Nhật ký một chuyến đi - Phần 2: Kính râm là tốt nhất !

Tuấn Long

Trải nghiệm

Nguyễn Thiều Tuấn Long

03 Tháng Hai, 2018

Nhật ký một chuyến đi - Phần 2: Kính râm là tốt nhất !

Quan sát

Một cuộc hội họp thông thường sẽ được diễn ra với diễn giả ở trên, người nghe ở dưới tương tự như sơ đồ sau.

Sơ đồ vị trí ngồi của một cuộc họp thông thường

Theo Allan Pease và Barbara Peasetrong “Cuốn sách bàn về Ngôn ngữ cơ thể”, với sự sắp xếp như trên, những người ngồi ở hàng đầu thường thu nhận được lượng thông tin nhiều hơn so với những người ngồi cuối và thái độ của những người ngồi cuối thường tỏ ra ít tập trung hơn rất nhiều so với những người ngồi ở những hàng trên. Bên cạnh đó, những người ngồi cạnh lối đi cũng thường có những biểu hiện trên tích cực hơn so những người ngồi trong góc. Hay nói cách khác, với lượng thông tin thu được ít ói và thái độ thông thường là thiếu hợp tác, ít tập trung – những người ngồi trong góc còn được Jacob Levy Morenovới công trình nối tiếng Trắc lượng Xã hội (Sociogram) gọi là “người ngoài cuộc” (outsider). Trong một tập thể, các outsider vẫn có thể là người thông minh sắc sảo, tuy nhiên trong không gian của tập thể, biểu hiện của họ thông thường thiên về cá nhân hơn.

Dựa trên những kiến thức này, tôi đưa ra cách thức quan sát của mình trong cả hai địa điểm. Quan sát nhóm hàng đầu với nhóm hàng cuối và so sánh biểu hiện của họ, đồng thời phân vùng để tìm ra các outsider. Hình bên chụp lại ảnh của một cô gái được tôi gọi là outsider. Cô gái này tỏ ra không tập trung (nhìn ngang nhìn dọc), cũng không chú tâm như người khác (mắt mở, thờ ơ khi cầu nguyện). Lưu ý: với nghiên cứu xã hội học mà nói, kết luận trên có phần vội vã, vì hình ảnh chỉ có giá trị trong khoảnh khắc, tuy nhiên đây là hình ảnh tôi thu được khi tiến hành quay video, vời thời lượng gần 1p. Điều này chứng tỏ, cô gái này có những biểu hiển bên ngoài tương tự với các outsider, hay nói cách khác, vị trí ngồi phần nào ảnh hưởng tới động thái này của cô. Trong lần nghiên cứu tới, nếu có thể mời những người dân như thế này ở lại tham gia phỏng vấn, nhà nghiên cứu có thể sẽ thu được nhiều thông tin có thú vị để so sánh.

Đây cũng là kiến thức mà tôi có lần chia sẻ với các cộng sự của mình trong lần tiền trạm, vì vậy phần quan sát này có lẽ đã được nói đến khá nhiều trong các báo cáo thu hoạch của các học viên khác, vậy nên - với vai trò điều phối - thay vì thực hiện những công việc tương tự, tôi chuyển sang một hướng quan sát khác. Trong khi các học viên tiến hành quan sát người dân, tôi lại thực hiện quan sát các học viên, không ai biết điều này cả, do vậy họ không “diễn” trước mặt tôi, họ thực hiện phần việc của mình và giúp tôi nhận ra một vài điểm sau:

Phần quan sát chủ yếu nhất của nhóm nghiên cứu diễn ra ở nhà thờ họ An Phong hôm mùng 7/1. Được sự cho phép của cha phó xứ, các học viên chia làm hai nhóm, một nhóm ngồi khu vực hai bên hành lang, một nhóm ngồi ở giữa giáo đường, đối diện với cung thánh theo sơ đồ dưới.

Vị trí ngồi của nhóm nghiên cứu kí hiệu là “L” (Lớp)

Sau khi được phân công, các học viên tiến hành các hoạt động của mình: lấy giấy bút ra cầm trên tay, mắt và đầu liên tục đảo quanh như đang tìm kiếm thứ gì đó, ghi chép liên liên hồi và tỏ ra rất tập trung khi cha phó xứ hành lễ. Sau buổi lễ, chính cha cũng nhận xét: “Nhóm nghiên cứu đã ngồi theo dõi rất chăm chú!”

Tuy nhiên, tôi nhận thấy có điều gì đó không ổn. Việc một “nhóm người lạ” (chúng tôi) xuất hiện trong nhà thờ, kèm theo các dụng cụ ghi chép - dường như không tạo được thiện cảm cho người dân ở đây. Rõ ràng, không ai cảm thấy thoải mái khi bị quan sát và ghi chép như thế này. Việc các học viên lao vào ghi chép và ghi chép với tốc độ nhanh, trong khi mắt vừa liếc lên đã vội ghi vào sổ khiến người dân cảm thấy khó hiểu. Đặc biệt, nhóm giữa liên tục quay đầu ngang dọc, quan sát liên hồi và ghi chép liên tục với tốc độ khá nhanh, như thể họấy sợ sẽ bị vuốt mất các chi tiết đang diễn ra trước mắt vậy.

Theo vị trí ngồi, Cường, Thùy Lương là nhóm ngồi ở hàng đầu, theo đó, nhóm các thiếu nữ ngồi hàng sau (kí hiệu X) “ném” về phía hàng ghế hành lang của chúng tôi những cái nhìn xét nét và có phần thiếu thiện cảm. Không hẳn là do biểu hiện của Lương, Cường, mà còn do chúng tôi, tất cả đều cầm giấy bút, tất cả: đều viết liên hồi.

Biểu hiện này đã được diễn ra từ trước trong hôm tiền trạm. Việt được phân công ghi chép các quan sát của mình, với vị trí là phân tích viên, Việt đưa lại một số thông tin về hành lễ khá thú vị. Tuy nhiên, biểu hiện của Việt ngay sau khi xuống xe đã lao vào "quan sát" với cái nhìn rất chăm chú, sau đó ngồi ghi chép lại những điều trên ngay tại chân cầu thang nhà thờ. Điều này khiến nhiều trẻ em ở đấy cảm thấy tò mò, vây kín Việt và hỏi những câu hỏi, đại loại như: “Chú ơi chú đang làm gì thế?”. Mặc dù đem lại một số thông tin khá hữu ích, nhưng theo hình dung của tôi, đây chưa thể coi là biểu hiện phù hợp khi thực hiện quan sát.

Nhân viên của các cơ quan điều tra Mỹ đeo kính râm để có thể dễ dàng chuyển động mắt để quan sát được người đi đường mà không phải nhìn chằm chằm vào họ. Liệu chăng các điều tra viên Xã hội học cũng nên trang bị kính râm cho mình?

Khi xem qua các báo cáo quan sát của các học viên, tôi cũng rút ra được vài điểm khác biệt. Do vị trí ngồi, bản báo cáo quan sát của các bạn ngồi phía hành lang bên trái có xu hướng mô tả về các em thiếu nhi, phụ nữ và các thiếu nữ ngồi giữa chánh điện nhiều hơn (xem hình bên). Tôi thuộc nhóm hành lang bên trái nên các hình ảnh chụp được cũng chỉ mô tả được góc nhìn bên trái và một phần phía giữa nhà thờ. Trong khi đó, nhóm ngồi giữa chánh điện do bị cản trở về tầm nhìn, khó thể quan sát được các giáo dân ở sau lại tập trung nhiều hơn cả vào việc miêu tả các hình ảnh trực diện như nghi thức làm lễ, hành động của cha xứ, hoạt động của nhà thờ - nếu đọc kĩ có thể thấy, bản mô tả của họ chính xác đến đơn vị phút.

Tôi đã 3 lần xin phép làm phiền các giáo dân cạnh đấy để được thay đổi vị trí ngồi, thử tiến lên phía trước giả vờ quay film, nhưng thực chất, tôi muốn quan sát rộng hơn. Và thú vị là khi thay đổi chỗ đứng một thời gian ngắn, tôi nhận ra, phía sau giáo đường là gần 40 chục người dân khác đang đứng, một cụ già đi xe lăn và hơn hai chục phụ nữ khác ngời ở phía bên kia giáo đường. Không một vị trí nào có học viên của chúng tôi đảm nhiệm quan sát ở đấy cả. Hay nói cách khác, chúng tôi doàn toàn bộ nhân lực chỉ để quan sát một nửa những gì đang diễn ra ở giáo đường ngày hôm đó.

Với vị trí là khách mời, lại lần đầu tiên bước vào dự lễ nhà thờ, dĩ nhiên chúng tôi không thể tự do phân bổ lực lượng đi như trong dự định được, nên sự bố trí trên là khá bình thường và tạm chấp nhận được. Cái không bình thường ở đây là trong khi chúng tôi đang thực hiện công việc của người đi quan sát, thì chúng tôi lại bị những người dân quan sát ngược trở lại.

Erving Goffman với “Lý thuyết kịch” nổi tiếng trong giới Xã hội học đã đúng trong trường hợp này – quyển sổ, cây bút, và sự nhanh nhẹn đã không thể hiện vai trò đúng chỗ, trong một khía cạnh nào đó, đây là được xem là biểu hiện cho sự quan sát, sự theo dõi nhất cử nhất động và dò xét hành vi người khác. Không một ai thích bị quan sát như thế, thái độ đổi lại là cái nhìn thiếu thiện cảm của nhóm các thiếu nữ hành cuối “giành” cho chúng tôi .

Quay trở lại với các kĩ năng quan sát cơ bản ở trên, có lẽ việc ghi nhớ trong đầu các sự kiện và chậm rãi nhẹ nhàng, không nóng vội viết các ghi chép này vào sổ, kèm theo sự giao tiếp bằng mắt, những cái cúi chào từ xa có thể sẽ khiến phần nào người dân ở đây cảm thấy an tâm hơn và quan trọng hơn cả, là sắp xếp nhân sự rải đều các khu vực trong nhà thờ - chắc chắn sẽ đem lại cái nhìn đa chiều hơn.

Bên cạnh để đó, để giải thích kỹ hơn về biểu hiện trong quan sát của các học viên lần này, bằng kinh nghiệm của bản thân - tôi cho rằng các học viên đang khá lúng túng trước khâu tiến hành quan sát, quan sát ai, quan sát cái gì, khung quan sát chuẩn bị ra sao, mã hóa thế nào – không nhiều người mang sẵn tâm thế tiến hành quan sát một cách bài bản như vậy. Sự thật, là biểu hiện bên ngoài một cách tích cực, chăm chú, có vẻ như đang che dấu sự lúng túng của bản thân khi mà môi trường xung quanh đang diễn ra những điều mà ngay cả khi đã gỡ băng ghi âm, nhiều học viên cũng vẫn không hiểu được.

Việc điều chỉnh nhân sự đã được chúng tôi rút kinh nghiệm và buổi quan sát tại nhà thờ lớn Nam Định, các thành viên tham gia quan sát lúc này đã được tiến hành với sự bố trí dàn trải hơn. Tuy nhiên kĩ năng quan sát thì chưa vì thế mà được cải thiện, báo cáo thu hoạch của nhiều học viên có nhắc đến, việc không rõ ràng khi thực hiện quan sát, kèm theo đó, nội dung quan sát chuyển sang những thứ vốn dễ dàng nhìn thấy hơn: giới tính, độ tuổi, phân bố...

---

(*) Tất cả tên của các nhân vật được nhắc đến trong bài viết đều đã được thay đổi. Ảnh minh họa được tìm kiếm từ trang https://pixabay.com 

(còn tiếp...)