(*) Bài viết này là của bạn Phương Chi, mình đọc thấy cũng hay nên biên tập lại và chia sẻ lên đây. Du suy nghĩ của bạn có khác biệt với số đông ra sao, mình vẫn sẽ tôn trọng và muốn lưu giữ.
---
Có ý kiến cho rằng: “Bầu cử tại Việt Nam hiện nay chỉ là các hành vi chính trị mang tính hình thức; ngược lại, bầu cử tại Hoa Kỳ mới là những sự kiện chính trị thể hiện được tính dân chủ thật sự” là không thuyết phục, và tôi không tán thành với nhận định trên.
---
Trước hết chúng ta cần hiểu rằng bầu cử là một hoạt động có ý nghĩa và có vai trò vô cùng quan trọng đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới hiện nay nói chung. Vậy bầu cử là hoạt động như thế nào?
Theo giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam, Bầu cử được hiểu là cách thức nhân dân trao quyền cho Nhà nước và với tư cách là một chế độ tiên tiến, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thể bằng một phương pháp nào khác hơn là bầu cử để thành lập ra các cơ quan của mình [1]
Hay theo luận cứ về bầu cử trong Hiến pháp năm 2013, bầu cử là quá trình các cử tri của cả nước đưa ra quyết định của họ theo các cách thức mà pháp luật quy định để chọn ra các đại biểu đại diện cho mình nắm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử của chính quyền ở trung ương và địa phương trong phạm vi lãnh thổ của đất nước [2].
Ngoài ra, theo luật Hiến pháp nước ngoài, cuộc bầu cử là một trong những hình thức hoạt động xã hội – chính trị quan trọng của nhân dân. Bầu cử thu hút sự tham gia đông đảo của cử tri đại diện cho các giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, giới tính… Bởi vậy để đạt được kết quả, các cuộc bầu cử phải được tiến hành có tổ chức, theo những trình tự chặt chẽ nhất định [3].
Như vậy, dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài, dù là các nước dân chủ tư sản hay các nước dân chủ xã hội chủ nghĩa, bầu cử được sử dụng một cách rộng rãi như là một biện pháp nhân dân trao quyền lực nhà nước cho các cơ quan nhà nước. Bầu cử trở thành một hình thức hoạt động quan trọng của xã hội dân chủ, một phương pháp phổ biến nhất hiện nay để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân [4].
---
1 - Bầu cử tại Việt Nam
Đối với Việt Nam, bầu cử đã đang và sẽ luôn có ý nghĩa rất quan trọng đối với đất nước. Trong những ngày gần đây, cả đất nước đang tràn ngập không khí của “ngày hội non sông” – ngày bầu cử quốc hội khoá XV.
Sở dĩ tôi khẳng định ý kiến cho rằng bầu cử tại Việt Nam hiện nay chỉ là các hành vi mang tính hình thức là không chính xác bởi qua sự kiện bầu cử quốc hội khoá XV này, có lẽ không chỉ tôi mà còn rất nhiều người khác đều thấy được công tác chuẩn bị chu đáo và chỉnh chu trên mọi mặt.
Trước hết chúng ta cần hiểu rằng, các hành vi mang tính hình thức chỉ là các hành vi chỉ được biểu hiện ra ở bên ngoài, tức là chỉ biểu hiện ở vẻ bề ngoài cho người khác thấy chứ hoàn toàn không có ý nghĩa gì ở sâu bên trong bản chất của sự việc. Bầu cử chỉ mang tính hình thức có lẽ muốn chỉ đến tình trạng tổ chức bầu cử chỉ là một hình thức thủ tục và kết quả của việc bầu cử đã có sẵn trước khi công tác bầu cử kết thúc, tuy nhiên thực tế hiện nay lại diễn ra khá trái ngược với tình trạng trên.
Bầu cử quốc hội khoá XV được ấn định diễn ra vào ngày 23/05/2021, tuy nhiên trước đó nhiều tuần lễ, công tác chuẩn bị và tuyên truyền đã được gấp rút diễn ra. Thông tin về ứng cử viên, chương trình hành động được niêm yết cũng như đăng tải công khai để cử tri nghiên cứu, lựa chọn người xứng đáng vào cấc cơ quan dân cử, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các nền tảng mạng xã hội cũng tràn ngập những thông tin và hình ảnh về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, nhắc nhở người dân thực hiện quyền lợi của mình.
Sự kiện bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nhiều phức tạp và gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên chính quyền đã cố gắng hết sức mình để những người dân đang phải thực hiện cách ly y tế tập trung, những gia đình đang sinh sống trong những khu dân cư buộc phải phong toả tạm thời bởi dịch Covid-19 vẫn được cầm lá phiếu trên tay, thực hiện quyền công dân của mình: bầu cho người đủ đức đủ tài.
Không chỉ là những cử tri gặp khó khăn bởi dịch Coivd-19, cả những cử tri đặc biệt không thể trực tiếp đến địa điểm bầu cử cũng được thành viên trong tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến tận nhà, có những địa bàn có số lượng hòm phiếu rất lớn như tại Bắc Giang có đến 2.333 hòm phiếu phụ được đưa đến tận nơi để cử tri bỏ phiếu[5], điều này cho thấy rằng các địa phương đều rất nỗ lực để đảm bảo quyền bầu cử cho mọi cử tri.
Theo thống kê của hội đồng Bầu cử quốc gia, cả nước đã thành lập 63 Uỷ ban bầu cử cấp tỉnh; 682 Uỷ ban bầu cử cấp huyện và 10/134 Uỷ ban bầu cử cấp xã. 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; 1.059 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 6.188 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; 69.619 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Ở các khu vực bỏ phiếu, các địa phương trong cả nước đã thành lập 84.767 tổ bầu cử[6].Các cử tri đi bầu tại các địa phương đạt tỷ lệ rất cao, 99,16% cử tri cả nước đã đi bầu cử, tỉnh có số lượng cử tri đi bầu nhiều nhất là Lào Cai, Lạng Sơn, Trà Vinh (99,98%). Địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất là Nghệ An (97,30%) [7].
Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ rằng người dân đang thực sự quan tấm đến hoạt động bầu cử và lá phiếu của cử tri hoàn toàn quyết định người ứng cử nào sẽ trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Chính các cử tri sẽ là người lựa chọn ai sẽ đại diện cho quyền lợi của dân, trở thành đại biểu trong các cơ quan nhà nước.
Vì vậy, việc cho rằng hoạt động bầu cử tại Việt Nam hiện nay chỉ là hoạt động mang tính hình thức là không chính xác. Có chăng chỉ là một bộ phận người dân đang thờ ơ với chính trị, thờ ơ với đất nước, và chính cái sự thờ ơ đó của họ ngăn cản họ tìm hiểu về những ứng viên, ngăn cản họ thực hiện quyền lợi của chính mình – đi bầu cử.
Cũng chính vì vậy mà chúng ta vẫn nghe thấy những ý kiến cho rằng bầu cử chỉ mang tính hình thức, bầu cử chỉ là một hình thức thủ tục, còn mọi thứ đã được “cơ cấu” từ trước đó rồi.
---
2 - Bầu cử tại Hoa Kỳ
Diễn ra trước sự kiện bầu cử Quốc Hội của Việt Nam không lâu chính là sự kiện được cả thế giới quan tâm dõi theo chính là sự kiện bầu cử nước Mỹ. Một sự kiện mà kết quả của nó sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi quốc gia trên thế giới hiện nay. Đất nước cờ hoa từ trước đến nay đã nổi danh là đất nước của tự do và dân chủ, tuy nhiên với ý kiến cho rằng “bầu cử tại Hoa Kỳ mới là những sự kiện chính trị thể hiện được tính dân chủ thực sự” đối với tôi lại chưa thực sự thuyết phục.
Bầu cử tại nước Mỹ diễn ra 4 năm một lần và thường là sự cạnh tranh đến từ hai chính Đảng lớn nhất nước Mỹ: Đảng dân chủ và Đảng cộng hoà. Tại Mỹ, quá trình tranh cử tổng thống diễn ra rất căng thẳng bởi các ứng cử viên buộc phải có rất nhiều hành động và các cuộc tranh luận để người dân hiểu rõ được phương hướng hành động của họ trong tương lai, người dân có quyền lựa chọn ra ứng cử viên mà mình cảm thấy phù hợp nhất và bầu cho họ, đây là một điều thể hiện sự tự do và dân chủ rất rõ nét ở đây.
Tại Mỹ, lá phiếu của người dân không trực tiếp bầu ra tổng thống Mỹ mà tại Mỹ áp dụng hình thức bầu cử tri đoàn. Điều này có nghĩa là tổng thống Mỹ sẽ được bầu một cách gián tiếp thông qua các đại cử tri. Cử tri sẽ dùng lá phiếu của họ (phiếu phổ thông) để bầu ra các “đại cử tri”, sau đó các đại cử tri các bang sẽ bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên được đa số cử tri của bang đó lựa chọn [8]. Yếu tố quyết định rằng ứng cử viên nào sẽ đắc cử tổng thống Mỹ là số phiếu mà họ nhận được từ các đại cử tri, tức là ứng cử viên nào có được nhiều hơn một nữa số phiếu cử tri (270/538) phiếu sẽ đắc cử [9].
Tuy nhiên, Không có điều khoản nào trong Hiến pháp hoặc luật Liên bang quy định đại cử tri phải bỏ phiếu theo kết quả của cuộc bỏ phiếu phổ thông ở Bang của họ. Tuy nhiên, một số Bang yêu cầu các đại cử tri bỏ phiếu theo số phiếu phổ thông. Những cam kết này được chia thành hai loại - cử tri bị ràng buộc bởi luật pháp Tiểu bang và những cam kết bị ràng buộc bởi các đảng phái chính trị. Toà án tối cao đã quyết định (vào năm 2020) rằng các Bang có thể ban hành các yêu cầu về cách thức bỏ phiếu của các đại cử tri [10].
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là chuyện gì sẽ xảy ra nếu các đại cử tri bị ảnh hưởng bởi các lợi ích nào đó, thậm chí họ chấp nhận bị phạt để thay đổi phiếu bầu của mình? Lúc đó kết quả bầu cử tổng thống sẽ thay đổi chỉ vì một vài cá nhân nào đó, nghĩa là ý kiến của dân cư tại các Bang có thể sẽ bị bỏ qua.
Một ví dụ minh hoạ rõ nét nhất cho điều này chính là kết quả bầu cử tổng thốn Mỹ năm 2016. Cuộc tranh cử tổng thống đến từ 2 ứng cử viên là bà Hillary Clinton (Đảng dân chủ) và ông Donal Trump (đảng cộng hoà).
Trong cuộc bầu cử tổng thống này, bà Hillary dành được nhiều số phiếu phổ thông hơn tuy nhiên bà vẫn thất bại trong cuộc chạy đua đến vị trí tổng thống Mỹ. Cụ thể bà nhận được 65,8 triệu phiếu bầu, vượt trội hơn so với số phiếu của Donal Trump (62,9 triệu phiếu), tuy nhiên bà Hillary đã thất bại bởi số phiếu đại cử tri của bà thấp hơn so với Trump. Trong cuộc bầu cử 2016 này, bà Hillary chỉ nhận được 227 phiếu đại cử tri, trong khi Trump lại dành được tới 303 phiếu đại cử tri [11].
Điều này có thể là một nghịch lý bởi người đạt được nhiều số phiếu phổ thông (đại diện cho ý kiến của đa số người dân trên khắp đất nước) lại không thể đắc cử tổng thống Mỹ. Sau sự kiện này, nhiều người dân đã khá bức xúc bởi kết quả tổng thống Mỹ, nhiều ca sỹ nổi tiếng đã tuyên bố rằng họ sẽ rời khỏi nước Mỹ nếu ông Trunp đắc cử tổng thống Mỹ như Miley Cyrus, Chelsea Handler, Amy Schumer,… Điều này đã cho thấy sự không hài lòng của nhiều người dân trong cuộc bầu cử này.
---
Kết luận
Sẽ không ai phủ nhận sự thật rằng Mỹ là một đất nước tự do và dân chủ, tuy nhiên đối với tôi, việc cho rằng chỉ có bầu cử tổng thống tại Mỹ mới thể hiện được tính dân chủ thực sự là chưa hợp lý và thuyết phục. Nhìn nhận về quy trình bầu cử hiện nay của cả Việt Nam và Mỹ, tôi nghĩ rằng sẽ là rất thiếu sót nếu suy nghĩ rằng “bầu cử tại Việt Nam hiện nay chỉ là các hành vi chính trị mang tính hình thức; ngược lại, bầu cử tại Hoa Kỳ mới là những sự kiện chính trị thể hiện được tính dân chủ thực sự”.
Dân chủ và tự do được thể hiện qua quy trình bầu cử là điều mà hẳn rằng ai cũng phải công nhận, vì bản chất của bầu cử chính là thể hiện ra sự tự do và dân chủ của một đất nước. Và hẳn là chúng ta thực sự nên có sự suy xét thấu đáo trước khi đưa ra nhận định về bất cứ điều gì.
---
(*) Phương Chi là sinh viên lớp XHH - K42, ngành Xã hội học, Khoa XHH & CTXH, trường ĐHKH, Đại học Huế
---
Tài liệu tham khảo
[1] PGS. TS Tô Văn Hoà, “Chế độ bầu cử”, trong Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, PGS. TS Thái Vĩnh Thắng & PGS. TS Tô Văn Hoà, chủ biên, Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Tư Pháp, 2019, trang 295.
[2] PGS. TS Phan Trọng Hào, “Luận cứ về bầu cử trong Hiến pháp 2013” 13/12/2014 [Trực tuyến]. https://tcnn.vn/news/detail/7764/Luan_cu_ve_bau_cu_trong_Hien_phap_nam_2013all.html
[3] Trường Đại học Luật Hà Nội, “Chế độ bầu cử”, trong Giáo trình Luật Hiến pháp nước ngoài, tái bản lần thứ 4, ThS. Mã Duy Quân, chịu trách nhiệm nội dung, Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2017, trang 47.
[4] Nguyễn Đăng Dung, “Chế độ bầu cử”, trong Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nguyễn Đăng Dung, chủ biên, Nơi sản xuất: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, trang 158
[5] Trần Tuấn, “Bắc Giang: Chở thùng phiếu di động đến tận nhà cử tri đang cách ly” 23/05/2021 [trực tuyến] < https://laodong.vn/thoi-su/bac-giang-cho-thung-phieu-di-dong-den-tan-nha-cu-tri-dang-cach-ly-912281.ldo> Xem ngày 24/05/2021.
[6] VOV, “Toàn cảnh cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” 23/05/2021 [trực tuyến] < https://vov.vn/chinh-tri/toan-canh-cuoc-bau-cu-quoc-hoi-khoa-xv-va-hdnd-cac-cap-nhiem-ky-2021-2026-859540.vov> Xem ngày 24/05/2021.
[7] Thu Hằng “99,16% cử tri cả nước đã đi bầu cử” 23/05/2021 [trực tuyến] < https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/99-16-cu-tri-ca-nuoc-da-di-bau-dai-bieu-quoc-hoi-hdnd-cac-cap-739374.html> Xem ngày 24/05/2021.
[8] Trường Sơn “ 2020 Bầu cử Hoa Kỳ” 02/11/2020 “ [trực tuyến] <https://nhandan.vn/ho-so-tu-lieu/bau-cu-hoa-ky-nam-2020-quy-trinh-va-mot-so-yeu-to-tac-dong-622605/> Xem ngày 24/05/2021
[9] “Summary of the U.S. Presidential Election Process” [trực tuyến] < https://th.usembassy.gov/summary-of-the-u-s-presidential-election-process/> Xem ngày 24/05/2021
[10] “About the electors” [trực tuyến] < https://www.archives.gov/electoral-college/electors> Xem ngày 24/05/2021.
[11] "FEDERAL ELECTIONS 2016 -- Election Results for the U.S. President, the U.S. Senate and the U.S. House of Representatives" (PDF). Federal Elections Commission 12/ 2017. Xem 24/05/2021.