Đề cương nghiên cứu là gì ?
Là trình tự các bước trong một nghiên cứu mà các cá nhân hoặc nhóm nghiên cứu cần vạch ra ngay từ đầu, nhằm làm rõ nội dung cụ thể cần thực hiện. Nói khác đi, việc các bạn đưa ra đề cương nghiên cứu chính việc giới thiệu tiến trình thực hiện nghiên cứu của mình.
Tại sao phải làm đề cương nghiên cứu ?
Đề cương nghiên tuy cứu ngắn gọn nhưng lại rất quan trọng. Việc xác định được việc mình muốn làm là gì, hiểu được nó và vạch kế hoạch triển khai - là một quá trình lâu dài, và quá trình lâu dài đó được tóm gọn trong đề cương nghiên cứu mà bạn vạch ra.
Thoạt nhìn, có vẻ như bạn sẽ không cần tới đề cương nghiên cứu nếu nghiên cứu ấy chỉ được hình thành trong tâm trí và không có dụng ý công bố. Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai nghiên cứu trên thực địa có sự cộng tác với người khác và có ý định chia sẻ không khai - đề cương sẽ giúp những người không trực tiếp làm ra kết quả nghiên cứu hiểu được điều mà ta đang làm. Quan trọng hơn, người thực hiện nghiên cứu cũng có cơ hôi hệ thống hóa được trình tự cần thực hiện khi khai triển nghiên cứu.

Trong nhiều trường hợp khác, người đọc có thể góp ý, dự đoán tính khả thi của đề tài và thậm chí quyết định đầu tư / không đầu tư cho nghiên cứu của bạn.
Bạn có thể nghĩ đơn giản về việc, hoặc là bạn bỏ ra nửa ngày để xem cả bộ phim rồi nghiền ngẫm về nó hoặc là bạn xem trailer của bộ phim rồi quyết định có xem trọn vẹn nó hay không. Đề cương nghiên cứu (hiểu đơn giản) chính là trailer của một nghiên cứu.
Tiêu chí
Theo kinh nghiệm nghiên cứu của bản thân, mình tạm rút ra ba từ khóa cho một đề cương nghiên cứu, gồm: Đúng - Chuẩn - Súc tích
1. Kết cấu chuẩn
Cấu trúc của đề cương nghiên cứu bao gồm một số nội dung quan trọng không thể bỏ qua và thường được tổ chức tương tự nhau tại các nơi trên thế giới, gồm:
- Đặt vấn đề
- Ý nghĩa của đề tài
- Tổng quan nghiên cứu
- Đối tượng và Khách thể nghiên cứu
- Phạm vi (không gian, thời gian, nội dung nghiên cứu)
- Câu hỏi nghiên cứu
- Giả thuyết nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu
- Khung phân tích.
Để đảm bảo đề cương được thông quan, các hạng mục đã được quy định phải được trình bày đầy đủ. Nếu bạn không đưa hạng mục nào vào đề cương, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ lý giải và bảo vệ thành công lý do lựa chọn của mình.
2. Thông tin súc tích
Đôi khi chúng ta hay nhầm lẫn giữa đề cương nghiên cứu (research proposal) và báo cáo nghiên cứu (research report) tính súc tích của hai dạng bài viết này, tuy nhiên điều này không hoàn toàn chính xác. Trước hết, viết ngắn nhưng đủ thông tin bao giờ cũng tốn thời gian và cần chất xám hơn so với việc viết dài. và dung lượng là sự khác biệt đầu tiên giữa đề cương nghiên cứu và báo cáo nghiên cứu. Sự khác biệt thứ hai, trong khi đề cương trình bày các trình tự thực hiện,thì báo cáo trình bày về kết quả đạt được của nghiên cứu.
Sau khi nắm được kết cấu chuẩn của đề cương, các bạn hãy "lấp đầy" nó bằng các thông tin có liên quan tới nghiên cứu của mình. Những thông tin diễn giải cũng sẽ được chú ý tới nhưng hãy lưu ý giới hạn số dòng hoặc số trang; những thông tin có tính liên quan thấp hoặc cần diễn giải để làm rõ hãy đưa chúng vào báo cáo.
Khác với báo cáo nghiên cứu, đề cương nghiên cứu chưa phải là nơi chứa các thông tin đắt nhất mà là nơi xuất hiện các thông tin cụ thể nhất về nghiên cứu của bạn.
Mình thường nói vui rằng: "Món ngon thường xuất hiện sau, hãy kiên nhẫn!
"

3. Phản ánh đúng nội dung
Đề cương nghiên cứu và Báo cáo nghiên cứu tuy khác nhau, nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau theo mạch logic nhất định. Nói khác đi, đề cương vạch ra các nội dung gì, thông tin được trình bày trong báo cáo phải được thể hiện đúng theo đề cương vạch ra trước đó.
Để làm được điều này, bạn cần hiểu rõ các hạng mục trong đề cương, luôn luôn tham chiếu lại cái mà bạn vạch ra với điều mà bạn đang thu lại.
Nếu khách thể nghiên cứu bạn hướng tới việc khảo sát giới trẻ trong độ tuổi 18 - 25 nhưng kết quả nghiên cứu lại xuất hiện một nhóm > 25, thì đấy là dấu hiệu để bạn xem lại mẫu nghiên cứu của mình.
Nếu lý thuyết bạn đề xuất sử dụng là luận thuyết về Cơ cấu - Chức năng, nhưng báo cáo lại trả lời câu hỏi thông qua tiếp cận từ góc nhìn của các cá nhân, vốn là cơ sở của thuyết Con người hành động, thì đấy là dấu hiệu để bạn nhìn lại cơ sở lý thuyết của mình.
Hãy thường xuyên kiểm tra lại nội dung nghiên cứu và hướng đi đã được triển khai từ đâu thông qua dàn ý đề cương, nhất là khi đề cương ấy đã được một hội đồng khoa học thông qua

Hoặc đơn giản hơn - mình lại nói vui thôi nhé - hãy thử tưởng tượng bạn bỏ ra một khoản tiền lớn để mua một vé xem ca nhạc chỉ bởi vì thần tượng của bạn lên sân khấu, để rồi ban tổ chức lại cho bạn nghe giọng hát đại loại như của... Chaien - bạn sẽ phản ứng như thế nào khi màn đã kéo ???
Kết luận
Đề cương nghiên cứu phản ánh trình tự thực hiện nghiên cứu và có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng hành động của các bạn đạt được mục đích.
Hãy cho phép bản thân được tịnh tâm trong 10 phút, bên cạnh một ly coffee nóng để suy nghĩ về điều mà mình muốn làm thay vì máy móc đi theo hướng dẫn của sách giáo khoa. Đúng - Chuẩn - Súc tích là các tiêu chí cơ bản của một đề cương. Bài viết tới, mình sẽ hệ thống hóa lại các nội dung chính khi trình bày một đề cương nghiên cứu cho các bạn.
---
Một số tài liệu về phương pháp nghiên cứu bạn nên tìm đọc:
A - Sách giấy:
- Gordon Mace & Francois Petry (2013), “Cẩm nang xây dựng dự án nghiên cứu trong khoa học xã hội”, NXB Tri thức
- Michel Beaud (2014), “Nghệ thuật viết luận văn”, NXB Tri thức
- Nguyễn Xuân Nghĩa (2010), “Phương pháp & kĩ thuật trong nghiên cứu xã hội”, NXB Phương Đông
B - Ebook:
- Phan Văn Quyết & Nguyễn Quý Thanh (2001), “Phương pháp nghiên cứu Xã hội học”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội | Link tải sách: http://sociologyhue.edu.vn/book/597
- Earl R. Babbie (2013), "The Practice of Social Research", Wadsworth, Cengage Learning | Link tải sách: http://sociologyhue.edu.vn/book/377
- Wayne C. Booth (2003), "The Craft of Research", Library Materials | Link tải sách: http://sociologyhue.edu.vn/book/500
- W. Lawrence Neuman (2014), "Social Research Methods Qualitative and Quantitative Approaches", Pearson Education Limited | Link tải sách: http://sociologyhue.edu.vn/book/441