Đối với những người nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, tài liệu tham khảo là nhu liệu đầu vào không thể thiếu. Các tài liệu này bao gồm:
- (1) Bài báo khoa học ;
- (2) Sách chuyên khảo ;
- (3) Báo cáo khoa học chuyên đề ;
- (4) Luận văn / Luận án Tiến sĩ.
Các tài liệu này có thể tồn tại ở dạng trực tuyến trên các nền tảng internet và cả ở dạng văn bản giấy. Trong số đó, các bài báo khoa học (research article), đặc biệt là các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín là loại tài liệu tham khảo có giá trị hơn cả.
---
Trong một dự án nghiên cứu dài hơi như nghiên cứu khoa học xã hội, nhóm nghiên cứu sẽ phải sử dụng một lượng tài liệu tham khảo khổng lồ mà việc thiếu sắp xếp chúng có thể đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như: (1) không nhớ mình đã và đang sở hữu các tài liệu nào ; (2) không tìm thấy chính xác tài liệu mà mình cần để trích dẫn và (3) không thể chia sẻ chúng cho các thành viên để cùng khai thác.
Trong bài viết này sẽ mình sẽ giúp các bạn xây dựng thư mục tài liệu tham khảo một cách khoa học, tạo thuận lợi để chuyển tới bước viết tổng quan tài liệu và trích dẫn về sau.
---
1 - Tìm tài liệu tham khảo
Như mình đã nói ở trên, trong số các loại tài liệu nghiên cứu thì các bài báo khoa học (research article) đăng trên các tạp chí khoa học uy tín là loại tài liệu tham khảo quan trọng nhất. Để có thể tiếp cận được các nguồn tài liệu này, bạn có thể tham khảo [ bài viết này ]
Trong bài viết đó, mình có một lưu ý nhỏ là nếu bạn tìm kiếm thông tin trên nền tảng Google thì hãy nhập từ khóa cần tìm trong ngoặc kép (Vd: nhập "social development" thay vì social development). Việc đưa từ khóa vào ngoặc kép giúp Google nhận diện "social development" là một cụm từ, khác với hai từ "social" và "development" đơn lập.
Việc làm này giúp tăng hiệu suất tìm kiếm thông tin học thuật hơn.
---
2 - Tạo thư mục lưu trữ tài liệu
Thường thì chúng ta sẽ có thói quen lưu tài liệu trên máy tính cá nhân, nhưng cách làm này sẽ không thuận tiện khi chia sẻ tài nguyên nếu chúng ta làm việc trong một nhóm nghiên cứu, đặc biệt là trong các nhóm nghiên cứu có khoảng cách xa nhau về mặt địa lý.
Giải pháp cho tình huống này rất đơn giản, bạn hãy tạo ra một thư mục lưu trữ tài liệu trực tuyến (online).
Mình đề xuất sử dụng Google Drive. Ứng dụng này không chỉ có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, dung lượng cao (15GB), mà còn hoàn toàn miễn phí và đã được tích hợp ngay khi bạn khởi tạo tài khoản Gmail. Bạn có thể lên Youtube và tìm kiếm một video hướng dẫn sử dụng Drive, chỉ tầm một giờ đồng hồ là bạn đã có thể thành thạo ứng dụng này rồi.
Kế đến, việc sử dụng Drive để lưu trữ tài liệu bao gồm các bước sau:
---
Bước 1: Đăng nhập vào Drive và tạo một thư mục mẹ, vd: [Dự án nghiên cứu #1]
---
Bước 2: Vào thư mục [Dự án nghiên cứu 1] và tạo một thư mục con, đặt tên là [Tài liệu tham khảo]. Nếu bạn có tạo thêm các thư mục con khác, thì nên đánh số cho chúng, vd: [1 - Tài liệu tham khảo] ; [2 - Bộ công cụ] ; [3 - Dữ liệu] ...
---
Bước 3: Vào thư mục [Tài liệu tham khảo] tạo ra 4 thư mục con khác, lần lượt đặt tên là:
---
- [1 - Article]: dùng để lưu trữ các file bài báo khoa học => ký hiệu là [A]
- [2 - Books]: dùng để lưu trữ các file sách chuyên khảo => ký hiệu là [B]
- [3 - Report]: dùng để lưu trữ các file báo cáo chuyên đề => ký hiệu là [R]
- [4 - Thesis]: dùng để lưu trữ các file luận văn / luận án => ký hiệu là [T]
- [5 - Data]: dùng để lưu trữ các file dữ liệu thứ cấp (nếu có) => ký hiệu là [D]
- [6 - Internet]: dùng để lưu trữ các file bản tin ở rên mạng => ký hiệu là [I]
---
Bước này có hai tác dụng:
- (1) Đây là sự phân loại tài liệu mà mình đã đề cập tới ở trên: Bài báo, Sách chuyên khảo, Báo cáo chuyên đề và Luận văn / Luận án.
- (2) Nhìn vào thứ tự của các thư mục này, bạn có thể đánh giá được hàm lượng thông tin khoa học sẽ giảm dần từ các bài báo khoa học đến các thông tin trên mạng. Từ đó, nắm được trình tự ưu tiên khi đọc và viết tổng quan nghiên cứu.
---
Bước 4: Sau khi tải các file tài liệu về, bạn phải biết được file tài liệu đó thuộc nhóm nào.
- Nếu đó là bài báo khoa học, thì upload chúng lên Folder [1 - Article],
- Nếu đó là các file luận văn, luận án, tiểu luận hoặc khóa luận, thì chúng sẽ được upload lên Folder [4 - Thesis] ...
---
Bước 5: Chỉnh sửa lại tên (rename) cho các file tài liệu để đảm bảo tính đồng bộ. Việc chỉnh này bào gồm 03 thao tác:
---
- (1) Viết lại tên file cho sạch sẽ, rõ ràng, không có các nét gạch dưới ;
- (2) Gán mã cho file đó, nếu là bài báo thì mã là [A], sách chuyên khảo mã là [B] ...
- (3) Đánh số thứ tự cho các file đó (Vd file bài báo đầu tiên là [A-001], file tiếp theo là [A-002] ; file Sách đầu tiên là [B-001], file tiếp theo là [B-002] ...)
---
Bước này cũng có hai tác dụng:
- (1) Việc phân loại file bằng cách gán mã ngay từ đầu giúp việc viết tổng quan bằng cách phần mềm hoặc khung viết tổng quan về sau được thuận lợi hơn vì đã biết chính xác đó là loại tài liệu gì trước khi đọc.
- (2) Việc đánh số cho file cũng có ý nghĩa sắp xếp thứ tự ưu tiên cho tài liệu, nhờ đó các thành viên trong nhóm biết được tài liệu nào nên đọc trước, tài liệu nào nên đọc sau.
---
Tất nhiên, sắp xếp tài liệu tham khảo thành một hệ thống như thế này sẽ là một thách thức đối với những người vốn yêu thích sự tự do, ngẫu hứng.
Mặc dù vậy, các bạn cũng cần xác định là chúng ta đang cộng tác với một nhóm nghiên cứu gồm những người khác nhau về tính cách và cả kinh nghiệm làm việc. Việc đưa mọi người vào một hệ thống giúp (1) tạo ra sự nhất quán và chuyên nghiệp khi làm việc.
---
Một tác dụng phụ nữa khi sắp xếp thông tin kiểu này đó là việc (2) dễ dàng suy luận để tìm kiếm. Một khi đã bắt tay vào nghiên cứu, áp lực thời gian sẽ khiến trí óc của bạn phát điên. Khi đó, một giao diện màn hình thông thoáng, rõ ràng, ngăn nắp sẽ (3) giúp bạn có tâm trạng để làm việc hơn.
Còn nếu bạn vẫn không chịu được những thứ đều tăm tắp như nghĩa trang này, vậy thì hãy cứ giao việc này cho một người có óc tổ chức là được nhé. Mình nghĩ họ sẽ rất vui lòng vì có nơi để thể hiện năng lực đấy.
---
3 - Chia sẻ tài nguyên
Tài liệu tham khảo là một dạng tài nguyên mà tất cả thành viên trong nhóm đều có quyền sử dụng. Vì thế, sau khi đã hoàn thành việc khởi tạo thư mục, hãy tiến hành chia sẻ nói tới mọi người.
Tuy nhiên, việc chia sẻ theo dạng này cũng tiềm ẩn một số rủi ro như có ai đó không may xóa mất file hoặc làm hỏng chúng.
---
Bạn cũng không nên quá cực đoan bằng cách phân quyền theo Nội dung, ví dụ người làm tổng quan thì chỉ được vào Folder [1 - Tài liệu tham khảo], người làm bảng hỏi thì chỉ được vào folder [2 - Bộ công cụ] ... vì dự án nghiên cứu là một công việc thuộc về tập thể, mọi người đều có quyền truy cập để sử dụng tài nguyên của nhóm.
Do đó, để hạn chế các rủi ro, mình nghĩ tốt nhất là các bạn nên thực hiện phân quyền tương tác với tài liệu theo cấp độ.
Việc phân quyền dạng này diễn ra vô cùng thuận lợi nếu bạn sử dụng Drive để chia sẻ.
---
- Cấp độ 1 - Editor: bao gồm Nhóm trưởng và một thành viên có kỹ năng sử dụng máy tính - những người này có quyền upload, chỉnh sửa tên của tài liệu và phân quyền chia sẻ tới cho người khác.
- Cấp độ 2 - Commenter: bao gồm GVHD hoặc cố vấn cho dự án - những người này có quyền bình luận về các tài liệu này với mục đích giúp đỡ nhóm nghiên cứu đánh giá chất lượng của tài liệu
- Cấp độ 3 - Viewer: bao gồm tất cả các thành viên còn lại - những người này chỉ có quyền truy cập để xem và tải tài liệu về, không có vai trò thay đổi hoặc chỉnh sửa tài liệu
---
Trước khi phân quyền, bạn cũng cần:
- (1) Làm rõ về mục đích của sự phân cấp với các thành viên trong nhóm nhằm loại trừ đi sự hiểu nhầm có thể này sinh
- (2) Thu thập Email chính danh của mọi người để gán nhãn phân quyền cho các thành viên đó và
- (3) Nhắc nhở mọi người kiểm tra Email để chắc chắn rằng mọi người đều đã có thể truy cập vào nguồn tài nguyên chung trước khi việc viết tổng quan được bắt đầu.
Kết luận:
Như vậy là mọi người đã nắm được (1) các loại tài liệu tham khảo cần có trong một dự án nghiên cứu xã hội, cũng như (2) cách lưu trữ và (3) chia sẻ chúng.
Ở bài viết tiếp theo, mình sẽ hướng dẫn các bạn tạo Frame Tổng quan tài liệu để việc ghi chú các tài liệu tham khảo được diễn ra một cách hệ thống hơn nhé. Bạn sẽ hiểu vì sao mà mình lại phải mất công phân loại và ghi mã cho từng file tài liệu như thế.
---
Huế, 4:21 PM 9/19/2023