Xã hội học - Công cụ tư duy xác tín trong một xã hội đa chiều

Tuấn Long

Cơ hội việc làm

Sự kiện & Bình luận

13 Tháng Chín, 2023

Xã hội học - Công cụ tư duy xác tín trong một xã hội đa chiều

(*) Bài viết của Đinh Hoàng Như Ngọc, một chia sẻ rất đáng để đọc hai lần.

---

Trong hệ thống tri thức khoa học, nếu đa số các ngành thể hiện mối quan tâm chuyên biệt ở mỗi lĩnh vực cụ thể, như Vật lý, Hóa học, Môi trường, Nghệ thuật…, thì có một ngành học tham vọng mưu cầu hiểu biết xuyên suốt xã hội rộng lớn của con người, ấy là Xã hội học.

Đấy là ngành khoa học về các quy luật và tính quy luật xã hội chung, và đặc thù của sự phát triển và vận hành của hệ thống xã hội xác định về mặt lịch sử; là khoa học về các cơ chế tác động và các hình thức biểu hiện của các quy luật đó trong các hoạt động của cá nhân, các nhóm xã hội, các giai cấp và các dân tộc [1].

---

1 - Xã hội học là gì ?

Những người trẻ lần đầu nghe đến khái niệm Xã hội học, hẳn sẽ nhíu mày trước những thuật ngữ phức tạp như “tính quy luật xã hội”, “cơ chế tác động”, “nhóm xã hội”, “giai cấp”.

Nhưng khởi sự hành trình phiêu lưu của một tâm trí xã hội học, có thể bắt nguồn giản đơn hơn, chẳng hạn từ sự hiếu kỳ của một cá nhân mà như nhà xã hội học người Mĩ Peter L. Berger (1929 -2017) mô tả trong cuốn "Lời mời đến với Xã hội học": “… là người phải lắng nghe những lời ngồi lê đôi mách bất kể sở thích của bản thân mình, là người bị cám dỗ để nhìn qua khe hở của lỗ khóa cửa, để đọc thư từ của người khác, để mở những phòng riêng khép kín”, để mà “đằng sau những mỗi cánh cửa khép chặt, anh ta đều đón đợi một khía cạnh mới mẻ của cuộc sống con người mà anh ta chưa cảm nhận và chưa hiểu được” [2].

---

Thành thật mà nói, Xã hội học không phải là sự lựa chọn đầu tiên của tôi [tác giả] khi bước vào cánh cửa Đại học vào thời điểm năm 2010.

Nhưng sau khi nhập học khoảng hai tháng, với trái tim hồ hởi tôi gửi một tin nhắn cho người bạn thân thuở ấy rằng mình may mắn đã tìm được ngành học thích hợp với tâm tư. Mọi chuyện không hẳn dễ dàng sau bốn năm ở trường đại học, nhưng kể cả khi ra trường nhiều năm, tôi vẫn giữ nguyên cảm nhận ban đầu dù không hẳn hành nghề trong lĩnh vực này.

Theo thời gian, cảm nhận tuổi mười tám nay không còn chỉ giữ ở mức “thích hợp với tâm tư”, mà trở thành một thiên kiến, rằng cách hiểu về thế giới con người trong xã hội học không chỉ thích hợp với những sinh viên và người đang thực tiễn hành nghề, mà chính là một công cụ tư duy xác tín trong xã hội đa chiều ngày nay, do đó, thích hợp với tất thảy cá nhân đang làm việc và tiếp xúc với con người nói chung, hay trong mong muốn thuần túy hiểu hơn về xã hội mà mình là một phần tử trong đó.

---

2 - Đâu là một bức tranh lớn ?

Đối tượng của xã hội học là xã hội – một “sự vật” vĩ mô, điều mà dù bản chất của nó ra sao, và kết luận về nó thế nào có thể không mấy hệ trọng với đại bộ phận dân cư. Nhưng con đường và thái độ để tìm ra những câu trả lời mà ngành xã hội học tiến hành đáng để chúng ta áp dụng vào cuộc sống của mình.

Theo quan điểm chủ quan của mình, trong một xã hội muôn hình vạn trạng, kiến thức và những tạm kết luận về kiến thức không phải là yếu tố trọng tâm duy nhất mà người học cần hướng đến khi tham gia vào các bộ môn khoa học.

Lấy ví dụ theo đặc điểm của của thị trường lao động hiện nay, nhiều sinh viên xã hội học sau khi ra trường có thể không làm đúng ngành mình đã học, kiến thức chuyên ngành sau vài năm có thể phai mòn. Tuy nhiên cách thức mà những sinh viên ấy đã sử dụng để tìm kiếm và học hỏi kiến thức ấy chắc chắn sẽ không dễ dàng mất đi.

---

" Cách chúng ta học các môn học chính là cách chúng ta tiến hành công việc trên thực tiễn, bất kể nghề nghiệp thực tế khác xa ngành học thế nào "

---

Thông qua nhiều lát cắt xã hội như lịch sử, tôn giáo, gia đình, giới, môi trường, kinh tế…, xã hội học nghiên cứu các quan hệ xã hội dựa trên các tình huống và quá trình xã hội, từ đó tìm hiểu toàn thể hệ thống vận hành ra sao, cơ sở của nó gì và được cố kết với nhau bằng phương tiện nào. Trong một ngành có biên độ nghiên cứu rộng như xã hội học, cơ hội va chạm và tìm hiểu nhiều lĩnh vực góp phần tôi luyện nhãn quan, kỹ năng và tích lũy vốn trải nghiệm phong phú cho người học.

Từ đó họ có khả năng thâm nhập vào nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Kinh nghiệm thực địa, khảo sát tiền trạm hôm nay giúp người học bố trí tuần tự công việc hiệu quả hơn mai sau. Quá trình tham khảo và sử dụng tài liệu tập cho người học thói quen tôn trọng trích dẫn nguồn trong các văn bản báo cáo.

Ai mà ngờ quá trình thiết kế bảng hỏi và phỏng vấn thời sinh viên lại tăng sự dạn dĩ và kinh nghiệm đánh giá hiện trạng một khu dân cư với người hành nghề quan hệ công chúng hay một cán bộ quản lý hành chính? Và những kiến thức về các mối quan hệ trong kết cấu làng xã hay thành thị giúp một cô phóng viên không bỏ sót các nhóm đối tượng trong quá trình khai thác thông tin?

Bước vào cánh cửa xã hội học, người học sẽ được tôi luyện khả năng xử lí các sự kiện, phân tích các thông tin một cách khoa học và khách quan. Họ là ai, họ đang làm gì, mối quan hệ ra sao và được sắp xếp thế nào.

Những câu hỏi của một người học xã hội học trông có vẻ tương tự sự tọc mạch của một người hàng xóm lắm điều. Ấy vậy, thông tin manh mún và xu hướng đi sâu vào đời tư của người khác để phán xét nhất thời không phải là thứ mà tâm trí xã hội học hướng đến.

---

Bức tranh lớn hơn, tổng thể của tập hợp nhóm người và sự kiện là điều những người học ngành này quan tâm.

Vốn được hun đúc tinh thần nỗ lực tìm hiểu ngọn ngành về thế giới của ngành xã hội học, họ sẵn sàng hiện diện ở tất cả mọi nơi, đón nhận mọi thông tin về bức tranh xã hội với tinh thần “nhận xét”, chứ không phải “’phán xét”.

Tinh thần này từng được nhà xã hội học Émile Durkheim (1858 – 1917) đề cao khi nói đến các quy tắc trong quan sát các sự kiện xã hội: “Quy tắc đầu tiên và nền tảng nhất là xem xét các sự kiện xã hội như là những sự vật” [3], tức là những cái hiện diện sờ sờ trước mắt và được chúng ta quan sát một cách khách quan, và chúng ta chỉ có thể tìm hiểu ý nghĩa qua một công cuộc khảo sát khách quan và khoa học chứ không phải suy xét tự phát.

Tất nhiên trong bối cảnh phóng dụ này, công cuộc khảo sát xã hội học áp dụng vào thực tiễn có thể được nhìn nhận như một quá trình định nghĩa, phân loại, giải thích, chứng minh dưới quy mô cá nhân, thay vì xử lý thông tin hời hợt và rút ra kết luận vội vàng.

---

3 - Tinh thần xã hội học

Từ một sinh viên ngành Xã hội học từng nghi ngại về khả năng chuyên môn và những gì học được trên giảng đường, tôi bước vào cuộc đời nhiều ngã rẽ, mỗi giai đoạn lại đón nhận một thử thách nghề nghiệp, môi trường và nhóm đối tượng khác nhau, khi là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong một trung tâm bảo trợ, lúc là người khuyết tật, người tái định cư từ xóm vạn đò, nông dân, học sinh – sinh viên…

Nhưng dù ngồi làm việc ngay ngắn trong một văn phòng tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam, hay còng lưng cuốc đất làm vườn dưới cái nắng gắt xứ Nepal, tôi cảm thấy may mắn khi tinh thần xã hội học trở thành một cộng sự hiện diện đắc lực trong mọi công việc, trong cách tôi nhìn nhận và giải quyết vấn đề, hay xử lý thông tin để từ đó tiến hành công việc hiệu quả hơn.

Xã hội học không hẳn là cánh cửa dễ dàng để đi sâu vào góc cạnh chuyên ngành. Nhưng những ai có tinh thần cởi mở và thái độ cầu thị có thể nhận ra đây là một cánh cửa vạn năng dẫn đến những nguồn mạch khác của thế giới.

Trong một xã hội đầy ắp nhân vật, thông tin, sự kiện, sự tỉnh táo và tính khách quan mà tư duy xã hội học mang lại sẽ góp thêm một công cụ hữu ích để chúng ta thấu hiểu hơn về thế giới này, trong nỗ lực hoàn thiện bản thân và nếu có thể, góp phần thúc đẩy một xã hội nhân văn.

---

Huế, 10:55 AM 9/13/2023

---

Chú thích:

(*) Tác giả Đinh Hoàng Như Ngọc cựu sinh viên lớp XHH - K34, Cộng tác viên Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị 

---

Tài liệu trích dẫn:

[1]. Wikipedia, Xã Hội Học, Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/X%C3%A3_h%E1%BB%99i_h%E1%BB%8Dc

[2]. Peter L. Berger (1963), Lời mời đến với xã hội học, NXB Tri thức. 

[3] Émile Durkheim (1895), Các quy tắc của phương pháp xã hội học, NXB Tri thức. 

----

Media Team, Sociology Hue - HUSC

Editor: Tuấn Long | tuanlong.dhkh@gmail.com