04 cuốn sách về Nghiên cứu định lượng cho người mới bắt đầu

Tuấn Long

Nghiên cứu

Phân tích dữ liệu

15 Tháng Chín, 2023

04 cuốn sách về Nghiên cứu định lượng cho người mới bắt đầu

(*) Bài viết này giành riêng cho các bạn sinh viên đang theo học môn "Thống kê xã hội - Phương pháp nghiên cứu định lượng" và môn "Nghiên cứu & Xử lý thông tin định lượng".

---

Theo quan sát của mình thì hiện này có rất nhiều tài liệu về Thống kê và Phương pháp nghiên cứu định lượng mà các bạn có tham khảo.

Tuy nhiên, không phải cuốn nào trong số đó cũng sẽ phù hợp hoặc đáp ứng được nhu cầu của các bạn. Một mặt, nghiên cứu định lượng đòi hỏi một nền tảng Toán - Thống kê tương đối vững chắc, mặt khác một số môn học còn có yêu cầu kèm theo việc sử dụng phần mềm chuyên dụng vì thế các tài liệu nghiên cứu định lượng tại Việt Nam có phần hơi "quá sức" đối với các sinh viên khối ngành Khoa học xã hội.

Điều may mắn là cũng với nội dung nghiên cứu định lượng đó, thì tài liệu nước ngoài, đặc biệt là các tài liệu tiếng Anh lại được trình bày tương đối dễ hiểu. Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu tới các bạn 04 cuốn sách có phong cách trình bày tinh gọn và rõ ràng nhất về nội dung nghiên cứu định lượng, các bạn có thể xem đó như một kênh thông tin để tham khảo nhé.

---

1. "Statistics 101 - A crash course in statistics" - David Borman

So với tất cả các tài liệu "Thống kê xã hội học" mà mình từng xem, gần như không có bất cứ một cuốn sách nào của các tác giả người Việt Nam lại có cách trình bày ngắn gọn và rõ ràng như "A crash course in statistics" của David Borman. Chỉ xuất hiện một vài công thức mini, hầu như không bắt giải toán, không có những phương trình đáng sợ ... song nếu các bạn cần một cuốn sách ngắn gọn, giúp giải thích các thuật ngữ thống kê cơ bản thì cuốn "Statistics 101" này sẽ là lời giới thiệu hàng đầu.

Đọc "Statistics 101" giúp mình nhận ra một điều: sách về Thống kê không nhất thiết cứ phải trình bày theo kiểu Toán học thì mới được gọi là Thống kê.

Trình bày thống kê bằng cách kể chuyện, kết hợp lời nói và hình ảnh vẫn là điều mà các học giả Việt Nam nên học từ các đồng nghiệp nước ngoài, nhất là khi đối tượng mà họ hướng đến là dân khoa học xã hội. Các bạn cứ thử mở bất cứ cuốn "Thống kê xã hội học" nào của Việt Nam ra mà xem, mình cam đoan rằng người học là sợ tới vỡ mật trước khi chạm tay tới một trong những lĩnh vực hay ho nhất của thế kỷ 20 rồi.

Nhưng cuốn "Statistics 101" này thì không.

Mặc dù vậy, cuốn sách nhỏ này vẫn là một tài liệu được viết rất bài bản về thống kê với đầy đủ các nội dung từ dễ đến khó, vì thế nếu chỉ đọc mà không tự tìm hiểu hoặc được giảng giải thêm thì sách cũng "khoai" đấy.

May mắn là các bạn sẽ không phải học hết toàn bộ nội dung trong cuốn sách này, vì với môn "Thống kê xã hội" mà nói, chúng ta chỉ như lướt tay trên vạt áo mà thôi. So với khoảng cách từ tay của bạn tới da mặt "crush" - thì khoảng cách này cũng chả hơn là mấy đâu.

Các bạn có thể tải sách [tại đây]

Tiếp đến là 03 cuốn sách phương pháp nghiên cứu định lượng trong khoa học xã hội

---

2. "Introduction to Quantitative Data Analysis in the Behavioral and Social Sciences" - M. J. Albers

Khác với những cuốn sách về "Thống kê" (statistic), cuốn sách M.J.Albers mang nội dung "Phân tích dữ liệu" (data analysis) nhiều hơn.

Ngay từ những trang đầu tiên, M.J.Albers đã nói rõ với chúng ta rằng:

---

"The issue for researchers in the social sciences is not to learn statistics, but learn to analyze data. The goal is not to learn how to use the statistical tests to crunch numbers, but to be able use those tests to interpret the data and draw valid conclusions from it"

----

Và đây cũng là hướng đi mà mình muốn các bạn nhắm tới.

Công việc của mình không phải là dạy cho các bạn sinh viên về cách làm Toán thống kê (*), mà là kế thừa các thành tựu của Thống kê để có thể phân tích được dữ liệu, tìm ra các minh chứng để củng cố cho việc chấp nhận hoặc bác bỏ một giả thuyết nào đó ; nói thẳng ra là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu mà chúng ta đã đưa ra từ đầu.

Việc tính toán hãy để cho máy tính thực hiện. Chúng nhanh hơn ta, chính xác hơn ta và về cơ bản là hoàn toàn miễn phí. Công việc của chúng ta là đọc, hiểu và gạn lọc các thông tin hữu ích từ đống kết quả kể trên.

Và như vậy, nếu được giới thiệu một cuốn sách làm cầu nối giữa "Thống kê" với "Phương pháp nghiên cứu khoa học" nói chung, thì "Introduction to Quantitative Data Analysis in the Behavioral and Social Sciences" của M. J. Albers là lựa chọn mà mình rất muốn mang đến cho các bạn.

Các bạn có thể tải sách [tại đây]

---

3. "The Practice of Social Research" - Earl R. Babbie

Các bạn có thể tải sách [tại đây] ;

---

4. "Social Research Methods Qualitative and Quantitative Approaches" - W. Lawrence Neuman

Các bạn có thể tải sách [tại đây] ;

---

Có rất nhiều sách về Phương pháp nghiên cứu bằng tiếng Anh, đây gần như là dòng sách dễ tìm thấy nhất trên mạng với hàng chục tác giả khác nhau. Ở mỗi lĩnh vực, lại có một dòng sách nghiên cứu giành riêng cho chuyên ngành hẹp đó, chúng có chiều sâu và tạo ra cảm giác thân quen cho người học. Nhưng sẽ ra sao nếu bạn là dân nghiên cứu quốc tế nhưng lại chỉ toàn gặp sách về Xã hôi học hay Tâm lý học ?

Thành ra, các bạn sẽ cần đến những cuốn sách hướng dẫn nghiên cứu có nội dung bao quát hơn, sao cho bất cứ một sinh viên khoa học xã hội nào cũng có thể đọc được. Nếu vậy thì "The Practice of Social Research" của Earl R. Babbie và "Social Research Methods Qualitative and Quantitative Approaches" của W. Lawrence Neuman sẽ là lựa chọn phù hợp nhất.

Gần như bạn đọc cuốn nào trong hai cuốn này đều được, cả hai đề rất đầy đủ từ việc chọn đề tài ra sao, thiết kế nghiên cứu thế nào, cho tới làm cách nào để tổng quan tài liệu và hiểu cả cách phân tích dữ liệu ... Mình tiếp xúc với sách của Earl R. Babbie trước (2020), sau đó, dưới sự chia sẻ của đồng nghiệp cùng khoa, mình được gặp tác phẩm của W. Lawrence Neuman (2022) và thích anh bạn này ngay lập tức

---

Cuốn "The Practice of Social Research" của Earl R. Babbie có dạng trình bày theo kiểu module, trống nó giống như một cuốn cẩm nang giải thích thuật ngữ và các giai đoạn nghiên cứu hơn là trình bày một bài viết có chiều sâu. Ngược lại, cách trình bày của W. Lawrence Neuman trong cuốn "Social Research Methods Qualitative and Quantitative Approaches" lại có độ dày dặn về thông tin cao hơn, giải thích chi tiết hơn và nhờ đó mà có chiều sâu hơn.

Với cấu trúc rõ ràng, hình minh họa đẹp - sách của Earl R. Babbie tỏ ra hấp dẫn người làm định lượng hơn một chút, song nếu bạn thích các giải thích đi vào chi tiết kèm theo ví dụ, thì mình khuyên bạn nên chọn đọc sách của W. Lawrence Neuman.

Điển hình như với nội dung xây dựng tổng quan nghiên cứu, nếu (1) Earl R. Babbie tập trung vào mô tả tầm quan trọng của việc viết tổng quan cùng một số bước đọc bài báo khoa học trong vài trang giấy, thì (2) W. Lawrence Neuman lại có cả một chương cho nội dung này, bao gồm cả việc phân loại tổng quan, tìm tài liệu, cách trích dẫn và hơn cả là cách viết một tổng quan tốt sau khi bạn đã hiểu ra thế nào là một tổng quan tồi.

Bù lại, khi bạn cần thông tin gãy gọn, rõ ràng, dứt khoát trong 1 trang giấy, thì sách của Earl R. Babbie lại tỏ ra hấp dẫn hơn (cười).

---

Kết luận

Như vậy là mình đã vừa chia sẻ cho các bạn một số cuốn sách về nghiên cứu định lượng và quan trọng hơn cả là lý do vì sao mà mình lại muốn giới thiệu chúng với các bạn.

Đây cũng là những tài liệu mà mình áp dụng cho sinh viên chuyên ngành Xã hội học. Tất nhiên, nội dung của Xã hội học sẽ khó hơn các bạn Quốc tế học rất nhiều vì đôi khi trong nghiên cứu Quốc tế, phương pháp định lượng chỉ là một trong các cách nghiên cứu; nhưng đối với Xã hội học, Kinh tế học hay Tâm lý học mà nói, nghiên cứu định lượng lại giống như là "hơi thở" vậy (cười).

Cuối cùng, đọc sách cũng như nói chuyện với bạn bè vậy, phải cùng tần số thì mới nói được nhiều. Đây là 04 cuốn sách cùng tần số với mình, rất có thể chúng cũng sẽ cùng tần số với bạn. Hy vọng bài viết này sẽ là một kênh tham khảo hữu ích khi bạn đang có nhu cầu chọn sách về "Thống kê" và "Nghiên cứu định lượng" nhé.

---

Huế, 11:36 PM 9/15/2023

---

Chú thích:

(*) Thực ra là do mình chả biết gì về Toán thôi (cười)