Một góc nhìn so sánh về Thế chiến thứ Nhất và Xung đột Nga-Ukraine

Tesla Quốc Hưng

Sự kiện

Địa chính trị

17 Tháng Ba, 2023

Một góc nhìn so sánh về Thế chiến thứ Nhất và Xung đột Nga-Ukraine

(*) Bài viết được chia sẻ nhằm tưởng niệm 1 năm nổ ra chiến tranh Nga - Ukraine

---

Ít tiếng đồng hồ nữa đánh dấu một năm diễn ra cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, tôi có ít so sánh giữa cuộc chiến này và Chiến tranh Thế giới thứ nhất, một cuộc chiến mà cá nhân tôi có ít tìm hiểu và yêu thích.

---

1. Ảo mộng về một cuộc chiến ngắn:

Nhiều người Nga lẫn thế giới, từ khi cuộc chiến bắt đầu, có một nhận định rằng Nga sẽ sớm dành chiến thắng, sau vài ngày, hoặc vài tháng, nhưng trên thực tế, vì nhiều yếu tố nên cuộc chiến này đã kéo dài được một năm, Ukraine đã phải tổng động viên bảy đến tám lần, mất đi nhiều lực lượng tinh nhuệ.

Bản thân nước Nga, vì những tính toán của mình, cũng đã mất đi những khí tài và sinh mạng quý giá, hứng nhiều đòn trừng phạt kinh tế của Tây phương, qua đó làm thiệt hại đến nền kinh tế, dù nhiều dù ít. Trong Thế chiến thứ nhất, các quốc gia tham chiến đều rất tự tin và hứa với binh sĩ của mình rằng họ sẽ sớm được về nhà "trước Giáng sinh".

Tuy nhiên, cuộc chiến với các quốc gia quá cân tài cân sức [NATO và NGA] đã sớm biến thành một thế bí tàn khốc, khi họ không thể nào dành được chiến thắng quyết định trước đối thủ, qua đó, cứ mỗi một cuộc phản công qua đi, lại có hàng nghìn, chục nghìn, trăm nghìn, hoặc cả triệu thương vong cho hai bên. Lời hứa cuộc chiến ngắn ngủi đó sớm đưa một cuộc chiến vốn được cho là chỉ kéo dài vài tháng thành một cuộc chiến kéo dài hơn bốn năm, dẫn đến cái chết của hơn 10 triệu người, hoặc có thể hơn rất nhiều, toàn bộ một thế hệ trai trẻ đẹp nhất của các bên tham chiến đã bỏ mạng lại nơi những chiến trường của mặt trận phía Tây, mặt trận phía Đông, mặt trận Balkan, mặt trận An-pơ, mặt trận Palestine, mặt trận Lưỡng Hà, dưới đáy biển nơi bán đảo Gallipoli, nơi Đại Tây dương, và nhiều nơi khác trên thế giới, có những thi hài được tìm thấy, có những thi hài vẫn nằm lại sau hơn 109 năm.

Các quốc gia bước ra khỏi cuộc chiến, nếu thắng thì cũng mất đi gần như tất cả, nếu thua thì cũng chẳng còn gì.

---

2. Chiến tranh tiêu hao:

Nếu cuộc chiến Nga - Ukraine sớm kết thúc như những dự tính, thì mọi chuyện đã khác. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn cứ tiếp diễn, đưa hai bên vào một trạng thái tiêu hao khi họ phải ném tất cả những gì tốt nhất có thể vào để đạt được thế thượng phong trên chiến trường, Ukraine đã đi đến đợt động viên thứ tám, tiêu xài đến những chiếc xe tăng, những đạn pháo, những tên lửa Liên Xô cuối cùng, đến mức phải cầu viện hết quốc gia này đến quốc gia khác để có vũ khí.

Trong khi đó, Nga cũng đã chuyển trạng thái kinh tế dần sang nền kinh tế thời chiến, ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất có thể để đối phó với những sự viện trợ mới nhất của Tây phương cho Ukraine, chỉ với mức chi phí chiến tranh cho một ngày thôi cũng đã khó đong đếm được.

Giống như Thế chiến thứ nhất, các quốc gia tham chiến cũng đã phải động viên đến những thanh niên cuối cùng, để rồi những cụ già cũng phải cầm súng, vì trai tráng đã không còn. Chi phí chiến tranh ngày càng gia tăng, đè nặng lên những ai còn ở lại, hay những gia súc dùng trong chăn nuôi cũng sớm bị giết thịt để có cái ăn cho những người lính trên chiến trường, cho những nhân dân đói khát, để nông nghiệp càng thêm thất bát, làm cho nhân dân thêm cực khổ. Nước Đức trước chiến tranh là một quốc gia hùng mạnh hàng đầu châu Âu, nhưng khi bước ra cuộc chiến là một quốc gia đau khổ hàng đầu châu Âu.


---

3. Chưa có hồi kết:

Thực vậy, không ai biết khi nào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc, khi Tây phương vẫn còn hỗ trợ Ukraine và Nga vẫn triển khai tất cả những gì mình có để đối phó với những viện trợ đó.

Trong Thế chiến thứ hai, chỉ đến năm 1943, người ta đã có thể dự đoán rằng nước Đức khó dành chiến thắng sau các thất bại tại Stalingrad và Bắc Phi, thì trong Thế chiến thứ nhất, chỉ đến những tháng cuối cùng, người ta mới thực sự tin rằng Đức không thể thắng được nữa, khi họ đại bại trong đợt tấn công Kaiserschlacht (Cuộc chiến của Hoàng đế) trước Cuộc phản công Trăm ngày của phe Đồng Minh.

---

4. Sự tàn nhẫn của chiến tranh hiện đại:

Trong cuộc chiến Nga - Ukraine, dù có bao nhiêu sự bào chữa hay che dấu, hai bên đều chắc chắn đã có những tội ác chiến tranh nhắm vào những đồng loại, tử hình tù binh chiến tranh hay làm nhục tù binh chiến tranh. Họ không khoan nhượng nhau và sẵn sàng chiến đấu cho đến khi đối thủ không còn gì.

Giống như trong Thế chiến thứ nhất, "Chiến tranh Tàu ngầm" Không giới hạn của Đức đã khiến không biết bao nhiêu thường dân cũng như binh lính bỏ mạng dưới đáy Đại Tây dương lạnh lẽo, chỉ vì họ muốn bỏ đói nước Anh, hi vọng khiến nước này chịu đàm phán, hay như Cuộc diệt chủng Armenia vì người Ottoman tin rằng người Armenia đã cộng tác với Nga và phản bội họ, khiến hàng triệu người của dân tộc này phải chết thê thảm, lìa bỏ quê hương. Họ không hề thương tiếc nhau, mặc dù là đồng loại, họ sẵn sàng tiêu đến những đồng tiền cuối cùng, chỉ để bắn giết lẫn nhau.

---

5. Sự hiện diện của hầm hào (trench):

Mặc dù hầm hào của cuộc chiến Nga - Ukraine khó đạt được đến mức tàn khốc của Thế chiến thứ nhất, nhưng chắc chắn những người lính trong chiến hào cũng sẽ cảm thấy khiếp sợ khi biết rằng, cho dù hầm trú ẩn có được đào kiên cố đến đâu, đạn pháo của đối phương cũng sẽ sớm xuyên thủng và rồi chôn vùi họ dưới đống đổ nát.

Trong Thế chiến thứ nhất, chiến tranh hầm hào là một đặc trưng vô cùng nổi tiếng của nó, đặc trưng với những sự bẩn thỉu vô cùng tận, bùn đất ngập tới gối, bệnh dịch tràn lan, điều kiện vệ sinh thảm hại, những sự chán chường vô tận, những cái chết bất ngờ, cùng những cuộc tấn công vào hào đối phương đôi khi chỉ cách vài trăm mét thôi nhưng thương vong cũng là vô số kể. Có thể rằng, những đặc điểm trên cũng phần nào hiện hữu trong cuộc chiến Nga - Ukraine.

---

Cho dù là chiến tranh Nga - Ukraine của một năm trước đến bây giờ hay Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã dần dần phai mờ từ hơn một-trăm-năm trước, chúng đều sẽ để lại một vết sẹo lớn trên gia thịt của những quốc gia tham chiến, những tổn thương kinh tế sẽ mất nhiều năm để phục hồi, các quốc gia sẽ mất đi một thế hệ tinh tuý, những người vợ sẽ mất chồng, người mẹ sẽ mất con, người em sẽ mất anh.

Họ sẽ mất tất cả.

---

Trên đây là chia sẻ nho nhỏ về sự tương đồng của hai cuộc chiến, không theo một thứ tự nhất định trong các mục, sẽ bổ sung thêm khi nghĩ ra thêm, ao ước mọi người cùng đánh giá và cho những đóng góp.

Xin cám ơn !