Xu hướng tìm kiếm thông tin trên Google của người dân Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID - 19

Tuấn Long

Phân tích dữ liệu

Thống kê & Phân tích dữ liệu

09 Tháng Tám, 2021

Xu hướng tìm kiếm thông tin trên Google của người dân Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID - 19

TÓM TẮT

Trước sự lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19, chính phủ Việt Nam đã ban hành các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và tụ tập đông người. Dưới tác động của Chính phủ, một số xu hướng hành vi tìm kiếm thông tin của người dân Việt Nam trước đây đã thay đổi và biến thiên theo nhịp độ phát triển của đại dịch. Thông qua việc khai thác bộ dữ liệu mã nguồn mở về sự tìm kiếm thông tin của người dùng Việt Nam từ tháng 01.2020 đến 06.2021 do Google cung cấp, bài viết nhắm tới việc mô tả lại một cách hệ thống về sự thay đổi trong một số xu hướng tìm kiếm thông tin của người dân Việt Nam trước bối cảnh đại dịch COVID-19.
Từ khóa: Giãn cách xã hội, COVID-19, Tìm kiếm, Xu hướng, Google

---

1. MỞ ĐẦU

Xã hội hiện đại là một kiểu xã hội luôn ngập tràn thông tin. Các thông tin này do chính mỗi người tạo ra thông qua các hành vi diễn ra trong và ngoài không gian mạng, dựa trên những nền tảng kỹ thuật số được cung cấp hoàn toàn miễn phí bởi các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Trong đó, Google nổi lên như là ứng dụng tìm kiếm thông tin lớn nhất thế giới và được đánh giá là người khổng lồ trong vai trò sắp xếp lại hệ thống thông tin toàn cầu.

Hành vi tìm kiếm thông tin trên Google gồm các hoạt động mà người dùng đưa ra các từ khóa hoặc câu hỏi để Google trả về kết quả gợi ý cho phương án trả lời. Tất nhiên, thông tin cũng có sự phân tầng của nó, vì có nhiều nội dung được người dùng quan tâm nhiều hơn và diễn ra trong thời gian dài hơn các nội dung khác. Vì thế, sau một thời gian tìm kiếm lặp đi lại, các nội dung tìm kiếm này trở thành xu hướng tìm kiếm chính trên không gian mạng và dần trở thành xu hướng được Google Trends thống kê nhằm chỉ ra khuynh hướng tìm kiếm của người dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Năm 2020, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chính thức bước vào thời kỳ của đại dịch COVID-19 và dữ liệu tìm kiếm của Google phản ánh lại gần như chính xác những gì đã diễn ra trên không gian mạng về hành vi của người dùng dưới tác động liên quan của đại dịch. Việc phân tích nội dung tìm kiếm đặt trong một bối cảnh cụ thể như vậy sẽ góp phần hiểu rõ được nhu cầu mới xuất hiện và quy luật suy nghĩ của người dân trước các tác động ngoại cảnh, mà đại dịch COVID-19 là một ví dụ điển hình.
---

2. NỘI DUNG

2.1. Google Trends là gì ?

Google Trends (Google xu hướng) - là một trang web của công ty Google và là một sản phẩm thuộc hệ sinh thái của Google. Google Trends có chức năng phân tích mức độ phổ biến của các truy vấn tìm kiếm hàng đầu trên Google Search (Google tìm kiếm), tính năng này được áp dụng trên nhiều khu vực lãnh thổ và ngôn ngữ khác nhau. Trang web sử dụng đồ thị để so sánh lượng tìm kiếm của các truy vấn khác nhau theo thời gian. Vào ngày 05.08.2008, Google ra mắt “Google Insights for Search”, một dịch vụ nâng cao và phức tạp hơn hiển thị dữ liệu xu hướng tìm kiếm. Tuy nhiên vào ngày 27.09.2012, Google đã hợp nhất “Google Insights for Search” vào Google Trends [3]. Từ thời điểm này trở đi, Google xu hướng trở thành một ứng dụng không chỉ có chức năng so sánh các từ khóa tìm kiếm mà còn lưu trữ nhiều dữ liệu về thói quen, hành vi, sự di chuyển của người dùng Google.

Cách đánh giá và xếp hạng tìm kiếm của Google Trend được thể hiện qua chỉ số mối quan tâm theo thời gian (interest over time). Các con số thể hiện sở thích tìm kiếm liên quan đến điểm cao nhất trên biểu đồ cho khu vực và thời gian nhất định. Giá trị 100 là mức độ phổ biến cao nhất của từ khóa được tìm kiếm; giá trị 50 có nghĩa là từ khóa này có độ phổ biến ở mức trung bình và giá trị bằng 0 phản ánh trạng thái không có đủ dữ liệu cho từ khóa này [4].
---

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng toàn bộ dữ liệu tìm kiếm được cung cấp bởi Google Trend trong khoảng thời gian tính từ 05.01.2020 – 26.06.2021, khoảng thời gian này được lựa chọn tương ứng với khoảng thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 trên thế giới và sớm hơn 20 ngày so với mốc thời gian Việt Nam phát hiện ra ca lây nhiễm COVID-19 đầu tiên hôm 25.01.2020 [1]
Việc lựa chọn từ khóa (key words) để so sánh được thực hiện dựa trên danh sách xu hướng tìm kiếm chủ yếu trong năm 2020 của Google. Cứ sau một năm, Google lại cập nhật danh sách này và xếp loại chúng theo các chủ đề (topics) chiếm xu hướng chủ đạo của năm đó. Xu hướng tìm kiếm chủ yếu trong năm 2020 trên Google của người dùng tại Việt Nam, gồm: “Nổi bật nhất”, “Tin tức”, “Nhân vật”, “Trực tuyến”, “Học tập trực tuyến”, “Covid-19”, “Phim bộ”, “Phim điện ảnh”, “Bài hát”, “Ở đâu”, “Du lịch”, “Gần đây”, “Cách làm”, “Như thế nào?”, và “Là gì?” [2] . Trong mỗi một chủ đề trên, Google lọc ra 10 nội dung được người dùng tìm kiếm nhiều nhất và sắp xếp chúng theo thứ tự giảm dần.

Trong danh sách 15 chủ đề kể trên, chỉ có một số chủ đề có nội dung tìm kiếm trực tiếp liên quan tới đại dịch COVID-19, vì thế chúng tôi đã lọc lại danh sách các chủ đề, đồng thời lọc luôn cả những từ khóa phản ánh nội dung trong mỗi chủ đề ấy để tạo nên danh sách chủ đề đã được phân loại dưới đây:

Bảng 1. Danh sách chủ đề tìm kiếm trên Google của người dùng Việt Nam năm 2020

---

Bằng cách đánh giá một cách khái quát, ta có thể nhận thấy 02 chủ đề được người dùng Việt Nam tìm kiếm chủ yếu trong năm 2020 là “Covid-19” (chiếm tỉ lệ 43.5%) và các nội dung liên quan tới yếu tố “Trực tuyến” (chiếm tỉ lệ 26%). Trong tổng số 150 nội dung được người dùng quan tâm nhất năm 2020, thì các nội dung liên quan trực tiếp tới Covid-19 đã chiếm tới 15% và có hẳn một chủ đề tên “Covid-19” xuất hiện trong danh mục xu hướng tìm kiếm của năm 2020. Điều này phản ánh mối quan tâm đặc biệt của người dùng Việt Nam tới các nội dung liên quan tới đại dịch COVID-19. Tiếp đó, 04 nội dung được quan tâm nhiều nhất trong danh sách gồm: “Học online”, “Coronavirus tips”, “Mua khẩu trang y tế ở đâu” và “Virus Corona là gì” – đây đều là các thông tin liên quan tới sinh hoạt thường nhật của người dân trước bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó “học online” là một kết quả tất nhiên của quá trình dãn cách xã hội mà chính phủ Việt Nam yêu cầu thực hiện, và “thiếu khẩu trang” từng là tình trạng phổ biến tại Việt Nam đầu năm 2020 khi đại dịch bùng phát nhưng thị trường chưa cung ứng đủ nhu cầu người dân, dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt đạo đức và xã hội đáng tiếc.

Để việc so sánh được diễn ra tập trung hơn, chúng tôi lại rút gọn danh sách lại thêm một lần nữa và sắp xếp chúng vào 03 cụm chủ đề rộng hơn gồm: “Hoạt động trực tuyến”, “Thông tin Y tế”, và “Phần mềm trực tuyến”. Chúng tôi cũng bổ sung nội dung có chiều hướng mới phát triển gần đây là “Covid-19 vaccine” và đồng thời xóa đi các từ khóa có nội dung tương tự nhau hoặc xuất hiện dưới tác động của bối cảnh ngẫu nhiên. Lúc này danh sách chính thức chỉ còn lại 14/23 từ khóa được sắp xếp theo thứ hạng trong danh sách dưới đây

Bảng 2: Danh sách chủ đề tìm kiếm trên Google của người dùng Việt Nam năm 2020
(Bảng rút gọn lần 2)

Cuối cùng, chúng tôi bắt đầu tiến hành so sánh chỉ số mối quan tâm theo thời gian (interest over timet) của các từ khóa tương ứng với mỗi chủ đề với nhau và để làm rõ sự tác động của bối cảnh đại dịch COVID-19 tới xu hướng tìm kiếm thông tin, chúng tôi cũng đồng thời tham chiếu xu hướng tìm kiếm này với 04 mốc cao điểm diễn ra đợt dịch tại Việt Nam [7] nhằm chỉ ra sự thay đổi trong xu hướng tìm kiếm thông tin của người dùng Google tại Việt Nam trước bối cảnh diễn ra đại dịch COVID-19.
---

2.3. Kết quả nghiên cứu

2.3.1. Xu hướng tìm kiếm thông tin về đại dịch COVID-19

Với nhận định đại dịch COVID-19 lần đầu xuất hiện trên thế giới, chưa có nhiều thông tin về dịch bệnh lần này có thể khiến nhiều người dân Việt Nam bị nhầm lẫn, chúng tôi đưa vào so sánh xu hướng tìm kiếm 3 từ khóa chuyên môn gồm “virus corona”, “corona” và “covid-19” trong khoảng thời gian từ đầu tháng 01.2020 đến cuối tháng 06.2021.

Biểu đồ 1. Xu hướng tìm kiếm của người dùng Việt Nam liên quan tới từ khóa “COVID-19” trên Google (từ 05.01.2020 – 26.06.2021)

Dữ liệu từ biểu đồ trên cho thấy, từ cuối tháng 01.2020, người dùng Việt Nam bắt đầu xuất hiện những tìm kiếm đầu tiên về “virus”, “covid-19” và “corona” trên Google. Đến đầu tháng 02.2020, các tìm kiếm này đều đã đạt mốc tìm kiếm phổ biến nhất trong 2 năm trở lại đây về đại dịch [3]. Các cụm từ được tìm kiếm nhiều hơn cả gồm “nhiễm virus corona”, “virus corona việt nam”, “dịch covid-19”, “covid-19 hôm nay”, “tin covid-19”... Xu hướng tìm kiểm tin tức (news) về COVID-19 trên Google năm 2020 của Việt Nam được xếp hạng thứ hai về mối quan tâm chỉ sau sự kiến bầu cử Tổng thống Mỹ [2]. Các từ khóa và loại tin tức như thế này phản ánh trạng thái thiếu kiến thức và xuất hiện nhu cầu cập nhật thông tin của người dân Việt Nam về COVID-19 trong những ngày đầu tiên bùng phát đại dịch.

Tuy nhiên, từ sau ngày 31.03.2020, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều thông tin làm rõ cho chỉ thị số 15 – thì nhu cầu tìm kiếm của người dân Việt Nam về các cụm từ trên mới có xu hướng giảm dần. Thông qua chỉ thị số 16, Chính phủ Việt Nam yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện việc hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập đông người, tạm đóng cửa một số cơ sở kinh doanh, nơi làm việc và đóng cửa trường học. Chỉ thị này cũng nêu rõ vào trò của các Bộ / Ban / Ngành trong cuộc chiến chống lại đại dịch, trong đó, Đài truyền hình Việt Nam có chức năng chủ chốt trong việc cung cấp thông tin tới người dân vè tình hình đại dịch và những thành tích mà Việt Nam đạt được trong suốt tiến trình này. Khi Việt Nam chuyển sang giai đoạn bùng dịch lần thứ hai tại Đà Nẵng, lượng tìm kiếm về các từ khóa liên quan tới COVID-19 như “corona” đã giảm đi đáng kể, chỉ bằng ¼ so với đợt dịch đầu [8]. Điều này không có nghĩa là đại dịch không còn nghiêm trọng với người dân, mà ít nhất, người dân đã không còn bỡ ngỡ trước thông tin về đại dịch và giảm đi phần nào nhu cầu tìm kiếm. Sang tới đợt 3 và 4 của năm 2021, xu hướng tìm kiếm của người dân giảm xuống mức hầu như không đáng kể để nhường chỗ cho các mối quan tâm khác.

Biểu đồ 2. Xu hướng tìm kiếm thông tin về việc phát hiện COVID-19 (từ 03.05.2020 – 26.06.2021)

Nếu như trong 85 ngày của đợt dịch đầu tiên (diễn ra từ 23.01 – 16.04.2020, cao điểm diễn ra vào ngày 30.03.2020) người dân Việt Nam tỏ ra quan tâm nhiều đến tên gọi của loại virus “Corona” thì sang giai đoạn đầu của đợt 2, xu hướng tìm kiếm về các “triệu chứng corona” và “nơi xét nghiệm covid” trở thành thông tin được tìm kiếm nhiều hơn cả.

Người dân ở Quảng Nam, Quảng Bình và Bắc-Kạn tỏ ra đặc biệt quan tâm tới cách “triệu chứng của corona” và “triệu chứng của covid” với tỉ lệ ngang nhau, trung bình gia tăng 60% và là thông tin được quan tâm chủ đạo trong giai đoạn đầu của đợt bùng dịch thứ 2 [9]. Cần lưu ý rằng, Đà Nẵng được xem là tâm điểm của đợt dịch thứ 2 tại Việt Nam, song xu hướng tìm kiếm về “triệu chứng của covid” của thành phố này không quá cao, ngược lại, xu hướng tìm kiếm về triệu chứng của bệnh tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngại Ngãi lại gia tăng đáng kể. Nguyên do có thể vì Đà Nẵng vốn là thành phố trực thuộc Trung ương, do đó, khi đại dịch bùng phát ở địa phương này thì các kênh truyền thông đã tập trung toàn bộ nguồn lực vào để đưa tin, đáp ứng được phần lớn nhu cầu tìm hiểu của người dân. Vì thế, người dân các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi tỏ ra quan tâm hơn tới triệu chứng của covid như một cách trang bị thêm kiến thức để đề phòng.

Bên cạnh đó, câu hỏi về “nơi xét nghiệm covid” cũng thu hút được nhiều sự quan tâm và rơi vào các địa phương đông dân cư như Hà Nội, Đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc Bắc miền Trung, Quảng Nam và khu dân cư có mật độ dân số cao như Tp. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ. Ngoài câu hỏi “ở đâu”, dữ liệu từ Google Trends cho thấy người dân còn quan tâm đến những khía cạnh khác, tuy không nhiều, như “xét nghiệm covid bao nhiêu tiền” (hơn 30%) [9].

Xu hướng tìm kiếm về “xét nghiệm covid ở đâu” tuy không xuất hiện ở mức cao như “triệu chứng của covid”, nhưng nếu so sánh giữa hai ba giai đoạn bùng dịch tại Việt Nam thì hai nội dung này lần lượt đổi chỗ cho nhau. Giai đoạn 2 - người dân ưu tiên tìm kiếm về triệu chứng của bệnh; Giai đoạn 3 – người dân tìm kiếm cả hai thông tin với tỉ lệ không khác biệt (dưới 40%) nhưng khi sang tới đợt 4 – người dân có xu hướng tìm kiểm về “nơi xét nghiệm covid” gia tăng đột biến từ sau mốc 25.04.2021. Đây có thể xem là hệ quả của việc Bắc Giang tiến hành phong tỏa các khu công nghiệp trên địa bàn và đẩy mạng xét nghiệm cho người dân trên toàn tỉnh. Hai tỉnh lân cận Bắc Giang là Bắc Ninh và Thái Nguyên cũng cho thấy mối quan tâm tương tự như tỉnh Bắc Giang, với tỉ lệ tìm kiếm cho cả 3 từ khóa “virus corona là gì”, “các triệu chứng corona” và “xét nghiệm covid ở đâu” đều từ 33% - 34% [9].

Đến lúc này, ta đã có thể dần nhận ra xu hướng tìm kiếm thông tin liên quan tới Covid-19 của người dân Việt Nam có chiều hướng thay đổi, ưu tiên các thông tin tương ứng với từng giai đoạn bùng dịch. Giai đoạn 1 – Covid-19 là gì?; Giai đoạn 2 – Covid-19 có những biểu hiện triệu chứng như thế nào? ; Giai đoạn 3 & 4 – Xét nghiệm Covid-19 ở đâu?

---

2.3.2. Hoạt động trực tuyến & các phầm mềm hỗ trợ

Hoạt động trực tuyến bao gồm các hành vi trao đổi thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp trên không gian mạng. Vào thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19, chỉnh phủ Việt Nam đã áp dụng triệt để các biện pháp can thiệp phi dược phẩm và lần đầu tiên trong lịch sử, COVID-19 đã buộc các chỉnh phủ phải tiến hành cô lập và giãn cách xã hội. Người dân không chỉ được yêu cầu đeo khẩu trang khi ra đường mà còn được khuyến cáo nên ở nhà trong phần lớn thời gian diễn ra giãn cách. Ở các nước phương Tây như Tây Ban Nha, Pháp, Ý – thời gian người dân buộc phải ở nhà có khi đã lên đến tỉ lệ 60%, con số này ở Việt Nam trong giai đoạn 1 của đợt dịch vào khoảng hơn 20% (ghi nhận ngày 08.04.2020). Nhiều nơi làm việc cũng buộc phải đóng cửa để tranh lây lan dịch bệnh, cũng trong giai đoạn tháng 04.2020, tỉ lệ người dân đến nơi làm việc nằm ở mốc từ -30% đến - 32%, tức là tỉ lệ nghịch với thời gian mà người dân ở nhà [5]. Song điều này cũng không có nghĩa là người dân được nghỉ ngơi hoàn toàn, các hoạt động giảng dạy, học tập và giao dịch đều được chuyển sang hình thức trực tuyến (online).

Các hoạt động trực tuyến được người dân Việt Nam quan tâm nhất trong giai đoạn này bao gồm “học online”, “khai báo y tế online”, dịch vụ công trực tuyến” và “thánh lễ trực tuyến”. Tất nhiên, mối quan tâm của người dân không hoàn toàn giống nhau bởi các hoạt động này liên quan tới các nhóm xã hội tương đối khác biệt.

Hình 3. Xu hướng tìm kiếm thông tin liên quan tới hoạt động trực tuyến (từ 03.05.2020 – 26.06.2021)

Hoạt động chiếm tỉ lệ tìm kiếm cao đầu tiên là “Thánh lễ trực tuyến”. Trong thời gian diễn ra giãn cách xã hội, các cơ sở Tôn giáo được khuyến cáo không tụ tập đông người, tạo ra nhu cầu dự thánh lễ của người theo đạo. Thánh lễ trực tuyến - được xem là một cách thức hoạt động tôn giáo online nhằm hỗ trợ cho người theo Công Giáo có cơ hội được thực hiện nghi thức đến nhà thờ. Dữ liệu cho thấy, nhu cầu tìm kiếm thông tin về “thánh lễ trực truyến” biến thiên theo thời điểm bùng phát dịch bệnh. Cứ đến mỗi giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát thì tỉ lệ tìm kiếm lại tăng lên từ 10% - 25% sau đó giảm dần cho tới khi giãn dịch. Kế đến, sự phân bố của các địa phương trong việc tìm kiếm thông tin này cũng rất tập trung, tuyệt đại đa số trường hợp tìm kiếm xuất hiện ở các tỉnh thuộc phía Nam Trung bộ trong đó tập trung vào ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Đaklak và thành phố Hồ Chí Minh [10].

Hoạt động đáng chú ý thứ hai là “khai báo y tế online” áp dụng cho các trường hợp người dân đi lại và di chuyển ra ngoài tỉnh. Hoạt động khái báo online này hầu như không xuất hiện đáng kể trong giai đoạn trước đó của các đợt bùng dịch, nhưng lại gia tăng mạnh trong khoảng thời gian từ giữa tháng 01.2020 đến giữa tháng 05.2021. Dữ liệu về sự di chuyển của Google cũng cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2021, tỉ lệ di chuyển của người dân Việt Nam có gia tăng nhẹ, nhưng đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 thì tăng mạnh, gia tăng đến mức trên 25% - điều này tạo ra mối tương quan thuận giữa nhu cầu đi lại gia tăng và khai báo y tế. Các địa phương chiếm tỉ lệ cao trong việc tìm kiếm thông tin này gồm Đà Nẵng, Daklak, Kontum, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh [10] – đây đều là các địa phương du lịch nổi tiếng trong cả nước. Hiện tượng này cũng khó để lý giải, khi nhìn vào 3 đỉnh sóng gia tăng của “khai báo y tế online”diễn ra trước 06.2021, ta thấy chúng đều rơi vào các kỳ nghỉ lễ lớn của Việt Nam như Tết nguyên đán, Hội lễ đầu xuân, kỳ nghỉ 30-04 & 01.05… Đây là dịp nghỉ ngơi của người dân Việt Nam sau một năm COVID đầy biến động, vì thế nhu cầu đi lại gia tăng vào các đợt này cũng đã kéo theo nhu cầu tìm hiểu về khai báo y tế online, theo yêu cầu của chính phủ.

Tuy nhiên, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận rằng, sau đợt nghỉ lễ 30.04 Việt Nam ghi nhận thêm hàng trăm ca nhiễm COVID-19. Nếu trước 30.04, Việt nam ghi nhận 17 ca nhiễm trung bình mỗi ngày, thì từ 07.05 trở đi, con số này đã gia tăng gấp đôi (43 ca / ngày) và gia tăng chóng mặt, đạt ngưỡng trung bình 335 ca / ngày vào giữa tháng 06.2021. Số ca tử vong theo đó cũng tăng gấp đôi từ 35 người (15.05) lên đến 76 người (17.06) [1].

Biểu đồ 4. Xu hướng tìm kiếm phần mềm tương tác trực tuyến (từ 03.05.2020 – 26.06.2021)

Ở một bức tranh khác, thì xu hướng tìm kiểm liên quan tới việc “học online” lại chiếm tỉ lệ nhiều hơn cả, giao động từ 35% - 100%, trong đó thông tin này đạt mức tìm kiếm cao nhất vào giai đoạn 1 và 3. Điều này không khó để giải thích, trước hết đối tượng người dùng internet chủ yếu là giới trẻ, học sinh, sinh viên. “Học online” là từ khóa gần gũi nhất với cộng việc giành phần lớn thời gian để học tập như nhóm xã hội này. Kế đến, giai đoạn 1 và 3 rơi vào khung thời gian diễn ra chương trình học chủ yếu của một năm học, trong đó giai đoạn 1 kéo dài hết ½ học kỳ 2 của năm học 2019 – 2020 còn giai đoạn 3, 4 lại chiếm gần như trọn vẹn học kỳ II của năm học 2020 – 2021. Đây chính là lý do khiến ở riêng trong các thời điểm này thì mối quan tâm về “học online” lại chiến tỉ lệ cao như vậy.

Sự gia tăng trong học online, tham gia thánh lễ online và khai báo y tế online kéo theo nhu cầu cung cấp trang thiết bị phục vụ cho việc trao đổi trực tuyến, trong đó không thể không kể đến các phần mềm hỗ trợ tương tác qua mạng như Zoom, Google Classroom và khẩu trang điện tử Bluezone.

Biểu đồ 4 ở trên đưa ra một bức tranh toàn cảnh về xu hướng tìm kiểm các phần mềm tương tác trực tuyến khá rõ nét, trong đó, mỗi phần mềm lại chiếm lĩnh sự quan tâm của một phân khúc người dùng và một khoảng thời gian tương ứng với các đợt dịch bùng phát tại Việt Nam.

Đầu tiên, ứng dụng Bluezone và Classroom chiếm tỉ lệ tìm kiếm lớn nhất trong các ứng dụng được tìm kiểm trên Google, trong đó Classroom được tìm kiếm nhiều nhất vào cuối tháng 02.2020 đến cuối tháng 05.2020, trong khi đó Bluezone được tìm kiếm mạnh mẽ sau 02.08.2020 khi Chính phủ quyết định ban hành ứng dụng khẩu trang điện tử Bluezone nhằm hỗ trợ người dân phát hiện các trường hợp nghi nhiễm xung quanh mình. Khác với nhu cầu học tập thường xuyên của Classroom, Bluezone tồn tại trong thời gian ngắn dưới sự truyền thông của chính phủ và chỉ gia tăng trở lại khi Việt Nam bước vào đợt bùng phát thứ 4, chủ yếu diễn ra ở các địa phương có mật độ dân số cao.

Ứng dụng họp trực tuyến Zoom chỉ xuất hiện một cách mờ nhạt theo 4 đợt sóng tương ứng với 4 khoảng thời gian đầu diễn ra 4 đợt dịch. Zoom không xuất hiện một cách nổi bật trên biểu đồ này không có nghĩa là ứng dụng này không được quan tâm, nguyên nhân chủ yếu do một số đặc thù riêng mà tỉ lệ tìm kiếm Zoom khi đem ra so sánh với Classroom và Bluezone lại khiến Zoom trở nên lép vế. Trước hết, Zoom là ứng dụng tính phí, không phải ứng dụng miễn phí như Classroom và Bluezone, điều này khiến Zoom trở thành ứng dụng mất tiền để đổi lấy chất lượng sản phẩm. Ngược lại, Google Classroom lại là ứng dụng hoàn toàn miễn phí thuộc hệ sinh thái của Google. Cùng với Google Calendar, Google Meet – Google Classroom được khuyến khích áp dụng cho việc giảng dạy trực tuyến giành cho giảng viên, giáo viên và học sinh sinh viên trên cả nước, vì thế mức độ phổ biến của ứng dụng này cao hơn nhiều so với Zoom. Song cũng tương tự như Zoom trong tính năng trao đổi trực tuyến, hai ứng dụng này có xu hướng được gia tăng tìm kiếm trong khoảng thời gian diễn ra năm học và giảm dần khi vào hè, hoặc lúc giãn dịch.

Nếu Classroom áp dụng cho học sinh, thì Zoom lại là ứng dụng chuyên nghiệp để tổ chức các cuộc họp online vì thế sản phẩm này thuộc nhóm kén người dùng. Dữ liệu từ Google Trends cho thấy, xu hướng tìm kiếm Zoom xuất hiện ở các khu vực tập trung các Đại học Quốc gia / Đại học Vùng trên cả nước như Thái Nguyên, Hà Nội, Vinh, Huế, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh, kéo theo sự quan tâm của các tỉnh lân cận các địa phương này vốn có sinh viên theo học [11]. Đây là các địa phương áp dụng Zoom vào giảng dạy trực tuyến trong suốt thời gian diễn ra đại dịch và cũng là các vùng kinh tế năng động của cả nước. Tuy nhiên, các ứng dụng này chỉ cần đăng nhập một lần là sử dụng lại được do đó, sau khi xuất hiện sự tìm kiếm tăng cao vào giai đoạn đầu của đại dịch, từ cuối giai đoạn 2 trở đi, việc tìm kiếm các phần mềm này đi vào trạng thái ổn định và chỉ còn chiếm tỉ lệ trung bình dưới 25%

Như vậy, ta có thể thấy xu hướng tìm kiếm các ứng dụng trực tuyến có liên quan tới các hoạt động trực tuyến của xã hội trước bối cảnh diễn ra đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Diễn biến phức tạo của đại dịch khiến chính phủ phải gia tăng thời gian thực hiện dãn cách xã hội, đặt ra nhu cầu làm việc online đã kéo theo nhu cầu tìm kiếm các ứng dụng online hỗ trợ cho công việc của người dùng tại Việt Nam
---

2.3.3. Tìm kiếm thông tin về tiêm vắc xin

Các biện pháp can thiệp phi dược phẩm đang được triển khai tại Việt Nam như rửa tay, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, cách ly tập trung chỉ là giải pháp tạm thời trong việc giảm thiếu dịch bệnh lây lan, không phải là biện pháp ngăn chặn hoàn toàn đại dịch này. Phương pháp tối ưu nhất để vô hiệu hóa đại dịch COVID-19 là tiêm chủng vaccine ngừa COVID và tạo ra miễn dịch cộng đồng khi 70% dân số trong cộng đồng được tiêm phòng.

Biểu đồ 5. Xu hướng tìm kiếm thông tin về vắc xin ngừa COVID-19 (từ 19.01.2020 – 20.06.2021)

Trong suốt khoảng thời gian diễn ra đại dịch vào năm 2020, các hãng truyền thông đều tập trung vào giãn cách xã hội, hoạt động online, khẩu hiệu 5K - không đả động nhiều đến tiêm vấn đề tiêm chủng do chưa tìm ra vắc xin đặc hiệu. Tuy nhiên, từ đầu tháng 03.2021, trước các thông tin chính phủ triển khai tiêm vaccine ở Hài Dương (tâm dịch đợt 3), xu hướng tìm kiếm về vaccine ngừa covid-19 đã dần xuất hiện. Xu hướng tìm kiếm từ khóa “vaccine” đồng nhất luôn với từ khóa “covid-19 vaccine”, cả hai từ khóa này phát triển cùng nhau từ giữa tháng 03.2021 và đều gia tăng mạnh từ giữa tháng 05.2021, tới cuối tháng 06.2021 [12], đây đã là chủ đề được quan tâm nhiều hơn cả và dự kiến vẫn sẽ là chủ đề được tìm kiếm nhiều cho tới hết năm 2021.

---

3. KẾT LUẬN

Từ tháng 01.2020 đến tháng 06.2021, các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng liên tục đối đầu với sự lây lan cùng diễn biến khó lượng của đại dịch COVID-19. Trước bối cảnh đại dịch COVID cùng các động thái ứng phó với đại dịch của chính phủ, người dân Việt Nam đã dần thể hiện ra những mối quan tâm khác nhau trên không gian mạng thông qua việc tìm kiếm, việc truy tìm các thông tin này được lặp đi lặp lại theo dời gian dài trên ứng dụng tìm kiếm Google đã giúp các thông tin tìm kiếm ấy trở thành các xu hướng. Những thông tin được tìm kiếm nhiều nhất đã trở thành xu hướng tìm kiếm chính định hình thông tin của dư luận trong năm 2020, đồng thời phản ánh bức tranh nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dân Việt Nam.

Quý 1 năm 2020, người dân không quan tâm gì hơn ngoài thông tin về virus “corona” mới lạ. Từ Quý 2 đến hết giữa năm 2020, người dân dần tìm hiểu nhiều hơn tới các “biểu hiện và triệu chứng” khi bị nhiễm bệnh COVID-19. Cũng trong thời gian này, người dân phản ứng với các chính sách giãn cách xã hội thông qua xu hướng tìm kiếm các ứng dụng làm việc online nhằm hỗ trợ cho các hoạt động buộc phải chuyển sang trực tuyến của mình kéo dài tới hết Quý 4 của năm. Để rồi đầu năm tiếp theo đến giữa tháng 05.2021 là xu hướng di chuyển, nghỉ lễ cùng với sự gia tăng trong việc tìm kiếm thông tin khai báo y tế trực tuyến. Động thái này phần nào thể hiện trạng thái người dân đã dần quen với đại dịch covid-19 và sự chủ động trong ứng phó lại đại dịch. Cuối cùng là các nhu cầu tìm kiếm thông tin vaccine nhằm chống lại đại dịch một cách hiệu quả của người dân gia tăng từ giữa tháng 05.2021, khi số lượng người nhiễm bệnh tăng mạnh và số lượng người tử vong do COVID-19 đã tăng gấp đôi. Dự kiến thông tin về vaccine ngừa covid-19 vẫn sẽ là xu hướng tìm kiếm chính của người dân cho tới hết năm 2021 này ngay cả khi tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đã đạt được một số bước đi khả quan hơn.

---

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Google News (2021), "Virus Corona (COVID-19) | Việt Nam". Website: https://news.google.com/covid19/map?hl=vi&mid=%2Fm%2F01crd5&gl=VN&ceid=VN%3Avi&state=1

[2]. Google Trend (2021), "See what was trending in 2020 - Vietnam", Website: https://trends.google.com/trends/yis/2020/VN/

[3]. Google Trend (2021), website: https://trends.google.com/trends/?geo=VN

[4]. Nick Churick (2019). "How to Use Google Trends for Keyword Research: 7 Effective Ways", Website: https://ahrefs.com/blog/how-to-use-google-trends-for-keyword-research/

[5]. Our world in Data (2021). "Google Mobility Trends: How has the pandemic changed the movement of people around the world?". Website: https://ourworldindata.org/covid-mobility-trends

[6]. Wikipedia (2021). "Google trends", Website: https://en.wikipedia.org/wiki/Google_Trends

[7]. Wikipedia (2021). “Timeline of the COVID-19 pandemic in Vietnam” , Website: https://en.wikipedia.org/wiki/Timeline_of_the_COVID-19_pandemic_in_Vietnam

---

* Nguồn bộ dữ liệu:

[8]. Biểu đồ 1: https://trends.google.com.vn/trends/explore?date=2020-01-15%202021-06-26&geo=VN&q=virus%20corona,covid-19,corona

[9]. Biểu đồ 2: https://trends.google.com.vn/trends/explore?date=2020-01-15%202021-06-26&geo=VN&q=virus%20corona%20l%C3%A0%20g%C3%AC,tri%E1%BB%87u%20ch%E1%BB%A9ng%20corona,n%C6%A1i%20x%C3%A9t%20nghi%E1%BB%87m%20covid

[10]. Biểu đồ 3: https://trends.google.com.vn/trends/explore?date=2020-01-15%202021-06-26&geo=VN&q=th%C3%A1nh%20l%E1%BB%85%20tr%E1%BB%B1c%20tuy%E1%BA%BFn,d%E1%BB%8Bch%20v%E1%BB%A5%20c%C3%B4ng%20tr%E1%BB%B1c%20tuy%E1%BA%BFn,h%E1%BB%8Dc%20online,khai%20b%C3%A1o%20y%20t%E1%BA%BF%20online

[11]. Biểu đồ 4: https://trends.google.com.vn/trends/explore?date=2020-01-15%202021-06-26&geo=VN&q=zoom,Google%20classroom,Bluezone

[12]. Biểu đồ 5: https://trends.google.com.vn/trends/explore?date=2020-01-15%202021-06-26&geo=VN&q=vaccine,covid-19%20vaccine,ti%C3%AAm%20v%E1%BA%AFc%20xin

---

Nguồn ảnh bìa: https://storage.googleapis.com/twg-content/original_images/1889_thumbnail_Escaping_Locally-_Summer_Travel_Trends.png

---

Media Team, Sociology Hue - HUSC

Content & Design: Tuấn Long