Vai trò của Khoa học xã hội trong nghiên cứu đa dạng sinh học

Tuấn Long

Sự kiện

Sự kiện & Bình luận

08 Tháng Chín, 2023

Vai trò của Khoa học xã hội trong nghiên cứu đa dạng sinh học

---

Người bước đầu tìm kiếm sự thật cũng giống như người được nghe kể về chuyện một viên ngọc trai vô giá bị rơi xuống đáy đại dương. Anh ta đi đến bờ biển, quá ngưỡng mộ vì lần đầu tiên được ngắm nhìn sự mênh mông của đại dương. Anh ta chèo thuyền, khua nước trong niềm phấn khích, say mê và quên chuyện viên ngọc trai. Trong số nhiều người làm điều này, chỉ có một người rất lâu sau đó nhớ lại nhiệm vụ của mình, đã học bơi và bắt đầu bơi ra biển. Trong số rất nhiều người làm được điều này, chỉ có một người có kỹ năng bơi lội và bơi ra biển rộng, những người khác đã bị sóng cuốn trôi. Trong rất nhiều người biết bơi, chỉ một người bắt đầu học lặn, những người khác đắm chìm trong sự thú vị của những bí ẩn, một lần nữa họ lãng quên chuyện viên ngọc trai.Trong số nhiều người biết lặn, chỉ có một người đến được đáy đại dương và lấy được viên ngọc về.

(Meher Baba, trích trong Schawartz và Jacobs (1979)

---

1 - VAI TRÒ CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC XÃ HỘI

Các nhà khoa học xã hội là những người đi tìm kiếm sự thật liên quan đến con người và xã hội. Họ nỗ lực tìm hiểu và giải thích các hiện tượng xã hội, cũng giống như người đã lặn xuống đáy đại dương để lấy viên ngọc về. Các nhà nghiên cứu sẽ đặt ra những câu hỏi nhằm tìm hiểu về bản chất của đời sống xã hội. Những câu hỏi này có lẽ là xuất phát điểm quan trọng nhất trong việc tái xây dựng lại hiện thực xã hội nhằm phát hiện ra những hiểu biết mới, gạt bỏ những câu chuyện hoang đường và những quan niệm sai lầm trong xã hội.

Nghiên cứu xã hội là đưa ra những bình luận xã hội cũng như những phản biện về văn hóa. Trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh, các nghiên cứu xã hội về sự gia tăng nghèo đói ở nông thôn cũng như sự suy thoái môi trường không đơn thuần chỉ là việc tìm kiếm sự thật hoặc thực hiện các công trình nghiên cứu mà phải tìm ra những giải pháp mới cho xã hội.

Các nhà khoa học xã hội phải nhận thức được những cái rủi ro trong việc đảm nhận vị trí thái cực của mình. Chẳng hạn như có 2 trường phái tranh luận trái chiều nhau về phát triển.

---

TRƯỜNG PHÁI THỨ NHẤT

Một trường phái (1) đề cao vai trò của hiện đại hóa và xem đó là một thành quả không có gì phải đáng ngờ. Công nghiệp hóa và đô thị hóa được xem là những bước đi cần thiết để đạt được quá trình hiện đại hóa. Sự nghèo đói ở nông thôn được giải thích là do thiếu vốn, do sự hạn chế về trình độ và cơ sở hạ tầng.

Đầu tư vốn là yếu tố quan trọng nhất cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển. Vì vậy, quá trình hiện đại hóa ở các nước Thế giới Thứ Ba được nhìn nhận bắt đầu từ việc phụ thuộc vào các nguồn cung cấp vốn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa và phát triển giáo dục. Vốn đầu tư nước ngoài và vốn vay quốc tế là rất cần thiết để hỗ trợ cho các nguồn tài chính mà không thể huy động từ trong nước.

Chẳng hạn ở Thái Lan, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước cũng được xây dựng dựa trên mô hình hiện đại hóa. Quá chú trọng đến sự tăng trưởng kinh tế quốc dân mà điển hình là sự phát triển công nghiệp đô thị đã đẩy khu vực nông thôn đến bờ vực diệt vong. Sự phát triển và cơ giới hóa nông nghiệp dưới thời kỳ Cách Mạng Xanh đã khiến cho chi phí sản xuất tăng cao do bởi sự đầu tư về phân bón, thuốc trừ sâu và giống. Người nông dân phải gồng mình gánh chịu những rủi ro về tình trạng thiếu nước, thảm họa thiên tai, sự biến động của giá cả thị trường trong khi đó lợi nhuận thu được từ việc xuất khẩu nông sản thì được dùng vào việc xây dựng các khu công nghiệp ở đô thị.

Các vấn đề nảy sinh do thất nghiệp, thiếu việc làm ở lãnh vực nông nghiệp, lương thấp, bất bình đẳng về phân phối thu nhập, sự mất cân đối giữa nhu cầu tăng cao về các sản phẩm tiêu dùng và sự gia tăng thực tế về sản lượng nông nghiệp và thu nhập thực tế đã góp phần làm cho các cộng đồng nông thôn dần dần bị suy thoái.

Mục tiêu chính của các mô hình phát triển hiện nay là tiến trình hình thành tư bản và các hợp phần khác nhau có liên quan, như công nghệ, dân số và nguồn lực, các chính sách về tài chính và tiền tệ, công nghiệp hóa và sự phát triển nông nghiệp, thương mại. Việc thiết lập các mối quan hệ công việc với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế là rất cần thiết để đảm bảo sự ổn định cho các nguồn cung cấp vốn. Phát triển đơn giản như là phương tiện đầu vào để đạt được sự ổn định về kinh tế quốc tế và chủ nghĩa tư bản được xem như một ngọn lửa thắp sáng.

Những mặt trái của chủ nghĩa tư bản ít được chú trọng và thường bị phớt lờ bằng cách cho rằng những vấn đề nảy sinh được xem như là những phản ứng phụ tạm thời và sẽ biến mất khi một xã hội đang phát triển tiến lên thành một nước công nghiệp mới.

---

TRƯỜNG PHÁI THỨ HAI

Một quan điểm khác về phát triển lại tranh luận rằng (1) nguyên nhân sâu xa của sự kém phát triển là do sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản và sự xâm lấn thuộc địa ở các nước Thế giới thứ Ba. Chủ nghĩa tư bản bị xem là tiêu cực, là xấu xa, là tội lỗi, là những thứ bị phản khích, trong khi đó những người dân nông thôn về cơ bản là vô tội, các nền văn hóa tốt đẹp của họ đã bị chủ nghĩa tư bản tàn phá.

(2) Lý thuyết này đã bào chữa cho sự tự trị của địa phương, trao quyền và nâng cao văn hóa cộng đồng. Những khái niệm hiện nay về phát triển và hiện đại hóa đã chống lại và bị lai căng bởi các loại hình văn hóa địa phương. Vấn đề then chốt của hình thức quá tôn sùng nông thôn là nó không thể có một sự hiểu biết chính xác về sự phát triển của địa phương.

Các quan điểm hiện nay về quản lý tài nguyên nên thoát ra khỏi hai trường phái lý thuyết đối nghịch trên về phát triển.

Điều quan trọng là phải nhìn nhận các vấn đề về sự phát triển nông thôn trong bối cảnh của tri thức địa phương và quản lý tài nguyên. Các giải pháp mới chỉ được tìm ra khi có một sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh thay đổi của sự phát triển bền vững và sử dụng tri thức địa phương như một công cụ chính.

Các khu rừng nhiệt đới rất đa dạng về hệ sinh thái với nhiều nguồn gen vô giá. Các khu rừng nhiệt đới là rất quan trọng để giữ cân bằng sinh thái cho toàn cầu; các vấn đề về khí hậu, sinh khối và chu kỳ cácbon tất cả đều bị thuộc vào sự phát triển của các khu rừng nhiệt đới. Điều kiện môi trường ở đây là những phần không thể thiếu cho sự sống còn của nhân loại.

Về mặt lịch sử, có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số đã từng sinh sống ở các khu rừng nhiệt đới và tiểu nhiệt đới. Mỗi nhóm dân tộc đã xây dựng cho mình một phương thức sống khác nhau liên quan đến môi trường sống của họ và dựa trên sự hiểu biết về sinh thái mà họ đã tích lũy từ bao đời nay. Các khu rừng nhiệt đới không chỉ đa dạng về sinh thái mà còn đa dạng về văn hóa. Kết hợp 2 yếu tố này là rất quan trọng cho sự phát triển công nghệ sinh thái: sự phát triển các cây trồng và vật nuôi, các loại cây thuốc và các công cụ để kiếm sống.

---

2 - BÀN LUẬN:

Vấn đề quan trọng liên quan đến đa dạng sinh học và phát triển bền vững chính là mối quan hệ giữa tự nhiên và văn hóa, giữa tài nguyên thiên nhiên và tri thức địa phương.

Đa dạng sinh học thường bị hạn chế và được xem là lĩnh vực quan tâm chính của các nhà khoa học tự nhiên, đặc biệt là của các nhà sinh thái học và thực vật học. Nhưng trên thực tế, các nhà khoa học tự nhiên chỉ mới bắt đầu thực sự hiểu về đa dạng sinh học và thường bị cản trở do bởi không có sự lồng ghép yếu tố văn hóa nhân văn vào trong các nghiên cứu của họ. Rất nhiều thế hệ của người dân địa phương chẳng hạn như người dân ở các khu rừng nhiệt đới đã tồn tại và được nuôi dưỡng trong môi trường rừng. Họ có một sự hiểu biết rất sâu sắc về sự đa dạng của hệ sinh thái và đồng thời họ là một phần của hệ sinh thái. Người dân chính là những người quản lý các nguồn gen. Họ chọn lựa các hạt giống trong quá trình canh tác nhờ đó họ tích lũy được những kiến thức về nguồn sinh học cho cây thuốc và cây lương thực.

Kho tàng tri thức địa phương về đa dạng sinh học xuất phát từ mối quan hệ tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên. Chính các mối quan hệ tương tác đó đã tạo ra văn hóa, lịch sử và hình thành nên một hệ sinh thái nhân văn tổng hợp. Sự đa dạng về cây lương thực xuất phát từ nhu cầu cơ bản của cuộc sống tự cung tự cấp và vấn đề an ninh lương thực. Sự đa dạng nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lương thực dồi dào.

Chính vì vậy, đa dạng sinh học không chỉ giới hạn ở các khu rừng nguyên sinh mà có ở cả những cộng đồng sản xuất nông nghiệp và nông lâm kết hợp. Họ đã đề ra những nguyên tắc để đảm bảo cho sự sinh tồn trong một môi trường đa dạng về sinh thái.

---

3 - KẾT LUẬN:

Sự đa dạng về sinh học và đa dạng về văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tàn phá sự đa dạng về văn hóa là tàn phá cơ hội để nghiên cứu và hiểu biết về tri thức sinh thái địa phương của nhân loại.

Các nghiên cứu về đa dạng sinh học không nên hạn chế và chỉ xem là trách nhiệm của các nhà khoa học tự nhiên. Đó cũng là trách nhiệm của các nhà khoa học xã hội và những người dân địa phương. Những người nông dân sống ở các khu rừng nhiệt đới đã biết cách quản lý các nguồn gen kể từ khi họ biết canh tác các loại cây trồng.

Đối với các cộng đồng địa phương, sự đa dạng về các nguồn gen và về kinh tế xã hội đồng nghĩa với sự sống còn của họ. Sự đa dạng các nguồn gen đảm bảo cho người nông dân chống lại các loại dịch, sâu bệnh và thiên tai. Nó cũng giúp cho những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ có thể tối đa hóa sản xuất trong điều kiện môi trường có nhiều biến đổi. Trồng hỗn hợp nhiều loại cây sẽ đưa lại năng suất cao hơn do bởi mỗi loại cây thích ứng/phù hợp với mỗi loại điều kiện môi trường. Sự đa dạng các nguồn gen cũng giúp cho các cộng đồng nông thôn sử dụng sản phẩm với nhiều mục đích khác nhau.

---

Chú thích:

(*) Bài viết được lược dịch từ sách “ Đa dạng sinh học: Tri thức địa phương và Phát triển bền vững” của GS. Yos Santasombat, Đại học Chiangmai, Thailand

(*) Nguyễn Thị Mỹ Vân: Tiến sĩ, nguyên là Giảng viên Khoa Xã hội học, ĐHKH Huế

---

Media Team, Sociology Hue - HUSC

Editor: Tuấn Long | tuanlong.dhkh@gmail.com