Cách tiếp cận giải cấu trúc và phương pháp tường thuật trong nghiên cứu về Body-shaming

Tuấn Long

Kĩ năng

Phương pháp nghiên cứu

13 Tháng Ba, 2023

Cách tiếp cận giải cấu trúc và phương pháp tường thuật trong nghiên cứu về Body-shaming

Bài viết này được mình trình bày lại dựa trên một nghiên cứu nhỏ về nhận diện hiện tượng "miệt thị cơ thể" (body shaming) của các bạn trẻ, mà mình từng hướng dẫn sinh viên thực hiện năm 2022. Khác với cách làm thực nghiệm bằng phiếu khảo sát và bộ câu hỏi phóng vấn sâu thường thấy trong Xã hội học, nghiên cứu lần này kế thừa thành tựu của các lĩnh vực Giáo dục học và Văn học cùng với cách tiếp cận "giải cấu trúc" (destructure) và "grounded theory" [1].

Đây là lần đầu tiên mình hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu theo dạng này nên còn rất nhiều bỡ ngỡ. Mặc dù vậy, phương pháp nghiên cứu mới mẻ này lại khá hay nên mình chia sẻ lên đây hy vọng có thể có thêm một tài liệu nhỏ để các bạn cùng tham khảo, và vì thế, mình sẽ trình bày bài viết dưới dạng các câu hỏi mà việc trả lời nó cũng chính là các bước triển khai tổng quát mà ta cần thực hiện

Trước đó, mình cũng rất khuyến khích các bạn đọc cuốn "Educational Research" của Creswell tại trang 503, Chương 15: Thiết kế một nghiên cứu tường thuật (Narrative Research Designs) tại đây. Chương này trình bày gần như toàn bộ những gì mà các bạn cần để thực hiện một nghiên cứu theo kiểu tự phỏng vấn / tường thuật hay kể chuyện (narrative) và dĩ nhiên, là rất hữu ích với nghiên cứu mà mình thực hiện lần này.

1/. Đâu là phương pháp phù hợp với chủ đề nghiên cứu ?

Các bạn [sinh viên trong nghiên cứu này] đã chọn tìm hiểu về hành vi miệt thị cơ thể ("body shaming") và chủ đề "body sahming" có một đặc điểm khó thực hiện đó là quá trình diễn biến tâm lý kết hợp với các quá trình văn hóa - xã hội diễn ra gần như song song. Các diễn trình này không dễ để nhận diện như các khía cạnh kinh tế - xã hội khác. Chúng cũng khó thu thập được thông tin có chất lượng cao vì sự hợp tác của người được hỏi là một điều gì đó mà ta chưa thể kiểm soát ngay, thành ra các phương pháp truyền thống như phát phiếu hỏi và thảo luận nhóm sẽ tỏ ra không phù hợp.

Ngược lại, các phương pháp như quan sát tham dự hoặc phỏng vấn sâu, đặc biệt là phỏng vấn sâu, lại được ưu tiên sử dụng nhiều hơn. Trong phỏng vấn sâu lại có hình thức phỏng vấn người khác và phỏng vấn chính mình. Phương pháp chủ đạo mà mình hướng các bạn [sinh viên của mình] sử dụng trong nghiên cứu này chính là: (1) phỏng vấn chính mình (tự vấn) và sau đó là (2) tường thuật lại thông qua phương pháp kể chuyện.

2/. Phỏng vấn chính mình là gì ?

Phỏng vấn chính mình (tự vấn) là một trong các cách thức để các bạn [sinh viên trong nghiên cứu này].tự giao tiếp với bản thân. Khi các bạn tự hỏi chính mình, tự trách bản thân, tự khen ngợi, hoặc tự độc thoại nội tâm - tất cả đều là quá trình cơ bản của việc giao tiếp với chính bản thân.

Như vậy, nhà nghiên cứu sẽ tự xem bản thân mình là khách thể nghiên cứu và đặt câu hỏi với chính mình để làm rõ vấn đề. Khi áp dụng phương pháp tự vấn này vào nghiên cứu, người nghiên cứu sẽ không chỉ tự hỏi bản thân mà còn phải biết được nên hỏi điều gì và phát triển câu hỏi tiếp theo như thế nào để khai thác tối đa câu chuyện về sau. Hiểu theo nghĩa này, thì thế việc xác định các câu hỏi từ trước cũng vô cùng quan trọng, nếu không bản thân người nghiên cứu sẽ dễ bị rơi vào trạng thái lan man hoặc ôm đồm, cái gì cũng muốn kể.

3/. Chúng ta sẽ khai thác câu chuyện ra sao ?

Khi chúng ta tự hỏi bản thân và diễn đạt lại nó thành một câu chuyện (story) thì câu chuyện mà bạn kể chính là một dạng dữ liệu. Chính xác là dữ liệu định tính vì thế các phương pháp phân tích chủ đề hoặc phân tích diễn ngôn trong nghiên cứu định tính sẽ rất hữu dụng. Khai thác dữ liệu định tính từ câu chuyện này cũng chính là khai thác câu chuyện một cách có hệ thống.

Nghe ra có vẻ là lạ đúng không? Mình cũng khá bất ngờ về chuyện này, nhưng hóa ra, đây lại là phương pháp định tính được giới Tâm lý - Giáo dục học, Tiểu sử học, Nhân học và Dân tộc học sử dụng từ khá lâu. Chúng ta hoàn toàn có thể kế thừa chúng vào trong các nghiên cứu định tính của Xã hội học, nhất là trong nghiên cứu lần này.

4/. Có cơ sở khoa học nào để thực hiện việc này không ?

Với những bạn lần đầu làm nghiên cứu xã hội học thì có thể các bạn chưa từng được nghe qua phương pháp tường thuật và cách tiếp cận giải cấu trúc. Một phần vì đây là cách nghiên cứu tương đối mới, mặt khác, sự thống trị của các phương pháp thực nghiệm đã tồn tại trong giới Xã hôi học lâu đến mức chúng ta nghiễm nhiên coi chúng là chân lý và áp dụng theo đến mức "giáo điều" vô hình trung, bỏ qua đi các phương pháp nghiên cứu cụ thể khác.

Như các bạn đã biết, cách làm truyền thống của Xã hội học là nghiên cứu thực nghiệm nhằm kiểm định giả thuyết. Chúng ta có xu hướng đi từ "Lý thuyết" tới "Thao tác hóa khái niệm" tới "Bộ công cụ" và cuối cùng là "Phân tích dữ liệu" để có một kết luận về thực tại. Đó là lý do vì sao mà mình yêu cầu các bạn tìm đọc tài liệu của người đi trước, xây dựng khung lý thuyết rồi sau đó mới làm bảng hỏi.

Cách tiếp cận này được gọi chung là "Cấu trúc", là nền móng của khoa học xã hội hiện đại và cũng là niềm tự hào của Xã hội học. Mình cần lưu ý là cách tiếp cận này không sai, nhưng lại đề cao quá mức sự tác động của các thiết chế ngoại tại mà bỏ qua sự hình thành nội tâm, giá trị nội tại của các chủ thể thực hiện hành động. Trong các xã hội đề cao học thuyết tự do phát triển cả nhân, người ta nhận ra rằng hành vi của con người có thể củng cố song cũng có thể phá vỡ các cấu trúc tưởng chừng như vững chắc thường thấy, nói khác đi, xã hội cũng cần cân nhắc tới sự hiện diện và kiến tạo của các cá nhân thay vì chỉ chăm chăm vào cùng cố các thiết chế xã hội bên ngoài.

Từ luận điểm này có thể thấy, những quan niệm về "body shaming" mà ta từng được nghe, tiếp xúc và nhận thức trước đó thông qua các phương tiện truyền đạt có sẵn trong ba môi trường xã hội hóa (truyền thông, nhà trường và gia đình) khi được mang ra tham chiếu với hệ giá trị và nhận thức của cá nhân chúng ta - có thể sẽ không còn phù hợp

Ví dụ: Hiểu một cách đơn giản nhất thì không phải ai khi nghe người khác nhận xét bản thân họ "béo" cũng khiến họ sôi máu lên. Với người Mỹ, đất nước có hơn 40% dân số béo phì và 67% người bị thừa cân [2] thì việc bị chê "béo" được xếp vào nhóm hành vi "fat shaming" và có thể phải hầu tòa. Song với bản thân mình [người viết bài này] thì câu trả lời của mình lại rất khác, có lẽ quá khứ gầy gò yếu đuối đã khiến mình mất tự tin vậy nên khi được ai đó nói rằng: "oh, dạo này béo hè" - bất kể dụng ý thực sự của họ là gì - mình lại rất lấy làm vui.

Tóm lại, cách làm mới mà mình đề xuất trong nghiên cứu lần này có hơi hướng ngược lại so với cách làm truyền thống. Nó có tên là "Giải cấu trúc" phát triển trong giai đoạn Hậu hiện đại chưa tầm 40 năm trở lại đây.

5/ Tiếp cận giải cấu trúc được hiểu như thế nào ?

Trước hết, ta cần hiểu tiếp cận theo kiểu cấu trúc:

a). Cách tiếp cận cấu trúc

Như đã nói ở trên, khái niệm "cấu trúc" trong xã hội học nói về những cái (1) tồn tại bên ngoài các cá nhân, (2) có trước các cá nhân và (3) có thể bị phá hủy hoặc được củng cố bởi hành động của các cá nhân. Theo đó, cách tiếp cận "Cấu trúc" sẽ định nghĩa "body-shaming" theo quan điểm khoa học thuần túy và hoặc tuân theo các chuẩn mực xã hội được công nhận hơn là theo quan điểm của mỗi người. Ngay từ khi các bạn sinh ra, các quan niệm này đã tồn tại trước đó, chúng định hình mục tiêu và khiến chúng ta cứ thế làm theo.

Ví dụ: Chúng ta quan niệm heo là loài vật ăn tạp, tham ăn và xấu xí. Lúc này, "con heo" trở thành một biểu tượng (symbol) của sự xấu xí và tất cả mọi người trong cộng đồng đều hiểu ý nghĩa của biểu tượng "con heo" theo nghĩa này. Khi ai đó nói một người nọ là "béo như heo" thì lời nói này có thể bị xem là "body-shaming" và bị cộng đồng có lương tri chê trách

Nhưng nếu người ta nói ai đó "có dáng đi trông như thùng nước lèo" ; hoặc "có khuôn mặt mập mạp phúc hậu" thì (đôi khi) lại chưa bị xem là "body-shaming" và không bị ai trách cứ, cộng đồng có thể xem đó chỉ là lời nói đùa vô thưởng vô phạt bất chấp cả hai câu nói này đều (có thể) khiến người nghe cảm thấy xấu hổ vì ngoại hình của mình trông "to béo" hơn so với những người xung quanh.

Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu người nghe không cảm thấy xấu hổ vì những lời nó đó? Rất có thể họ có quan niệm về "body sahming" không giống so với tiêu chuẩn của cộng đồng. Những thứ tạo nên tiêu chuẩn của cá nhân này có thể khác so với tiêu chuẩn chung vì quá khứ và trải nghiệm xã hội của họ khác với phần đa mọi người xung quanh họ.

Ví dụ: Người từng sống trong không gian của những người nặng cân sẽ thấy bản thân bình thường nếu ai đó nói mình béo ; nhưng phần lớn các cô gái sống trong môi trường lấy sự cân đối làm tiêu chuẩn chắc chắn sẽ cảm thấy sốc khi bản thân đột nhiên tăng cân khi mang thai hay bị sút cân quá mức do suy nhược cơ thể. Từ đó họ trở nên khủng hoảng trước những lời nhận xét của người khác về ngoại hình "bất thường" của mình.

Như vậy, vấn đề mấu chốt của "body shaming" nằm ở quá trình hai bước, gồm: (1) lời nhận xét của người khác (đến từ bên ngoài) và (2) việc tự cảm thấy xấu hổ (diễn ta bên trong) của chủ thể. Đấy chính là lý do mà một số hành vi được gán cho ý nghĩa là đang "body-shaming" người khác và một số hành vi khác lại được cho rằng, đó chưa phải là "body-shaming". Đôi khi vì quá đề cao những phán xét mang tính cấu trúc ở bên ngoài mà chúng ta bỏ qua những diễn tiến bên trong.

Khi sự kiến tạo nội tại của các cá nhân được xem trọng ngang với các thiết chế ngoại tại và có thể được sử dụng như một phương tiện nhằm phản biện lại các thiết chế đó thì điều này cho thấy chúng ta đang dẫn tịnh tiến tới cách tiếp cận giải cấu trúc (destructure).

b). Cách tiếp cận giải cấu trúc

Nếu cách tiếp cận "Cấu trúc" là dựa vào một khung lý thuyết khoa học khép kín để đi thu thập thông tin và tạo nên một báo cáo khoa học mô tả thực tại xã hội, thì "Giải cấu trúc" sẽ tạm thời gác lại tất cả các luận điểm khoa học có từ trước, tiến tới lắng nghe câu chuyện cá nhân trước, sau đó dựa trên khung lý thuyết khoa học khai phóng để quy nạp lại thông tin, từ đó đưa ra bức tranh mới về thực tại. Cách làm này được gọi là "grounded theory" .

"Cấu trúc" là tái tạo lại thực tại xã hội dựa trên quan điểm lý thuyết đã có từ trước, còn "Giải cấu trúc" là sáng tạo ra quan điểm mới về thức tại xã hôi dựa trên góc nhìn của người trong cuộc, từ đó xem xét lại xem cách tiếp cận "Cấu trúc" vốn được công nhận trước đây đã thực sự phù hợp chưa. Ở trong nghiên cứu này, "giải cấu trúc" là lắng nghe câu chuyện của người từng có cảm giác bị "body-shaming" hoặc từng có hành vi "shaming" người khác nhưng ý thức hoặc không ý thức được hành vi đó của mình.

Trong nghiên cứu này thì người kể chuyện chính là các bạn [sinh viên trong nghiên cứu này]. Câu chuyện mà bạn kể sẽ nói rõ bạn là ai, bạn sống trong không gian văn hóa xã hội nào, bối cảnh mà bạn gặp tình huống "shame" đó là gì, lúc đó bạn cảm thấy ra sao ...

Thông thường, khi nghe người khác kể chuyện, chúng ta thường có xu hướng tự nhiên là để trôi các thông tin mà các bạn không quan tâm và chỉ để tâm vào các thông tin gần gũi với các bạn hoặc bạn cho là nó quan trọng. Cách khai thác câu chuyện một cách thiếu hệ thống như thế này khiến nhiều thông tin bị trôi đi, gián tiếp phản ánh không đúng nội dung câu chuyện. Trong đời sống xã hội, ta gọi đây là "thầy bói xem voi" .

Ngược lại, trong một nghiên cứu theo cách tiếp cận "giải cấu trúc" như thế này - tất cả những chi tiết xuất hiện trong câu chuyện đều sẽ được lắng nghe một cách thấu đáo và tìm ra quy luật dựa trên khung lý thuyết mở diễn ra ngay sau đó. Rất có thể, cách nhìn của các bạn về "body-shaming" hiện nay khác hơn nhiều với số đông đã được "cấu trúc hóa" ngoài kia, thậm chí, khác với cả chính người đang hướng dẫn các bạn.

Cách tiếp cận cấu trúc sẽ mặc nhiên coi quan niệm xã hội là chuẩn mực, còn giải cấu trúc thì chưa chắc chân lý đã thuộc về bất cứ ai, mọi thứ đều chỉ mang tính chất tương đối. Đây cũng là cách để nhóm thiểu số trong xã hội được quyền lên tiếng, lắng nghe và cũng cơ hội để mình được lắng nghe quan điểm của các bạn trong việc tự định hình lại cách hiểu của chúng ta về "body-shaming" một cách khai phóng.

5/. Bước triển khai

Vào lúc này, chúng ta hãy tạm quên đi bảng hỏi, thống kê, SPSS, bảng biểu - vốn không phải là thế mạnh của nhiều bạn [sinh viên trong nghiên cứu này] để đắm chìm vào trong thế giới quan của chính mình một cách có hệ thống, có tổ chức và hữu ích.

Chúng ta cũng sẽ nên xác định trước các câu hỏi nghiên cứu và để tránh bị "cấu trúc" ngay từ đầu, mình sẽ tạm để một cái tên khái quát là: "Nhận diện body-shaming qua góc nhìn của người trong cuộc". Hay nói khác đi, [trong nghiên cứu này] chúng ta sẽ tập trung vào nhận diện hơn là bất cứ một thứ nào khác.

Để có thể thực hiện những điều này, chúng ta cần một số bước hoạt động như sau:

  • Bước 1 - Xác định câu hỏi nghiên cứu
  • Bước 2 - Thu thập dữ liệu: Tự phỏng vấn và kể chuyện
  • Bước 3 - Đọc, mã hóa thông tin và lưu trữ
  • Bước 4 - Phân tích dữ kiện & trả lời câu hỏi nghiên cứu
  • Bước 5 - Viết báo cáo & tái định nghĩa lại lý thuyết, khái niệm về "body-shaming"

Trong toàn bộ quy trình này thì bước tự phỏng vấn là vô cùng quan trọng vì nghiên cứu tường thuật dạng này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta có được các câu chuyện đủ tốt.

Việc này không đơn giản nhưng vẫn thực hiện được nếu các bạn có kỹ năng. Kỹ năng đó được gọi là kỹ năng kể chuyện (story-telling) [3] và chìa khóa đầu tiên mà mình gợi ý cho các bạn chính là: càng chi tiết càng tốt !

---

Chú thích:

[1] Tại Việt Nam "Grounded theory" được dịch là "lý thuyết nền" hoặc "lý thuyết cơ sở", nhưng vì chưa tìm được bản dịch thỏa đáng về nội hàm của thuật ngữ nên mình có xu hướng dùng luôn từ gốc tiếng Anh và để chúng trong ngoặc kép

[2] "Thừa cân và béo phì giải thích vì sao nhiều người Mỹ tử vong vì Covid-19". Source: https://www.wynnmedcenter.com/single-post/2020/08/06/th%E1%BB%ABa-c%C3%A2n-v%C3%A0-b%C3%A9o-ph%C3%AC-gi%E1%BA%A3i-th%C3%ADch-v%C3%AC-sao-nhi%E1%BB%81u-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BB%B9-t%E1%BB%AD-vong-v%C3%AC-covid-19

[3] Các bạn có thể đọc thêm cuốn "Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện" của Bùi Thị Ngọc Thu do Alpha book xuất bản năm 2020. Cuốn sách cung cấp phương thức kể chuyện theo cấu trúc 3C tinh gọn, rất phù hợp với các bạn có nhu cầu luyện tập kỹ năng kể chuyện và ứng dụng nhanh vào thực tế