Tại sao nên chọn nghiên cứu chủ đề mà mình thích ?

Tuấn Long

Nghiên cứu

Dự án nghiên cứu xã hội

04 Tháng Chín, 2023

Tại sao nên chọn nghiên cứu chủ đề mà mình thích ?

Chọn đề tài nghiên cứu cũng là một nội dung thú vị nhưng đôi khi cũng gây một số cơn nhức đầu nhất định cho nhóm nghiên cứu. Hai câu hỏi lớn khiến mọi người khó đưa ra quyết định nhất khi chọn đề tài thường sẽ là: Nên nghiên cứu cái mình thích hay nghiên cứu cái mà xã hội cần ?

Nghiên cứu cái mà xã hội cần sẽ gần hơn với các nghiên cứu theo dạng dự án dịch vụ khoa học, được tài trợ để thực hiện và hướng tới việc giải quyết một vấn đề nào đó trong xã hội. Bênh cạnh giảng dạy và làm quản lý, tham gia dịch vụ khoa học là một trong các "cần câu cơm" chính của các nhà khoa học xã hội hiện nay.

Ngược lại, với các nội dung nghiên cứu cá nhân, nghiên cứu chuyên sâu để làm dày thêm hồ sơ nghiên cứu, nghiên cứu để hoàn thành chương trình học Đại học / Sau đại học ; gần nhất là các chương trình Thực tập - Thực tế hoặc Dự án nghiên cứu xã hội - thì người ta lại thường có xu hướng chọn nghiên cứu cái mà mình hứng thú, hay có ít nhiều sự quan tâm hơn vốn đã diễn ra từ trước đó.

Bài viêt này mình khuyến khích các bạn lựa chọn nghiên cứu cái mà các bạn thích.,

1 - Tại sao nên nghiên cứu cái mình thích ?

Nghiên cứu cái mà mình thích hoặc nghiên cứu những điều mà bạn quan tâm đem lại cho các bạn 03 lợi thế lớn về thái độ nghiên cứu, cụ thể:

  • (1) Nghiên cứu cái mà mình thích đem lại cho chúng ta động lực để hoàn thành và có năng lượng để vượt qua các khó khăn khi những tình huống không thuận lợi xuất hiện.
  • (2) Những thứ bạn thích thường cũng là những thứ mà ta đã có kiến thức hoặc kinh nghiệm đã được hình thành trước đó, vì thế khi tìm tài liệu hoặc xây dựng bộ công cụ, vốn kiến thức này chắc chắn sẽ giúp được bạn.
  • (3) Cuối cùng, nghiên cứu cái mình thích đem lại một tinh thần hợp tác tích cực với các khách thể nghiên cứu. Nếu bạn cũng thích tìm hiểu về máy ảnh phim, bạn sẽ nói chuyện với những người trong cộng đồng nhiếp ảnh phim dễ dàng hơn ; nếu bạn rành uống bia, bạn sẽ tiếp chuyện với mọi người trên bàn nhậu tự nhiên hơn ; nếu bạn khi nào cũng hứng thú tìm hiểu các hành vi lệch lạc, bạn sẽ có cái nhìn công bằng hơn khi tiếp cận các đối tượng có hành vi "trông có vẻ" sai lệch ...

Tất cả những gì bạn cần làm ở giai đoạn này là liệt kê, khoanh vùng, sắp xếp theo thứ tự các đề tài nghiên cứu mà mình thích thú và quan tâm nhất.

Sẽ rất lý tưởng nếu các bạn chọn ngay được 1 chủ đề nghiên cứu, nhưng nếu chưa chắc chắn về lựa chọn của mình, bạn có thể duy trì một danh sách từ 3 - 5 chủ đề, không nên nhiều quá để khâu lựa chọn về sau thêm phần tập trung.

2 - Làm thế nào để thống nhất phương án chọn đề tài trong nhóm ?

Một điểm nữa chúng ta cần lưu ý, đó là ngay cả khi đã chọn được đề tài ưng ý cũng không có nghĩa là ta sẽ hoàn thành được nghiên cứu này đúng tiến độ và hiệu quả.

Nói cách khác, việc nghiên cứu những thứ mình thích đem lại lợi thế chủ động cho bạn khi chọn đề tài, tuy nhiên, chúng chỉ thuận lợi khi bạn làm việc cá nhân. Còn trong một nghiên cứu theo nhóm như Thực tập - Thực tế hoặc Dự án xã hội - thì nghiên cứu lại được triển khai theo nhóm. Và ý kiến của các thành viên trong thì nhóm đôi khi sẽ không giống bạn. Có ít nhất 3 nhóm quan điểm:

  • Quan điểm chọn nghiên cứu những chủ đề tương tự với bạn
  • Quan điểm chọn nghiên cứu những chủ đề khác hoàn toàn với bạn
  • Quan điểm trung tính / không có chính kiến cá nhân / thờ ơ hoặc chọn theo đề tài nào dễ thực hiện

Khi gặp những tình huống như thế này, bạn có thể bình tĩnh đưa ra quyết định dựa trên một số tiêu chí như: (1) Để cho GVHD chọn thay cho nhóm để tránh tranh luận ; (2) Nhóm quan điểm nào đông hơn thì thiểu số phục tùng đa số và (3) Chọn đề tài dựa trên tiêu chí tính khả thi khi thực hiện.

Dựa trên kinh nghiệm và quan sát cá nhân, mình thường thiên về cách lựa chọn thứ ba, Đánh giá tính khả thi của đề tài - bởi đó là cách thức duy nhất để đảm bảo nghiên cứu có thể (1) được thực hiện dựa trên sự hiểu biết của cả nhóm, (2) ý kiến của các thành viên đều được tôn trọng và vì thế (3) đảm bảo được tính thống nhất khi lựa chọn phương án hơn.

Nhìn chung, không lấy gì đảm bảo GVHD sẽ chọn cho các bạn một chủ đề mà ai cũng thích (hạn chế về thái độ) và không lấy gì chắc chắn rằng số đông trong nhóm có thể đưa ra một đề bài đảm bảo tính khả thi (hạn chế về kinh nghiệm). Thay vào đó, chúng ta có thể chủ động chọn trước và tham khảo ý kiến của GVHD sau để kết hợp lợi thế của cả hai.

Lúc này, chúng ta cần một số minh chứng để giúp cả nhóm có thể đánh giá được tính khả thi của một đề tài. Tính khả thi đó có thể được xem xét trên hai khía cạnh chính, gồm:

  • (1) Cơ sở khoa học của nghiên cứu, và
  • (2) Khả năng triển khai sau khi tham chiếu các nguồn lực.

Ở các bài viết sau mình sẽ chia sẻ cho các bạn các bước cụ thể để đánh giá tính khả thi và khoa học của một đề tài nghiên cứu.

---

Huế, 10:10 AM 9/4/2023