Cách trình bày nhật ký thực địa Xã hội học

Tuấn Long

Kĩ năng

Phương pháp nghiên cứu

26 Tháng M. một, 2023

Cách trình bày nhật ký thực địa Xã hội học

Có một cách nói hình ảnh về hấp thụ thông tin : “Nhai cũng đã là tiêu hóa”.

Một trong những điều thú vị của nghiên cứu định tính là quá trình xử lý dữ liệu được tiến hành song song với quá trình thu thập và biên tập dữ liệu. Trong quá trình đó, nhật ký nghiên cứu chính là công cụ để nhà nghiên cứu thu thập những câu hỏi bất chợt xuất hiện, những thông tin không dễ dàng để nhớ, hay những khúc mắc cần câu trả lời vào ngày hôm sau.

Dưới đây là một số nội dung cần có khi trình bày nhật ký nghiên cứu. Các bạn có thể tham khảo, tổng hợp lại và trình bày trong phần đầu của báo cáo nghiên cứu nhé.

1. Tổng quan về quá trình nghiên cứu:

Phần này chia sẻ một số thông tin chung về nghiên cứu

---

  • Quá trình bắt đầu nghiên cứu
  • Nội dung/ chủ đề nghiên cứu
  • Thời gian xây dựng chuẩn bị nghiên cứu
  • Quá trình thực địa tiền khảo sát: từ quá trình này có những gì thay đổi trong nghiên cứu không?
  • Những thông tin cần chú ý ở địa bàn nghiên cứu có thể ảnh hưởng đến quá trình khảo sát cần xây dựng chương trình thích ứng
  • Sơ lược về thời gian nghiên cứu

---

2. Thông tin quan sát

Trình bày những thông tin có được từ quá trình quan sát, khảo sát theo từng ngày, gồm các nội dung cụ thể như sau:

---

  • Thông tin về địa bàn có được thông qua quan sát
  • Những câu hỏi nảy sinh trong quá trình kháo sát
  • Những vấn đề mà người dân quan tâm
  • Mối liên hệ giữa các bên liên quan tại địa bàn
  • Tiểu kết kết thông tin ngày 1, từ đây xây dựng một bảng câu hỏi, thông tin cần kiểm tra, tìm thêm thông tin vào ngày nghiên cứu sau.

---

3. Thông tin đặc biệt

Tổng kết các thông tin từ địa bàn mà khách thể nghiên cứu đặc biệt quan tâm, những điều có thể ảnh hưởng, thậm chí là thay đổi quyết định nội dung nghiên cứu

---

4. Khó khăn

Trình bày những khó khăn, thách thức trong quá trình nghiên cứu có thể ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu

---

5. Giải pháp

Tôi đã làm gì để khắc phục những khó khăn đó. Ở trên trình bày khó khăn gì thì ở dưới chia sẻ giải pháp đó.

---

6. Giới hạn

Một số hạn chế còn tồn tại trong nghiên cứu và gợi ý hướng đi cho các nghiên cứu tiếp theo (nếu được)

---

(*) Nhật ký nghiên cứu hữu dụng

Cách để đánh giá một nhật ký nghiên cứu tốt nằm ở chất lượng thông tin mà bạn có thể sử dụng để đưa vào phân tích. Như vậy, các dạng nhất ký thuần túy liệt kê công việc tương ứng với dòng thời gian (kiểu to-do list) hoặc nhật ký cá nhân với những thông tin bị cảm xúc dẫn dắt và sự hồi tưởng không rõ ràng sau khi rời địa bàn - sẽ là nội dung không phù hợp trong báo cáo nghiên cứu.

Để có được thông tin chi tiết cách tốt nhất là chúng ta cần thu thập thông tin một cách có hệ thống và dành thời gian để ghi chép mỗi ngày. Những câu hỏi tự đặt ra, những câu trả lời tự tìm được, những quan sát mới - đều góp phần phản ánh được nhật ký nghiên cứu. Dưới đây mình sẽ trình bày hai bản nhật ký. Một bản nhật ký chưa phù hợp và một bản nhật ký nên làm.

(Các bạn có thể kéo lướt để xem nhé)

=====

1 - DẠNG NHẬT KÝ KHÔNG NÊN LÀM:

Là dạng nhật ký thuần túy liệt kê công việc và thời gian nhưng không có sự dẫn dắt người đọc theo tiến trình logic hoặc phát triển của công việc tại thực địa. Đây chỉ có thể xem là dàn ý cho nhật ký.

---

NHẬT KÝ THỰC TẾ

1. Tổng quan về quá trình nghiên cứu

  • Thời gian bắt đầu nghiên cứu: Tháng 2/2020
  • Nội dung: Nghiên cứu sinh kế của người dân xã Xy, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.
  • Thời gian chuẩn bị nghiên cứu: Tháng 2- 7/2020
  • Quá trình thực địa tiền khảo sát: 16/06/2020

2. Sơ lược về thời gian nghiên cứu

  • Kéo dài từ 6/7/2020 – 12/7/2020: thời gian thực địa chính thức (7/7/2020 -10/7/2020)
  • Có 3 thảo luận nhóm tập trung: từ 60 – 90 phút/cuộc (7/7/2020-9/7/2020)
  • Phỏng vấn cấu trúc: 30 – 45 phút/cuộc và 3 phỏng vấn/người/ngày (7/7/2020 - 0/7/2020)
  • Phỏng vấn sâu và phỏng vấn bán cấu trúc: (7/7/2020 – 10/7/2020)

3. Thông tin quan sát

  • Thông tin địa bàn: Cơ sở hạ tầng: nhà sàn, đường khó đi, không có đèn đường, nhà cộng đồng, trạm y tế, uỷ ban…
  • Câu hỏi nảy sinh: Cách thức làm việc ở địa bàn. & Cách xây dựng thảo luận nhóm.

4. Tổng kết:

  • Cần đảm bảo an toàn trong quá trình khảo sát; nhóm từ 2 người với nhau; cần tránh những trường hợp không muốn hợp tác hoặc có những biểu hiện đáng ngờ; chú ý thời gian khảo sát; khảo sát trong khu vực được chỉ định; lưu thông tin liên hệ khẩn cấp.
  • Cần phải xây dựng kịch bản chi tiết cho thảo luận nhóm; chọn mẫu; chủ đề nghiên cứu cụ thể; sử dụng các phương pháp nghiên cứu; phân chia nhiệm vụ cho mỗi cá nhân; liên hệ trưởng thôn và địa điểm tổ chức.

[End]

=====

2 - DẠNG NHẬT KÝ NÊN THỰC HIỆN

Người đọc cũng có nhu cầu được dẫn dắt và thấu hiểu được tiến trình nghiên cứu, hãy trình bày theo một dạng văn xuôi có cấu trúc rõ ràng và mạch lạc. Người viết có thể đưa vào một số cảm xúc cá nhân song cần chọn lọc, hạn chế các đánh giá cảm tính, chưa có dữ kiện hoặc cực đoan thái quá. Nhật ký nghiên cứu không phải là nơi phù hợp để ta than thở (cười). Hãy bổ sung thêm ảnh minh họa thiên về hoạt động, trao đổi, tránh sử dụng ảnh riêng tư quá - như thế sẽ làm tăng tính chân thật của nhật ký hơn.

---

Mở đầu

Theo khung chương trình đào tạo của chuyên ngành Xã hội học Huế, sau quá trình tích lũy những kiến thức cơ bản và cần thiết, phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học thì cuối năm 3 chính là thời gian mà tất cả những sinh viên sẽ có cơ hội áp dụng những kiến thức đó cho chuyến thực tế ở địa bàn cụ thể để phát triển kinh nghiệm thực tiễn. Chuyến thực tế này là vừa cơ hội để sinh viên chuyên ngành Xã hội học có thể áp dụng tất cả những lý thuyết sách vở vào nghiên cứu thực tiễn và cũng là cơ hội để một lần nữa có thể hệ thống lại tất cả những tri thức trên giảng đường suốt 3 năm qua.

Nhờ vào những gợi ý của thầy, cô cũng như sự am hiểu và hỗ trợ của các thành viên K41 có sự quan tâm và hiểu biết địa hình, con người tỉnh Quảng Trị. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định lựa chọn địa bàn này để tiến hành cuộc khảo sát dựa trên tìm hiểu “Thực trạng sinh kế của người dân xã Xy, huyện Hướng Hóa, Tỉnh Quảng Trị” để hiểu rõ hơn về đời sống kinh tế, xã hội của con người nơi đây.

Chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho nghiên cứu từ tháng 2 năm 2020 và thời gian bắt đầu cho chuyến thực tế vào đầu tháng 7 năm 2020. Trong quá trình chuẩn bị các công cụ phục cho chuyến thực tế thì vào ngày 16/06/2020 chúng tôi đã cùng thầy và một số bạn tiến hành đi tiền trạm để có thể chỉnh sửa lại bảng hỏi sao cho phù hợp với địa bàn nghiên cứu. Cũng như biết được cách thức di chuyển, địa bàn sinh hoạt và khoanh vùng được địa bàn nghiên cứu.

---

1/ Sơ lược về thời gian nghiên cứu:

Thời gian nghiên cứu tại địa bàn bắt đầu từ ngày 06/07-12/7/2020. Ngày 7/7-10/7/2020 chúng tôi bắt đầu chạy đua với những công việc mà thầy, cô và cả lớp đã đề ra. Trong đó, mỗi nhóm cần thực hiện một cuộc thảo luận nhóm tập trung từ 7/7-9/7 và thời gian 3 ngày tương ứng với 3 nhóm khác nhau.

Cuộc thảo luận kéo dài từ 60-90 phút cùng với 6 - 8 người tham gia. Bên cạnh đó phỏng vấn cấu trúc, chúng tôi phải đảm bảo xuyên suốt kể từ ngày bắt đầu làm việc đến khi kết thúc đảm bảo mỗi thành viên có 3 bảng phỏng vấn trên một ngày, thời gian của mỗi cuộc là 30-45 phút chính vì thế thông tin thu được tập trung hầu hết là thông tin định tính, mang giá trị cốt lõi của vấn đề nhiều hơn.

Cuối cùng là phỏng vấn sâu và phỏng vấn bán cấu trúc sẽ kéo dài từ ngày chính thức làm việc đến khi kết thúc.
----

2/. Thông tin thực địa cụ thể

Ngày thứ nhất (06/07) là ngày di chuyển đến địa bàn, cùng thầy, cô và cả lớp dọn dẹp chỗ ở, sắp xếp hành lý của mỗi cá nhân. Dành một chút thời gian để nghỉ ngơi và sau đó chúng tôi đã bắt tay ngay vào tập huấn bảng hỏi, chuẩn bị cho thảo luận nhóm tập trung và vạch kế hoạch cho ngày tiếp theo.

Theo quan sát, nơi đây thuộc địa phận sát vành đai biên giới với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn cũng như đời sống xã hội còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng xuống cấp và thiếu đầu tư. Nhà sàn là lối kiến trúc nổi bật nhất ở đây với số lượng gần như bao phủ cả địa bàn, toát lên nét văn hoá đặc trưng của người đồng bào dân tộc. Mặc dù đã được hỗ trợ lắp đặt hệ thống đèn đường nhưng lại không được duy trì lâu dài chính bởi vì điều kiện kinh tế của bà con còn quá eo hẹp, họ không thể đóng tiền điện mỗi tháng nên dần dần ánh đèn đường ở đây rơi vào quên lãng và người dân cũng sống chung với tình trạng không ánh sáng này. Vẫn có sự xuất hiện của các nhà sinh hoạt cộng đồng cũng như các trạm y tế, trường học tuy nhiên vẫn chưa có sự đầu tư đầy đủ về trang thiết bị vật tư và cơ sở hạ tầng.

Dựa vào thói quen sinh hoạt, làm việc bắt đầu vào sáng sớm của người dân, chúng tôi buộc phải thay đổi khung giờ làm việc lên sớm hơn dự định, bắt đầu vào 5 giờ 30 phút mỗi sáng để có thể tranh thủ gặp được bà con trước khi họ bắt đầu công việc. Để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người, luôn luôn có 2 người trong một nhóm để hỗ trợ nhau trong quá trình làm việc.

Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên xuống địa bàn cũng như thực địa, vì vậy việc chuẩn bị cho buổi thảo luận nhóm là vấn đề mà mỗi thành viên đều lo lắng nhưng nhờ vào sự hỗ trợ tích cực của thầy Tuấn Long và cô Minh Châu - 2 giáo viên cố vấn chịu trách nhiệm tại địa bàn, đã hướng dẫn chúng tôi cách thức chuẩn bị để quá trình tiến hành khảo sát thực tế có thể diễn ra trôi chảy hơn và điều này mang lại sự cổ vũ tinh thần chúng tôi rất lớn trước thềm thảo luận nhóm và tiến hành khảo sát.

---

Ngày thứ hai (7/7) - là ngày khảo sát đầu tiên và chính thức của chuyến đi thực tế. Qua quan sát, các hộ dân ở đây đi làm sớm từ 5-6 giờ sáng, sau 8 giờ sẽ không có người lớn ở nhà chỉ còn trẻ em, không tiện cho quá trình tìm hiểu về tình hình đời sống cũng như cách thức sinh hoạt trong gia đình. Chúng tôi chủ yếu đi bộ tới địa bàn cần làm việc nên mất khá nhiều thời gian để di chuyển.

Ngoài ra người dân nói được tiếng phổ thông còn rất ít vì đây chủ yếu là nơi sinh sống của người dân tộc Vân Kiều. Sau khi quan sát trên địa bàn chúng tôi đã suy nghĩ “Liệu rằng với mục tiêu 5 bản phỏng vấn cấu trúc trên một ngày có khả thi khi thời gian tiến hành khảo sát bị rút ngắn chia làm 2 mốc thời gian trong ngày?” Và “Phải làm gì khi không được sự hướng dẫn của trưởng thôn vào ngày đầu khảo sát?”

Mặc dù không nhận được sự hướng dẫn của bác trưởng thôn tuy nhiên chúng tôi đã tự ý thức được cần phải tự mình thuyết phục người dân để thu thông tin mặc dù kết quả thu lại rất ít nhưng chúng tôi vẫn kiên trì và nhẫn nại để hoàn thành nhiệm vụ. Khi tiếp xúc với người dân trên địa bàn cho thấy họ rất quan tâm đến các vấn đề như nguồn nước, cơ sở hạ tầng, trợ cấp, nghề nghiệp.

Ngoài ra nhờ vào sự hỗ trợ từ phía biên phòng địa phương, chúng tôi đã có thể đăng ký tạm trú tại địa phương một cách an toàn, hợp pháp và những lưu ý an toàn trong quá trình làm việc. Không thể không nhắc đến các bác trưởng thôn - những người chịu trách nhiệm “đánh động” sự hiện diện của chúng tôi ở địa bàn cho người dân có thể nắm bắt được công việc mà chúng tôi sắp tiến hành. Đặc biệt hơn khi cả lớp đã được bác Bí thư là người tạo điều kiện cho tập thể K41 được lưu trú và sinh hoạt tại nhà riêng. Khi ngày thứ 2 của chuyến thực tế kết thúc cho thấy được việc đặt ra mục tiêu 5 bản phỏng vấn cấu trúc cho một ngày là không khả thi đối với các thành viên trong lớp.

Thời gian khảo sát bị rút ngắn phụ thuộc vào đặc tính sinh hoạt của người dân ở đây. Thêm vào đó đây là địa bàn vùng biên giới nên việc di chuyển vào ban đêm là rất nguy hiểm. Việc đề ra 2 người cho một bản phỏng vấn cấu trúc là rất hợp lý để đảm bảo an toàn cho mọi người. Mỗi thành viên của nhóm cần phải thực hiện theo chiến lược “tự thân vận động” tự giới thiệu và làm quen đối với người dân.

---

Ngày thứ ba (08/07), sau khi quan sát tại địa bàn cho thấy thông tin thu được rất nhiều từ các quán tạp hoá giúp chúng tôi biết thêm về cách thức chi tiêu của người dân. Biết được cách thức mai táng ở địa phương và những cảnh báo mang tính tâm linh. Trong quá trình khảo sát trên địa bàn cho thấy được vấn đề người dân gặp phải ở đây vẫn là nguồn nước, cơ sở hạ tầng, trợ cấp, nghề nghiệp thu nhập và thời tiết ảnh hưởng tới mùa màng.

Mối liên hệ giữa các bên liên quan đó chính là sự lạnh lùng của của bác trưởng thôn đối với cả nhóm chúng tôi khi mỗi lần liên hệ cần sự giúp đỡ. Qua ngày thứ 3 trên địa bàn thì phỏng vấn cấu trúc hôm nay thuận lợi hơn vì làm việc sớm hơn thời gian quy định và người dân đã biết đến sự có mặt của các khảo sát viên trên địa bàn vì vậy mục tiêu đề ra đã hoàn thành, lượng thông tin thu được khá lớn.

Câu hỏi đặt ra khi ngày thứ 3 của chuyến thực tế đã xảy ra, nhóm 2 đã tổ chức xong buổi thảo luận nhóm tập trung vậy điều mà chúng tôi đang đắn đo đó là có nên tổ chức thảo luận nhóm theo cách thức của nhóm 2 hay không? Mặc dù nhóm 2 đã tiến hành cuộc thảo luận nhóm khá tốt nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế mà chúng tôi đều có thể nhận ra được và cố gắng để khắc phục cho buổi thảo luận nhóm tập trung vào ngày mai. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng chúng tôi đã học được rất nhiều điều từ buổi thảo luận của nhóm 2 từ cách dẫn dắt, thái độ và những quan tâm của từ các thành viên.

Ngoài ra, những điểm rút ra được từ thảo luận nhóm của nhóm 2 đó là cách sắp xếp bàn ghế, phân công công việc cho các thành viên, cách dẫn dắt buổi thảo luận, cách nói chuyện và làm quen với các bên tham gia thảo luận trước khi bắt đầu, luôn giữ bình tĩnh và vui vẻ với người dân. Đặc biệt là cách thức phối hợp vào giao tiếp “ngầm” giữa các thành viên trong nhóm.

---

Đến ngày thứ tư (09/07), chúng tôi tiếp tục đến địa bàn và thu thông tin, sau khi quan sát trên địa bàn chúng tôi đã biết được cách thức và nguồn vay nóng của người dân ở đây khi họ thiếu thốn về tiền bạc.

Đây cũng chính là ngày cả nhóm phải hoàn thành thảo luận nhóm tập trung. Cũng vì quá lo lắng nên mọi người trong nhóm đã chú tâm nhiều hơn để lắng nghe cũng như tiếp nhận công việc từ nhóm trưởng. Khá may mắn sau bao lẫn lỡ hẹn thì hôm nay ngày quan trọng nhất thì bác trưởng thôn đã giữ đúng lời hẹn để buổi thảo luận nhóm diễn ra đúng như dự kiến. Sau bao lo lắng và căng thẳng, cuối cùng buổi thảo luận nhóm đã diễn ra thành công ngoài mong đợi.

Mọi người tham gia đến đúng giờ nhất trong 3 cuộc thảo luận. Với sự đồng hành và tin tưởng của tất cả các thành viên, năng lượng của chúng tôi đã dồn hết cho buổi thảo luận chính vì vậy thành công đã mỉm cười với cả nhóm chúng tôi.
---

Ngày thứ năm (10/07) là ngày dự phòng của cả lớp, cũng là ngày để hoàn thành tất cả công việc đã đề ra. Trong lúc lên địa bàn để hoàn thành công việc chúng tôi đã có thời gian di chuyển tới sông Xê Pôn nhận thấy được chất lượng nguồn nước của người dân đang sử dụng khó khăn khó khăn về cả chất lượng cũng như số lượng để sử dụng, trẻ em đánh bắt cá, tắm rửa và thậm chí là đánh răng ở trên sông, phụ nữ giặt áo quần và lấy nước về sinh hoạt.

Mọi sinh hoạt đều sử dụng trên sông họ cũng cảm thấy bức xúc nhưng chúng tôi thấy ở họ như không còn sự lựa chọn nào khác khi sinh sống ở đây. Biết rằng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng điều kiện không cho phép họ có thể đào giếng cũng như là sử dụng nước bình để đảm bảo an toàn. May mắn lại không tiếp tục mỉm cười với chúng tôi, các thành viên đã bị từ chối phỏng vấn bác Bí thư vì lý do sức khoẻ và tính chất công việc liên quan đến chính trị. Thêm vào đó lại tiếp tục là trưởng thôn cũng là người từ chối phỏng vấn bán cấu trúc bác đã không nhận điện thoại khi liên lạc vì lý do liên quan đến vấn đề tôn giáo do trong nhóm Hồng là người chịu trách nhiệm phỏng vấn.

Sau ngày thứ 5 trên địa bàn, hôm nay chúng tôi chỉ hoàn thành được 1 cuộc phỏng vấn bán cấu trúc và thu được thông tin từ buổi chia sẻ kiến thức của 3 nhóm đã đúc kết được.

---

Ngày thứ sáu (11/07) là ngày nghỉ ngơi của tất cả mọi người sau 5 ngày làm việc không ngừng nghỉ. Chúng tôi di chuyển đến thác Chênh Vênh đây cũng là một địa điểm thu hút khách du lịch ở Quảng Trị. Đúng với cái tên của nó đường đi rất nguy hiểm, dễ trượt chân ở vách núi nếu chỉ sơ hở một chút thì phía 2 bên là vực thẳm và phía dưới là nước sâu.

Mặc dù đây là ngày mà chúng tôi được phép nghỉ ngơi sau những ngày làm việc hết sức căng thẳng nhưng điều mà chúng tôi nhận ra được ở địa điểm vui chơi thác núi này là tiềm năng phát triển du lịch núi rừng rất đáng để lưu tâm và đầu tư của địa phương nếu như có sự hỗ trợ của nhà nước hoặc từ phía các nhà đầu tư cũng như nhà môi trường học. Tuy nhiên cần phải kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên rừng vô giá này. Chúng tôi hy vọng thác Chênh Vênh sẽ nhận được sự quan tâm đúng cách mà thiên nhiên đem lại và cảnh đẹp của dòng thác giữa chốn rừng núi hoang vu này.

Cuối ngày chúng tôi có bữa tiệc liên hoan chia tay xã Xy và hiểu được tại sao chúng tôi bị bác trưởng thôn từ chối và cũng cám ơn bác rất nhiều vì đã hỗ trợ chúng tôi trong suốt quá trình làm việc tại địa phương. Kết thúc bữa tiệc là sự thấu hiểu giữa các cá nhân với nhau khi mọi nút thắt đã được tháo bỏ.
---

Ngày thứ bảy (12/07) là ngày chúng tôi phải nói lời chia tay với xã Xy, với người dân và với gia đình bác Bí thư. Cảm ơn xã Xy đã yêu quý và giúp đỡ chúng tôi trong suốt thời gian tiến hành thực tế ở địa bàn.

Sau năm ngày được trải nghiệm trên địa bàn thì chúng tôi đã thu thập được khá nhiều thông tin mang tính giá trị. Người dân mặc dù còn gặp khó khăn nhưng họ luôn mong muốn con em của mình đến trường cũng như quan tâm đến chất lượng giảng dạy tuy nhiên trẻ em ở đây vẫn đang phải đối mặt với rào cản về bất đồng ngôn ngữ của giáo viên và học sinh. Nguồn nước sử dụng chủ yếu từ sông Xê Pôn không được đảm bảo khi mọi sinh hoạt đều ở dưới sông. Thêm vào đó là ý thức của người dân chưa cao trong việc vứt rác cũng như tình trạng nhà vệ sinh vẫn chưa thật sự phổ biến. Cũng chính vì cuộc sống của họ như vậy nên chính quyền địa phương còn gặp nhiều bất lợi trong việc duy trì đèn đường đảm bảo an toàn cho người dân.

Bên cạnh đó, đổi công là cách thức làm việc mà người dân áp dụng trong canh tác và sản xuất nông nghiệp với nhau cũng như những nét văn hoá lễ hội đặc sắc của người dân địa phương.

---

3/ Khó khăn:

Chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn khi sự thiếu hợp tác của bác trưởng thôn khiến cho quá trình tiếp cận với người dân để thu thông tin ở ngày đầu tiên còn nhiều trở ngại. Địa bàn làm việc còn rất nguy hiểm và thiếu an toàn, một số đối tượng có ý đồ xấu vì đây là khu vực gần biên giới nên tồn tại các vấn đề bất cập của xã hội chẳng hạn như nạn buôn bán người trái phép.

Với phương tiện di chuyển chủ yếu là đi bộ với địa hình khá dốc và gập ghềnh thêm vào đó là áp lực thời gian, chất lượng và số mẫu bảng phỏng vấn trong quá trình thu thập thông tin nên mỗi sinh viên như chúng tôi cũng khá áp lực. Bên cạnh đó, rào cản từ phía ngôn ngữ cũng khiến người dân và chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình trao đổi để thu thập thông tin.

Bên cạnh đó, do tính chất hoạt động theo nhóm có đến 9 thành viên khiến cho việc dung hòa các ý kiến là rất khó khăn với nhóm trưởng. Tính cách và những nét khác biệt khác khiến quá trình làm việc nhóm không thể tránh khỏi những bất đồng hay tranh cãi.

Từ phía tập thể lớp việc tiếp nhận nhiều ý kiến của các thành viên trong lớp và dung hòa các ý kiến là thực sự khó khăn đối với cả thầy, cô và tập thể. Đây cũng là lần đầu tiên đi thực tế tại địa bàn nên kinh nghiệm ứng phó với những tình huống đặc biệt còn gặp nhiều hạn chế đối với tất cả các bạn.
---

4/. Giải pháp:

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi cần cố gắng thích nghi nhanh với môi trường đang sinh sống, kiên trì, nhẫn nại, tập trung tối đa để làm việc cùng nhau hiệu quả hơn và biết tự bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình.

Trong quá trình làm việc nhóm cần phải thay đổi thời gian khảo sát lên sớm hơn và tranh thủ thời gian ban ngày; thay đổi chiến lược làm việc nhóm bằng cách phân công công việc cho từng cá nhân để mọi người tập trung hơn và lựa chọn thời gian phù hợp với múi giờ của nhóm cũng như cố gắng gạt bỏ cái tôi của bản thân để mang lại hiệu quả cho mọi người.

Từ phía tập thể lớp mỗi thành viên đều phải học cách lắng nghe và tôn trọng sự khác biệt. Biết chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cùng nhau để đưa tập thể K41 ngày càng vững mạnh hơn.

---

5/. Thay lời kết

Đây cũng là chuyến thực tế đầu tiên cũng như lần cuối cùng trong suốt 4 năm đại học cùng nhau nên mỗi sinh viên như chúng tôi với lượng kiến thức trang bị chưa thật sự vững chắc để có thể dễ dàng ứng phó với các tình huống xảy ra đột ngột. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tạo dựng niềm tin cho người dân trong quá trình khảo sát địa bàn. Ngoài ra, khối lượng công việc tương đối lớn so với kế hoạch mà chúng tôi đã đề ra khiến cho mọi kế hoạch bị xáo trộn và không diễn ra hết như dự định.

Mặc dù còn nhiều thiếu sót và hạn chế về kinh nghiệm và kiến thức thực địa nhưng chúng tôi hy vọng đây sẽ là bước đệm để tập thể K41 có thể tiến xa hơn nữa trong tương lai. [End]

=====

Kết luận

Như vậy, nhật ký nghiên cứu là cách thức ta ghi chép các thông tin tại địa bàn nghiên cứu dựa trên góc nhìn của người trong cuộc. Thông tin trong nhật ký có thể không tránh khỏi thiên lệch do góc nhìn chủ quan của người nghiên cứu song lại giúp cho người đọc báo cáo hiểu hơn về quá trình thực hiện nghiên cứu của nhóm tác giả, từ đó đánh giá công tâm hơn.

Hy vọng hướng dẫn này sẽ giúp các bạn hình dung được những việc cần làm một cách rõ ràng hơn. Khi làm việc theo nhóm, các bạn sẽ biết cách chia nhau tổng hợp lại thông tin, sắp xếp theo khung gợi ý trên và triển khai viết một bản nhật ký nghiên cứu phù hợp.

---

Huế, 07:45 PM 11/26/2023

(*) Vui lòng trích nguồn khi sử dụng bài viết

---