Vietnam, Hue, 20:47 | 22.04.2022
Có bạn sinh viên đặt câu hỏi cho mình thế này:
---
Hỏi: Theo thầy nghĩ bằng thủ pháp gì mà khi Mỹ đưa quân vào Iraq hay một số nước khác lại không vấp nhiều sự phản đối, nhưng Nga thì lại như vậy?
---
Đáp: Muốn phản đối một ai đó công khai trên công luận, ta cần ít nhất ba thứ:
- (1) Lý do phản đối có cơ sở chính đáng (đúng với quan niệm chung về pháp luật hoặc đạo đức) ;
- (2) Tổ chức phát ngôn chính danh (khác với tin đồn không căn cứ) ; và
- (3) Kênh truyền phát chính thức (phương tiện, công nghệ, hạ tầng kỹ thuật ...)
Cả ba cái "chính" này đều do Mỹ kiểm soát. Kể cả lý do, vì chả có lý do nào rõ ràng hơn ngoài việc muốn kiềm chế sự lớn mạnh của Nga - quốc gia đang nắm quả bóng dầu mỏ và nhất định không tuân theo luật chơi do Mỹ và Phương Tây bày ra trong suốt hai trăm năm qua. Nhưng tất cả những điều này lại được phủ bóng bởi "dân chủ, tự do, nhân quyền" hay "luật pháp quốc tế" và "hiến chương Liên hợp quốc" (UN) và được vận hành bởi một đế chế truyền thông phủ sóng toàn cầu.
Trong khi đó, UN là một tổ chức quốc tế sống dựa vào ngân sách của Mỹ nhiều hơn bất cứ môt tổ chức quốc tế nào, trụ sở của nó cũng nằm trên đất Mỹ - liệu họ có thể từ chối việc đưa ra các kiểm soát nhất định đem lại lợi thế sân nhà cho họ ? Việc trục xuất các nhà ngoại giao của Nga đang làm việc trong trụ sở LHQ tại New York vào tháng 05.2022, với lý do chính phủ Mỹ không cho phép các nhà ngoại gia đến từ Nga được ở lại quốc gia này cho thấy Mỹ không xem LHQ là lãnh thổ quốc tế mà ngược lại chỉ là sân sau của họ.
Còn cái gọi là truyền thông quốc tế, thực chất chính là truyền thông của phương Tây và đang được hai quốc gia lớn nhất là Mỹ & Anh kiểm soát. Đến cả những mạng xã hội lớn nhất như Facebook cũng nằm dưới quyền kiếm soát của luật pháp và chính phủ Hoa Kỳ, họ buộc phải đưa tin sao cho có lợi cho các quốc gia này trước. Nhìn chung, Facebook thà làm vậy để nhận được nhiều sự ủng hộ của công luận hơn là dính vào bê bối chính trị với nhà cầm quyền. Nói khác đi, chả có ai dùng cái loa của nhà để phát những bài hát mà ngay cả "người nhà" cũng từ chối nghe.
Tất nhiên Nga cũng có những kênh truyền thông riêng của mình như VKontact, Telegram hay RT ..., và họ đủ sức để cấm một mạng xã hội nào đó đưa ra các quan điểm bất lợi cho quốc gia này, nhưng thị phần truyền thông của Nga rất bé, họ không là gì so với đế chế truyền thông của Phương Tây.
Từ những điểm này, có thể thấy cái gọi là đúng hay sai, chính đáng hay không chính đáng, vô nghĩa hay phi nghĩa - không chỉ do ta quan niệm là đủ - cả một hệ thống truyền thông đang tác động, nhào nặn nên ý thức của người dùng nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó. Chỉ cần một vài tin được đưa vào ngày đầu cuộc chiến, không ít người tin rằng Nga đang thua và phương Tây thì hoàn toàn vô sự. Nga sai còn Ukraine thì đúng. Nga "mất dạy" còn Ukraine thật đáng thương và người Ukraine chắc chắn sẽ chiến thắng một nước Nga hiếu chiến...
Hiện giờ, để "lấy lòng" chính phủ sau các vụ bê bối rò rỉ thông tin người dùng trong các năm 2020 - 2021, các tổ chức mạng xã hội như Facebook, Youtube... đang ra sức chống lại hình ảnh của Nga, trong khi Nga thì chưa làm gì lại được ngoài công bố các sự thật chưa được kiểm chứng
Với những lợi thế tuyệt đối đó, em nghĩ khi nã tên lửa vào các quốc gia Trung Đông, chính phủ Hoa Kỳ có còn dễ dàng bị phản đối không ?

---
Thay lời giới thiệu:
Xung đột giữa Nga và Ukraine chính thức nổ ra ngày 24.02.2022, trong suốt thời gian chiến sự manh nha diễn ra xung quanh Thủ đô Kiev, mình đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan tới cuộc chiến này. Mình đã trả lời tất cả các câu hỏi đó. Sau một năm, mình đã quyết định tổng hợp lại và trình bày chúng theo dạng hỏi và đáp để mọi người cùng đọc. Quan điểm quân sự và địa chính trị của mình trong các bài viết này hoàn toàn mang góc nhìn cá nhân và không đứng ra ủng hộ bất cứ bên nào.
Hy vọng chiến tranh sớm kết thúc và đem lại bầu không khí hòa bình, ổn định cho thế giới !