Bảng hỏi
Công cụ nghiên cứu chính trong mọi cuộc điều tra khảo sát định lượng. Phương pháp này được sử dụng nhiều đến mức, nếu trong bất cứ một cuộc khảo sát nào thiếu vắng sự có mặt của bảng hỏi, thiếu sự phân tích định lượng thì thường được xem là thiếu sức thuyết phục. Vấn đề bảng hỏi được đưa vào báo cáo này thể hiện qua hai chiều cạnh: Nội dung và hình thức.
Nội dung
Đây là vấn đề đau đầu và gây ra nhiều tranh cãi nhất. Số lượng bảng hỏi và nội dung câu hỏi đem đến hai câu hỏi lớn sau: Cỡ mẫu là bao nhiêu? và Nội dung này có hỏi được không?
“Mẫu là 300 vì cha phó xứ đã thay mặt lên tiếng và Nội dung nào cũng hỏi được, vì chúng ta đang làm là khoa học” – đây là nhận định của tôi. Nhận định này đúng, nhưng trên thực tế, chúng chưa thực sự phù hợp. Sự thiếu phù hợp này, được tôi nhìn nhận qua 3 vấn đề sau:
Thứ nhất, mẫu không đạt được con số 300 mà như tôi đã giải thích ở trên, do chưa có kinh nghiệm chọn mẫu nên số bảng hỏi mà chúng tôi đạt được trong quá trình tiến hành phỏng vấn là chưa đầy 150 người, chưa kể những người quá tuổi, những người bỏ dở… Trước đấy giáo viên hướng dẫn cũng có nói qua ý kiến của tôi là hơi quá sức, tôi đồng ý nhận định này của cô là đúng - tuy nhiên cô vẫn để chúng tôi thực hiện. Tôi quyết định đưa ra một con số được xem là quá tầm so với khả năng của nhóm nghiên cứu một chút, hơn là đưa ra một con số nào đó mà các học viên nghĩ là họ thừa sức làm được. Dù không đạt được kỳ vọng, nhưng tôi vẫn cảm ơn cách hướng dẫn của cô: để học viên có thể tự làm tự chịu trách nhiệm. Bài học về mẫu trong nghiên cứu có thể không thành công, vẫn cho tôi nhiều hiểu biết hơn về kinh nghiệm điều phối.

Thứ hai, câu hỏi nhạy cảm khó trả lời, là điều đã được đem ra bàn ở lớp học ngày 7/1 trước khi lên đường. Các câu hỏi liên quan đến cơ quan sinh dục khiến đại bộ phận học viên nữ trong lớp phản đối, muốn lược bỏ. Tôi thuyết phục mọi người bằng ý nghĩ: “Chúng ta đang làm khoa học, trước khi muốn người dân trả lời, tự bản thân các bạn phải chiến thắng được cảm giác ngại ngùng, thì mới khiến người dân cảm thấy nhẹ nhàng và trả lời theo”.
Nhận định này dĩ nhiên là đúng, nhưng vẫn không thực sự hiệu quả. Bảng hỏi được phát trong không gian thờ cúng vốn trang nghiêm, xung quanh là người quen thân quen biết, lại còn có cả trẻ em ở đấy. Dù mang tâm lý làm khoa học, nhưng không phải ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng đưa ra những câu hỏi như thế. Thực tế là sau lần phát bảng hỏi, phần đa các học viên đều thể hiện thái độ không đồng tình trước câu hỏi này do tính khó khả thi khi hỏi ngươi dân. Bản thân người dân có hợp tác trả lời không và đâu là câu mà họ bỏ qua – chi tiết này tuy không phải mong đợi như trong dự kiến, nhưng trên thực tế, đây lại cũng là nguồn thông tin quan trọng có thể sử dụng được. Tính thiếu phù hợp là thấy rõ, nhưng đứng ở góc độ thông tin nghiên cứu sau phân tích - trên thực tế - lại không tồi chút nào.
Thứ ba, thừa bảng hỏi người lớn, thiếu bảng hỏi trẻ em. 300 là con số dự kiến đạt được ở người lớn, trong khi 100 là con số kỳ vọng khi làm với trẻ em. Tuy nhiên, khi chị Ngọc Anh đưa ra ý kiến xin được vào các lớp giáo lý để phát bảng hỏi và được cha Tuấn đồng ý, thì con số bảng hỏi phân phát cho trẻ em tăng vọt, gần như vượt quá dự kiến. Kể đến phải là sự có mặt của hơn 100 cây bút đẹp tặng làm quà khiến các em hào hứng trả lời tới mức, nhóm nghiên cứu đã phải phân ra để giành bảng hỏi cho một số em nhất định. Trong khi đó, số bảng hỏi giành cho người lớn bị thừa lên đến gần 140 bản (gần 50%) hầu như không có cơ hội sử dụng. Lúc này, vấn đề thể hiện sự thiếu linh hoạt nhất trong quá trình điều phối đó là: không đi in thêm bảng hỏi cho trẻ em. Việc mặc định con số 100 đã dẫn đến quyết định không in thêm bảng hỏi và sự lo ngại, không đủ bút để tặng, không đủ số bút để tiến hành phát vấn ban đêm – đã được thực hiện bằng giới hạn số học sinh tham gia trả lời.
Đây có lẽ là một trong những quyết định khiến các học viên tiếc nuối nhất.

Định dạng
Bảng hỏi thông thường được in trên giấy khổ A4, cỡ chữ 12-14 với font chữ Time News Roman và số trang thường nằm gọn trong 2-4 trang. Bảng hỏi lần này của chúng tôi là 6 trang, với 1 trang giới thiệu và 5 trang nội dung. Số lượng câu hỏi là 34 câu gồm 5 chủ đề được các nhóm lựa chọn từ trước.
Điểm khác biệt lớn nhất lần này là sự thay đổi về font chữ. Ở vị trí người thiết kế bảng hỏi, tôi chuyển sang dùng font chữ Calibri, dạng font chữ Không chân (Sans Serif) có sẵn trong Microsoft Office. Ưu điểm của font chữ này là với cỡ chữ 12, người đọc có thể dễ dàng đọc được nội dung bảng hỏi tương đương với cỡ chữ 14 của font chữ có chân (Serif) như Time News Roman. Việc làm này giúp tiết kiệm được diện tích trên bảng hỏi mà vẫn đảm bảo người đọc dễ dàng nhận diện được mặt chữ. Font Arial cũng là một font chữ không chân phổ biến, tuy nhiên do kích thước to, nên cùng với Tahoma, Helvetica - Arial thường được dùng trong thuyết trình bằng Powerpoint hay Prezi nhiều hơn cả. Chương trình mà tôi sử dụng để thiết kế bảng hỏi là Excel 2016 thay cho Word, vì định dạng theo cột và hàng của Excel phù hợp hơn với thiết kế dạng bảng của phiếu điều tra. Việc thay thế, bổ sung hay sửa đổi cũng có thể được thao tác dễ dàng nếu đã quen sử dụng chương trình này.
Có thể thấy, sự thay đổi mà tôi đưa ra ở trên là không nhiều, vậy điều gì khiến tôi đưa chúng vào bản báo cáo này?
Những người làm khoa học nói chung thường rất để tâm đến nội dung của của công cụ nghiên cứu mà bỏ qua chăm chút cho hình thức, hay nói cách khác, họ chưa đặt mình vào vị trí của người được hỏi. Nếu đây là bảng hỏi sơ bộ và được dùng cho chính người làm nghiên cứu, thì hình thức ra sao sẽ là điều cuối cùng được đem ra để bàn. Nhưng một khi đã xác định, đây là phiếu điều tra Phát vấn – tức phát cho người dân sau đó thu lại - thì bên cạnh nội dung dễ hiểu, đơn nghĩa và tường minh, bảng hỏi phải có hình thức sáng sủa, dễ nhìn, dễ đọc ngay cả trong điều kiện ánh sáng kém. Hay nói khác đi, bảng hỏi phải khiến người dân cầm lên là đã muốn trả lời - đây là điều mà tôi luôn muốn làm và quyết tâm thực hiện chúng ngay khi có cơ hội.
Font chữ Không chân nói chung hay Calibri nói riêng là dạng font chữ sử dụng phổ biến trên các Website do tính hiện đại, không gây mỏi mắt khi đọc lâu và dễ nhận biết khi đọc trong điều kiện ít ánh sáng (1/2 thời gian phát vấn rơi vào buổi tối). Có thể dễ dàng nhận thấy điều này khi mà 80% các Website hiện nay sử dụng loại font chữ này làm giao diện chính cho thiết kế của mình . Tuy font chữ có chân với các gạch nhỏ, nằm ở dưới và cuối các kí tự giúp người đọc cảm thấy như được liên kết lại, khiến đọc dễ hơn, nhanh hơn, nhưng kèm theo đó, là sự mỏi mắt và khó nhận biết - nếu sử dụng cho bảng hỏi lần này sự rối rắm của font chữ này được xem là tiêu chí không phù hợp.

Nguồn ảnh : https://v5z0z3xeevv2wlwu22eobrtt-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2014-10-serifsansSerifBLOG_graphic_1a.jpeg
Một chi tiết nhỏ, nhưng khá thú vị là 90% lưu lượng thông tin con người tiếp nhận được truyền thẳng đến nào là thông qua màu sắc và hình ảnh , vậy nên màu tô nhẹ trên câu hỏi và Logo in bên cạnh tổ chức thực hiện là cách làm phù hợp để khẳng định tính bản quyền của dự án. Trong vòng 2-3s, người xem có thể nhận biết, thậm chí là nhớ được bảng hỏi này thuộc về đơn vị nào, chi tiết này có thể thay thế cho việc người được hỏi phải đọc toàn bộ trang bìa của bảng hỏi để biết được ai là cơ quan chủ quản của nhóm nghiên cứu này.
Mặc dù được thiết kế với mục đích tốt đẹp và dựa trên hiểu biết khoa học như vậy, tuy nhiên, dạng thiết kế này chỉ phát huy hiệu quả trong phát vấn, còn nếu người nghiên cứu cầm bảng hỏi này đi hỏi người khác như phỏng vấn cấu trúc, thì giao diện đẹp, font chữ dễ nhìn, logo và màu sắc không còn thực sự quan trọng. Lúc này, người nghiên cứu quen với giao diện nào, thì sẽ cảm thấy muốn quay về với hình thức trình bày đó nhiều hơn.
Mặt khác, nghiên cứu Xã hội học nói chung khác với khảo sát cho Nghiên cứu thị trường (marketing) hoặc nhận thông tin phản hồi (feedback) của người tiêu dùng - vốn tập hợp bởi những câu hỏi ngắn gọn với và thông tin chủ yếu là mô tả, lựa chọn và quan trọng nhất là tỏ ra gần gũi với khách hàng. Các câu hỏi trong nghiên cứu Xã hội học thông thường mang tính hàn lâm hơn, khoa học, chuyện lễ nghĩa ứng xử cũng được đặt nặng hơn - do được xây dựng bởi những người làm khoa học. Điều này khiến hình thức của một bảng hỏi xã hội học bao giờ cũng đem lại cảm giác nặng nề hơn đối với người đọc so với bảng khảo sát thăm dò của giới marketing.
Bên cạnh đó, việc nhận được mẫu nghiên cứu không phù hợp (nhiều người lớn tuổi, mắt kém, không biết chữ) khiến nhóm nghiên cứu phải chuyển từ phát vấn sang phỏng vấn với lượng bảng hỏi thu về thấp và áp lực của việc thiếu bảng hỏi thu về trong đêm 7/1 chỉ là dưới 40 khiến nhóm nghiên cứu phải thay đổi toàn bộ kế hoạch lần này. Không phát vấn nữa, chuyển sang phỏng vấn cấu trúc – khiến nhiều học viên không còn để tâm tới chuyện hình thức và tính hiệu quả của sự thay đổi lần này.
Bảng hỏi giành cho các em học sinh lại là một câu chuyện khác, chỉ nằm gọn trong 2 trang, với thực tế, 100% các em đều đọc viết thành thạo, thị giác tốt lại được thực hiện trong môi trường ánh sáng đầy đủ - nên việc các em tích cực tham gia hoàn toàn phụ thuộc vào phần quà 100 cây bút đủ màu sắc do nhóm hậu cần chuẩn bị . George Homans với thuyết “Trao đổi xã hội” (Social exchange) đã giúp nhóm nghiên cứu nhận thức được vấn đề này khi tặng lại bút cho người dân nói chung và các em học sinh nói riêng. Món quà nhỏ với giá trị lớn, các học viên đã phải chia các học sinh ra để hạn chế tối đa số học sinh được trả lời câu hỏi. Ở phần trên tôi đã giải thích, ngoài việc không in thêm bảng hỏi cho trẻ em, số lượng bảng hỏi thu về còn bị hạn chế do không đủ bút để tặng cho các em.

Tóm lại, ở góc độ là người đã cất công tìm hiểu, tôi thấy khá tiếc vì điều đó, đổi lại khi hỏi thăm người dân những câu như: “Anh chị có cảm thấy mỏi mắt không? Anh chị không mệt chứ?” – tôi đều nhận được câu trả lời với nội dung: không vấn đề gì, mọi thứ đều ổn. Lần nghiên cứu tới đây, tôi vẫn sẽ đưa ra mẫu thiết kế đẹp hơn, chỉnh chu hơn, dễ nhìn hơn - ít nhất là cho đến khi Việt Nam phổ biến việc phỏng vấn bằng thiết bị điện tử thay cho bảng hỏi bằng giấy như hiện nay (tôi sẽ có bài viết về việc này, chờ nhé).
Lời kết
Phần kết thúc bản báo cáo thu hoạch Nghiên cứu tại Nam Định lần này, tôi xin được giành đôi lời về giáo viên hướng dẫn của chúng tôi cô Hoàng Thu Hương (tôi xin phép không đăng ảnh của cô khi chưa có sự đồng ý)
Cô là giáo viên đầu tiên đưa ra những lời khen và sự đánh giá cao nhóm học viên chúng tôi, chuyến đi vừa qua một lần nữa khẳng định lại điều này. Theo hình dung, một chuyến đi thực tế như thế sẽ đòi hỏi giáo viên phải sát sao và gắn chặt với tập thể lớp như hình với bóng, kịp thời kiểm tra, bổ sung, đánh giá... với nhiều từ hoa mĩ đằng sau. Đôi khi, giáo viên hướng dẫn có thể “thả”, để cho các học viên tự bơi, và trưởng thành theo cách riêng của mình như xu hướng chọn lọc tự nhiên. Cả hai cách làm này xét về lĩnh vực Xã hội học mà nói, trên thực tế, đều không hiệu quả. Giáo viên hướng dẫn của chúng tôi không lựa chọn cách làm như vậy.
Cách thức của cô là làm người hướng dẫn theo nghĩa đúng với từ nguyên của nó. Tức là chỉ hướng dẫn cách làm, định hướng cách thực hiện, chứ không làm thay, nhưng vẫn liên lạc và theo dõi tiến độ của nhóm như thường.
Mọi công việc, hoạt động, tiến hành, kiểm tra – cô đều để nhóm cán sự lớp và các học viên tự làm, sau đó, các kết quả không đúng, không phù hợp sẽ được cô chỉ ra và cùng khắc phục. Đêm mùng 7/1, sau cuộc phỏng vấn tại nhà thờ họ An Phong, cô đã cho nhóm nghiên cứu ngồi lại, tự nói ra công việc và khúc mắc của mình sau đó mới đưa ra giải pháp. Việc chuyển từ phát vấn sang phỏng vấn và giảm chỉ tiêu 300 xuống trên 100 là kết quả của buổi nói chuyện này. Trong suốt quá trình làm nghiên cứu, ngoài việc giúp nhóm nghiên cứu thao tác hóa khái niệm và xây dựng bảng hỏi trong thời gian gấp rút (là những kĩ năng mà nhóm còn yếu), mọi hoạt động còn lại, cô đều để nhóm nghiên cứu tự làm, tự thực hiện.

Đọc bản báo cáo thu hoạch có thể gián tiếp biết được mức độ tham gia của một cá nhân trong tiến trình tham gia dự án. Câu chuyện này của tôi là cũng là sự tổng hợp của những kiến thức học được trong quá trình thực hiện công việc điều phối và những sai lầm phạm phải kèm theo lời giải thích cũng như cách khắc phục.
Thiết nghĩ, tâm lý sợ sai, chuyện thiếu kinh nghiệm, sự thiếu chu đáo, tác phong làm việc thiếu khoa học… là chuyện học viên nào cũng phải trải qua. Với vị trí của một người đang chập chững bước vào làng khoa học, tôi xin trích lại câu nói của cô trong lần họp cuối: “Ngay cả khi không thể thu được kết quả như mong muốn thì chuyến đi này sẽ khiến các bạn nhận ra được rất nhiều điều”– Đây là động lực lớn nhất để tôi và nhóm nghiên cứu hoàn thành dự án này.
Câu chuyện tự kiểm điểm và rút kinh nghiệm không hồi kết ở Việt Nam chỉ có thể khắc phục thông qua những hoạt động thực tế như trên; đi cùng với đó là một tâm thế muốn thay đổi bản thân và một giáo viên có tay nghề tốt, có lòng tin vào học viên và đặc biệt, là có phương pháp phù hợp.
Trong thời gian tới, nhóm chúng tôi lại tiếp tục có những chuyến đi thực tế mới, ở những địa bàn mới. Tất cả - đều lấy cảm hứng từ chuyến đi đầu tiên này.
---
(*) Tất cả tên của các nhân vật được nhắc đến trong bài viết đều đã được thay đổi. Ảnh minh họa được tìm kiếm từ trang https://pixabay.com
(*) Bài viết thể hiện góc nhìn của Tác giả khi lần đầu tiên cùng các cộng sự về địa bàn nghiên cứu. Thông tin trong bài viết không tránh khỏi các thiếu sót. Mời các bạn góp ý thêm cho tác giả và rút ra kinh nghiệm cho các nghiên cứu của mình. Trân trọng cám ơn!