Như thế nào là một chủ đề nghiên cứu có cơ sở khoa học ?

Tuấn Long

Nghiên cứu

Dự án nghiên cứu xã hội

04 Tháng Chín, 2023

Như thế nào là một chủ đề nghiên cứu có cơ sở khoa học ?

Ở bài viết trước, mình đã chia sẻ với các bạn rằng, tính khả thi của một đề tài nghiên cứu có thể được xem xét trên hai khía cạnh chính, gồm:

  • (1) Cơ sở khoa học và
  • (2) Khả năng triển khai dựa trên các nguồn lực.

Nội dung của bài viết này sẽ giúp các bạn đưa ra những quyết định có cơ sở hơn khi xuống thực địa và trước đó là giúp các bạn xác định được cách thức xây dựng tổng quan tài liệu nghiên cứu một cách khoa học hơn.

1 - Cơ sở khoa học của một đề tài được đánh giá như thế nào ?

Ở series bài viết về xây dựng "Đề cương nghiên cứu" lần trước, mình đã từng chia sẻ là cực kỳ khó để có thể đưa ra một nghiên cứu hoàn toàn mới lạ so với hiểu biết chung của nhân loại, hoàn toàn tách bạch với các nghiên cứu đi trước, hay chưa từng có ai nghiên cứu ...

Tuyệt đại đa số những gì mà ta đang làm lúc này chính là việc đi tiếp những bước đi mà người trước đã khai phá, nhưng phát triển nó lên ở mức cao hơn hoặc ít nhất là hạn chế các sai sót của người tiền nhiệm. Vì thế, đọc tài liệu nghiên cứu của người khác để rút ra các cơ sở khoa học cho bản thân hoàn toàn không phải là một việc làm vô nghĩa mà trên thực tế, đó là một trong các khâu vô cùng quan trọng khi làm nghiên cứu khoa học xã hội.

Theo đó, cơ sở khoa học được thể hiện thông quan việc nghiên cứu này đã từng được những người đi trước: (1) triển khai thực hiện nghiên cứu ra sao, (2) đạt được những kết quả / hạn chế gì và (3) bạn có thể kế thừa hoặc phát triển thêm cho những kết quả / hạn chế đó ?

Bạn chỉ có thể trả lời được các câu hỏi này thông qua việc đọc tài liệu khoa học và làm tiền đề để cho việc xây dựng tổng quan tài liệu (literature review). Như vậy, ở giai đoạn này các bạn cần:

  • Bước 1: Chia nhau ra tìm kiếm, đọc tài liệu liên quan tới chủ đề nghiên cứu
  • Bước 2: Dần thu hẹp phạm vi nghiên cứu mà nhóm đã lựa chọn

---

Bước 1: Tìm đọc tài liệu liên quan tới chủ đề nghiên cứu

Giả sử sau khi thảo luận với nhóm, các bạn chọn được 03 chủ đề nghiên cứu gồm: (1) Hành vi uống rượu / bia của người dân ; (2) Mục đích khi sử dụng FB của sinh viên và (3) Hiện tượng xăm mình của giới trẻ.

Nếu đến thới điểm hiện tại, các bạn vẫn chưa thể chọn được chủ đề duy nhất để thực hiện, Trưởng nhóm sẽ chia các thành viên của mình ra để thực hiện các nghiên cứu tài liệu một cách độc lập.

Tiêu chí quan trọng nhất khi tìm đọc tài liệu mà mình muốn chia sẻ trong bài viết này đó là các bạn hãy (1) tập trung tìm đọc các bài báo nghiên cứu khoa học (research article) trong và ngoài nước, hơn là tìm đến các trang luận văn online.

Các bài báo khoa học là tổng hợp kết quả từ một hoặc một nhóm công trình nghiên cứu cụ thể, được thẩm định cao và có tính cập nhật. Hàm lượng khoa học của các bài báo này thường sẽ đáng tin cậy hơn những luận văn Thạc sĩ, đặc biệt là các luận văn kém chất lượng được làm đại trà đang tràn lan trên mạng. Các bạn cũng nên tham khảo thêm ý kiến của của GVHD, rất có thể GVHD sẽ giúp các bạn tiếp cận tới các luận văn chất lượng.

Các bạn cũng cần (2) lưu ý tới lĩnh vực của các bài báo khoa học đó. Ví dụ, bạn chọn nghiên cứu về "hành vi uống rượu bia" vậy thì các tài liệu Y khoa, Hóa học hoặc Sức khỏe có thể sẽ là những nội dung xuất hiện với tần suất rất cao khi tìm kiếm trên Google, kể cả Google Scholar. Đọc thêm các tài liệu này cũng tốt, tuy nhiên, bạn cần kiểm soát tránh đưa toàn bộ thông tin từ các nghiên cứu này vào. Đơn giản là vì chúng ta và có thể là cả GVHD cũng không đủ kiến thức nền về Y - Sinh - Hóa để đánh giá các thông tin này.

Trong khi đó, nếu các nghiên cứu về Xã hội học, Y tế cộng đồng, Tâm lý học, Luật pháp ... lại bị giảm đi về hàm lượng kiến thức, thì khi đó nghiên cứu của chúng ta sẽ bị mất đi các luận điểm vững chắc để đảm bảo đây là một nghiên cứu thuộc về Khoa học xã hội.

Nếu vậy, đâu sẽ là cơ sở khoa học cho nghiên cứu này ? Thành ra, tìm đọc nhiều tài liệu không bằng chọn đọc các tài liệu phù hợp nhé !

---

Bước 2: Thu hẹp phạm vi nghiên cứu mà nhóm đã lựa chọn

Chúng ta bắt đầu mọi thứ một cách phóng khoáng và rộng mở để mọi người đều có cơ hội tham gia đóng góp vào đề tài. Sau đó, để đảm bảo tính khả thi của nghiên cứu, chúng ta cần thu hẹp lại phạm vi thực hiện. Thu hẹp phạm vi chính là cách để cụ thể hóa nghiên cứu, phạm vi càng hẹp bao nhiêu, nghiên cứu các cụ thể bấy nhiêu và giúp hạn chế tối đa sự mơ hồ của nhóm.

Ví dụ, việc đọc các tài liệu khoa học giúp các bạn nhận ra rằng trong 15 trở lại đây, đã có khá nhiều nghiên cứu về việc sử dụng rượu bia của người dân Việt Nam.

Các nghiên cứu đó đến từ mọi lĩnh vực, từ việc đánh giá mức độ tiêu thụ rượu bia / năm của giới Kinh tế học ; tới văn hóa uống rượu của người Việt từ các nhà Nhân học ; hay tâm lý thể hiện bản thân qua năng lực uống bia của các nhà Tâm lý hành vi ... ta có thể rút ra nhận định, nghiên cứu hành vi sử dụng rượu bia của con người là một chủ đề đã được các nhà khoa học khám phá, chúng có cơ sở để thực hiện, vấn đề là ta cần lựa chọn khía cạnh hoặc phạm vi nghiên cứu phù hợp với chuyên ngành của mình, vd như Xã hội học.

Giờ ta sẽ cùng thu hẹp phạm vi của chủ đề này, bắt đầu từ việc làm rõ các khái niệm xuất hiện trong chính chủ đề đó. Cụ thể, với chủ đề "hành vi uống rượu / bia của NGƯỜI DÂN". - nếu cụm từ "hành vi uống rượu / bia" là một thứ mà hầu như ai cũng hiểu, thì phạm trù "người dân" lại đang tỏ ra mơ hồ, vì nó thể bao gồm các nhóm xã hội khác nhau về: [Giới tính]: Nam, Nữ, LGBT ; [Độ tuổi]: người trẻ, trung niên, người già ... ; [Nghề nghiệp] như nhân viên VP, giảng viên, người lao động, học sinh ... ; Và nhiều khía cạnh nhân khẩu khác ...

Giả sử các bạn cảm thấy có mối liên kết với những "người trẻ" (bất kể nghề nghiệp và tôn giáo của họ là gì), chúng ta có thể thu hẹp khách thể lại và chỉnh sửa chủ đề nghiên cứu thành "hành vi uống rượu / bia của GIỚI TRẺ".

Mặc dù vậy, "GIỚI TRẺ" là một nhóm xã hội có phổ độ tuổi từ 18 - 35 thì vẫn là nhóm khách thể còn quá rộng. Chúng ta có thể thu hẹp thêm một lần nữa bằng cách chỉ chọn nhóm sinh viên đại học thôi, lúc này chủ đề nghiên cứu sẽ là "hành vi uống rượu / bia của SINH VIÊN".

Vì chúng ta đều là sinh viên, nên xem ra đây là nhóm khách thể mà ta có thể tiếp cận được nếu triển khai nghiên cứu.

3. Kết luận

Như vậy, tới bước này, hầu như các bạn đã xác định được cho mình một đề tài nghiên cứu tương đối cụ thể, rõ ràng và có cơ sở khoa học.

Ở bài viết tiếp theo, mình sẽ hướng dẫn các bạn cân nhắc các nguồn lực để có thể đưa ra một lựa chọn thêm phần khách quan. Vì thực ra, ngay cả khi bạn đang là một sinh viên thì bản thân đề tài có tên là "hành vi uống rượu / bia của SINH VIÊN" vẫn còn khá xa mới đạt được tới mốc khả thi đấy.

---

Huế, 12:06 PM 9/4/2023