương tác xã hội và hành động xã hội. Tất nhiên, nhà xã hội học không nghiên cứu các hành vi đơn lẻ và nghiên cứu hành vi với tính hệ thống, tính hình mẫu như một trong các hành vi điển hình cho xã hội loại người .

Thế giới xã hội trong quan điểm của Weber không giống với thế giới tự nhiên phải tuân theo các quy luật thiên tạo, ngược lại xã hội loại người do con người tạo nên thông qua nhận thức về chính xã hội mà con người đang sống. Một cơn mưa có thể đến khi đám mây tích đủ lượng nước, một cơn gió có thể thổi khi luồng áp suất khí quyển di chuyển từ vùng khí áp cáo xuống nơi khí áp thấp – nhưng vì một cử chỉ thân thiện là nhìn vào ống kính khi diễn thuyết, chứ không phải chỉ bởi các chính sách hiệu quả, một vị tổng thống có thể đắc cử. Con người thực hiện hành động theo sự lựa chọn của họ hơn là sự chi phối của xã hội và của tự nhiên. Tuy quan điểm này có thể không còn đứng vững trong xã hội hiện tại - bởi nửa sau thế kỷ XX các nhà khoa học như Parsron, A.Giddens, P.Bourdier đã dấy lên các tranh luận lớn nhằm chấm dứt tình trạng lưỡng nan - song đề của xã hội học, nhưng tiếp cận của M.Weber vẫn là một lý thuyết tiêu biểu áp dụng cho con người hành động. Suy cho cùng, xã hội học cũng có những câu hỏi của riêng mình: Các cá nhân làm nên xã hội hay xã hội nhào nhặn lên con người như hiện nay? Quan điểm của M.Weber với lý thuyết hành động xã hội là cách tiếp cận ngược lại với sự định hình của xã hội lên cá nhân theo quan điểm của A.Comte hay E.Duirkheim.

---

Từ nhận thức xã hội qua góc nhìn của các nguyên nhân và bóc trần nội dung từ góc nhìn đó, Weber đưa ra một đóng góp lớn cho xã hội học hiện đại với cái tên “thông hiểu”. Việc lý giải hành động con người phải được thực hiện trên cơ sở thấu hiểu được động cơ, mục đích phương tiện và ý nghĩa mà cá nhân gắn cho hành động của mình và hướng tới cho người khác . Bản thân hình xăm sẽ không thể tồn tại nếu chủ thể đi xăm không thể cắt nghĩa được mục đích và ý nghĩa từ hành động xăm của mình, thậm chí nó có thể trở nên vô nghĩa nếu người ta không sử dụng đó đúng với mục đích thực sự của hình xăm (ví dụ như lấy hình xăm áp dụng cho lính đặc nhiệm khi ngụy trang). Hình xăm vốn được sử dụng như một công cụ lưu trữ thông tin trên cơ thể có thể trở thành một “vết chàm” mà bất cứ một người nào muốn làm cho cơ quan chính phủ phải xóa đi .

Bản thân việc xăm mình, trong nghiên cứu này - cũng là một hành động có ý thức và có tính hướng đến người khác ngay cả khi “họ” đang không có mặt ở đó. Hành động có sự tham gia của ý thức và hướng đích tới người khác được M.Weber gọi là hành động xã hội (social action). Tính hướng đích không chỉ dừng lại ở việc hướng đến người khác, mà còn ở chỗ hành động này cũng tính đến việc đối tác sẽ phản ứng lại như thế nào từ đó, đưa ra hành động hoặc chuỗi hành động phù hợp .

Weber xem hành động xã hội là đối tượng nghiên cứu của xã hội học; xã hội học là khoa học hướng đến sự lý giải, phân tích ý nghĩa và mục đích của hành động xã hội. M.Weber cũng lưu ý về việc: nhà xã hội học là người trung lập về giá trị. Hay nói khác đi, trong quá trình nghiên cứu, nhà khoa học cần tỏ ra khách quan để tránh yếu tố chủ quan làm xao nhãng. Để làm được điều này, Weber để xuất việc sử dụng phương pháp loại hình lý tưởng (ideal type), tức là các mô hình hành động phổ biến cho mọi xã hội . Weber đã phân tách hành động xã hội thành 4 loại hình mà dựa vào đó chúng tôi đã áp dụng vào nghiên cứu về xăm mình, cụ thể như sau:

---

- Hành động tình cảm: là loại hành vi dựa trên tình cảm có tính hợp lý, tức là chủ thể cho rằng việc biểu lộ tình cảm có thể chấp nhận từ phía ngươi khác. Phần lớn hành động của con người thực hiện là do cảm xúc . Một hành động cảm xúc cá nhân muốn mang tính xã hội thì phải biểu hiện được tính liên quan tới người khác và có ít nhất một tình tiết thể hiện được tính chủ quan của chủ thể trong hành động này. Một thanh niên vừa mới nhận được lời đồng ý hẹn hò từ phía cô bạn gái sau nhiều tháng quen biết. Quá hạnh phúc, người thanh niên này quyết định xăm tên cô gái lên cánh tay để kỉ niệm và sẵn sàng để cô gái thấy được hình xăm ấy. Hành động này xuất phát chủ yếu từ tình cảm mãnh liệt khi hạnh phúc và hướng đích đến cô gái mà anh yêu. Tất nhiên, tình cảm con người là một khía cạnh phức tạp. Vì tính phức tạp đấy của cảm xúc con người mà đây được xem là loại hình hành động rất khó tiến hành nghiên cứu.

- Hành động truyền thống: là dạng hành động thực hiện theo một thói quen, phát xuất từ quá trình xã hội hóa cá cá nhân khi còn nhỏ. Các cá nhân thực hiện hành động theo tập tục được cả cộng đồng thừa nhận, chia sẻ. Các hành động này lặp đi lặp lại tạo thành thói quen hằng ngày . Đây là hành động xã hội bởi khi thực hiện, các chủ thể hành động hiểu rằng hành động của họ thực hiện như vậy là hợp vì mọi người trong cộng đồng đều làm vậy. Xăm mình trong lịch sử là một hành động xã hội mang tính truyền thống rất rõ rệt. Người Việt xăm mình đề đề phòng thủy quái, tất cả những thanh niên khi đủ tuổi ra khơi đều xăm mình để phóng tránh tai họa. Các thanh niên này được xã hội hóa về nhận thức ngay từ nhỏ về truyền thống của người Việt, khi lớn lên, họ theo cách truyền dạy của già làng và làm theo, nhờ đó truyền thống xăm mình của người Việt cổ được lưu truyền.

- Hành động hợp lý về giá trị : là hành động có tính tới định hướng giá trị. Các cá nhân trong xã hội hành động dừa trên một hệ thống niệm tin và giá trị vốn đã được xã hội xây dựng nên từ trước. Các cấu trúc này tồn tại bên ngoài cá nhân và thâm nhập vào các cá nhân khi họ tham gia vào đời sống xã hội, nói khác đi, sống trong xã hội là chịu sự câu thúc của logic xã hội mà con người ta không phải lúc nào cũng nhận ra . Khi hành động, các cá nhân tham chiếu khung giá trị mà anh ta được tiếp thu, sau đó đưa ra hành động phù hợp với hệ giá trị mà anh ta nhận biết được. Hành động này ngược với hành động truyền thống ở chỗ, một bên chỉ cần làm theo những gì được dạy bất kể sai đúng, một bên được thực hiện dựa trên hệ thống niềm tin và hệ giá trị mà anh tạo dựng và cho rằng hành động ấy là hợp lý. Các thành viên của “Skinhead” thường xăm hình chữ thập ngoặc lên gáy, bắp tay hoặc ngực để thể hiện sự trung thành của mình với tư tưởng chủng tộc thượng đẳng của chủ nghĩa phát xít. Một số người còn xăm lên mình cây thánh giá hoặc tượng chúa lên ngực để thể hiện đức tin. Thậm chí binh sĩ hoàng gia nhà Trần thích (xăm) lên trán 3 chữ “Thiên Tử Binh” cũng là một cách để thể hiện sự trung thành tuyệt đối với nhà vua và phân biệt họ với các đôi quân bình thường khác .

- Hành động hợp lý về mục đích: là hành vi được định hướng một cách chủ quan vào những phương tiện để đạt được mục tiêu mà chủ thể hành động cho là hợp lý . Dạng hành động này rất phổ biến trong xã hội hiện đại, khi mọi hành động đều mang trong mình một mục đích nhất định. Hành động hợp lý mục đích khi xăm mình có thể được lý giải qua hành động xăm để vết sẹo. Vì một lý do ngoài ý muốn, một cô gái có thể bị sẹo hoặc bị chàm, khiến họ trở nên không tự tin khi đối diện với người khác. Họ sẽ tìm đến các thợ xăm giỏi và thiết kế cho họ những hình xăm phù hợp với loại sẹo để che đi. Xăm có thể không phải là thứ họ đề cao nhưng hình xăm lại giúp họ đạt được mục đích “ngụy trang” trước cái nhìn của người khác. Đấy là hành động xã hội hợp lý về mục đích.

---

Tuy phân loại thành bốn loại hình hành động, nhưng M.Weber không có ý định tách bạch các loại hình hành động này thành những dạng riêng biệt, ngược lại, trong đời sống xã hội các loại hành động này đan xen vào nhau. Khi nhìn nhận, người nghiên cứu phải dự vào tiêu chí nào của hành động được đề cập đến nhiều hơn.

Việc áp dụng lý thuyết hành động xã hội của M.Weber phục vụ cho quá trình lý giải ý nghĩa chủ quan trong hành động xăm mình của các chủ thể, mà ở đây là các giới trẻ. Ngoài ra, 4 loại hình hành động xã hội của M.Weber cũng gợi ý cho chúng tôi cách nhóm và phân loại các loại hành động xăm mình mà chúng tôi thu thập được từ quá trình phân tích xử lý thông tin.

=====

2. Lý thuyết hành động xã hội của T.Parson

Talcott Parsons (1902 – 1979) là một sự tổng hợp từ M.Weber và E. Duirkheim, nhưng không dừng lại ở cuộc tranh luận thế kỷ giữa hai trường phái, Parson muốn hoàn thiện những điểm mạnh nhất của hai dòng quan điểm va đưa ra lý thuyết hành động xã hội của mình. Trước hết, Parson ủng hộ quan điểm của M.Weber cốt lõi của mọi hành động xã hội là ý nghĩa, do đó để hiểu được hành động phải hiểu được ý nghĩa gắn với hành động đó. Mặt khác, Parsons cũng chấp nhận quan điểm của Durkheim rằng có một trật tự đạo đức điều khiển xã hội. Từ đó, Parsons xây dựng khái niệm "khung tham chiếu hành động", cụ thể hóa hơn lập luận của Weber .

Một đóng góp lớn của Parsons trong việc nghiên cứu về hành động xã hội đó là việc chỉ ra được cấu trúc của hành động xã hội. Cấu trúc hành động xã hội của Parsons bao gồm chủ thể hành động (cá nhân, nhóm, tổ chức), mục đích hành động được các chủ thể theo đuổi; các hành động hướng tới việc đạt mục đích; các hành động này được tham chiếu bởi các yếu tố phương tiện (công cụ, nguồn lực, khả năng), các yếu tố điều kiện (bối cảnh, tình huống).

Nếu M.Weber chỉ đưa ra được cách phân loại các hành động xã hội, thì Parson, trong nỗ lực phối hợp của mình đã đưa ra lập luận rằng, hiểu được ý nghĩa chủ quan là chưa đủ. Sau khi nắm bắt được ý nghĩa mà chủ thể gán cho, còn phải suy tính đến các điều kiện bối cảnh bên ngoài như hệ giá trị, chuẩn mực, tình thế tương tác mà cá nhân có thể tham chiếu vào; cũng như tính đến các yếu tố cá nhân mà một cá nhân có thể căn cứ vào đó để đưa ra hành động phù hợp với môi trường xung quanh. Hay nói cách khác, hành động xã hội mà các cá nhân thực hiện để tạo nên trật tự xã hội thường thấy không phải là các hành động ngẫu nhiên mà những hành động đã được cấu trúc hóa từ trước. Các cá nhân tìm kiếm sự hợp lý tối đa, thực hiện các hành động trên cơ sở của vị thế vai trò.

Cách thức để một người chọn cho mình hình xăm thường rất khác nhau, mà dựa trên quan điểm của Parsons ta có thể nhìn rõ. Một người muốn thể hiện bản thân có thể sử dụng việc xăm mình như là phương tiện để đạt được mục đích là sự thừa nhận của người khác về sự tồn tại của họ.

Tuy nhiên, hành động xăm mình ấy sẽ chịu ảnh hưởng chi phối từ các yếu tố mang tính cấu trúc như bối cảnh như gia đình, sự ủng hộ của bạn bè trước việc xăm của họ. Các câu thúc này vừa là động lực vừa là trở lực để chủ hành động đưa ra quyết định. Cùng lúc, chủ thể này cũng phải đặt câu hỏi về việc các hệ giá trị và chuẩn mực đang được chia sẻ và thừa nhận trong cộng đồng có chấp nhận việc một cá nhân trẻ tuổi như anh sở hữu hình xăm. Từ đó, trong chủ thể này bắt đầu hình thành nên quá trình cân nhắc, tính toán trong sự tương quan với phản ứng của người khác trước hình xăm của anh ta trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tương tự cho một trường hợp trẻ tuổi khác tham gia một tổ chức Mafia chuyên bảo kê sòng bạc. Cá nhân cậu có thể là người không thích xăm, nhưng vì tất cả mọi người trong tổ chức đều có hình xăm nên việc cậu từ chối xăm mình có thể bị xem là biểu hiện của sự yếu đuối, không có lập trường và đặc biệt là sự thiếu trung thành với tổ chức. Lúc này, quá trình cân nhắc tính toán cũng diễn ra dựa trên việc tham chiếu với các giá trị xã hội khác nhau và động cơ của bản thân trước khi đưa ra quyết định.

Có thể thấy, ở cả hai ví dụ trên, các cá nhân đều là người đưa ra quyết định mang tính chủ thể. Nhưng những quyết định ấy đã được tham chiếu vào các hệ thống giá trị chuẩn mực có tính cấu trúc và mang tính câu thúc của tình huống. Do đó, chúng là những hành động đã được hình thành từ các công cụ và các điều kiện đã được xác định. Các thủ tục này được nội tậm hóa và được thực hiện dựa trên sự tương thích vơi bối cảnh bên ngoài. Cuối cùng khi hành động diễn ra, hành động tương thích ấy được bối cảnh văn hóa xã hội chấp nhận và hợp pháp hóa. Hành động thông thường trở thành hành động chuẩn mực trong khuôn mẫu tương tác và được thiết chế hóa. Các khuôn mẫu được thiết chế hóa, theo Parsons - chính là hệ thống xã hội .

Đối với Parson mà nói, một mặt ông thừa nhận tính ý nghĩa chủ quan của các cá nhân trong hành động, mặt khác chấp nhận sự tồn tại của cấu trúc xã hội. Hành động xã hội của Parsons là hành động được định hướng bởi các chuẩn mực, khác với Weber, dạng hành động có thành phần quan trọng là ý nghĩa.

=====

3. Lý thuyết Liên kết khác biệt của Sutherland

Edwin Sutherland (1883 – 1950) mong muốn xây dựng một lý thuyết tổng quát có thể giải thích cho mọi hành vi lệch chuẩn. Bàn về việc xác định đâu là lý thuyết giải thích cho nguyên nhân của hành vi lệch chuẩn, Sutherland cho rằng tiêu chí đầu tiên để một điều kiện có thể coi là nguyên nhân của lệch chuẩn thì điều kiện đó phải “xuất hiện khi hành vi tội phạm xuất hiện và không xuất hiện khi hành vi tội phạm không xuất hiện” . Sutherland cho rằng phần lớn các lý thuyết chỉ mới đưa ra các biểu hiện của hành vi tội phạm hoặc dự báo hành vi phạm tội chứ chưa truy suất ngược lại nguyên nhân khiến hành vi phạm tội ấy diễn ra.

Sutherland đưa ra 9 định đề để mô tả việc hình thành lệch chuẩn và tội phạm (nguyên nhân của lệch chuẩn và tội phạm). Các định đề này được xây dựng trên tiền đề của Thuyết học hỏi, cho rằng hành vi lệch chuẩn hay phạm tội là những hành vi học được thông qua sự liên kết với những người tội phạm hoặc lệch chuẩn. Thông qua những liên kết đó, con người sẽ dẫn tiếp thu các giá trị, chuẩn mực, cách hợp lý hóa và các kĩ thuật thực hiện hành vi lệch chuẩn / tội phạm. Một khi những đều này được học hỏi thành công, một cách từ từ, nó sẽ chuyển hóa thành hành động .

---

Ứng dụng lý thuyết liên kết khác biệt này vào hiện tượng xăm mình của giới trẻ, có thể triển khai 9 định đề này như sau:

1) Hành vi xăm mình là hành vi mang tính học hỏi và tiến trình học hỏi hành vi xăm mình này diễn ra theo đúng như các tiến trình học hỏi các hành vi khác diễn ra.

2) Hành vi xăm mình được học hỏi qua việc tương tác với người khác. Giới trẻ không tự nhiên biết đến xăm mình, họ biết đến hình xăm thông qua việc tiếp xúc với những người có hình xăm khác

3) Sự học hỏi diễn ra trong nhóm thân tình. Tương tác với nhóm tình thân như bạn bè, gia đình, bạn thân – có ảnh hưởng lớn nhất tới hành vi và nhận thức của giới trẻ tới việc có hình xăm. Thông thường bố mẹ có hình xăm thì con cái cũng có thể sẽ được khuyến khích xăm mình.

4) Tiến trình học hỏi hành vi xăm mình bao gồm việc bắt chước các kĩ thuật xăm, động cơ xăm mình, các động lực, các lý do hợp lý hóa và thái độ.

5) Động cơ và động lực cho việc xăm mình được học hỏi từ rất nhiều quan điểm khác nhau, kể cả quan điểm ủng hộ lẫn quan điểm phản đối. Trong quá trình học đại học, các giới trẻ có thể tiếp xúc với nhiều tiểu văn hóa mới. Các tiểu văn hóa này có thể xung đột với nhau hoặc xung đột với chính văn hóa truyền thống. Khi giới trẻ ngưỡng mộ một ai đó có quan điểm khác biệt với cái nhìn chung của xã hội, họ có xu hướng tin theo, thậm chí thay đổi quan điểm của mình theo quan điểm người mà họ đề cao hơn là xu hướng chung của xã hội. Nói khác đi, nếu người mà các giới trẻ này ngưỡng mộ có hình xăm, thì họ cũng sẽ có xu hướng xăm mình hoặc ủng hộ cho việc xăm mình. Kể cả khi xu hướng này không được nhà trường hoặc người thân ủng hộ.

6) Một người sẽ xăm mình nếu họ được tiếp xúc nhiều với quan điểm, định nghĩa ủng hộ việc xăm mình hơn là các quan điểm phản đối việc xăm mình

7) Các mối liên hệ của con người có thể khác biệt về: mật độ tương tác, thời gian tương tác, mức độ quan trọng của quan hệ, mức độ thân thiết của quan hệ. Các giới trẻ có thể xăm mình bởi tiếp xúc nhiều với bạn bè có hình xăm, nhưng vẫn có khả năng xóa xăm bởi sức ép từ gia đình, đơn giản là bởi mối liên hệ với gia đình quan trọng hơn bè bạn.

8) Tiến trình học hỏi hành vi xăm mình diễn ra bằng cách liên kết với các khuôn mẫu hành vi xăm mình khuôn mẫu chống lại hành vi xăm mình. Tiến trình này diễn ra theo cơ chế y như các cơ chế của quá trình học hỏi khác và việc học hỏi hành vi xăm mình thường không đơn thuần là sự bắt chước. Xăm mình là quá trình học hỏi chủ động, sau quá trình bắt chước, các cá nhân sẽ học thêm những điều khác đủ để hành động xăm mình có thể xảy ra.

9) Mặc dù các hành vi xăm mình thể hiện nhu cầu và giá trị cơ bản nhưng không thể dùng các giá trị và nhu cầu này để giải thích cho hành vi xăm mình. (Ví dụ một vài thanh niên xăm mình vì tin vào Chúa nhưng không phải ai tin vào Chúa cũng xăm mình, họ có thể làm việc khác như đi lễ nhà thờ vào ngày Chủ nhật hằng tuần chẳng hạn.)

---

Sutherland cũng chỉ ra ba cấp độ vi mô cá nhân học hỏi được hành vi xăm mình khi đảm bảo được ba điều kiện:

  • (1) Cá nhân được tiếp xúc với nhiều định nghĩa cổ vũ cho việc xăm mình;
  • (2) Cá nhân học hỏi được các kĩ năng và kĩ thuật cần thiết để xăm mình;
  • (3) Các cá nhân có dịp để xăm mình.

Ở cấp độ vĩ mô, tỉ lệ xăm mình tăng cao ở một cộng đồng nhất định có thể được lý giải bởi sự mở rông của các định nghĩa ủng hộ việc xăm mình trong khi các định nghĩa và khuôn mẫu về việc chống lại hành vi xăm mình lại ít và không hiệu quả.

---

Cần lưu ý rằng, tuy sử dụng một lý thuyết thường được sử dụng trong lệch chuẩn và tội phạm vào nghiên cứu này, nhưng quan điểm của chúng tôi hoàn toàn không áp đặt việc xăm mình là hành vi lệch chuẩn hay phạm tội. Việc sử dụng góc nhìn của Sutherland đưa đến cho chúng tôi một cách lý giải hành vi xăm mình của giới trẻ dựa trên giả thuyết, các cá nhân tiếp xúc với khuôn mẫu hành vi xăm mình càng nhiều và càng có nhiều mối liên hệ thân tình (bạn bè, gia đình) với những người xăm mình thì tỉ lệ có hình xăm mình hoặc ủng hộ xăm mình càng cao.

Kết luận

Hinh xăm, thứ mà người khác nhìn vào có thể chỉ là một hình vẽ ngẫu nhiên, không mang hàm ý gì khác ngoài việc chủ nhân của nó thích được làm như thế. Hoặc có thể cùng lúc, chúng mang rất nhiều ý nghĩa và ấn chứa một câu chuyện đằng sau mà chỉ có chủ nhân của nó mới hiểu được. Mặc dù vậy, hình xăm không hoàn toàn là một loại mật mã không có lời giải.

Thông qua việc sử dụng các lý thuyết phổ quát như Hành động xã hội của M.Weber, T.Parson; lý thuyết liên kết khác biệt của Sutherland - người nghiên cứu có thể quy luật hóa được các thông tin trên, từ đó tiến đến lý giải và nắm bắt được quan điểm của người lựa chọn xăm. Việc có thể nắm bắt và hiểu được các ý nghĩa thực sự ẩn chứa đằng sau nó khiển người khác có cơ hội nhìn nhận và điều chỉnh một thái độ phù hợp khi đánh giá về hình xăm và hiện tượng xăm mình của giới trẻ.

---

Huế, 11:29 AM 11/28/2023

(*) Vui lòng trích nguồn khi sử dụng

---

Tài liệu tham khảo

[1] Lê Ngọc Hùng (2002), “Lịch sử lý thuyết xã hội học”, NXB Đại học quốc gia Hà Nội

[2] Nguyễn Thị Như Trang (2017), “Bạo lực học đường - góc nhìn từ người trong cuộc”, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội

[3] Peter L. Berger (2016), “Lời mời đến với xã hội học, một góc nhìn nhân văn”, Bản dịch của Phạm Văn Bích, NXB Tri thức

[4] Vũ Hào Quang (2017), “Các lý thuyết xã hội học”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội

[5] Mark J.Penn (2007), “Những trào lưu mới trong xã hội Mỹ”, NXB Thế giới