06 cuốn sách Nhập môn Xã hội học đáng đọc nhất

Tuấn Long

Nghiên cứu

Nhập môn Xã hội học

11 Tháng Chín, 2023

06 cuốn sách Nhập môn Xã hội học đáng đọc nhất

Chỉ cần lên mạng và gõ cụm từ "Nhập môn xã hội học" hoặc "Xã hội học Đại cương" bạn có thể nhận lại hàng trăm kết quả với hàng chục đầu sách và tác giả khác nhau của cả trong và ngoài nước. Việc tìm đọc sách chưa bao giờ trở nên dễ dàng đến thế. Nhưng nhiều sách quá cũng khổ, vì hai lý do: (1) Không phải sách nào cũng có nội dung hay và (2) Không phải văn phong của tác giả nào cũng phù hợp với mọi độc giả.

Dựa trên kinh nghiệm làm việc thú vui đọc sách của bản thân (*), mình mạn phép thử đưa ra danh sách của 06 cuốn sách "Nhập môn Xã hội học" để các bạn có thêm một kênh để tham khảo.

Xin lưu ý rằng đây hoàn toàn là cách xếp hạng dựa trên cảm quan của bản thân, qua một một số tiêu chí như: mức độ phổ biến, mức độ dễ đọc, tính cập nhật và cả cách hành văn của tác giả ... Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của những người có kinh nghiệm, cố vấn học tập hoặc GVHD để có thêm sự đánh giá khách quan.

Một số sách đã có sẵn trong thư viện điện tử của mình, mình sẽ add link để các bạn tải sách về. Nếu có điều kiện, đừng ngần ngại mua sách giấy để đọc nhé, chắc chắn trải nghiệm khi đọc sách giấy của mọi người sẽ khác so với việc nhìn sách điện tử đấy.

---

1. "Xã hội học Đại cương" của Lê Ngọc Hùng

Chính xác thì cuốn sách này do Giáo sư Phạm Tất Dong (Trưởng Khoa Xã hội học, trường ĐHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) và Lê Ngọc Hùng (vào thời điểm là Thạc sĩ) đồng chủ biên.

Cuốn sách này là một trong những giáo trình đầu tiên về Xã hội học được xuất bản vào thời điểm đó và nhanh chóng trở thành sách gối đầu giường cho nhiều sinh viên ngành Xã hội học. Thậm chí, cấu trúc tổ chức thông tin của cuốn sách theo từng khái niệm riêng biệt như: hành động xã hội, quan hệ xã hội, bất bình đăng xã hội ... - còn trở thành hình mẫu để nhiều giáo trình Xã hội học Đại cương sau này tham khảo.

Vì thế, có lẽ không phải là ngẫu nhiên mà các giáo trình Xã hội học của Việt Nam có cách trình bày hao hao giống nhau (cười). Cuốn sách này khá phổ biến tại Việt Nam, được tái bản nhiều lần, vì thế các bạn có thể tìm đọc bản giấy tại các hiệu sách cũ nhé.

---

Chia sẻ thêm, Lê Ngọc Hùng là một tài năng viết và dịch sách hiếm có của giới Xã hội học tại Việt Nam hiện nay.

Ngày đó (2009), khi còn học ở Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế (HUSC), mình từng nghe một giai thoại về tác giả này, rất tiếc là vì chuyện diễn ra đã lâu nên mình không thể xác minh được thông tin này là do ai kể, song đại ý là khi có người thể hiện sự không đồng tình khi để một học giả trẻ tuổi như Lê Ngọc Hùng viết sách. Khi đó, GS Phạm Tất Dong đã lên tiếng: "Ai nói rằng Thạc sĩ không viết được sách thì bảo họ vào mà xem thằng Hùng nó viết sách này!" - câu nói ấy ngay lập tức tác động đến mình: Đúng quá, cái chính là năng lực của họ chứ nào phải chỉ là câu chuyện bằng cấp ?!?

Ngay cả Giáo sư Tô Duy Hợp - một trong những người thầy mà mình rất kính trọng - cũng có lần khen rằng, khả năng Việt hóa và trình bày sách của Lê Ngọc Hùng là rất đáng nể. Về sau, tác giả Lê Ngọc Hùng còn viết và dịch rất nhiều sách về Xã hội học như: Xã hội học Giáo dục, Xã hội học Kinh tế, Lịch sử và Lý thuyết Xã hội học ... và cũng như cuốn sách đầu tiên mà ông ấy viết, sách của Lê Ngọc Hùng bao giờ cũng rõ ràng, dễ hiểu và dễ đọc.

Hiện tác giả Lê Ngọc Hùng đã là Giáo sư Xã hội học, một ví trí đáng mơ ước của nhiều người - song có vẻ như ông ấy vẫn chưa ngừng viết.

---

(1) Tạm thời mình chưa có bản Ebook của cuốn sách này .

===

2. "Xã hội học Đại cương" (USSH)

Cuốn sách này ra đời sau nhiều giáo trình Xã hội học tại Việt Nam, và ra đời khá lâu sau cuốn sách của Lê Ngọc Hùng - song không phải vì thế mà nó trở nên lép vế.

Mình là một trong những người đầu tiên may mắn được tiếp cận với cuốn sách này ngay khi nó vừa xuất bản nên khi cầm trên tay mình đã phải thốt lên: "Ôi bà mẹ nó, cuối cùng cũng có sách Xã hội học mới để đọc rồi!" (Cám ơn bạn L.N đã tặng sách cho mình !).

Kế thừa nhiều điểm mạnh của người đi trước, nhóm tác giả của Khoa Xã hội học, trường ĐHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cũng trình bày các nội dung như Lý thuyết, Phương pháp và Các khái niệm xã hội học cơ bản. Song không bị gò mình theo cái bóng của người tiền nhiệm, các tác giả đã mạnh dạn tạo nên một cách trình bày mới cho môn Xã hội học Đại cương.

Có lẽ vì phần lớn những người tham gia viết sách đều được đào tạo bài bản ở nước ngoài nên cách viết sách của họ theo đó cũng có phần cập nhật, chi tiết và cụ thể hơn.

Không chỉ trình bày các khái niệm then chốt như: Bất bình đẳng, Giới và phát triển, Lệch chuẩn và Tôi phạm ... thành từng chương mà mỗi chương còn được giao cho một nhóm có kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy nội dung đó phụ trách soạn thảo. Thành ra, khi đọc cuốn sách này mình có thể cảm nhận được phong cách giảng dạy của các thầy cô mà mình có dịp tiếp xúc.

Nói là giáo trình nhưng thực sự, cuốn sách này lại đọc khá là "bánh cuốn" (cười).

Cuối cùng, vì mỗi chương được trình bày theo một hoặc một nhóm khái niệm xã hội học cụ thể nên cuốn sách này cũng rất phù hợp với những ai chuẩn bị bắt đầu bước vào các nội dung chuyên ngành. Ví dụ như trước khi học "Xã hội học Lệch chuẩn và Tội phạm" thì chương "Lệch chuẩn, Tuân thủ và kiểm soát xã hội " của Nguyễn Thị Như Trang là nội dung bạn nên xem trước.

----

(1) Bạn có thể tải sách "Xã hội học Đại cương" của USSH [tại đây]

===

3. "Xã hội học" của Trần Hữu Quang

Mình chỉ mới tiếp xúc với các tác phẩm của Trần Hữu Quang gần đây, cuốn sách đầu tiên là "Xã hội học" vào cuối năm 2020 thông quan sự hỗ trợ xuất bản của Viện Social Life.

Với cá nhân mình, thì Trần Hữu Quang đúng là một "á thần" trong việc viết lách. Ông là một học giả có thời gian dài làm việc tại Pháp, có lẽ vì thế mà ông ấy cũng được thụ hưởng một nền văn hóa dày dặn trong việc thể hiện con chữ lên trang sách chăng ?

Khác với các sách chuyên khảo mình từng biết, văn phong của Trần Hữu Quang rất nhẹ nhàng, điềm tĩnh song lại lôi cuốn lạ thường. Ông không trình bày quá nhiều khái niệm như những cuốn giáo trình đại cương nhưng bù lại, mỗi khái niệm đều được Trần Hữu Quang phân tích và xử lý một cách rất triệt để. Đây là một cuốn sách nhập môn Xã hội học rất đáng để đọc hai lần.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình, bạn chỉ nên đọc cuốn sách này sau khi đã có chút kiến thức cơ bản về các khái niệm Xã hội học, vốn đã được trình bày khá kỹ lưỡng ở các cuốn giáo trình đại cương. Trên thực tế, hai dòng sách "Đại cương" và "Nhập môn" không hoàn toàn giống nhau về cấp độ, vì thế, chúng nên được dùng bổ sung cho nhau.

Và dù đã được trình bày theo một cách dễ hiểu, các nội dung được Trần Hữu Quang đưa vào vẫn có những chiều sâu triết học nhất định mà một người lần đầu tiếp xúc có thể sẽ phải tạm gấp cuốn sách lại để nghiền ngẫm trước khi đọc tiếp.

---

(1) Tạm thời mình chưa có bản Ebook của cuốn sách này .

===

4. "Xã hội học" của J. Macionnis

Nếu 03 cuốn sách trên là tác phẩm do các tác giả trong nước trình bày thì cuốn "Xã hội học" dày bằng ... hai cái thớt này là công trình của một tác giả người Mỹ, Giáo sư J. Macionis. Đây cũng là cuốn sách Xã hội học khổ lớn hiếm hoi được dịch sang tiếng Việt mà bạn có thể tìm thấy trong các thư viện của các Đại học lớn tại Việt Nam.

Lần đầu tiên mình được tiếp xúc với cuốn sách này là năm 2009, trong một lần vào "lục lọi" tủ sách Xã hội học của Trung tâm học liệu, Đại học Huế.

Tuy cuốn sách này là một thách thức về mặt tài chính và thể lực cho sinh viên Việt Nam - một cuốn trung bình nặng hơn 2Kg và có giá gần 50$ (hơn 1.2 triệu VNĐ) - nhưng nhìn chung, sách do các các tác giả nước ngoài trình có rát nhiều điểm hấp dẫn hơn so với sách trong nước: chúng có nhiều hình ảnh màu, nhiều hình minh họa, nhiều case study, nhiều ví dụ thực tế cùng hệ thống câu hỏi kiểm tra kiến thức được sắp xếp rất bài bản.

Thay vì trình bày các khái niệm một cách độc lập, J. Macionis sắp xếp các vấn đề xã hội nổi bật đang được quan tâm trên thế giới thành từng chương, rồi trong mỗi chương lại khéo léo giải thích các khái niệm Xã hội học có liên quan tới chính vấn đề xã hội đó. Một cách trình bày hết sức thông minh.

Một trong những điểm hấp dẫn nhất của cuốn sách này, chính là việc Macionis đưa ra được góc nhìn của các nhà Xã hội học, bao gồm:

---

  • Seeing the General in the Particular ;
  • Seeing the Strange in the Familiar ;
  • Seeing Society in Our Everyday Lives ;
  • Seeing Sociologically: Marginality and Crisis.

---

Bạn có thể đọc lời giải thích về 4 góc nhìn trên ngay trong chương đầu tiên của cuốn sách này hoặc chương đầu tiên của cuốn "Xã hội học Đại cương" do nhóm tác giả khoa Xã hội học mà mình đã chia sẻ ở trên nhé (cười).

---

(1) Bạn có thể tải bản tiếng Anh [tại đây]

(2) Bạn có thể tải bản tiếng Việt [tại đây]

====

5. "Sociology for Dummies" của Jay Gabler

Mình biết bạn đang nghĩ gì, bạn đang nghĩ: (1) thế quái nào mà "lũ ngốc" lại đọc mấy cuốn sách này được ? hoặc (2) Ơ... không có tiếng Việt à ? - Đúng không ? Nếu bạn có suy nghĩ khác thì vui lòng cho mình biết với nhé.

Rất tiếc, dòng sách hay ho này lại chưa được dịch nhiều sang tiếng Việt, nhưng có lẽ việc dịch sách cũng không quá cần thiết, vì "Sociology for Dummies" của Jay Gabler được viết bằng thứ tiếng Anh trong sáng và rất dễ hiểu. Triết lý của họ là đến cả "dummies" cũng có thể hiểu được cơ mà (cười).

"Sociology for Dummies" là một trong những cuốn sách đầu tiên mà mình chọn đọc khi nghiên cứu về Xã hội học, đơn giản vì tiêu đề của chúng rất vui.

Ví dụ như, tại sao chúng ta lại cần tới các phương pháp nghiên cứu xã hội học nhỉ ? "Because..." - Jay Gabler nói : "... you can't put society in a test tube". Câu trả lời này hay quá, ngay lập tức Jay Gabler giúp mình nhận ra được sự khác biệt cơ bản giữa khoa học tự nhiên (science) và khoa học xã hội (social science). Không thể cứ áp dụng một cách máy móc những gì mà giới khoa học tự nhiên đã làm lên xã hội và ngay lập tức nghĩ rằng chúng ta đã có một ngành khoa học mới. Chúng ta cần phương pháp phù hợp với khách thể và đối tượng mà ta đang hướng đến.

Tuy nói là "for Dummies" nhưng cuốn sách này thực ra là một cuốn sách nhập môn Xã hội học với phổ kiến thức rất bao quát về kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo và xã hội. Jay Gabler đơn giản là trình bày lại nó một cách thú vị hơn, có lẽ ông ấy đang muốn đánh lừa hội "dummies" như mình chăng ? (cười).

---

(1) Bạn có thể tải sách "Sociology for Dumies" [tại đây]

===

6. "Lời mời đến với Xã hội học" của Peter L. Berger

Mình xếp cuốn sách này ở cuối vì (1) đây là cuốn sách về Xã hội học hay nhất mà mình từng đọc (***), đây cũng (2) là một trong những cuốn sách mà mình thích nhất và đồng thời cũng là (3) cuốn sách xếp vị trí đầu tiên mà mình muốn giới thiệu với bạn bè, đồng nghiệp - những người đã có kiến thức nền về khoa học xã hội - hay ít nhất, chỉ cần họ thích đọc sách thôi cũng đã là đủ rồi.

---

Chương đầu tiên của cuốn sách này đã giúp mình có một cách nhìn phân biệt được Xã hội học với các ngành khoa học khác, một câu hỏi thường xuyên ẩn hiện trong đầu của mình trong suốt nhiều năm.

Mình vẫn còn nhớ thời điểm đầu tiên minh đọc cuốn sách này là vào cuối năm 2016, khoảnh khắc đọc tới câu: "... chỉ đơn thuần tạo ra các hạng mục tương quan nhưng không có các kiến giải của Xã hội học về mặt lý thuyết, thì đó không thể xem là Xã hội học""... trong khi Công tác xã hội là một nghề thực hành thì Xã hội học là một nỗ lực để hiếu biết" - không hiểu sao, toàn thân mình tự dưng nổi hết cả da gà.

Tất nhiên, ngoài kiến thức uyên tâm của Berger, mình cũng phải cám ơn tới tài năng dịch thuật của dịch giả Phạm Văn Bích. Cứ nhìn cái cách mà ông ấy tranh luận với Lê Ngọc Hùng về khái niệm "structuration" (do A.Gidden đề xuất) trên tạp chí Xã hội học 10 năm về trước (**) cũng đủ để thấy, ông ấy là một người có nhãn quan rất sắc sảo trong giới Xã hội học tại Việt Nam hiện nay.

Sách "Lời mời đến với Xã hội học" của Peter L. Berger không phải là một cuốn sách dễ đọc, nhất là với sinh viên năm I hoặc những người lần đầu tiếp xúc với Xã hội học. Càng về sau, cuốn sách càng đi vào sự trừu tượng và khái quát hóa cao độ. Dẫu vậy, tên đầy đủ của cuốn sách là "Lời mời đến với Xã hội học - Một góc nhìn nhân văn" - hoàn toàn là có lý do của nó.

Mình nhận ra rằng, điều tạo nên sự cản trở đối với nhiều người khi đọc cuốn sách này đôi khi lại không phải là do tính hàn lâm của nó mà là do độ nông - sâu trong trải nghiệm xã hội thực tế của mỗi người. Nếu bạn (1) không bao giờ suy nghĩ về những thứ như niềm tin - tôn giáo - quyền lực ... ; nếu bạn (2) không bao giờ thử liên kết những thứ bạn biết với xã hội, hoặc đơn giản là (3) nếu bạn khi nào cũng xem "mọi thứ là đương nhiên" - thì cuốn sách này sẽ chính là thử thách cực lớn đối với bạn.

Tuy nhiên thay vì bỏ qua, hay là bạn cứ thử đọc đi. Không thích thì gập sách lại.

Nhưng mà cũng hãy cẩn thận, nếu "chẳng may" bạn tình cờ tìm thấy suy nghĩ của mình ở đâu đó trong những trang sách, thì mình e là sẽ rất khó để cứ thể gấp cuốn sách lại và cất nó đi. Khả năng cao là bạn sẽ còn muốn đọc lại cuốn sách này nhiều lần nữa, và sẽ chẳng có thời gian để dành cho "crush" nữa đâu (cười).

---

(1) Bạn có thể tải bản tiếng Anh [tại đây]

(2) Bạn có thể tải bản tiếng Việt [tại đây]

---

Huế, 7:38 AM 9/14/2023

---

Chú thích:

(*) Tất cả các bài viết trên Website này đều là dự án cá nhân của mình, hoàn toàn không được trả công đâu ạ =))))

(**) Tạp chí Xã hội học số 4(120), 2012 105 "LÝ THUYẾT STRUCTURATION CỦA A. GIDDENS", PHẠM VĂN BÍCH. Bạn có thể xem toàn văn bài baáo [tại đây]

(***) Thực ra ngoài 6 cuốn sách kể trên, những cuốn sách khá như "Nhập môn Xã hội học" của Tony Bilton do Viện Xã hội học dịch năm 1993 cũng là một cuốn sách rất đầy đủ về Xã hội học. Tuy nhiên, cuốn sách này không hề dễ đọc trong khi kiến thức được cung cấp thì lại rất dày dặn, nó như là cuốn sách nhập môn nâng cao vậy nên mình không đưa vào danh sách này.