Làm thế nào để thao tác hóa khái niệm ?

Tuấn Long

Nghiên cứu

Đề cương nghiên cứu

19 Tháng M. một, 2019

Làm thế nào để thao tác hóa khái niệm ?

Thao tác hóa khái niệm là gì ?

Cụm từ “thao tác hóa khái niệm” (concept operationalization) có thể gây bối rối cho nhiều người mới bắt đầu nghiên cứu trong lần đầu tiếp xúc. Bản chất của quá trình này chính là: "Biến một khái niệm trừu tượng thành các chỉ báo đo lường được"

Nếu thử đưa mọi thứ về trạng thái đơn giản nhất, cái được gọi là thao tác hóa khái niệm này đã được chúng ta bắt gặp hằng ngày song không hẳn lúc nào cũng để ý. Hãy theo dõi ví dụ sau:

Hình dung về thao tác hóa khái niệm

Giả sử, bạn quan sát thấy hai thanh niên tranh luận với nhau về việc chiếc điện thoại của hãng nào “xịn” hơn và nhờ bạn phân xử, bạn sẽ làm gì?

Trước hết, chúng ta sẽ cần đưa ra định nghĩa thế nào là “điện thoại xịn”. Chẳng hạn như một chiếc điện thoại được cho là “xịn” theo quan điểm của Mr. X - người có tiếng trong làng công nghệ - đó phải chiếc điện thoại (ví dụ):

  • Có khả năng tiếp nhận âm thanh chuẩn tai người dùng (< 50 desiben),
  • Bắt sóng wifi tốt (35mb / s),
  • Chụp hình sắc nét với camera > 24.0
  • Có độ trễ khi gõ phím <0.001s

Mỗi bên sẽ đưa ra một loạt các tiêu chí liên quan tới tính năng của chiếc điện thoại xịn như khả năng nghe - gọi, nhắn tin, tính năng bắt wifi, Bluetooth, xem video, chụp ảnh, lướt web, dung lượng ổ cứng, bàn phím... kể cả nhu cầu sử dụng của mỗi người. Chiếc điện thoại như bị băm nhỏ ra dưới con mắt của một nhà xã hội học.

Kế đến là thông số của các tính năng kể trên mà dựa vào những con số này hai người có thể so sánh được tính năng của máy nào vượt trội hơn. Ví dụ như máy nào có khả năng kết nối wifi nhanh hơn, bớt tốn RAM khi lướt web hơn, máy ảnh nào chụp sắc nét hơn, xem video nhanh hơn, bàn phím bấm mượt hơn...

Cuối cùng, căn cứ vào nhu cầu sử dụng để đưa ra kết quả cuối cùng. Người thích chụp ảnh có thể tự tin về các tính năng chụp ảnh trên máy mình, ngươi thích xem film có thể tự hào về dung lượng ổ cứng và khả năng kết nối wifi trên máy.

Ví dụ minh họa thao tác hóa khái niệm "điện thoại xịn"

Chiếc máy “xịn” phút chốc trở thành chiếc điện thoại thông thường, hoặc ít nhất là “xịn” theo nhu cầu của người sử dụng. Bạn trở thành một người “cầm cân nảy mực” đại diện cho công bằng.

Hãy hình dung như sau:

  • Thế nào là một "chiếc điện thoại xịn” chính là khái niệm trừu tượng ban đầu.
  • Việc bạn kể ra một loạt các tiêu chí có liên quan - kể cả nhu cầu sử dụng - chính là việc đưa ra các biến số (variable).
  • Các thông số chi thiết cuối cùng có thể đo lường được chính là các chỉ báo (indicator).
  • Các chỉ báo đó được đo lường (measure) bằng các giá trị cụ thể
  • Các giá trị này có thể được thu thập bằng cách đi hỏi (interview) người dùng

Điều quan trọng hơn cả nhưng lại thường bị bỏ qua là các tiêu chí có liên quan tới khái niệm trừu tượng ban đầu, phải xuất phát từ một lý thuyết (theory) cụ thể hoặc từ một quan điểm có độ tin cậy cao đã được thừa nhận rộng rãi - giúp các bạn khái quát hóa hay quy luật khóa các nội dung liên quan tới khái niệm.

Để tiếp cận được các lý thuyết và khái niệm trên, bạn cần bỏ thời gian và công sức ra để đọcxây dựng tổng quan tài liệu. Điều này rất quan trọng vì tổng quan tài liệu sẽ quyết định việc thao tác hóa khái niệm của bạn được thực hiện trên cơ sở nào.

Trong ví dụ trên, định nghĩa về chiếc điện thoại "xịn" dưới quan điểm của Mr. X - người có tiếng trong làng công nghệ. - tức là những quan điểm đã được công nhận

---

Xem bài viết: "Tổng quan nghiên cứu" [ tại đây ]

---

Quá trình thao tác hóa khái niệm

Quá trình thao tác hóa khái niệm trong nghiên cứu khoa học được thực hiện chính xác từng bước như ví dụ trên; và bởi vì các khái niệm được đưa ra từ một lý thuyết nào đó, nên ở một số nơi người ta cũng gọi khung khái niệm là khung lý thuyết. Phần lớn những việc bạn cần làm để có thể thao tác hóa khái niệm lúc này gồm:

  1. Tìm lý thuyết có liên quan tới chủ đề nghiên cứu của bạn.
  2. Đọc kĩ định nghĩa các khái niệm có trong lý thuyết đó => tìm khái niệm trừu tượng
  3. Vạch ra các chiều cạnh (dimension) mô tả về khái niệm đó => tạo biến số
  4. Vạch ra các thông tin chi tiết mô tả về từng chiều cạnh kể trên => tạo chỉ báo
  5. Chuẩn bị các thông tin đó ở trạng thái sẵn sàng đo lường => tạo thang đo
  6. Chuyển hóa các thang đo thành công cụ để thu thập dữ liệu => tạo câu hỏi

Hãy xem thêm ví dụ cụ thể ở dưới và so sánh với ví dụ ở trên, khi các tiểu mục được gán nhãn bởi nội dung mang "màu sắc" xã hội học. Điều thú vị là kết quả thao tác hóa khái niệm sẽ không hoàn toàn giống nhau, bởi các lý thuyết khác nhau sẽ đưa ra cách nhìn khác nhau cho cùng một khái niệm. Ví dụ như khái niệm "tính tôn giáo" dưới đây:

Ví dụ minh họa thao tác hóa khái niệm "Tính tôn giáo"

Sau khi hoàn thành quá trình thao tác hóa khái niệm, bạn sẽ cần tới công cụ cuối cùng để có thể liên kết các biến số ở trên với mô hình bước phân tích ở dưới. Công cụ đóng vai trò như cầu nối giữa việc phân tích và thông tin ban đầu - được gọi là khung phân tích - thường có biểu hiện như một sơ đồ (diagram). Nhìn vào khung phân tích, nhà nghiên cứu sẽ trực quan hóa được các biến số có liên quan theo quy trình từ đầu vào (input) đến đầu ra (output) bằng các mũi tên.

Đến đây, bạn có thể thấy toàn bộ tất cả các hạng mục bên trong một đề cương nghiên cứu có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ với nhau, hệ thống và có trình tự. Đoạn kết thúc của hạng mục này mở ra nội dung của hạng mục khác có nội dung xuyên suốt là đạt được mục tiêu chung.

Kết luận

Ngược lại so với cách hiểu thông thường khi ta cố gắng xây dựng một bộ câu hỏi sao cho thật chi tiết, bởi theo nguyên tắc khoa học, bộ câu hỏi này phải được tạo nên từ các thang đo và các chỉ báo đo lường cụ thể. Các nội dung đó chỉ có thể có được khi nhà nghiên cứu đã tiến hành thao tác hóa khái niệm. Theo đó thao tác hóa khái niệm là việc biến một khái niệm trừu tượng thành các chỉ báo có thể đo lường.

Việc thao tác hóa này cần được xây dựng trên các khái niệm được rút ra từ nền tảng lý thuyết và có mối quan hệ chặt chẽ với mô hình phân tích về sau, đặc biệt là cách xây dựng bộ công cụ như bảng hỏi.

Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết sau!

---

Tài liệu tham khảo chính:

  1. Gordon Mace & Francois Petry (2013), “Cẩm nang xây dựng dự án nghiên cứu trong khoa học xã hội”, NXB Tri thức
  2. Michel Beaud (2014), “Nghệ thuật viết luận văn”, NXB Tri thức
  3. Nguyễn Xuân Nghĩa (2010), “Phương pháp & kĩ thuật trong nghiên cứu xã hội”, NXB Phương Đông
  4. Nguyễn Văn Tuấn (2018), “Phân tích dữ liệu với R”, NXB Tổng hợp TP. HCM
  5. Nguyễn Văn Tuấn (2018), “Đi vào nghiên cứu khoa học”, NXB Tổng hợp TP. HCM
  6. Phan Văn Quyết & Nguyễn Quý Thanh (2001), “Phương pháp nghiên cứu Xã hội học”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội