Đánh giá tinh khả thi của đề tài dựa trên các nguồn lực

Tuấn Long

Nghiên cứu

Dự án nghiên cứu xã hội

05 Tháng Chín, 2023

Đánh giá tinh khả thi của đề tài dựa trên các nguồn lực

Ở bài viết trước, mình đã chia sẻ với các bạn về cơ sở khoa học của một đề tài được dựa trên việc đề tài đó đã từng được nghiên cứu với kết quả mà ta có thể kế thừa hoặc phát triển. Tất nhiên, để đánh giá về tính khoa học của một đề tài thì còn cần thêm nhiều yếu tố nữa như phương pháp nghiên cứu, lý thuyết áp dụng hoặc thiết kế nghiên cứu phù hợp ... Tuy nhiên, chúng ta đang trong giai đoạn chọn đề tài nghiên cứu (giai đoạn sơ khởi), vậy nên các khía cạnh trên mình sẽ thảo luận sau.

Ngoài cơ sở khoa học, tính khả thi của một đề tài nghiên cứu còn phải được xem xét sau khi tham chiếu tới các nguồn lực mà nhóm nghiên cứu đang sở hữu. Chúng gồm ít nhất 03 nguồn lực sau:

1 - Nguồn lực con người

Là những gì mà cá nhân hoặc nhóm nghiên cứu đang sở hữu. Chúng bao gồm: (1) Kiến thức ; (2) Kinh nghiệm và (3) Kỹ năng. Đây nên là nguồn lực đầu tiên cần xem xét vì suy cho cùng thì mọi thứ đều sẽ bắt đầu từ năng lực của bạn mà ra.

Trước hết là Kiến thức chuyên môn. Kiến thức chuyên môn là hiểu biết của bạn về một lĩnh vực nào đó. Nếu bạn không có kiến thức về Kinh tế nhưng lại muốn xoáy sâu vào các nội dung như chuỗi cung ứng và quy luật cung - cầu trong thị trường tự do ; hay như thiếu kiến thức về Xã hội học nhưng lại muốn lý giải cách thức hệ giá trị dẫn dắt con người ra quyết định như thế nào ; hoặc thiếu kiến thức về Chính trị nhưng lại muốn lý giải nguồn gốc của quyền lực - tất cả những điều này đều có thể biến thành trở lực trong quá trình bạn thực hiện nghiên cứu.

Tương tự như ờ bài trước mình cũng đã từng chia sẻ, chúng ta có thể tìm đọc để biết thêm, song cũng cần cân nhắc và hạn chế tối đa việc đưa các kiến thức không thuộc chuyên ngành hoặc kiến thức nền của bản thân vì chúng ta không đủ năng lực để đánh giá chất lượng từ các thông tin đó.

Vì thế lời khuyên của mình khi chọn đề tài đó là cần xác định xem bản thân và các thành viên trong nhóm có đủ khả năng triển khai các nghiên cứu đó không. Nếu nhóm thiếu kiến thức về một chuyên ngành hẹp nào đó, thì liệu có thể mời thêm ai khác làm cố vấn hoặc tham gia nghiên cứu cùng không.

Thứ hai là Kinh nghiệm thực tế. Nếu kiến thức thiên về chuyên môn sâu thì kinh nghiệm thuộc về trải nghiệm cá nhân, do mỗi người tự trải nghiệm và rút ra. Cho nên cùng một nhóm nghiên cứu với kiến thức nền tương tự như, nhưng người nào từng tham gia nhiều dự án nghiên cứu trước đó thì bao giờ cũng có phần tự tin hơn, làm việc có nguyên tắc hơn và ít sai sót hơn.

Kinh nghiệm cũng có thể liên quan tới các trải nghiệm giao tiếp xã hội khác. Người từng có dịp ghé thăm các thôn bản ở vùng sâu vùng xa thì cách thức mà họ lên kế hoạch để di chuyển, tương tác, gặp gỡ với người dân bao giờ cũng có phần tinh tế hơn, tự nhiên hơn và biết lo xa hơn. Trong tình huống này, họ có thể vào vai người dẫn đường hoặc khó hơn chút là lo về mảng hậu cần và làm cầu nối giữa nhóm nghiên cứu với chính quyền địa phương.

Thứ ba là kỹ năng công việc. Nếu kiến thức thiên về chuyên môn sâu và kinh nghiệm thuộc về trải nghiệm cá nhân thì Kỹ năng là những gì mà bạn có thể làm được thông qua việc được đào tạo. Mỗi người trong nhóm thường sẽ có một sở trường riêng. Người mạnh về viết lách, người mạnh về tổng hợp tài liệu, người có khiếu về xử lý dữ liệu, người lại có năng lực tư duy phản biện tốt, thậm chí những người biết ca hát, kể chuyện vui, giao tiếp với người lạ, nói trước đám đông đều là những kỹ năng cần thiết khi nhóm sắp triển khai nghiên cứu tại cộng đồng.

Tất nhiên, kỹ năng quan trọng hơn cả vẫn là các kỹ năng nghiên cứu như: tổ chức, thu thập thông tin, phỏng vấn, thảo luận nhóm, lắng nghe, xử lý số liệu, trình bày và viết báo cáo ... Nhóm nào càng có nhiều thành viên có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thì sẽ càng có lợi thế khi triển khai nghiên cứu.

Cũng có không ít trường hợp chúng ta bắt gặp những nhóm nghiên cứu gồm phần lớn là các sinh viên có lực học hạn chế. Lúc này, vai trò của người GVHD sẽ trở nên nặng nề hơn một chút. Miễn là các thành viên trong nhóm chịu ngồi lại với nhau, lắng nghe nhau và giúp nhau bù khuyết thì việc thực hiện các dự án nghiên cứu này vẫn có thể thực hiện trong một giới hạn nào đó .

Như vậy, ở giai đoạn này thì một mặt chúng ta cần xác định xem: (1) Quá trình nghiên cứu sẽ cần tới những năng lực nào ? (2) Ai là người phù hợp với năng lực đó ? (3) Cần phối hợp các bên ra sao để đảm bảo hiệu suất cao nhất ? ... mặt khác cân nhắc với các nguồn lực còn lại để đưa ra việc chọn lựa đề tài sao cho phù hợp nhất với nhóm.

2 - Nguồn lực tài chính

Không có một dự án nghiên cứu nào có thể triển khai hiệu quả với "tinh thần không đồng", ngay cả khi đó là một dự án nghiên cứu xã hội. Chúng ta cần tiền để lo cho việc in ấn bảng hỏi, chuẩn bị văn phòng phẩm cho các buổi thảo luận nhóm, xăng - xe đi lại, chuyện ăn ở mỗi ngày, chút bánh kẹo cho các em nhỏ và cả thuốc thang dự phòng ...

Nguồn lực tài chính của một đề tài theo dạng dịch vụ khoa học sẽ đến từ chủ dự án nghiên cứu phân bổ về cho nhóm nghiên cứu. Nhưng với các dự án nghiên cứu cá nhân, phần lớn chúng ta sẽ phải tự bỏ tiến túi ra để thực hiện. Với các nghiên cứu thực tập - thực tế của sinh viên, một số cơ sở GDĐH có chính sách hỗ trợ đi lại, nhưng nhìn chung là không đáng kể. Thành ra, nguồn lực tài chính vẫn đến từ sự đóng góp của các thành viên trong lớp là chính.

Nếu lớp của bạn đông, bạn sẽ có (1) nguồn lực tài chính dồi dào hơn vì mỗi người có thể bổ sung giúp nhau một chút và ngược lại, lớp ít người thì nguồn lực cũng eo hẹp hơn. Như vậy, với nguồn tài chính dồi dào, chúng ta sẽ có thêm nhiều lựa chọn cho chuyến thực tập - thực tế cũng như lựa chọn địa bàn nghiên cứu cách xa nơi ở. Còn nếu sĩ số trong lớp ít ỏi, có lẽ các chuyên đi gần hoặc đơn giản là làm online có thể sẽ trở nên hữu ích hơn

Lớp đông, có nghĩa là các bạn (2) có thêm nhiều nhân sự hơn, việc triển khai các nghiên cứu có sử dụng phương pháp thu thập thông tin định lượng như phát phiếu hỏi, phỏng vấn cấu trúc cũng có thể diễn ra thuận tiện hơn khi cần đảm bảo cỡ mẫu trong một thời gian nghiên cứu. Ngược lại, với các nhóm ít người các bạn có thể cân nhắc tới việc triển khai các nghiên cứu định tính.

Các bạn cũng có thể xin thêm sự hỗ trợ từ khoa hoặc quỹ khuyến học, song nếu lớp của bạn ít sinh viên thì không lấy gì đảm bảo khoa bạn cũng đông sinh viên, như thế thì có khi Khoa còn đang "kẹt tiền" hơn cả bạn.

Câu chuyện tài chính chưa bao giờ là điều dễ giải quyết, lắm khi còn cản trở cơ hội học hành của các sinh viên và nghiên cứu sinh trẻ. Vì thế, các bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng và đưa chúng vào như một chỉ báo để đánh giá tính khả thi của đề tài.

3 - Nguồn lực thời gian

Thời gian luôn có hạn và deadline thì không chừa một ai, vì thế, nội dung này nên gọi là áp lực thì đúng hơn là nguồn lực. Song nhìn chung, thời gian cũng là một biến số độc lập quan trọng mà bạn nên đưa vào để cân nhắc tính khả thi của đề tài song song với nguồn lực tài chính và nguồn lực con người của nhóm nghiên cứu.

Một dự án nghiên cứu xã hội chuyên nghiệp có thể diễn ra 3-5 năm, nhưng các dự án của sinh viên thì đôi khi chỉ diễn ra vẻn vẹn 3 tháng, trong khi đó, thời gian tại thực địa để thu thâp thông tin nhiều khi chỉ diễn ra trong 3 ngày đến một tuần tùy thuộc vào kế hoạch mà GVHD đưa ra cho các bạn.

Vì thế, chúng ta phải luôn tính đến việc nhóm có đủ nguồn lực để hoàn thành nghiên cứu này đúng hạn hay không: (1) Nên chọn đề tài ra sao? (2) Với đề tài đó thì cần thực hiện các phương pháp thu thập thông tin nào? (3) Phương pháp đó sau khi tham chiếu với nhân lực hiện có thì liệu có thể hoàn thành trong thời gian cho phép không ?

Kết luận:

Như vậy là mình đã tổng kết lại một số yếu tố đảm bảo nên tính khả thi của một đề tài nghiên cứu bao gồm: (1) cơ sở khoa học và (2) các nguồn lực (con người, tài chính, thời gian) mà nhóm đang sở hữu. Dựa vào đó, các bạn có thể vạch ra một cuộc họp kèm theo các tiêu chí để cả nhóm cùng thu hẹp phạm vi nghiên cứu tới mức khả dĩ có thể chọn ra được một đề tài nghiên cứu rõ ràng, cụ thể.

Ví dụ: ở bài trước, các bạn đã chọn nghiên cứu "hành vi sử dụng rượu bia của sinh viên" nhưng nếu xem xét kỹ thì sinh viên vẫn còn là một nhóm khách thể rất rộng trong khi hiện Việt Nam đang có gần 1 triệu sinh viên theo học. Ngay cả khi các bạn áp dụng phương pháp chọn mẫu để thu nhỏ lại cỡ mẫu nghiên cứu thì cũng không ai trong cả nhóm có đủ mối quan hệ để quen biết với mọi sinh viên trong nước ; ta cũng không đủ điều kiện để tiếp cận với quá nhiều người và càng không đủ thời gian để triển khai một nghiên cứu như thế.

Từ đó cho thấy đề tài nghiên cứu "hành vi sử dụng rượu bia của sinh viên" là chưa phù hợp. Bằng một động thái nhỏ, các bạn thu hẹp thêm một đến hai lần nữa nhóm khách thể này. Từ "sinh viên" chuyển sang "sinh viên ĐH Huế" hoặc về hẳn luôn "sinh viên trường ĐH Khoa học" - lúc này, đề tài "nghiên cứu về hành vi sử dụng rượu bia của sinh viên trường ĐH Khoa học, ĐH Huế" đã trở thành một nội dung mà ai trong nhóm cũng hiểu và có thể triển khai được.

Đó chính là tính khả thi khi chọn lựa nghiên cứu một đề tài.

---

Huế, 11:30 PM 9/4/2023