Vietnam, Hue, 23:16 | 18.06.2022
Lại có bạn sinh viên khác hỏi mình hai câu hỏi thế này:
---
Hỏi: Thầy có nghĩ rằng mọi đời khía cạnh của đời sống đều liên quan tới chính trị ?
---
Đáp: Có em ạ, mình cho rằng mọi đời khía cạnh của đời sống đều liên quan tới chính trị. Khi dạy môn XHH chính trị, mình đưa ra cho sinh viên một câu hỏi: Đâu là nơi sẽ không cần tới sự hiện diện của chính trị? Nếu không có chính trị, đời sống xã hội sẽ trở nên như thế nào ?
Phần lớn các câu trả lời mình nhận được đều khá thú vị, song nhìn chung, không mấy ai có đủ can đảm để tin tưởng rằng xã hội loài người có thể vận hành trơn tru ổn định mà không cần tới hệ thống chính trị.
Để trả lời câu hỏi của em, ta có thể đi tìm lý giải ở vế đầu trong câu hỏi trên: Đâu là nơi sẽ không cần tới sự hiện diện của chính trị? Mình đoán đó là khi mà các cá nhân sống đơn độc một mình và hoàn toàn vắng bóng sự tự ý thức của bản thân về cái gọi là quyền lực, ở một nơi không có nhu cầu về sự quản lý, cai trị - thực thi, nơi không xuất hiện sự bất bình đẳng về tranh giành và chiếm giữ quyền lực.
Nhưng đó không còn được coi là một xã hội hoàn chỉnh, kể cả một xã hội thu nhỏ, vì xã hội đó thiếu các nhân tố khách quan để trở thành một mạng lưới, thậm chí chỉ là mạng liên kết giữa hai nút trục. Một xã hội ít nhất phải có hai khách thể, và các khách thể đó ý thực được sự tương tác qua lại với nhau.
Vì thế, nếu quay trở lại với xã hội loài người hoàn chỉnh, ta có thể nói chính trị tồn tại ở mọi nơi (từ trong phòng ngủ tới tận tòa nhà quốc hội), tác động vào mọi khía cạnh của đời sống (từ cái bàn chải cho tới vũ khí hạt nhân) và hiện diện ở mọi cấp độ (từ vi mô tới vĩ mô). Hay nói khác đi, mọi đời khía cạnh của đời sống của chúng ta đều liên quan tới chính trị và bị ảnh hưởng bởi chính trị.

---
Hỏi: Vậy lại nảy sinh một câu hỏi khác, thầy thấy phương châm "thể thao không dính dáng đến chính trị" có ý nghĩa như thế nào. Bởi vì nếu mọi thứ đều liên quan tới chính trị thì sao người ta lại lên án thật nhiều ?
---
Đáp: Oh, sự liên kết trong câu hỏi của em khá hay! Có vẻ như em đang muốn nói tới các động thái của FIFA nhắm vào đội tuyển Nga để phản đối việc Nga đưa quân vào Ukraine trong thời gian vừa qua. Mình nghĩ, chính trị bị lên án vì nền chính trị đó liên quan tới chuyện gây ảnh hưởng để phục vụ cho mục đích không chính đáng so với quan niệm chung hoặc đơn giản là phi đạo đức.
Thể thao là một phần của đời sống xã hội, vì thế thể thao ít nhiều đều có dính dáng tới chính trị. Chính vì thể thao cũng liên quan tới chính trị mà người ta lại càng cần vượt ra khuôn khổ của việc này, ít nhất là ở mặt tinh thần, như tinh thần thể thao thì không biên giới và không phân biệt sắc tộc - nhưng những điều này lại cực kỳ phổ biến trong xã hội có chính quyền.
Thế nhưng thể thao không thể đơn phương nằm ngoài chính trị mãi được, chẳng qua là tùy cấp độ và thái độ thôi. Khi một vị nguyên thủ quốc gia tới dự một sự kiện bóng đá, điều đó khiến người dân tin tưởng rằng bóng đá đang được xem trọng, khán giả được coi trọng, thể thao được coi trọng - những người hâm mộ thể thao sẽ dồn thiện cảm của mình cho vị nguyên thủ đó và ủng hộ chính sách của ông ta - đó chính là chính trị, chính xác hơn là PR Chính trị.
Vì thế, nói thể thao không dính dáng tới chính trị là nói tới tinh thần nhân văn của con người với con người vượt lên trên các định kiến xã hội. Nhưng nếu tin tưởng rằng tinh thần đó luôn đúng trong bối cảnh thực tế thì không hẳn.
Ngoài ra, còn một cách giải thích nữa cho sự lên án [chính trị]. Đặc trưng của cuộc chơi chính trị là thủ đoạn, còn thể thao lại đề cao cạnh tranh công bằng, vị tha, vượt lên chính mình. Áp dụng một cái gì đó thủ đoạn vào một sân chơi công bằng là đi ngược lại tinh thần nhân văn của chính lĩnh vực thể thao đó. Vì thế, chính trị khi dính dáng tới thể thao theo nghĩa gây ảnh hưởng thao túng hoặc ngược lại thường bị dư luận lên án.
Cuối cùng, em cũng cần hiểu rằng, "thể thao phi chính trị" khác với "thể thao vô chính phủ". "Phi chính trị" là thể thao công bằng, không dính dáng tới các mưu toan chính trị hiểu theo nghĩa đen, trong khi "vô chính phủ" là phủ định hoàn toàn sự hiện diện của chính trị / chính quyền / quyền lực trong thể thao - điều này là không thực tế. Hiểu một cách đơn giản hơn: dư luận chỉ có thể thể hiện thái độ của mình khi truyền thông đưa ra thông tin chính thức về những sự kiện như vậy. Vậy ai là người cho phép các thông tin đó được xuất hiện, xuất hiện ra sao, trong bao lâu và vì mục đích gì ?
Trả lời câu hỏi này thì càng ko thể bỏ qua mối liên hệ giữa thể thao và chính trị được. Dư luận không khó chịu trước mối liên quan thể thao - chính trị, dư luận bất bình trước sự chi phối cực đoan của chính trị lên thể thao, nhằm thực hiện các mưu đồ không chính đáng mà thôi.

---
Thay lời giới thiệu:
Xung đột giữa Nga và Ukraine chính thức nổ ra ngày 24.02.2022, trong suốt thời gian chiến sự manh nha diễn ra xung quanh Thủ đô Kiev, mình đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan tới cuộc chiến này. Mình đã trả lời tất cả các câu hỏi đó. Sau một năm, mình đã quyết định tổng hợp lại và trình bày chúng theo dạng hỏi và đáp để mọi người cùng đọc. Quan điểm quân sự và địa chính trị của mình trong các bài viết này hoàn toàn mang góc nhìn cá nhân và không đứng ra ủng hộ bất cứ bên nào.
Hy vọng chiến tranh sớm kết thúc và đem lại bầu không khí hòa bình, ổn định cho thế giới !