Làm thế nào để tổ chức các nhóm nghiên cứu ?

Tuấn Long

Nghiên cứu

Dự án nghiên cứu xã hội

01 Tháng Chín, 2023

Làm thế nào để tổ chức các nhóm nghiên cứu ?

Trước khi bắt đầu tiến hành nghiên cứu, ta nên tiến hành tổ chức chương trình để việc nghiên cứu về sau được diễn ra hệ thống và có trật tự hơn. Việc tổ chức nghiên cứu ở giai đoạn này gồm 3 nội dung quan trọng, gồm: (1) Chọn địa bàn nghiên cứu ; (2) Tổ chức nhóm nghiên cứu và (3) Phân công nhân sự chung.

Cụ thể:

1 - Chọn địa bàn nghiên cứu

Địa bàn nghiên cứu là nơi mà chúng ta sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu. Vấn đề then chốt nhất của việc chọn địa bàn nghiên cứu đó là: Chúng ta có tiếp cận được địa bàn đó không ? Khả năng tiếp cận một địa bàn nghiên cứu có thể được đánh giá qua một số câu hỏi sau:

  • Đã bao giờ chúng ta nghe tới địa bàn đó chưa ?
  • Đã có ai trong nhóm nghiên cứu từng ít nhất một lần đặt chân tới đó chưa ?
  • Hiện trong nhóm của chúng ta có ai đã hoặc đang sống ở địa bàn đó không ?
  • Nhóm nghiên cứu có đông người không ?
  • Nhóm có đủ kinh phí để áp ứng được nhu cầu di chuyển, ăn ở và nghiên cứu tại địa bàn đó không ?
  • ...

Nhìn chung trong các câu hỏi trên thì việc có người quen tại địa bàn là quan trọng hơn cả. Việc có người quen tại địa bàn (tụi mình hay gọi vui là "thổ dân"), đặc biệt là vùng sâu vùng xa, hải đảo - không chỉ giúp cho chúng ta cơ hội đặt vấn đề với chính quyền địa phương, thông thạo văn hóa, đường đi lối lại, giá cả tiêu dùng, mà còn cả xây dựng lòng tin với người dân địa phương.

Vì thế, nếu bạn bắt đầu bằng một nghiên cứu hoàn toàn mới, thì ta có thể bắt đầu từ việc dựa vào nội dung nghiên cứu mà đề xuất các địa bàn phù hợp. Trong khi đó, nếu bạn đang thực hiện một nghiên cứu tài lập hoặc xây dựng một chương trình thực tập cho sinh viên, thì nội dung đề tài có thể được cân nhắc sau. Tìm một địa bàn nghiên cứu phù hợp sẽ được cân nhắc lựa chọn trước

Từ địa bàn nghiên cứu đã chọn, ta có thể hỏi người quen ở đó để xem thử địa phương đang có vấn đề xã hội gì nổi cộm hoặc thú vị để nghiên cứu. Từ đó, đề xuất nội dung nghiên cứu.

2 - Tổ chức nhóm nghiên cứu

Nếu chúng ta đã có nhóm nghiên cứu ngay từ đầu, bạn có thể bỏ qua nội dung này. Ngược lại, nếu bạn đang đứng trước một chương trình thực tập thực tế cho sinh viên, ta nên chia nhóm để các thành viên trong lớp có cơ hội được làm việc theo nhóm và cùng nhau thực hiện một số nhiệm vụ mà trong thực tể công việc chỉ cá nhân thôi sẽ khó có thể hoàn thành.

Tùy vào sĩ số của lớp, ta có thể cân nhắc chia từ 3 - 5 nhóm; trong đó 3 nhóm là con số lý tưởng nhất.

  • Tình huống rất ít sinh viên (< 5 người): ta có thể không cần chia nhóm, cả lớp là một nhóm
  • Tinh huống ít sinh viên (<15 người): ta có thể chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm 5 sinh viên
  • Tình huống đông sinh viên (< 45 người): chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm 10 - 15 sinh viên hoặc 5 nhóm, mỗi nhóm 9 sinh viên cũng là một lựa chọn tốt
  • Tình huống rất đông sinh viên (> 45 người): nên có 2 GVHD cùng đi hoặc chia lớp làm hai. Bởi 1 GVHD sẽ rất vất vả để quản lý một tập thể quá đông tại địa bàn.

Thường thì chúng ta sẽ hy vọng sinh viên sẽ học được cách làm việc nhóm hoặc làm việc chung được với người khác. Tuy nhiên, kỳ vọng có thể phản tác dụng vì sinh viên thường có rất nhiều vấn đề liên quan tới cái tôi (Ego) mà GVHD không phải lúc nào cũng đủ năng lượng để quản lý hết. Vì thế:

  • Nếu cả lớp đều quen nhau, bạn có thể để cho sinh viên tự vào nhóm mà họ thích. Mỗi nhóm tự chọn cho mình một cái tên để khẳng định bản sắc nhóm.
  • Nếu cả lớp không quen nhau, bạn có thể chủ động bốc thăm chia nhóm

3 - Phân công nhân sự

Việc tiến hành nghiên cứu chung bao gồm rất nhiều hạng mục công việc, vì thế, chúng ta nên tổ chức phân công công việc rõ ràng cho các thành viên để mỗi người đều có cơ hội thể hiện cũng như đóng góp công sức cho việc chung

---

1. Ở cấp độ Nhóm:

Nhóm trưởng: Mỗi nhóm nên có một nhóm trưởng. Nhóm trưởng không nhất thiết phải là thành viên của Ban cán sự hoặc là người học giỏi nhất mà nên là người có uy tín, óc tổ chức, có trách nhiệm, lực học khá và khả năng giao tiếp tốt. Nhóm trưởng có vai trò điều phối phụ trách chung cho nhóm đó và làm kênh cầu nối liên hệ giữa nhóm với GVHD.

Thành viên nhóm: tùy vào công việc cụ thể trong quá trình nghiên cứu mà các thành viên có thể đóng vai trò chung hoặc riêng. (1) Vai trò chung bao gồm: đọc và tìm kiếm tài liệu, tổ chức thảo luận nhóm, thu thập thông tin, làm sạch dữ liệu, phân tích và viết báo cáo ; (2) Vai trò riêng bao gồm: phỏng vấn sâu, làm slide thuyết trình, thư ký, chụp ảnh, điều hành thảo luận nhóm, thúc đẩy thảo luận, hậu cần ...

---

2. Ở cấp độ lớp

Lớp trưởng: là người chịu trách nhiệm điều phối các nhóm trưởng và liên hệ trực tiếp giữa lớp với GVHD. Lớp trưởng có thể là thành viên của một nhóm nào đó, song nếu được, Lớp trưởng tránh đồng thời là nhóm trưởng để tránh hiện tượng căng thẳng vai trò.

Thủ quỹ: là người nhận trách nhiệm về quản lý tiền bạc và thu chi các hoạt động phục vụ cho nghiên cứu. Thủ quỹ nên là người ngay thẳng, tỉ mỉ và có trách nhiệm.

Cần hiểu rằng, "đụng vào tiền bạc là mất tình cảm" nên bạn thủ quỹ cần chi ly trong việc mua các vật dụng cần thiết cho lớp như: trích tiền in bảng hỏi, phiếu phỏng vấn sâu, bản đồ, các loại VP phẩm phục vụ cho thảo luận nhóm, quà cho người dân (nếu có), bánh kẹo cho trẻ em (nếu có), quà lưu niệm cho chính quyền địa phương (nếu có)...

Tất cả các hoạt động mua bán đều phải có biên lai và công khai tài chính trước lớp ngay sau khi chương trình nghiên cứu khép lại

Người dẫn đường: là thành viên của lớp có mối quan hệ tại địa phương. Vai trò chính của thành viên này là tạo ra cầu nối giữa lớp (một tập thể xa lạ) với người dân tại địa phương. Nếu có thể tập huấn cho lớp trước về các nghi thức giao tiếp cơ bản của địa phương cho lớp thì rất nên thực hiện. Nếu chúng ta có thể chào hay cảm ơn người dân địa phương bằng chính ngôn ngữ của họ, thì đây chính là một trong những cách gây ấn tượng và tạo dựng lòng tin tốt nhất

(1) Người dẫn đường, (2) Lớp trưởng, (3) một trong các Nhóm trưởng và (4) Thủ quỹ chính là đội hình sẽ đi cùng với GVHD trong chuyến đi tiền trạm. Trong đó 3 người đầu tiên sẽ phụ trách test bộ công cụ, trong khi Thủ quỹ có trách nhiệm khảo sát sát giá cả, nơi ăn, chốn ở, đi lại cho lớp trước khi tiến hành việc thực địa.

Kết luận:

Tất cả những nội dung mà mình vừa chia sẻ với các bạn ở trên thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản, song kỳ thực chúng lại hữu ích rất nhiều khi bắt đầu thực địa.

Tại một địa bàn mới lạ, áp lực thời gian lớn, khối lượng công việc nhiều và yêu cầu của GVHD khi nào cũng cao - việc tổ chức nhóm nghiên cứu tốt cho phép bạn tập trung tối đa thời gian và năng lượng để hoàn thành công việc và hạn chế các tranh luận không cần thiết chỉ vì mọi người không rõ vai trò của mình là gì.

---

Huế, 3:11 PM 9/1/2023