Từ “tattoo” (xăm mình) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ “tattaw” – lần đầu tiên được biết đến trong chuyến viễn dương xuống các vùng biển phía Nam Tahitian [1] vào năm 1771 do thuyền trưởng Cook dẫn đầu. Các hành động sử dụng vật nhọn đâm thụt trên da và để lại những hình vẽ trên cơ thể là một hình thức nghệ thuật khá đau đớn được các thủy thủ mô tả lại trong nhật ký hải trình của mình [2] và nhanh chóng được phổ biến tại Châu Âu nhiều năm sau đó.
So sánh câu chuyện của 300 năm về trước với cách xăm mình hiện đại, các công đoạn cho ra lò một hình xăm về cơ bản không có nhiều khác biệt. Việc chuyển đổi từ sử dụng mũi kim nóng dùi thẳng lên da sang thiết bị xăm mình điện tử với tên gọi nên thơ là “súng xăm” (tattoo gun) có độ an toàn cao và giảm đau hiệu quả - khiến nghề này trở nên phổ biến đến mức việc xăm mình tại Mỹ đã trở thành một lối sống [3]. Tại Việt Nam, tuy tục xăm mình đã có từ hàng thế kỷ trước xong nghề xăm mình chỉ mới manh nha trong giai đoạn khoảng 40 năm trở lại đây.
---
Nếu xét trên một nghĩa hẹp nằm gọn trong giới xăm mình, những người liên quan đến hình xăm có thể chia làm hai dạng: một là những người làm nghề xăm mình (tattooed) và hai là những người có hình xăm (with tattoos). Hai nhóm này có tên gọi gần nhau tới mức dễ gây ra các nhầm lẫn: Nhóm những người xăm mình nên được hiểu là những người sáng tạo ra hình xăm như các nghệ sĩ xăm mình (tattoo artists) - đây là những người có kiến thức, có trình độ trong nghề xăm và dựa vào nghề xăm để kiếm sống. Điều này cơ bản khác với những nhóm người có hình xăm (people with tattoos) là những người làm nhiều nghề khác nhau, nhưng có ít nhất một hình xăm trên cơ thể, nhưng nhìn chung họ không phải là chuyên gia trong giới xăm mình. Bên cạnh đó, nằm trung gian giữa hai nhóm trên là các nhà nghiên cứu về hình xăm (tattoo researcher), có thể đơn giản gọi họ là các nhà sưu tập (collectors), những nhà nhân học hình ảnh (visual anthropology) hay những người tìm kiếm hình xăm thông thường (tattoo seekers) [4].
Nếu mở rộng ra, nhất là khi so sánh với các công việc tương tự, nghề xăm mình có thể được xếp ngang hàng với các môn nghệ thuật trang điểm khác như đâm khuyên, “high line” tóc hay bấm lỗ tai… những công việc thường được gắn liền với hình ảnh tóc dài lê thê, áo da bụi bặm và đua xe tốc độ của giới trẻ thích thể hiện cá tính. Thu nhập trung bình của một “startup” làm về xăm mình tại Việt Nam có thể vào khoảng 15-20 triệu / tháng, nhưng trước đấy, họ phải bỏ ra một khoảng tiền trên dưới 6 triệu / tháng để có thể tham gia vào một khóa học xăm mình tại các cơ sở đào tạo kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Gần như bất kể nam nữ, ai cũng có thể học làm hình xăm - nhưng để trở thành một “nghệ sĩ xăm” có tay nghề cao, cũng như các ngành nghệ thuật khác, đòi hỏi người học phải có chút năng khiếu. Những nghề như đánh giày hay bán mì gõ buộc người trong nghề phải liên tục di chuyển, trong khi những người thợ sửa xe đạp hay bán trà đá lại cần một nơi cố định để chứa các dụng cụ cần thiết và một địa chỉ có thể tìm thấy trên bản đồ giúp khách hàng dễ dàng dừng chân. Trong khi đó ở thời điểm ban đầu - việc xăm mình có lẽ sẽ cần tới cả hai.
---
Khi mới bước chân vào nghề, các thợ xăm cả nam lẫn nữ đều có thể bắt đầu từ công việc của một người chuyên đi xăm dạo cho những khách hàng nhỏ lẻ với thu nhập vài trăm nghìn một ngày, cho đến khi đủ khả năng để cho mình ra một nơi làm việc cố định. Một cửa hàng nhỏ với đầy đủ dụng cụ, có giường cho khách và được đăng kiểm về vấn đề vệ sinh; mỗi một cửa hàng là một phong cách khác biệt đại diện cho một phong cách (style) xăm riêng, những bức tranh thể hiện quan điểm nghệ thuật hay nhân sinh quan mà chủ tiệm quan niệm và kinh doanh loại hình dịch vụ vẽ những hình vẽ mà nó chỉ đẹp khi đặt chúng trên da. Và trong khi máy móc vẫn chưa đủ thông minh để thay thế con người trong khía cạnh sáng tạo [5], thì công việc của những nghệ sĩ này trong tương lai vẫn còn nhiều cơ hội để chiếm giữ.
Tuy là một cách thể hiện cá tính thú vị và khác biệt, song nghề xăm mình Việt Nam chưa thể phổ biến đến mức trở thành một lối sống như ở các nước phương Tây. Tại Mỹ, các tập đoàn lớn như Googlem Yahoo! hay Ford đã chấp nhận nhân viên của mình xăm mình, các đơn vị quân đội được phép có hình xăm không qua 25% cơ thể và tuyệt đối không được xăm mình với nội dung “quá khích, khiếm nhã, khiêu dâm hay phân biệt chủng tộc” [6]. Những người làm nghề xăm mình tại Việt Nam, trên thực tế, phải đối diện với ba điều - trước khi có ý định theo nghề hay mở rộng kinh doanh:
---
Thứ nhất, sự phản đối của dư luận. Chương đầu tiên, dòng đầu tiên của một cuốn “E-book Tattoos” [7] - được người đam mê xăm mình chia sẻ - không phải là về hình xăm, mà là: “Think before you ink!”. Người viết đưa ra 14 lý do tốt để có một hình xăm và 4 lý do không tốt để xăm mình, trong 4 lý do đó, lý do cuối cùng là: “To make your mother cry”. Phần lớn các phóng sự tại Việt Nam khi nói đến tiểu sử của các bạn trẻ theo đuổi nghề xăm - đều có chung một mô típ: thành đạt, tự do nhưng… thiếu sự ủng hộ từ phía gia đình. Khi đứng ở góc nhìn của những người trong cuộc, các chủ tiệm xăm mình cũng tự đặt những câu hỏi, điều gì khiến họ bị một bộ phận xã hội kỳ thị, xa lánh. Có thể lên Facebook của các cửa hàng này quan sát và lắng nghe những câu chuyện do chính những người trong nghề chia sẻ mỗi khi họ nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm của người khác - dù vô tình hay hữu ý - giành cho họ. Mô típ này phố biến đến nỗi câu slogan của Hanoi Tattoo Club ngay từ đầu - vẫn không phải là giới thiệu hình xăm - mà là: “Hãy đến với chúng tôi khi bạn đã sẵn sàng”.
---
Thứ hai, nghề xăm mình tại Việt Nam chưa được công nhận thực sự về mặt pháp luật. Sự thiếu công nhận ấy được thể hiện ở khía cạnh xem đây là không phải là nghệ thuật mà chỉ là sự “lệch chuẩn” của giới trẻ với cái nhìn thiếu thiện cảm – đôi khi chỉ là ý kiến khác nhau của nhưng tiểu văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, về phía Nhà nước, ngoài việc cho phép thực hiện các thủ tục về đăng ký kinh doanh và kiểm định của bộ y tế - thì chưa có quy định cụ thể nào về nghề xăm mình [8]. Việc hàng trăm thanh niên tham dự ngày hội xăm mình tại Hà Nội năm 2016 [9] vẫn chỉ được xem là một sự kiện của giới trẻ chứ không phải là một sự thừa nhận về một loại hình nghề nghiệp mới. Nghĩa là trong khi những người tìm đến nghề xăm ngày một đông và có thể hình thành một khuôn mẫu mới về lối sống (life style) trong xã hội thì Nhà nước vẫn chưa có chính sách nào phù hợp dành cho những cộng đồng xăm mình trên.
---
Và thứ ba, hệ quả của hai điều trên – chúng tùy thuộc vào lựa chọn mà các cá nhân cho là hợp lý (rational choice). Điều gì khiến một người có thể kiên trì vượt qua những mặc cảm khi bị gia đình, xã hội dán nhãn và cơ chế pháp luật chưa đứng ra công nhận. Việc này có lẽ cũng tương tự với chuyện chúng ta có một hình xăm, nhưng rồi vì lý do nào đó, chúng ta buộc phải xóa nó đi hoặc, sau khi các cá nhân đã chắc chắn với việc gây ấn tượng với người thành công - hình xăm đó sẽ tự động biến mất sau 48h. Hình thức xăm tạm thời với việc hình xăm sẽ biến mất sau một khoảng thời gian có thể là lựa chọn phù hợp, nhưng điều gì khiến họ đi đến quyết định lưng chừng như vậy? Việc giữ một hình xăm đến cùng và việc hạ quyết tâm theo đuổi nghề, nếu chúng ta có một khảo sát trên 200 người thì sao – có lẽ sẽ có một mối tương quan nhất định nào đấy ở đây.
Ai cũng có thể học nghề xăm, song để đi đến quyết định theo đuổi nghề này không chỉ đòi hỏi họ phải có năng khiếu mà còn là khả năng vượt qua các rào cản xã hội và nỗ lực của chính bản thân. Trong tương lai, rất có thể xã hội sẽ dần có cái nhìn cởi mở hơn với hình xăm, người làm nghề xăm tiếp tục vẫn là giới trẻ, những người xăm mình xuất sắc có thể được khoác lên mình chức danh nghệ sĩ; thu nhập cao và quan trọng hơn, họ có được sự thừa nhận chính đáng của xã hội như bất cứ ngành nghề đã từng được công nhận nào.
Nhưng trước đấy, có lẽ dư luận phải thử từ bỏ cách nhìn dán nhãn thiên lệch về những hoạt động này đã, việc thay đổi hệ giá trị này có thể mất nhiều năm và từ đây cho tới thời điểm đó, nghiên cứu về khía cạnh xã hội của nghề xăm mình tại Việt Nam - vẫn sẽ tiếp tục là một câu chuyện dài.
---
Hue, 1:03 AM 11/27/2023
(*) Vui lòng trích nguồn khi sử dụng
---
Tài liệu tham khảo:
1. Gabriel Garcia-Meritt (2014), “Inked lives: Tattoos, Identity, and Power”, Iowa state university, Digital Repository.
2. Klaus Schwab (2016), “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”
3. Marrk J.Peen (2007), “Những trào lưu mới trong xã hội Mỹ”, Nhà xuất bản Thế giới
4. Richard S. Post (1969), “The relationship of tattoos to personality disorders”, Journal of Criminal Law and Criminology, Volume 59, Issue 4
5. Tư vấn luật Doanh nghiệp, “Điều kiện kinh doanh nghề xăm hình”. Link: https://luatminhkhue.vn/tu-van-luat-doanh-nghiep/dieu-kien-kinh-doanh-nganh-nghe-xam-hinh-nghe-thuat-.aspx
---
Chú thích:
(1) Tahiti là đảo lớn nhất của Polynesie thuộc Pháp, nằm ở phía nam Thái Bình Dương. Đây là trung tâm kinh tế văn hóa và chính trị của Polynesie thuộc Pháp; Nguồn: Wikipedia
(2) Richard S. Post, “The relationship of tattoos to personality disorders”, Journal of Criminal Law and Criminology, Volume 59, Issue 4, 1969. p.517
(3) Marrk J.Peen, “Những trào lưu mới trong xã hội Mỹ”, Nhà xuất bản Thế giới – 2007, tr. 386
(4) Gabriel Garcia-Meritt , “Inked lives: Tattoos, Identity, and Power”, Digital Repository, 2014
(5) Klaus Schwab, “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, 2016 - tr.27
(6) Marrk J.Peen, “Những trào lưu mới trong xã hội Mỹ”, Nhà xuất bản Thế giới – 2007, tr. 388
(7) Link: http://www.printmytattoo.com/members/ebooks/The%20Tattoo%20E-Book.pdf
(8) Link: https://luatminhkhue.vn/tu-van-luat-doanh-nghiep/dieu-kien-kinh-doanh-nganh-nghe-xam-hinh-nghe-thuat-.aspx
(9) Đại hội xăm hình nghệ thuật Quốc tế - Hanoi Ink Fes 2016; Nguồn: https://news.zing.vn/hang-tram-ban-tre-khoe-hinh-xam-dep-tai-le-hoi-post660112.html