1. Cấp độ đo lường và Thang đo
Dữ liệu tồn tại trong thế với nhiều dạng thức khác nhau và để đảm bảo việc đo lường được diễn ra một cách chính xác ta không thể đưa tất cả dữ liệu vào cùng một loại hộp rồi đưa lên bàn cân.
Ngược lại, với những loại dữ liệu khác nhau, ta cần cách thức tiếp nhận sao cho phù hợp với từng loại dữ liệu. Các cách thức tiếp nhận khác nhau này được gọi là các cấp độ đo lường (level of measurment) và các dụng cụ giúp ích cho việc đo lường được gọi là Thang đo (scale). Thang đo trong tiếng Anh là "scale", tương tự như những vạch chia độ trên thước (rule) mà nhờ có nó ta biết được kích thước (size) của sự vật, hiện tượng thông qua quá trình đo lường (measurment).
---
Ví dụ 1: Các tổ chức bảo tồn hệ sinh thái thường khuyến cáo ngư dân nên sử dụng lưới mắt cáo cỡ trung bình để đánh bắt những con cá trưởng thành và tạo không gian cần thiết để cá con có thể thoát ra ngoài. Nhưng nếu như bạn muốn gia tăng năng suất và sẵn sàng tận diệt nguồn thủy sản, thì những chiếc lưới có mắt cá con sẽ phù hợp hơn. Ngược lại, nếu bạn muốn đánh bắt cá voi thì chỉ lưới mắt cáo thôi là chưa đủ, bạn sẽ cần những chiếc lưới có mắt to hơn, sợi lưới dày hơn, hãy cân nhắc sử dụng loại lưới lớn đủ đề khiến những cú cá voi hết đường vùng vẫy.
---
Ví dụ 2: Mỗi một người thợ khác nhau sẽ sử dụng các loại thước đo khác nhau để đo đồ vật mà họ sắp tác động: khi cần đo chu vi của một khối đá lớn, họ dùng thước dây quấn vòng quanh ; khi cần đó diện tích mặt gỗ, họ dùng thước thợ nề khổ lớn nhưng khi cần đo mức độ chệnh lệch giữa mép tường với nền nhà, họ sử dụng ê-ke ...
Bạn thấy đấy, với các loại vật liệu khác nhau và mục đích đo lường khác nhau, người ta sẽ có dụng cụ và các cấp độ đo lường khác nhau.
Ở ví dụ 1: Loại lưới mắt cáo là trung bình, loại lưới bắt cá voi là to nhất, trong khi loại bắt cá con là nhỏ nhất. Với mỗi loại cá khác nhau (loại dữ liệu khác nhau), ta sẽ lựa chọn loại lưới có kích thước phù hợp (cấp độ đo lường phù hợp).
Ở ví dụ 2: Thước dây là loại thước có chiều dài lớn nhất, lại mềm mại nên có thể dễ dàng đo chu vi của tảng đá vốn không cân đối; trong khi đó mặt gỗ lại phẳng hơn, sử dụng thước có bản lề lớn là có thể đi được diện tích bề mặt; nhưng để đo được góc nghiêng, ta cần tới ê-ke mới đảm bảo chính xác
---
Như vậy, đo lường là một cách thức giúp thu nhận thông tin một cách chính xác. Khi áp dụng Khoa học Tự nhiên vào Khoa học Xã hội, các nhà Xã hội học đầu tiên đều đã kỳ vọng tới việc có thể ghi nhận thông tin một cách chính xác như trong khoa học Tự nhiên.
Theo đó, đo lường (measurment) là một khái niệm trừu tượng, trong khi thang đo (scale) được sử dụng như một công cụ giúp thu thập dữ liệu chính xác hơn, nhằm phục vụ trực tiếp cho việc đo lường. Thang đo là công cụ và vì thế chúng cụ thể hơn.
Một điểm cần hết sức lưu ý khi thiết kế và sử dụng dụng thang đo, đó là ta phải lựa chọn thang đo đem lại mức độ đo lường thông tin ở cấp cao nhất. Các thang định lượng như thang Khoảng và thang Tỉ lệ mang lại thông tin chính xác hơn, chúng là thang đo ở cấp độ cao; trong khi thang Định danh và Thứ bậc mang là thang định tính nên thường mang lại ít thông tin hơn, chúng là các thang đo ở cấp độ thấp.
Mặc dù vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng phải "giết gà bằng dao mổ trâu", cái chính là thu thập được dữ liệu phù hợp. Nếu mình hỏi tên bạn là gì, thì e rằng sẽ chẳng có bất cứ một con số nào phù hợp hơn bằng cách dùng chính tên của bạn.
Ta cùng tìm hiểu loại thang đo đầu tiên nhé !
===
1. Thang định danh
Thang định danh (nominal scale) - còn gọi là thang duy danh, thang phạm trù, thang phân loại - là loại thang đo giúp nhận diện, gọi tên và phân loại được sự vật hiện tượng. Logic của thang Định danh là A =/= B =/= C. So với các loại thang đo còn lại, thang định danh là thang đo có cấp độ đo lường thấp nhất.
---
Ví dụ:
- Biến số [Giới tính] gồm hai giá trị là "Nam", "Nữ" và "LGBT". Ta thấy Giới tính Nam khác Nữ và cũng khác cả LGBT ;
- Biến số [Uống rượu] gồm hai giá trị là "Có uống" và "Không uống" - đây là biến nhị phân, chỉ có hai giá trị hoàn toàn đối lập nhau là "Có" và "Không"
- Biến số [Quốc tịch] gồm ít nhất 193 giá trị là tên quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng thường thì bạn có thể chỉ sử dụng theo dạng nhị phân như "Việt Nam" và "Quốc tịch khác"
---
Tương tự, chúng ta còn có các biến số như: [Quê quán], [Dân tộc], [Tôn giáo], [Tên cơ sở đào tạo], [Loại thực phẩm], [Màu sắc], [Chất liệu], [Các hoạt động diễn ra tại lớp học].... đều là các biến số sử dụng thang đo định danh để tiếp nhận dữ liệu.
Sở dĩ xem thang định danh là loại thang đo có cấp độ đo lường thấp nhất là bởi vì, với dữ liệu định danh, ta có thể nhận thức được dữ liệu khác nhau ra sao (A =/= B =/= C) và có thể đếm (count) để tính tần số (frequency) hoặc tần suất (%), nhưng không thể so sánh hơn thua càng không thể thực hiện các phép tính toán số học.
Để thu thập dữ liệu có thể so sánh, ta cần sử dụng tới loại thang đó khác, đó là thang thứ bậc.
===
2. Thang thứ bậc
Thang thứ bậc (ordinal scale) là loại thang đo có hình thức giống với thang định danh nhưng ở một dạng phát triển cao hơn, khi mà các dữ liệu thu nhận về có sự sắp xếp theo thứ tự từ lớn đến bé hoặc ngược lại.
Logic của thang Thứ bậc là [A > B > C] hoặc [A < B < C]. So với thang định danh, thang thứ bậc có cấp độ đo lường cao hơn.
---
Ví dụ:
- Biến số [Học vấn] gồm 5 thuộc tính: "Cấp I", "Cấp II", "Cấp III", "Đại học" và "Sau đại học" - các giá trị này không chỉ khác nhau về bản chất (A =/= B) mà còn được thể hiện theo thứ tự, trong đó "Cấp I" là bậc học thấp nhất còn "Sau đại học" là bậc học cao nhất ;
- Biến số [Đơn vị hành chính] gồm 3 thuộc tính: "Xã - Phường - Thị trấn" , "Quận - Huyện - Thành phố", "Tỉnh - Thành phố trực thuộc TW" cũng là một ví dụ rõ nét về sự phân cấp theo thứ bậc
- Biến số [Cấp bậc] trong quân đội gồm rất nhiều thuộc tính, như cấp tướng của quân đội nhân dân Việt Nam có "Thiếu tướng", "Trung tướng", "Thượng tướng" và "Đại tướng" trong đó "Đại tướng" là cấp bậc cao nhất trong lực lượng vũ trang của Việt Nam hiện nay.
---
Vì có thể so sánh các thuộc tính với nhau, nên thang thứ bậc có cấp độ đo lường cao hơn thang Định danh, nhưng Thang thứ bậc tuyệt nhiên không giúp chỉ ra được sự chênh lệch chính xác giữa các thuộc tính vì chúng không có chức năng số học.
Các nghiên cứu xã hội ngày nay thường gán các thuộc tính thứ bậc đó với các con số nhằm phục vụ cho quá trình nhập liệu được diễn ra thuận lợi hơn, nhưng chính việc làm này - kết hợp với quá trình đào tạo / tự đào tạo chưa tốt - lại khiến nhiều người hiểu nhầm chức năng biểu tượng của chúng và dẫn tới một số phân tích không đúng, đặc biệt là tính giá trị trung bình cho các giá trị thứ bậc.
Mình đã tổng hợp lại và chia sẻ tới các bạn trong bài viết "Một số hiểu nhầm khi sử dụng thang thứ bậc" [tại đây]
====
Kết luận
Thay vì đưa ra các câu hỏi mở và để cho mọi người trả lời một cách tùy ý, có thể nói, việc sử dụng thang đo mà cụ thể ở đây là thang Định dạnh và Thứ bậc đã góp phần giúp cho quá trình thu nhận thông tin trong khoa học xã hội trở nên chính xác hơn.
Mỗi một loại thang đo sẽ phù hợp với một dạng dữ liệu và sở hữu một tính năng mạnh - yếu khác nhau. Tuy thang thứ bậc tỏ ra hữu ích hơn thang định danh khi dữ liệu thu lại có thể so sánh, nhưng thang thứ bậc không giúp cung cấp thông tin về sự chênh lệch giữa các giá trị một cách chính xác.
Điều này đặt ra yêu cầu cần có thêm các thang đo khác phù hợp hơn, giúp phản ánh thông tin chính xác hơn như thang Khoảng (interval) và thang Tỉ lệ (ratio).
Đó sẽ là nội dung của bài viết tiếp theo. Hẹn gặp lại các bạn nhé !
---
Huế, 1:35 PM 10/3/2023
(*) Vui lòng trích nguồn khi sử dụng bài viết. Cám ơn !
---
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH:
- David Borman (2018), "Statistics 101 - A crash course in statistics"
- Earl R. Babbie (2013), "The Practice of Social Research", Wadsworth, Cengage Learning
- W. Lawrence Neuman (2014), "Social Research Methods Qualitative and Quantitative Approaches", Pearson Education Limited
- M. J. Albers (2017), "Introduction to Quantitative Data Analysis in the Behavioral and Social Sciences"
- Gordon Mace & Francois Petry (2013), “Cẩm nang xây dựng dự án nghiên cứu trong khoa học xã hội”, NXB Tri thức
- Michel Beaud (2014), “Nghệ thuật viết luận văn”, NXB Tri thức
- Nguyễn Xuân Nghĩa (2010), “Phương pháp & kĩ thuật trong nghiên cứu xã hội”, NXB Phương Đông
- Nguyễn Văn Tuấn (2018), “Đi vào nghiên cứu khoa học”, NXB Tổng hợp TP. HCM
- Phan Văn Quyết & Nguyễn Quý Thanh (2001), “Phương pháp nghiên cứu Xã hội học”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội