Liệu có nên theo Mỹ để được giàu có, thịnh vượng ?

Tuấn Long

Sự kiện

Địa chính trị

11 Tháng Tư, 2023

Liệu có nên theo Mỹ để được giàu có, thịnh vượng ?

Vietnam, Hue, 15:00 | 04.05.2022

Có bạn đặt câu hỏi cho mình thế này:

---

Hỏi: Bây giờ phe cánh tả đang phàn nàn về sự kiểm soát của Mỹ đối với Ukraine, nhưng trên thực tế gần như đất nước nào cũng bị đất nước này ảnh hưởng đến, và người dân Ukraine có vẻ cũng mong muốn nước Mỹ can thiệp vào, bởi trong quá khứ, có những trường hợp Mỹ can thiệp vào, và trở nên rất phát triển, như Nhật Bản hay Tây Âu, Việt Nam ta cũng là một ví dụ như vậy, cũng mong muốn được sớm bình thường hóa với Mỹ, còn nếu Liên Xô can thiệp vào nước nào thì lại chưa được phát triển, và bất mãn. Thầy thấy quan điểm này như thế nào ?

---

Đáp: Đúng là có những quan điểm như vậy khi mà Mỹ can thiệp hoặc hỗ trợ nước nào là nước đó phát triền vù vù như Châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và gần nhất là Trung Quốc.

Tuy nhiên, quốc gia nào cũng hiểu cái giá phải trả cho sự can thiệp này là mất quyền tự quyết với các vấn đề nội bộ quốc gia khi quá lệ thuộc vào hỗ trợ của Mỹ, cho nên song song với quá trình nhận hỗ trợ từ Mỹ, họ vẫn tự thân phát triển nội lực.

Hay nói khác đi, (1) "can thiệp sâu vào nội chính - kinh tế" , (2) "tạo điều kiện để tiếp cận với thị trường - phát triển" và (3) "nỗ lực tự cường" là hoàn toàn không giống nhau.

Khi đó, nếu chỉ nhìn thấy sự hỗ trợ của Mỹ khiến Hàn Quốc, Nhật Bản giàu mạnh lên mà bỏ qua sự nỗ lực tự cường của họ sẽ là đánh giá không công bằng, đa số dư luận đang đi theo điều này mà quên mất rằng người Nhật đã sẵn sàng cống hiến làm việc 20/24 giờ ngày để tái thiết đất nước hay Hàn Quốc sẵn sàng thiết quân luật với của cải công trước nạn tham nhũng và trộm cắp gia tăng.

Hiện nay hai quốc gia Đông Bắc Á này dựa vào cái ô hạt nhân của Mỹ để phòng thủ hơn là để đi gây chiến hoặc đầu tư quá nhiều ngân sách vào chi phí Quốc phòng. Điều này giúp họ tập trung vào phát triển nội lực và thúc đẩy nền kinh tế của họ lọt vào top 10 sau hơn 30 năm phát triển.

Tương tự, sau các thỏa thuận giữa chính quyền Regan và Đặng Tiểu Bình, Mỹ đã giúp Trung Quốc tiếp cận thị trường tự do khi đã giúp Mỹ giải quyết vấn đề Việt Nam từ những năm 1972. Còn quá trình phát triển sau này của Trung Quốc thì không thể bỏ qua (1) ý chí phục hận ("Bách niên chi sỉ") được chính quyền Trung Quốc tiêm nhiễm vào đầu người dân song song (2) với nền tảng tư tưởng bá chủ mạnh mẽ của họ được.

Việt Nam cũng thế, nếu được Mỹ bình thường hóa mà quay sang lệ thuộc hoàn toàn vào đồng vốn của Hoa kỳ thì sẽ có kết cục không khác chính thể VNCH trong quá khứ là mấy.

Hiện giờ rõ ràng hơn cả là Ukraine, tương lai tái thiết đất nước từ đống tro tàn tự kiến sẽ dùng tới hơn 430 tỉ $ cũng sẽ đi kèm với nghĩa vụ là con nợ của Mỹ, được Mỹ cưu mang lúc khó khăn và trở thành tiền đồn bất đắc dĩ để chống Nga. Sự tự chủ không có, lệ thuộc luôn luôn, món nợ thường trực và một đường biên giới luôn luôn bất ổn - Ukraine cón còn đủ khả năng đưa ra quyết định cho riêng mình?

Nếu Ukrainekhông tự mình mạnh lên như các nước Đông Á thì chắc chắn sẽ bị các quốc gia đang phát triển vượt qua và dần mất tiếng nói trên bản đồ chính trị thế giới.

Liên Xô có mô hình phát triển khác với Mỹ. Mỹ là tư bản, quan hệ trao đổi "win-win" trong khi Liên Xô là quan hệ tương hỗ, giúp anh là giúp mình nên thường mang màu sắc bao cấp. Nền kinh tế của Liên Xô cũng không mạnh được như Mỹ và chính cách hỗ trợ theo kiểu bao cấp này không chỉ tạo ra các đồng minh ỷ lại mà còn đã làm suy yếu Liên Xô từ bên trong.

Hơn nữa các quốc gia mà Mỹ giúp là quốc gia hậu chiến, trong khi các quốc gia được Liên Xô giúp là quốc gia đang trong giai đoạn chiến tranh, tổn thất nhân mạng, tài lực và được vận hành bởi một nhóm tinh hoa không mạnh về xây dựng kinh tế ... Hội tụ nhiều điều này lại mới có được "các quốc gia còi cọc" như em vừa thấy.

Chưa hết, Mỹ sử dụng các quân bài nhân quyền, tự do, dân chủ [theo ý thực hệ của phương Tây] để liên tục can thiệp sâu, cấm vận, quấy phá và gây bất ổn lên các khu vực này trong thời gian hậu chiến chỉ vì các quốc gia này từ chối không tham gia sân chơi của họ hay tuân theo trật tự do Mỹ dẫn đầu. Cách hành xử này tới nay vẫn còn được sử dụng tại Đông Âu và biến chúng thành cuộc chiến không hồi kết

Tất cả phục vụ cho tham vọng của giới chóp bu tài phiệt Mỹ. Vậy em nghĩ xem, có công bằng không ?

Như vậy, phần lớn dư luận mới thấy được một phần của câu chuyện mà phần nổi đó chưa chắc đã là sự thật đôi khi còn bị truyền thông các bên nhào nặn lại theo ý đồ của họ. Ngược lại, việc tách bạch nhau theo các khối chính trị (kể cả mô hình khối thịnh vượng chung) có thể chỉ khiến dạng xung đột như Chiến tranh lạnh có cơ hội được lặp lại mà thôi.

Cho nên quan điểm của mình lúc này là:

  1. Gác lại quá khứ nhưng tôn trọng sự thật là điều cần biết ;
  2. Bình thường hóa, đa phương hóa nhưng không lệ thuộc vào ai là điều cần làm ;
  3. Và chẳng ai chịu giúp mình nếu mình không tự lực để mạnh lên.

Hiểu được điều này thì việc có cần theo Mỹ hay theo Trung hay theo Nga, không còn quá quan trọng. Biết cân bằng các bên mới là điều quan trọng hơn cả và chiến tranh tại Ukraine hiện nay là hậu quả của một chiến lược thiếu cân bằng như thế trong quan hệ với các nước lớn

---

Thay lời giới thiệu:

Xung đột giữa Nga và Ukraine chính thức nổ ra ngày 24.02.2022, trong suốt thời gian chiến sự manh nha diễn ra xung quanh Thủ đô Kiev, mình đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan tới cuộc chiến này. Mình đã trả lời tất cả các câu hỏi đó. Sau một năm, mình đã quyết định tổng hợp lại và trình bày chúng theo dạng hỏi và đáp để mọi người cùng đọc. Quan điểm quân sự và địa chính trị của mình trong các bài viết này hoàn toàn mang góc nhìn cá nhân và không đứng ra ủng hộ bất cứ bên nào.

Hy vọng chiến tranh sớm kết thúc và đem lại bầu không khí hòa bình, ổn định cho thế giới !