Tổng quan về việc triển khai các biện pháp phi dược phẩm trong việc ngăn chặn đại dịch COVID - 19 tại Việt Nam

Tuấn Long

Nghiên cứu

Thống kê & Phân tích dữ liệu

09 Tháng Tám, 2021

Tổng quan về việc triển khai các biện pháp phi dược phẩm trong việc ngăn chặn đại dịch COVID - 19 tại Việt Nam

TÓM TẮT

NPIs là hệ thống các biện pháp can thiệp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh mà không có sự hỗ trợ của các loại dược phẩm và được chú trọng sử dụng trước khi tìm ra được vaccine đặc hiệu. Thông qua việc khai thác dữ liệu khảo sát từ công ty YouGov, bài viết hướng tới việc cung cấp thông tin một cách hệ thống về biện pháp NPIs đang được chính phủ Việt Nam triển khai; đồng thời so sánh phản ứng của người dân Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới về cách thức thực hiện các biện pháp NPIs. Một số bằng chứng trong bài viết này cho thấy, tâm lý lo ngại trước diễn biến của đại dịch đã khiến cho người dân Việt Nam thực hiện các biện pháp NPIs với tỉ lệ cao hơn so với nhiều quốc gia phương Tây khác. Đây có thể xem là một trong các lý do giúp Việt Nam giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, góp phần ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua

Từ khóa: Biện pháp can thiệp phi dược phẩm, Dãn cách xã hội, Covid-19

1. MỞ ĐẦU

Theo dữ liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính từ đầu tháng 01.2020 đến nay - thế giới đã ghi nhận gần 180 triệu ca lây nhiễm COVID-19, trong đó có 3.9 triệu người tử vong, chiếm tỉ lệ 2,14 % [10]. Các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brasil liên tục trở thành các quốc gia dẫn đầu về tỉ lệ lây nhiễm và tử vong trong thời gian dài [10]. Ngược lại, Việt Nam lại trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới kiểm soát được tình hình lây lan của dịch bệnh và giảm thiếu tới mức tối đa số người thiệt mạng. Nhờ đó, Việt Nam trở thành điểm đến an toàn của nhiều du khách và trở thành bài học điển hình để các quốc gia khác học tập trong việc phòng chống đại dịch COVID-19 [5]. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công của Việt Nam - ngoài sự dũng cảm chính trị của chính phủ và tinh thần đoàn kết của người dân - còn cần phải kể đến việc triển khai hữu hiệu các biện pháp can thiệp phi dược phẩm NPIs trong kiểm soát và phòng chống đại dịch COVID-19.

2. NỘI DUNG

2.1. Các biện pháp NPIs là gì ?

NPIs có cơ sở khoa học riêng để được công nhận và triển khai một cách hệ thống trước tình huống đại dịch bùng phát. Trước hết, lĩnh vực khoa học về dịch tễ (epidemiology) định nghĩa các biện pháp can thiệp phi dược phẩm (Non-pharmaceutical interventions - viết tắt là NPIs) được xem là các phương pháp giảm thiếu sự lan rộng của dịch bệnh mà không sử dụng tới cách thức điều trị bằng thuốc [9, 8].

Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (United States Centers for Disease Control and Prevention – viết tắt là US.CDC) xem biện pháp can thiệp phi dược phẩm là các hành động cụ thể mà người dân và cộng đồng có thể thực hiện nhằm giúp làm giảm sự lây lan của bệnh tật trong đại dịch mà không sử dụng thuốc và tiêm chủng [1]. Theo nghĩa rộng, NPIs còn được xem như một chiến lược giảm thiểu tác động của đại dịch dựa vào cộng đồng. Tổ chức US.CDC lập luận rằng, bệnh dịch (epidemic) sẽ xảy ra khi một loại virus mới lây lan giữa mọi người trong cộng đồng, tuy nhiên khi virus có khả năng lây lan nhanh và gây bệnh ở cấp độ xuyên quốc gia nó sẽ được gọi là đại dịch, hoặc đại dịch toàn cầu (global pandemic). Đại dịch COVID-19 là một trường hợp điển hình cho đại dịch toàn cầu như vậy.

Khác với các loại cúm mùa thông thường (flu), virus Corona tạo nên đại dịch COVID-19 có nhiều biến thể phức tạp, phần lớn các quốc gia đều chưa có kinh nghiệm ứng phó, càng chưa kịp hình thành hệ miễn dịch trong cộng đồng do chưa tìm ra vaccine đặc hiệu - vì thế người dân trên thế giới không có khả năng chống lại đại dịch một cách triệt để. Điều này cho phép virus lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác và tạo nên đại dịch. Trong bối cảnh ấy, NPIs được xem là một trong những cách tốt nhất để kiểm soát đại dịch trước khi sản xuất được vaccine hoặc tạo ra được trạng thái miễn dịch cộng đồng.

Dựa trên báo cáo về “Tác động của các can thiệp phi dược phẩm (NPIs) trong việc giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19 và nhu cầu chăm sóc sức khỏe” do Neil M Ferguson và nhóm tác giả Đại học hoàng gia London thực hiện - ta thấy có hai chiến lược cơ bản trong việc phòng chống đại dịch, gồm: giảm nhẹ (mitigation) và ngăn chặn (suppression) [3]. Trong đó giai đoạn giảm nhẹ là quá trình tập trung vào vào việc làm chậm lại tiến trình lây lan của dịch bệnh, song không nhất thiết phải đạt được mục tiêu chặn dứng hoàn toàn sự lây lan của đại dịch; trong khi đó, quá trình ngăn chặn lại lại tập trung nhắm đến sự đảo ngược của tiến trình gia tăng của bệnh dịch, giảm số ca lấy nhiễm xuống mức thấp nhất và nỗ lực để duy trì trạng thái đó kéo dài vô thời hạn. Như vậy, các nỗ lực triển khai NPIs nằm ở tiến trình thứ nhất gồm giảm thiểu và giảm nhẹ tác động của đại dịch. Các quốc gia chỉ có thể chuyển sang trạng thái ngăn chặn đại dịch khi đã tìm được vaccine đặc hiệu. Mặc dù vậy, việc triển khai tốt các biện pháp NPIs cũng sẽ góp phần giảm thiếu tỉ lệ tử vong của người dân đến mức tối đa và đem lại niềm tin cho người dân khi tham gia vào chống lại đại dịch toàn cầu này.

Nghiên cứu về "Lý do khiến các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương thành công trong việc chống lại đại dịch COVID-19" của Jeffrey D. Sachs đề cập đến trong "Báo cáo hạnh phúc thế giới" năm 2021 đã đưa ra mô hình hành động trong kiểm soát dịch bệnh được các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương áp dụng, gồm: thắt chặt kiểm soát biên giới, cách ly nhóm hành khách đến tại sân bay, gia tăng việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, giãn cách xã hội và giữ khoảng cách khi tiếp xúc, sự vào cuộc của hệ thống giám sát sức khỏe cộng đồng (gồm test nhanh triệu chứng của covid, liên hệ theo dõi liên tục, và cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà đối với những người lây nhiễm hoặc nghi nhiễm) [2, 93].

Nghiên cứu của Jeffrey D. Sachs và nhóm cộng sự cũng đã đưa ra được minh chứng cho thấy các quốc gia đang phát triển tại Châu Á - Thái Bình Dương kiểm soát dịch bệnh tốt hơn so với các quốc gia phát triển thuộc Bắc Mỹ & Châu Âu. Vì thế, tại các quốc gia Châu Á này, số lượng người thiệt mạng được xếp hạng thấp hơn so với các nước trên thế giới [2, 95]. Cùng với Hàn Quốc, Việt Nam là một trong những điểm sáng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 lần này.

2.2. Các biện pháp NPIs

Tựu chung lại cho các nghiên cứu ở trên, các biện pháp NPIs trong phòng chống đại dịch COVID-19 đã được Tổ chức y tế thế giới (WHO) hướng dẫn triển khai một cách hệ thống theo 04 cấp độ áp dụng từ cá nhân đến toàn cộng đồng [9, 13 – 18], gồm:

1 - Các biện pháp bảo vệ cá nhân (Personal protective measures); biện pháp này bao gồm các chỉ báo như vệ sinh tay, cách thức hô hấp, và đeo khẩu trang.

2 - Các biện pháp làm sạch môi trường sống (Environmental measures); biện pháp này bao gồm các chỉ báo như làm sạch bề mặt tiếp xúc, rọi đèn tia cực tiếm, gia tăng mức độ thoáng khí và điều chỉnh độ ấm.

3 - Các biện pháp dãn cách xã hội (Social distancing measures); biện pháp này bao gồm các chỉ báo như truy vết địa chỉ nghi nhiễm, cách ly các cá nhân nhiễm bệnh, cách ly cá nhân bị phơi nhiễm, tạm đóng cửa trường học và nơi làm việc, hạn chế tụ tập đông người.

4 - Các biện pháp hạn chế di chuyển du lịch (Travel-related measures); biện pháp này bao gồm các chỉ báo như cung cấp khuyến cáo du lịch, hạn chế di chuyển ra nước ngoài, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân tới từ vùng dịch, kiểm soát chặt chẽ biên giới, thậm chí là tạm đóng cửa biên giới.

Tại Việt Nam hiện nay, các biện pháp NPIs đã được triển khai trên diện rộng song ngoài các cơ quan chức năng ra, không phải ai cũng hiểu rõ cơ sở sở khoa học khi triển khai của các biện pháp này. Theo ý kiến chủ quan của bản thân, chúng tôi cho rằng việc thiếu thông tin về các biện pháp NPIs này sẽ dễ gây ra tâm lý hoang mang trong dư luận, dẫn đến việc thiếu ý thức trong việc tham gia phòng chống dịch bệnh và gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Bài viết này muố n cung cấp thông tin một cách tổng quan về các biện pháp can thiệp phi dược phẩm NPIs và một số phản ứng của người dân Việt Nam nói riêng trước các biện pháp can thiệp nhằm hạn chế tình huống thiếu thông tin kể trên.

2.3. Nguồn dữ liệu thứ cấp của YouGov

Phần lớn các biện pháp NPIs đều đã được chính phủ Việt Nam áp dụng một cách triệt để từ Trung ương đến địa phương. Song song với đó, Đài truyền hình Việt Nam thường xuyên cập nhật thông tin về các thành tích đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19 bằng các hình thức đa dạng, phong phú khác nhau. Phần lớn các nội dung truyền thông này tập trung theo chủ đề đề cao tinh thần dân tộc (nasionalism), tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết lúc hoạn nạn - vốn là một trong những đặc tính văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Các thông tin này góp phần tạo nên sự tin tường và nhanh chóng đạt được sự ủng hộ của người dân trong và ngoài nước, nhờ vậy chỉ sau một thời gian chống dịch Việt Nam đã trở thành một trong số ít các quốc gia triển khai thành công NPIs, góp phần giảm thiểu được sự lây lan của dịch bệnh với tỉ lệ người tử vong được xem là thấp so với các quốc gia phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Brasil hay Ấn Độ.

Dưới đây là một số đánh giá tổng quan về các biện pháp can thiệp phi dược phẩm NPIs được Việt Nam áp dụng trong việc ngăn chặn đại dịch COVI-19 thông qua bộ dữ liệu khảo sát của YouGov - một công ty khảo sát của Anh - thực hiện trên 18 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, khi đưa về trình bày trong báo cáo này, chúng tôi không có ý định thể hiện hết toàn bộ 18 quốc gia vì không đảm bảo được sự tối ưu trong hiển thị trực quan. Thay vào đó, chúng tôi chỉ chọn ra một số quốc gia tiêu biểu, cụ thể Việt Nam đại diện cho các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương; Anh, Pháp, Đức đại diện cho Châu Âu; Mỹ, Canada, Mexico đại diện cho Bắc Mỹ. Các quốc gia thuộc Châu Phi và Trung Đông không được chúng tôi lựa chọn sử dụng trong báo cáo này. Sau khi lọc các quốc gia, chúng tôi cũng sử dụng luôn biểu đồ được trình bày bởi YouGov nhưng chèn thêm lớp thời gian bùng phát 04 đợt dịch bệnh tại Việt Nam để gia tăng khả năng so sánh.

1.1. Kết quả nghiên cứu

1.1.1. Biện pháp bảo vệ cá nhân

Các biện pháp bảo vệ cá nhân (Personal protective measures ) - bao gồm các hoạt động cụ thể như vệ sinh tay, kiểm soát hô hấp, và đeo khẩu trang. Trong đó giữ gìn vệ sinh bàn tay và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nơi đông người được xem là các cách thức phòng chống dịch bệnh được áp dụng thường xuyên và đã đem lại kết quả hữu hiệu hơn cả.

Dữ liệu khảo sát trong được cung cấp từ giúp thể hiện mối quan ngại về COVID-19 cao hơn và do đó, có những phản ứng quyết liệt hơn trong phòng chống COVID-19 so với các quốc gia phát triển khác tại Bắc Mỹ và Châu Âu [10].

Biểu đồ dưới đây cho thấy tỉ lệ phần trăm người dân đeo khẩu trang khi tham gia sinh hoạt tại nơi công cộng của Việt Nam đều ở mức cao, trung bình trên 80%. Cá biệt vào đầu tháng 04.2020 khi dịch bệnh đạt đỉnh cao trong đợt dịch lần thứ nhất [8], tỉ lệ người dân đeo khẩu trang ở Việt Nam lên đến 87% và vẫn duy trì ở mức tiệm cận 78% cho đến cuối tháng 05.2021. Ngược lại, tỉ lệ đeo khẩu trang tại nơi công cộng ở các quốc gia phương Tây như Mỹ và Anh đạt ở mức khá thấp, trong đó vào thời điểm đầu của đại dịch, tỉ lệ người Mỹ đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người chỉ đạt mức 5%, còn ở Anh là 1% (tháng 03.2020). Căn cứ vào độ rời rạc của đồ thị trong giai đoạn từ tháng 05 tháng đầu năm 2020, ta có thể thấy các quốc gia phương Tây phản ứng chậm chân hơn so với Việt Nam. Vào giai đoạn này Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra chiến tranh thương mại, vì thế truyền thông tại Mỹ gần như đã phớt lờ cảnh báo từ các quốc gia Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc về sự nguy hiểm của loại virus mới mang tên Vũ Hán (Wuhan virus). Từ khi đại dịch bùng nổ tại Mỹ đến nay, quốc gia này đã có hơn 33 triệu ca lây nhiễm (chiếm 1/10 dân số), trong đó gần 600.000 người thiệt mạng [12] . Sau một thời gian áp dụng việc đeo khẩu trang ở tỉ lệ cao như Việt Nam, từ tháng 02.2020 đến nay, tỉ lệ người đeo khẩu trang tài Mỹ liên tục giảm xuống mức 63%, bằng với tỉ lệ người đẹo khẩu trang của một năm về trước, trong khi đó, mức độ lây nhiễm tại Mỹ chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Biểu đồ 1. So sánh tỉ lệ người dân Việt Nam đeo khẩu trang tại nơi công cộng từ 20.01.2020 – 24/06/2021 (%)

Để giải thích cho hiện tượng trên, ngoài nhìn nhận khía cạnh bắt buộc của Chính phủ trong việc yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng theo chỉ thị số 16, ta cũng cần bàn đến động cơ khiến người dân sẵn sàng chấp nhận việc buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Dữ liệu của YouGov cũng cho thấy người dân các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương không chỉ được yêu cầu đeo khẩu trang sớm hơn các quốc gia Châu Âu vì đại dịch bùng phát ở các quốc gia này trước khi lan tới Châu Âu mà chính bản thân người dân tại các quốc gia này cũng tỏ ra sợ hãi trước đại dịch COVID-19 hơn so với các quốc gia Châu Âu. Chính vì trạng thái tâm lý bất an này, mà người dân các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam - tỏ ra ủng hộ các biện pháp NPIs của chính phủ hơn. Các biện pháp NPIs được chính phủ Việt Nam sử dụng rộng rãi nhất là vô hiệu hóa các đối tượng nghi nhiễm, hạn chế người dân đi lại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tạm đóng cửa các công ty, cửa hàng, doanh nghiệp trừ các cơ sở kinh doanh thực phẩm và y tế, chính phủ cũng thực hiện cách ly số lượng lớn các khu vực nghi nhiễm và tiến hành test nhanh COVID-19 trên diện rộng [5]. Trong các biện pháp trên, hình thức là cách ly hành khách tới sân bay và phong tỏa tạm thời các địa phương nghi nhiễm là nhận được sự ủng hộ nhiều hơn cả [2, 96] .

2.4.2. Các biện pháp làm sạch môi trường sống

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các biện pháp làm sạch môi trường sống bao gồm các giải pháp hạn chế tối đa việc tiếp xúc của cơ thể đến các bề mặt vật lý như kim loại vì đây là môi trường sống thích hợp của virus. Bộ Y tế và các kênh truyền thông của Việt Nam cũng đưa ra nhiều thông điệp khuyến cao người dân thực hiện ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách luyện tập thể thao, uống nhiều nước và cùng làm sạch không gian sinh sống trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Dữ liệu từ khảo sát của YouGov một lần nữa đưa ra minh chứng cho việc chấp hành của người dân Việt Nam nói chung trước động thái duy trì việc rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn và giảm thiểu thói quen ăn thức ăn chưa được nấu chín. Ở các hai chỉ báo này, Việt Nam nói riêng và các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương nói chung đều duy trì tỉ lệ ở mức cao hơn so với các quốc gia phương Tây; đặc biệt là ở khía cạnh vệ sinh bàn tay. Trung bình có 70% người dân Việt Nam cho biết họ thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn (hand sanitizer), tỉ lệ này đạt ở mức cao nhất ngay trong đợt bùng phát đầu tiên của dịch bệnh với 84%. Ngược lại, các quốc gia phương Tây không duy trì được tỉ lệ này lây mà giảm dần đều từ tháng 05.2020 cho tới tháng 05.2021 chỉ còn 2/3 so với ban đầu, trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở các quốc gia này vẫn chưa được kiểm soát, trung bình vẫn có trên dưới 1000 người chết mỗi ngày do COVID-19 [12].

Trái ngược với việc thường xuyên đăng tải các nội dung mang nội dung đề cao tính hiểm họa của COVID-19 như các quốc gia khác thường làm trước đại dịch, có thể thấy truyền thông Việt Nam đã làm rất tốt trong khâu tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Một dự án truyền thông nổi tiếng được nhắc đến trong giai đoạn này là bài hát “Ghen Co Vy” được Viện khoa học An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam hỗ trợ phát hành, trong đó ca sĩ Khắc Hưng đã viết lại lời thoại và vũ công Quang Dang thiết kế lại vũ đạo [5]. Bài hát nhanh chóng được chia sẻ trên Youtube với hơn 600 triệu lượt xem, được đánh giá là bài hát lan toản sự lạc quan và tự tin đến cho người dân Việt Nam sát cánh cùng chính phủ trong phòng chống dịch bệnh.

2.4.3. Giãn cách xã hội

Giãn cách xã hội thuộc cấp độ 3 trong biện pháp NPIs và trên thực tế lại gồm ba khái niệm cần làm rõ, gồm giãn cách xã hội, cách ly xã hội và cô lập xã hội.

Giãn cách xã hội (social distancing) - là một nhóm biện pháp nhằm duy trì khoảng cách vật lý giữa người với người, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Giãn cách xã hội được phân làm nhiều cấp độ, từ khoảng cách tối thiểu giữa người với người là 2m, đến hạn chế tập trung nơi đông người, đóng cửa các cơ quan, hay hạn chế đi lại. Mục tiêu của sự giãn cách xã hội là giảm khả năng tiếp xúc giữa những người bị nhiễm trùng và những người khác không bị nhiễm bệnh, để giảm thiểu lây truyền bệnh, nhiễm bệnh và cuối cùng là tử vong [7]. Cấp độ cao hơn giãn cách xã hội là thực hiện cách ly xã hội.

Cách ly xã hội (social quarantine) - là biện pháp hạn chế việc di chuyển của một cá nhân / khu vực với cộng đồng, áp dụng với những cá nhân chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh, nhưng trước đó đã có tiếp xúc với người nhiễm bệnh [7]. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân biệt 07 trạng thái cách ly xã hội, bao gồm: cách ly nói chung (quarantine), cách ly với hàng xóm (household quarantine), cách ly tại nhà (home quarantine), tự cách ly (self-quarantine), cách ly tại nơi làm việc (work quarantine), cách ly hàng hải (maritime quarantine) và cách ly tại khu vực xuất nhập cảnh (onboard quanrantine) [9, 44]. Trong tình huống sự cách ly không thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi hoặc chiệu trứng của bệnh dịch vượt qua tầm kiểm soát tạm thời, Chính phủ sẽ tiến hàng mức độ giãn cách ở mức độ cao nhất là “cô lập xã hội”.

Cô lập xã hội (social isolation) - là trường hợp cách ly cục bộ, ngăn ngừa sự lây truyền từ người này sang người khác, từ bệnh nhân sang người thân hoặc từ bệnh nhân sang nhân viên y tế (lây nhiễm chéo); khái niệm này được dùng với những cá nhân đã có dấu hiệu nhiễm bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng phân biệt trạng thái cô lập xã hội theo 06 cấp độ, bao gồm: cô lập (isolation), cô lập theo trường hợp (case isolation), cô lập bệnh nhân (patient isolation), cô lập tại nhà (home isolation), tự nguyện cô lập (voluntary isolation) và tự cô lập (self-isolation) [9,40].

Tại Việt Nam, biện pháp giãn cách xã hội từng được sử dụng bằng thuật ngữ “cách ly toàn xã hội” theo chỉ thị 16, được Chính phủ ban hành ngày 31.03.2020 [4] .Tuy nhiên, để tránh tạo ra trạng thái tâm lý bị cô lập hay bị kỳ thị giữa người nhiễm bệnh và công chúng, truyền thông cũng như dư luận trong nước đã dần dần sử dụng cụm từ “giãn cách xã hội” thay thế cho “cách ly xã hội” và gần như bỏ qua cụm từ “cô lập xã hội”.

Biểu đồ 4. So sánh số lượng tìm kiếm cụm từ “cách ly xã hội” và “giãn cách xã hội” trên Google (lần tìm kiếm)

Dữ liệu về xu hướng tìm kiếm trên Google của người dùng tại Việt Nam được ứng dụng Google Trend thể hiện khá rõ trong biểu đồ trên [14]. Theo đó, xu hướng tìm kiếm thông tin liên quan tới “giãn cách xã hội” và “cách ly xã hội hội” tương quan thuận với các đợt cao điểm của mùa dịch, càng vào giai đoạn cao trào nhu cầu tìm kiếm thông tin liên qua lại càng gia tăng. Nhìn chung sau gần một năm (từ 28.06.2020 đến 31.05.2021), thì xu hướng tìm kiểm cúa người dân Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể, không chỉ số lượng người tìm kiếm cụm từ “cách ly xã hội” có xuất phát điểm vốn ít hơn mà càng về sau, số lượng lần tìm kiếm cụm từ này càng lúc càng giảm đi. Tới tháng 05.2021 số lượng tìm kiếm cụm từ “cách ly xã hội hội” chỉ có tương đương ½ so với mốc ban đầu và chỉ bằng 1/5 so với “giãn cách xã hội”. Cũng cần lưu ý thêm, tuy cụm từ “cách ly xã hội” xuất hiện với tần suất thấp hơn so với cụm từ “giãn cách xã hội” nhưng không biến mất hẳn, dữ liệu theo dòng thời gian cho thấy nó vẫn cùng lên cùng xuống với cụm từ “giãn cách” ở trong cả 3 đợt dịch. Ngoài việc các hãng truyền thông quốc gia cung cấp thông tin cho người dân một cách có định hướng như đã trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng việc người dân tìm kiếm cụm từ “giãn cách xã hội” nhiều hơn còn là do tâm lý tò mò.

Khác với các đại dịch trước, COVID-19 là đại dịch đầu tiên khiến người dân Việt Nam phải tiến hành các thủ tục giãn cách xã hội trong thời gian dài, trong khi “cách ly” là một thủ tục ngăn cách người bệnh hoặc đối tượng đặc biệt ra khỏi cộng đồng vốn đã khá quen thuộc. Chính trạng thái quen thuộc từ lâu đan xen với trạng thái mới lạ này mà người dân ít nhiều sẽ có tâm lý hoang mang do thiếu thông tin và xuất hiện nhu cầu cần phải tìm kiếm câu trả lời. Google là nơi cung cấp thông tin nhanh và rẻ hơn cả.

Trước hết, bằng cách tra cứu số lần tìm kiếm hai cụm từ “giãn cách” và”cách ly” trên ứng dụng Google Trends từ 01.2004 đến nay (17 năm), ta sẽ thấy độ phổ biến gần như tuyệt tối của cụm từ “cách ly” so với “giãn cách” [16], áp dụng tương tự cách làm này với cụm từ “cách ly xã hội” và “giãn cách xã hội” – ta sẽ thấy độ phổ biến của hai từ này ở cùng một cấp độ, sự thay đổi chỉ xuất hiện ở giai đoạn sau năm 2019. Hay nói khác đi, khi ta kéo khung thời gian tham chiếu lại chỉ còn 01 năm thì lúc này dữ liệu sẽ hiển thị sự khác biệt khá lớn. Sự gia tăng trong số lần tìm kiếm của cụm từ “giãn cách xã hội” dần thay thế vị trí của “cách ly xã hội”. Điều này phản ánh thực tế tiếp thu thông tin trong dư luận có nhiều chiếu hướng thay đổi, thúc đẩy các hành vi tìm kiếm thông tin tương ứng với nguôn thông tin được tiếp thu đó

Ở một cách tiếp cận khác, nếu ta thay thế ba thuật ngữ trên bằng tiếng Anh, dữ liệu thu lại tại Việt Nam sẽ chỉ có sự tồn tại của cụm từ “giãn cách xã hội” (social distancing) tương ứng với các đợt dịch bùng phát, hoàn toàn không có nhiều dấu hiệu của hai thuật ngữ còn lại [15]. Điều này cho thấy, cách hiểu và tìm kiếm thông tin của Việt Nam có nhiều chiều hướng khác với cách cung cấp thông tin chính thống của Tổ chức Y tế thế giới ở cấp độ nghiêm trọng thấp hơn và tính cụ thể được cho là mờ nhạt hơn so với khung khái niệm được cung cấp ban đầu.

Giãn cách xã hội tại Việt Nam cũng bao gồm các chỉ báo như tạm đóng cửa những không gian dễ lây lan dịch bệnh như trường học, các nơi làm việc như công ty, doanh nghiệp, trung tâm thương mại; ngoài ra, chính phủ cũng yêu cầu người dân tránh tụ tập đông người và tổ chức các sự kiện quy mô lớn. Căn cứ trên dữ liệu của YouGov, ta cũng có thể nhận thấy Việt Nam là quốc gia chấp hành thực hiện việc cho con cái tạm nghỉ học ở mức cao so với các quốc gia khác trên thế giới. Khảo sát cho chỉ báo này không thu thập được nhiều dữ liệu từ các quốc gia Bắc Mỹ và các nước láng giềng với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, song có thể thấy các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn là khu vực hạn chế việc cho con đến các cơ sở chăm sóc và trường học cao hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây [10].

Biểu đồ 5. So sánh tỉ lệ người dân Việt Nam cho con nghỉ học ở nhà (%)

Xét một cách toàn diện, việc giãn cách xã hội quy mô lớn đem lại nhiều hệ quả tiêu cực cho nền kinh tế, vì thế đây có thể xem là lý do chính khiến các quốc gia phát triển từ chối thực hiện triệt để lệnh giãn cách xã hội. Vào những thời điểm đại dịch bùng phát mạnh, chính phủ Việt Nam cũng từng tiến hành giãn cách toàn xã hội trong vòng 14 ngày liên tục, sau khi trong nước không phát hiện ra các ca lây nhiễm trong cộng đồng, người dân mới được phép quay lại đời sống thường nhật song song vớicác biện pháp bảo vệ vệ sinh cá nhân và duy trì môi trường sống an toàn, lành mạnh.

2.4. Các biện pháp hạn chế di chuyển du lịch

Nếu giãn cách xã hội là cách thức được triển khai bên trong đất nước thì các biện pháp hạn chế di chuyển du lịch là giải pháp áp dụng cho việc phòng ngừa các hiểm họa lây lân dịch bệnh đến từ bên ngoài. Biện pháp này bao gồm các chỉ báo như hạn chế di chuyển ra nước ngoài và ngược lại; đưa ra các cảnh báo về du lịch (travel advice) kiểm soát xuất nhập cảnh (entry and exit screening); hạn chế di chuyển nội bộ (internal travel restrictions) kiểm soát chặt chẽ biên giới, thậm chí là tạm đóng cửa biên giới (border closure).

Trong các chỉ báo kể trên, hình thức cần thực hiện sớm nhất là đưa ra cảnh báo du lịch được áp dụng cho các công dân di chuyển ra và vào vùng dịch. Động thái này được triển khai nhằm khuyến cáo người dân kiểm soát hành động của bản thân khi tới môi trường mới như một biện pháp can thiệp vào sức khỏe cộng đồng. Theo đó, việc giúp công dân ý thức được trách nhiệm của bản thân trước bối cảnh đại dịch sẽ giảm thiếu khả năng tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc gián tiếp làm giảm sự lây lan của bệnh dịch trong cộng đồng.

Biểu đồ 6. So sánh tỉ lệ người dân Việt Nam từ chối tương tác vật lý với khách du lịch (%)

Dữ liệu khảo sát của YouGov cho thấy Việt Nam vẫn là quốc gia có tỉ lệ từ chối tiếp xúc vật lý với khách nước ngoài khá cao [10], trung bình có khoảng 55% người được hỏi cho biết, họ từ chối việc tiếp xúc trực tiếp lên quần áo, bắt tay, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang mỗi khi gặp người nước ngoài. Tỉ lệ này vẫn duy trì ở mức tiệm cận 60% cho tới tận tháng 5.2021, trong khi ở các quốc gia khác tỉ lệ từ chối tiếp xúc vật lý đang trên đà hạ nhiệt. Đặc biệt là ở Mỹ và Canada, ngay khi đại dịch tại các khu vực này hầu như chưa thể kiểm soát thì các quốc gia phương Tây khác như Anh, Đức, Pháp cũng không duy trì tỉ lệ này ở mức đều đặn như Việt Nam mà giảm nhẹ từ sau tháng 02.2021.

Một trong những nguyên nhân góp phần lý giải cho hiện tượng trên là việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho công dân ở các quốc gia phát triển được triển khai nhanh và đồng bộ hơn so với Việt Nam do lợi thế về làm chủ nguồn cung. Ngược lại, một số đặc trưng văn hóa tại các quốc gia Châu Á lại khiến cho tỉ lệ mắc bệnh ở các quốc gia này gia tăng đáng kể, điển hình là Ấn Độ. Tuy dữ liệu của YouGov chỉ ra tỉ lệ từ chối tiếp xúc vật lý với khách du lịch của Ấn Độ còn cao hơn cả Việt Nam, trung bình trên 62% nhưng bù lại, các hoạt động tôn giáo đông người được diễn ra từ giữa tháng 04 – 05.2021 trên khắp đất nước tạo ra sự tương tác vật lý khổng lồ giữa hàng triệu người Ấn, vô hình chung đẩy dịch bệnh lan ra nhanh chóng. Đã có hơn 30 triệu người nhiễm bệnh với gần 400.000 người chết [13].

Khác với các quốc gia Châu Âu, Việt Nam không tiến hành đóng cửa biến giới với các quốc gia láng giềng mà chỉ tiến hành thắt chặt an ninh biên giới, hạn chế tối đa người nhập cảnh trái phép thâm nhập vào nội địa thông qua các đường tiểu ngạch. Cách làm này giúp các cửa khẩu của Việt Nam không bị đóng băng trước nhu cầu tiêu thụ cao của thị trường lân cận, góp phần ổn định nền kinh tế và đảm bảo an yên tinh thần của người dân. Ngược lại, Việt Nam áp dụng các biện pháp thắt chặt kiểm soát ở sân bay bến cảng và cách ly ngay lập tức các trường hợp nghi nhiễm ngay tại sân bay hoặc công dân đến từ vùng dịch.

Trong các hướng dẫn của mình, WHO từng khuyến cáo không nên lạm dụng việc cách ly hành khách tại các sân bay vì yếu tố nhạy cảm, sự riêng tư của các công dân bị xâm phạm, gián tiếp tạo nên bầu không khí không thân thiện khi khách du lịch muốn nhập cảnh vào đất nước, thậm chí là tạo nên sự trì trệ trong việc luân chuyển khách du lích tại địa phương [9, 63]. Tuy nhiên, đây lại là giải pháp NPIs của chính phủ được người dân Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng ủng hộ, khảo sát của YouGov cũng cho thấy từ 77% đến 94% những người được hỏi cho biết họ ủng hộ các động thái của chính phủ sở tại trong việc tuân theo các quy định trong bối cảnh COVID-19 (COVID-19 rules) [2, 98]. Hay nói khác đi, phần lớn người dân Châu Áu – Thái Bình Dương tỏ ra ủng hộ các giao thức kiểm soát bệnh dịch của chính phủ hơn so với các quốc gia phương Tây. Và bằng cách chiếm được lòng tin của người dân trước các kết quả phòng tránh dịch, chính phủ Việt Nam đã nắm được một trong các chìa khóa quan trọng nhất giúp Việt Nam kiểm soát được đại dịch sau 04 lần đại dịch bùng phát tại Việt Nam.

3. KẾT LUẬN

NPIs là tổ hợp các biện pháp can thiệp phi dược phẩm được Việt Nam áp dụng thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh, Việt Nam đã giảm thiểu tối đa số lượng người tử vong trong hơn 1 năm qua và trở thành một điểm sáng trong công tác phòng dịch trên thế giới.

Việt Nam hiểu rằng, tuy NPIs không phải là giải pháp tối ưu nhất trong việc chặn đứng được hoàn toàn đại dịch nhưng cho tới khi thế giới tìm ra được vaccine đặc hiệu thì NPIs vẫn chính là biện pháp nòng cốt để giảm thiểu sự lây lan của đại dịch COVID-19. Các giải pháp mà Việt Nam lựa chọn thực hiện là chiến lược ngăn chặn nguồn bệnh ngay từ bên ngoài bằng cách thắt chặt kiểm soát biên giới, cách ly tập trung các hành khách nước ngoài tại sân bay, thực hiện giãn cách xã hội đồng thời với thiết lập trạng thái bình thường mới một cách đan xen để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.

Truyền thông nhà nước vào cuộc với một chiến lược được cho là phù hợp với tinh thần và văn hóa của người Việt, vì thế thông tin được đưa đến người dân không chỉ kịp thời mà còn tạo ra hiệu ứng lòng tin, góp phần tạo ra động cơ tích cực cùng thái độ tự giác để người dân ủng hộ động thái triển khai NPIs của Chính phủ trong suốt một thời gian dài. So sánh điều này với các quốc gia phương Tây trong cùng thời điểm, ta có thể phần nào nhận ra câu trả lời cho lý do khiến khả năng kiểm soát dịch bệnh của một nước đang phát triển như Việt Nam lại đem lại nhiều kết quả lạc quan hơn so với các quốc gia phát triển khác trên thế giới.

Tuy tâm huyết với công trình, song nghiên cứu này đang còn tồn tại hai hạn chế. Trước hết, dữ liệu trong nghiên cứu chưa có cơ hội được thu thập bằng các nguồn dữ liệu sơ cấp (primary data) như cách làm thông thường của Xã hội học mà chỉ dựa trên nguồn cung thứ cấp của YouGov, vì thế kết quả nghiên cứu có thể không thực sự sát với quan sát của người dân trên từng địa phương cụ thể. Thứ hai, giới hạn về nội dung tổng quan chưa cho phép người nghiên cứu đi sâu vào lý giải hành vi của cộng đồng theo cơ sở lý thuyết của xã hội học (sociological theorises). Trong các nghiên cứu kế tiếp, người nghiên cứu nên lựa chọn một trong hai phương án trên để khắc phục hạn chế và có cơ hôi đào sâu hơn vào nội dung của nghiên cứu lần này .

---

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Centers for Disease Control and Prevention (2020). "Nonpharmaceutical Interventions (NPIs)", Website: https://www.cdc.gov/nonpharmaceutical-interventions/index.html

[2]. Jeffrey D. Sachs (2021). "Reasons for Asia-Pacific Success in Suppressing COVID-19", World happiness report 2021

[3]. Neil M Ferguson (2020). "Report 9 - Impact of non-pharmaceutical interventions (NPIs) to reduce COVID-19 mortality and healthcare demand", Website: http://www.imperial.ac.uk/mrc-global-infectious-disease-analysis/covid-19/report-9-impact-of-npis-on-covid-19/

[4]. Thủ tướng chính phủ (2020). “Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 “. Webiste: https://moh.gov.vn/documents/176127/356256/31.3.2020+16+CT-TTg.pdf/ce106212-59de-4093-bfcc-47f50a9044f2

[5]. Todd Pollack (2021). "Emerging COVID-19 success story: Vietnam’s commitment to containment", Source: https://ourworldindata.org/covid-exemplar-vietnam

[6]. VN Express (2020). “Việt Nam 'cách ly toàn xã hội' trong 15 ngày”, Website: https://vnexpress.net/viet-nam-cach-ly-toan-xa-hoi-trong-15-ngay-4077462.html

[7]. Wikipedia (2021). "Giãn cách xã hội" . Website: https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A3n_c%C3%A1ch_x%C3%A3_h%E1%BB%99i

[8]. Wikipedia (2021). "Timeline of the COVID-19 pandemic in Vietnam", Website: https://en.wikipedia.org/wiki/Timeline_of_the_COVID-19_pandemic_in_Vietnam

[9]. World Health Organization (2019), "Non-pharmaceutical public health measures for mitigating the risk and impact of epidemic and pandemic influenza”

[10]. YouGov (2021). "Personal measures taken to avoid COVID-19", Website: https://today.yougov.com/topics/international/articles-reports/2020/03/17/personal-measures-taken-avoid-covid-19

* Nguồn số liệu trực tuyến

[11]. Website: https://covid19.who.int/

[12]. Website: https://www.worldometers.info/coronavirus/?utm_campaign=homeAdvegas1?

[13]. Website: https://www.worldometers.info/coronavirus/country/india/

[14]. Website: https://trends.google.com.vn/trends/explore?geo=VN&q=c%C3%A1ch%20ly%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i,gi%C3%A3n%20c%C3%A1ch%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i,c%C3%B4%20l%E1%BA%ADp%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i

[15]. Website: https://trends.google.com.vn/trends/explore?geo=VN&q=%2Fg%2F11c7s5skh1,%2Fm%2F0c_k31,social%20quarantine

[16]. Website: https://trends.google.com.vn/trends/explore?date=all&geo=VN&q=c%C3%A1ch%20ly,gi%C3%A3n%20c%C3%A1ch

---

Nguồn ảnh bìa: https://media.malaysianow.com/wp-content/uploads/2021/06/14185226/vietnam-covid-AP-010621-1024x708-1.jpeg

---

Media Team, Sociology Hue - HUSC

Editor & Design: Tuấn Long | tuanlong.dhkh@gmail.com