Tại sao Belarus vẫn chưa quyết định tham chiến ?

Tuấn Long

Sự kiện

Địa chính trị

23 Tháng Ba, 2023

Tại sao Belarus vẫn chưa quyết định tham chiến ?

Vietnam, Hue, 16:10 | 12.05.2022

Có bạn sinh viên hỏi mình thế này:

---

Hỏi: Thầy nghĩ sao mà Belarus lại chưa tham chiến, bởi vì kiểu, Belarus sợ gì đâu?

---

Đáp: Là đối tác an ninh chung và được Nga hậu thuẫn toàn diện từ quân sự tới chính trị, kinh tế, dĩ nhiên Belarus không có nhiều điều phải sợ. Belarus chưa chính thức tham chiến là vì (1) Nga chưa cần tới sự tham chiến trực tiếp của quốc gia này tại chiến trường Ukraine, (2) Nga cần sức mạnh khác của Belarus và (3) việc Belarus tham chiến có nhiều cái hại hơn là lợi.

Thứ nhất, Putin muốn kiềm chế để tránh chiến tranh lan rộng. Nếu chỉ có Nga với Ukraine thì đây là một chuyện; nếu Ukraine có thêm NATO thì là chuyện khác vì NATO vẫn chưa tham gia công khai mà đóng vai trò hỗ trợ về vũ khí, tài chính và tình bào là chủ yếu.

Nếu giờ Nga lại đề nghị Belarus tham chiến song hành với các mũi tiễn công của Nga ở mặt trận phía Bắc, thì sự tham chiến của quốc gia này là một sự tuyên chiến công khai và làm thay đổi hoàn toàn mục đích phòng vệ từ xa mà Nga tuyên bố.

Chuyện này là quá đủ để truyền thông phương Tây dựng nên câu chuyện Nga muốn "chơi hội đồng" Ukraine, hoặc dèm pha rằng quân đội Nga quá yếu nên phải cậy nhờ người ngoài... Nga cần Minsk hỗ trợ trong một khía cạnh khác mà không ai khác chỉ có Belarus là quốc gia duy nhất có được: vị trí địa lý .

Thứ hai, sức mạnh của Minsk trong cuộc chiến này không nằm ở tiềm lực quân sự mà là vị trí địa chiến lược của Belarus trước Ukraine.

Quả thật vậy, với vai trò "quân Tượng" đang âm thầm chiếu vào quân Vua Kiev trên mặt trận phía Bắc mới là điểm đáng lưu tâm nhất đối với bên phòng thủ. Chỉ cần Belarus không động binh thì người Ukraine vẫn còn có cái để lo lắng.

Rõ ràng, việc duy trì 3 - 5 lữ đoàn để phòng thủ biên giới nhưng lại hoàn toàn không biết được phía bên kia đang âm mưu chuyện gì có thể khiến Ukraine thêm bị động trên chiến trường. Như vậy Belarus không tham chiến có khi lại hữu dụng hơn là đem quân Nam tiến trong thời điểm này.

Thứ ba, so với quân đội Ukraine ở thời điểm hiện tại thì Belarus không mạnh bằng. Đặc biệt nhất là từ sau 2014 quân đội (1) Ukraine đã được các quốc gia phương Tây tài trợ để đào tạo theo chuẩn NATO. Báo chí thời điểm này dùng một từ là "lột xác", súc mạnh chiến đấu của Ukraine hiện nay đã gia tăng đáng kể.

Khác hoàn toàn với Ukraine, (2) Belarus là một đội quân phòng thủ, trong khi người Ukraine đã tham chiến suốt 8 năm ròng ở khu vực Donbass với phe ly khai, có nhiều lúc còn chạm chán với quân chính quy của Nga. Khả năng tác chiến của Ukraine chắc chắn vượt xa khả năng của Belarus trong cùng một tương quan quân số

Ngoài ra, (3) quy mô quân đội của Belarus vào thời bình chỉ bằng 1/5 so với Ukraine (tầm 32.000 quân tại ngũ) có khi còn không bằng một quân khu của Nga, theo đó việc tham chiến cũng chỉ "hoành tráng" hơn so với đạo quân Chechen của Kadirov một chút về mặt số lượng thôi.

Cuối cùng, phong cách chiến đấu của Belarus thực ra là sự mô phỏng theo quân đội Nga gần như 100%. Tuy nhiên, khác với quân đội Nga đã tham chiến suốt từ chiến tranh Gruzia tới nay, (4) Belarus chưa từng tác chiến xa nhà và các chương trình hiện đại hóa quân sự của họ cũng rất hạn chế.

Thứ tư, việc Belarus tạo ra mối nguy an ninh từ phía Nam, có thể gia tăng động lực gia nhập NATO của các quốc gia vùng Baltic như Phần Lan, Thụy Điển.

Để tham chiến, Belarus cần động viên thêm lực lượng quân đội dự bị (khoảng hơn 10 vạn người) khiến sườn phía Tây của các quốc gia NATO trở thành khu vực gia tăng các dấu hiệu quân sự một cách đột biến. Động thái đó buộc các quốc gia này phải căng mình hơn trước sự đe dọa tập kích thọc sườn của khối NATO (nhất là Ba Lan) tại khu vực này. Thậm chí là chiến tranh phủ đầu để giảm thiểu rủi ro.

Trong khi đó, Belarus là vùng đệm của Nga với khu vực Baltic, nếu Belarus bị xâm phạm, Nga sẽ buộc phải điều quân tham chiến và điều này sẽ quay trở lại châm ngòi cho lý do thứ nhất mà mình vừa nêu ra ở trên: chiến tranh lan rộng.

Thứ năm, để cho chiến tranh xảy ra trên đất của Belarus có thể khiến hình ảnh của ông Lukashenko trong lòng người dân bị lung lay

Suy cho cùng, việc ông Lukashenko có thể tại vị từ 1994 đến nay một phần cũng nhờ sự hậu thuẫn của Kremly. Nếu vì lý do thiếu chính đáng mà phát động chiến tranh vào nước láng giềng Ukraine, ban lãnh đạo của Minsk sẽ cần nhiều hơn một lý do hỗ trợ đồng minh.

Kết luận:

Như vậy mình có thể dự đoán rằng tong tương lai:

---

  1. Belarus sẽ không điều quân vượt biên giới và tham chiến trực diện với Ukraine nhưng không loại trừ khả năng:
  2. Belarus sẽ tạo điều kiện để Nga mượn lãnh thổ của mình để bố trí các đơn vị tên lửa phòng không, sắp xếp kho tàng, sân bay quân sự, doanh trại huấn luyện tân binh, trạm y tế - hậu cần ...
  3. Thậm chí xa hơn, Minsk có thể còn đề nghị hoặc cho phép Nga bố trí tên lửa đạn đạo chiến lược trên lãnh thổ của mình

---

Nói khác đi, Belarus đứng về phía Nga và sẵn lòng trở thành một không gian tác chiến lân cận, đủ khả năng kìm kẹp quân đội của Kiev ở phía Bắc.

Belarus sẽ buộc (1) Ukraine phải căng mình tại biên giới để phòng thủ thay vì điều quan tới các chiến trường trọng yếu khác như vùng Donbas. (2) Trừ phi Nga cần phải mở một gọng kìm ở phía Bắc - Tây Bắc nhằm ép cho Kiev lùi về bờ Tây, hoặc trong tình huống xấu nhất, khi Nga thất bại trong cuộc bao vây Kiev (nếu việc này diễn ra một lần nữa), việc (3) rút lui vào lãnh thổ Belarus thay vì đi đường vòng về Belgorod của Nga chắc chắn sẽ được triển khai nhanh chóng hơn.

Cho nên, với tư cách là đồng minh thân cận nhất của LB Nga hiện nay, nói Belarus chưa tham chiến hay đứng ngoài cuộc chiến là một nhận định không chính xác. Theo quan điểm cá nhân của mình thì Belarus hiện nay đã tham chiến một cách gián tiếp rồi.

Và sự tham chiến ấy nguy hiểm chả kém gì tên lửa hành trình được bắn từ một nơi không xác định trên biển Đen .

---

Thay lời giới thiệu:

Xung đột giữa Nga và Ukraine chính thức nổ ra ngày 24.02.2022, trong suốt thời gian chiến sự manh nha diễn ra xung quanh Thủ đô Kiev, mình đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan tới cuộc chiến này. Mình đã trả lời tất cả các câu hỏi đó. Sau một năm, mình đã quyết định tổng hợp lại và trình bày chúng theo dạng hỏi và đáp để mọi người cùng đọc. Quan điểm quân sự và địa chính trị của mình trong các bài viết này hoàn toàn mang góc nhìn cá nhân và không đứng ra ủng hộ bất cứ bên nào.

Hy vọng chiến tranh sớm kết thúc và đem lại bầu không khí hòa bình, ổn định cho thế giới !