Nhật ký một chuyến đi - Phần 1: Ai là người phù hợp?

Tuấn Long

Trải nghiệm

Nguyễn Thiều Tuấn Long

03 Tháng Hai, 2018

Nhật ký một chuyến đi - Phần 1: Ai là người phù hợp?

Quyết định đầu tiên

Vào thời điểm Sâm đề xuất ý kiến về địa bàn Nam Định để làm nghiên cứu (hôm 3/12/2016), theo quan sát, trong lớp đã hình thành 2 nhóm ý định trái chiều. Phần đông muốn tiến hành một nghiên cứu cụ thể làm bài kiểm tra thay cho cách thi như truyền thống, nhóm khác (chủ yếu là các em 94) - tỏ ra ngập ngừng trước quyết định này. Tuy không thể hiện rõ ra, nhưng trên thực tế, các em 94 ngại một chuyến đi mà trong đó, chưa biết mình sẽ làm gì và làm như thế nào.

Bài khóa luận tốt nghiệp được làm nửa năm trước là kết quả sự chuẩn bị khá chu đáo của thầy cô trong khoa, trong khi lần này, nhóm sẽ phải tự thực hiện hầu hết các phần việc, từ xây dựng bảng hỏi, làm phỏng vấn, liên hệ cha xứ, đi lại và chia sẻ kết quả nghiên cứu - điều kiện khách quan này không dễ thực hiện như các thành viên khác tưởng. Vào thời điểm để các em tự đưa ra phân tích của mình ngay trên lớp, tôi nhận thấy, vấn đề có lẽ không hoàn toàn như vậy. Mặt khác, việc kể ra một loạt các vấn đề khách quan và ngập ngừng trước một có hội hiếm hoi này xuất phát từ một tâm lý khá phổ biến trong các bạn trẻ ngày này: Tâm lý sợ sai!

Một trong những điều lớn nhất mà tôi học được trong chuyến đi lần này, không hẳn là những kết quả nghiên cứu thu được, mà là chiến thắng được cảm giác sợ sai. Tôi ủng hộ quan điểm của giáo viên hướng dẫn Hoàng Thu Hương: “Ngay cả khi các bạn chưa thể thu được kết quả như mong muốn thì chuyến đi này sẽ khiến các bạn nhận ra được rất nhiều điều”.

Đây là lý do tôi thuyết phục nhóm các em 94 này đừng sợ, hãy cứ thử làm đi. Và bằng cách giao việc cho các em này trong quá trình điều phối, tôi nhận ra, chính các em, sau khi ý thức được việc mình đang làm, lại thực hiện một cách có trách nhiệm nhất.

Tiền trạm

Đây đã là thói quen của tôi trước bất cứ một công việc gì, dù là địa bàn quen thuộc hay mới lạ. Giới làm phim chúng tôi gọi là xem bối cảnh, giới quân sự gọi là trinh sát, giới khoa học xã hội gọi chung là tiền trạm.

Đi tiền trạm cũng quan trọng như việc tiến hành xây dựng bảng hỏi, thiết kế công cụ nghiên cứu và tiến hành nghiên cứu vậy. Việc đi tiền trạm quyết định đến việc nghiên cứu có tiến hành trơn tru được hay không, an toàn không, có tạo được ấn tượng tốt để lần sau có dịp quan lại nghiên cứu nữa hay không…

Thông thường - với địa bàn quen thuộc, khi nhóm nghiên cứu đã có người sống ở đây - việc liên hệ và đặt vấn đề với người dân không phức tạp - tiền trạm chỉ dừng lại ở khâu ăn nghỉ. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong chuyến tiền trạm lần này lại là việc trong nhóm nghiên cứu – chưa một ai từng về địa bàn Nam Định, ngoài chị Ngọc Anh là tín đồ Thiên chúa giáo, chị Sâm là chỗ quen biết với cha phó xứ, và một số bạn 94 từng đi làm tại nhà thờ đang trong tậm trạng lo lắng - chưa một ai từng vào nhà thờ và quen với việc làm nghiên cứu tại các giáo xứ như thế này. Mặt khác, việc các bạn nữ từng đi và ở lại một nhà thờ trong những năm đại học với điều kiện ăn ở thấp, không đảm bảo vệ sinh và tiện nghi có thể nhận thấy, cảm giác e dè ban đầu của các em là hoàn toàn có thật.

Bên cạnh đó, việc được nghiên cứu gì, không nên nghiên cứu gì, đặc điểm Giáo dân ra sao, nếp sống của họ thế nào không phải là điều chỉ đọc vài trang báo trên mạng là có thể nhận ra được. Việc đi tiền trạm có thể đổ vào chi phí cho chuyến đi thêm ít nhất là 1,5 triệu nhưng bù lại những thông tin sơ bộ mà nó mang lại, việc làm quen với địa bàn lần đầu nghiên cứu, độ an toàn trong chuyến đi, sự tiện nghi trong ăn nghỉ và đảm bảo về tài chính… khiến tôi quyết định lớp sẽ cử một nhóm đi tiền trạm.

Sau chuyến đi, chúng tôi tiến hành xây dựng báo cáo ảnh để gửi cho lớp và cho giáo viên hướng dẫn. Theo quan sát, tôi thừa nhận: hầu hết các học viên trong nhóm đều thực hiện tốt phần việc của mình.

Tuy nhiên, với vai trò là người điều phối, tôi chưa thực hiện được như vậy mà kèm theo là một số hạn chế. Tôi rút ra 3 hạn chế sau:

1. Lúng túng trước vấn đề nghiên cứu, đây là lý do khiến các câu hỏi tôi đặt ra cho cha phó xứ không đem lại thông tin cần thiết như mong đợi. Nghiên cứu điều gì, không nghiên cứu điều gì, quyết định thay đổi sau này, phần lớn do ý kiến cha xứ tác động chứ hoàn toàn chưa phải là quyết định của tôi. Điều này cũng khiến tôi và nhóm quên đi đề tài “Thờ cúng tổ tiên” của Nguyên, không mang về những thông tin thực sự hữu ích khiến các bạn phải chuyển đề tài.

2. Hạn chế trong kinh nghiệm nghiên cứu, cộng với lời hứa giúp đỡ về cỡ mẫu đầy nhiệt tình của cha xứ tôi cũng đã dễ dàng thay đổi số lượng mẫu theo lời khuyên của cha (từ 200 lên 300). Thực tế nghiên cứu cho thấy, nhóm đã không thể thực hiện phát vấn và phải chuyển sang phỏng vấn, kèm theo đó, số lượng bảng hỏi thu được giảm gần 50% so với dự định. Lý do cho chuyện này tôi sẽ giải thích ở dưới, còn ở góc độ nghiên cứu, tôi thừa nhận, mình đã nhận định thiếu chính xác.

3. Quy trình chưa hoàn thiện, mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ về khâu tiền trạm và thực hiện nghiên cứu, nhưng tôi, với vai trò điều phối đã gần như bỏ ngỏ khâu hậu nghiên cứu. Việc phân công xử lý bảng hỏi, viết báo cáo thu hoạch đã bị kẹt lại trong ít nhất là 2 tuần liền (2 tuần lớp có thuyết trình cuối năm với yêu cầu rất cao từ phía các giáo sư), tiếp đó là Tết, phải đến tuần đầu tiên của tháng 2/2017, công việc mới được tái khởi động. Ở đây cần nói thêm, việc chỉ định Cường là người quản lý và lọc các bảng hỏi là một trong những điều thiếu hiệu quả nhất. Bằng chứng là sau nghiên cứu 1 tháng, nhóm xử lý dữ liệu vẫn không biết được chính xác mình có bao nhiêu bảng hỏi trong tay, bao nhiêu dùng được, bao nhiêu hỏng và còn bao nhiêu.

Ngoài ra, việc thiếu vắng chị Ngọc Anh, người có kiến thức về Thiên chúa giáo, trong chuyến đi khiến chất lượng thông tin mang về giảm hẳn về chất lượng.

Mặc dù vậy, tôi cũng nhận thức được một điều quan trọng trong việc tiền trạm. Sau chuyến nghiên cứu, tôi lập một bảng góp ý sau chuyến đi Nam Định, để các học viên được tự do viết góp ý của mình một cách ẩn danh trên Email của lớp. Tuy chỉ có 3/19 bạn trả lời thư góp ý, nhưng hầu hết đều cảm ơn nhóm tiền trạm trọng khâu tổ chức, việc ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại được tiến hành chu đáo, an toàn.

Suy cho cùng, sức khỏe vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong mọi chuyến đi.

Nhân sự

Không ai có thể tiến hành dự án này khi chỉ có một mình. Dự án khác với kế hoạch, nó bao gồm một loạt các bước cần thực hiện theo một trình tự nhất định. Mỗi bước lại bao gồm một loạt các thao tác mà ở đó kinh nghiệm và kĩ năng quyết định tất cả. Ngay cả khi đã có quy trình rõ ràng thì nhân lực thực hiện vẫn là quan trọng nhất.

Do thời lượng cho nghiên cứu là không nhiều, trong khi khâu tiền trạm cũng chỉ có thể tiến hành trong một buổi sáng, nhóm nghiên cứu chưa phải là những người có kinh nghiệm trong nghiên cứu dạng này và ngân sách có hạn nên việc cử ai đi và làm những gì giới hạn lại bằng với số nghế của chiếc xe 4 chỗ.

Nhân sự trong dự án lần này được chia làm hai nhóm: Nhân sự tiền trạm và nhân sự khảo sát.

Nhân sự tiền trạm

Vào thời điểm này, số lượng nhân sự tiền trạm mà tôi cần là 4 người.

1 – Quản lý chung và phụ trách chụp ảnh. Đây là người chịu trách nhiệm chính trong chuyến đi, yêu cầu phải là người có óc tổ chức và trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, báo cáo bằng hình ảnh giúp người xem hình dung được không gian sắp đến tốt hơn, theo dõi được công việc cần làm nhanh hơn và tăng sức thuyết phục cho người xem hơn so với các báo cáo chữ thông thường. Báo cáo ảnh cũng dễ lưu trữ hơn so với với các thông tin dạng chữ nếu được upload trên Facebook chung của lớp, các học viên có thể vào truy cập vào nơi lưu trữ ảnh và nhanh chóng xem lại thông tin.

2 - Đại diện phát ngôn, là người có khoa nói và quan trọng hơn cả là có kiến thức về giáo hội, nhà thờ, hoặc là chỗ quen biết với cha phó xứ. Đại diện phát ngôn nên là người lớn tuổi, có kinh nghiệm giao tiếp và nhất là về các nghi thức ứng xử với đại diện nhà thờ sao cho phù hợp. Công việc này dự kiến giao cho: chị Ngọc Anh, chị Sâm.

3 – Phân tích viên, là người có khả năng làm việc độc lập, có chính kiến và khả năng nhìn nhận vấn đề sắc xảo, đặc điểm của người này là phải nhìn ra được vấn đề mà 3 người kia không nhìn được. Công việc này dự kiến giao cho: Việt, Nguyễn Trang, Hoa hoặc K. Linh

4 – Hậu cần, chưa bao giờ là công việc nhẹ nhàng, loại hình công việc này đòi hỏi người thực hiện nên là nữ, sức chịu đựng cao, có thái độ tích cực, hòa đồng, cẩn thận và quan trọng hơn cả là sự chu đáo và khả năng phối hợp với người khác tốt. Kĩ năng này là rất quan trọng, thông thường mọi người thường đề cao công việc bản thân, ít quan tâm tới nhu cầu của người khác và thường thích được đóng vai chính nhiều hơn là ngồi sau cánh gà. Xét theo tính cánh, công việc này dự kiến giao cho: Ngô Hà, Chị Sâm, Thùy Lương.

Quan trọng hơn, 4 người này phải tương đối ăn ý với nhau, phù hợp làm việc cùng nhau và có khung thời gian phù hợp với chuyến đi, rơi vào ngày 1/1/2017. Với đặc thù nhiệm vụ như trên, tôi suy nghĩ kỹ và theo thứ tự trên cử ra 4 người: 1. Long, 2. Ngọc Anh, 3. Hoàng Việt, 4. Ngô Hà – Trong đó, việc chị Ngọc Anh đi cùng quyết định 80% chất lượng thông tin mang về.

Tuy nhiên, cách 2 ngày khi nhóm tiền trạm chuẩn bị xuống địa bàn tiền trạm, chị Ngọc Anh bận việc bên nhà thờ và không thể đi được. Công việc này giao lại cho tôi, đây là điều khiến tôi lo lắng vì cùng lúc tôi khó có thể đảm nhiệm được cùng lúc việc quản lý chung, làm báo cáo ảnh lẫn đặt vấn đề với cha phó xứ. Việt sắc sảo, thông minh nhưng không phải là người giỏi giao tiếp, cùng lúc Hà, là người có khoa nói nhưng lại có những giới hạn nhất định trong hiểu biết về tôn giáo của mình. Ngày 5/1, khi mở lớp SPSS cho các bạn trong lớp trước khi xuống địa bàn. Hùng Cường gặp tôi, hỏi về chuyến tiền trạm. Tôi nói nhóm đủ người rồi, và vì kinh phí có hạn nên tôi muốn mỗi người phải có chức năng riêng. Lúc này Cường không nhìn tôi, chỉ nói lí nhí trong mồm “Cho em đi với!”.

Ngay từ đầu, Cường không phải là lựa chọn của tôi và Việt, ngay cả khi khá thân với Việt thì Việt vẫn nhận xét học viên này tỏ ra khá nhí nhố, thiếu nghiêm túc, và chưa thể hiện là người có tác phong khoa học. Cường cũng không hợp với Hà, vì trong lớp hay đùa dai, khiến Hà không thoải mái. Tuy nhiên, khi cân nhắc kĩ, bên cạnh những người được phân công hợp với vị trí, tôi vẫn cần những người dám xung phong hơn bao giờ hết. Câu nói xin được đi theo là bằng chứng quan trọng hơn bất cứ một tờ giấy đảm bảo nào. Tôi giao lại việc chụp ảnh cho Cường và đảm nhiệm phần việc của chị Ngọc Anh. Điều may mắn nhất khi để Cường đi theo không chỉ là những tấm ảnh mà là còn là vai trò hoa tiêu, cậu ấy thuộc đường, nhanh nhẹn, điều này khiến cả nhóm đến được các vị trí cần đến nhanh hơn, tiết kiệm hơn. Báo cáo ảnh với vị trí của khách sạn, nhà ăn, nhà thờ…phần lớn là do Cường dẫn đường.

Bênh cạnh Hà là người phụ trách toàn bộ các vấn đề liên quan đên tài chính, hậu cần lo chuyện ăn nghỉ cho nhóm nghiên cứu thì chị Sâm cũng là người đóng vai trò quan trọng trong khâu tiền trạm lần này. Ngay khi nhóm tiền trạm còn đang ngồi trên xe, chị Sâm đã chủ động liên lạc với những người quen tại Nam Định để liên hệ nhà hàng và nhà nghỉ với mức giá hợp lý. Chuyến tiền trạm chưa chốt được quán ăn với mức giá phù hợp khiến Hà và chị Sâm phải cố gắng liên lạc thêm trong cả tuần còn lại trước khi nhóm nghiên cứu xuống địa bàn. Nhắc lại một chút về kiến thức đã học về vốn xã hội quan trọng ra sao, chuyến nghiên cứu lần này thể hiện rõ quan điểm đấy, mạng lưới xã hội và vốn xã hội với những liên hệ mà các cá nhân có được, quan trọng như thế nào. Nhờ sự quen biết này của chị Sâm mà nhóm đã có cơ hội xuống một địa bàn mới, sử dụng một dịch vụ tiện nghi mà không cần làm phiền cha phó xứ, theo đó tiết kiệm được một khoản tiền tầm 2 triệu đồng mà các học viên vẫn có được những bữa cơm chất lượng.

Nhân sự phát vấn

Quá trình điều phối lần này giúp tôi nhận ra được khả năng của nhiều các cộng sự thông qua sự tham gia tích cực của họ. Sức ép từ việc phát bảng hỏi vào đêm hôm trước 7/1 với số lượng thu được chưa tới 40, đòi hỏi họ phải nỗ lực hơn vào hôm sau, 8/1 - để đảm bảo số lượng bảng hỏi thu về tối thiểu phải quá 100.

Trong khi một số nhóm học viên còn đang ngồi nghe lễ trong giáo đường nhà thờ lớn Nam Định, tôi quyết định ra ngoài quan sát xem các học viên khác đang làm gì.

Những điều tôi thấy là khá ấn tượng. Hoa liên lạc với tôi hỏi về số bảng hỏi, chị là người đầu tiên bước chân ra khỏi nhà thờ và thực hiện việc phỏng vấn người dân để tranh thủ thời gian. Bên cạnh đó là Doãn Trang, Huyền My, Sâm, Hạnh cũng đã vào cuộc, kế tiếp là sự tham gia của Lan Nguyên, Thị Huyền và Ngọc Anh.

Nói cách khác, thay vì đi theo lịch trình do chúng tôi vạch ra cho kế hoạch sáng mọi người trong lớp đã chủ động tự làm việc, tranh thủ thời gian ít ỏi lúc làm thánh lễ để phỏng vấn những người dân đợi ở ngoài.

Tất nhiên động lực lớn nhất để mọi người làm việc tích cực, không chỉ là do áp lực từ số bảng hỏi thiếu từ đêm hôm trước, mà còn do nóng lòng, muốn được về sớm với con nhỏ (6/19 học viên đã lập gia đình và có con nhỏ). Riêng Hoa, chồng cô không may bị xe đụng đúng ngày xuống địa bàn, vẫn tiếp tục ở lại làm đến tận trưa. Tầm 15h chiều, các chị lên xe về nhà trước, các học viên còn lại tiếp tục phần còn lại đến tận tối, khi mà chúng tôi đã chuẩn bị xong phòng để người dân vào phát vấn. Lúc bước ra khoảng sân trước nhà thờ, tôi thấy các cộng sự đang kết thúc phần việc của mình.

Điều thú vị ở khâu nhân sự phát vấn lần này đó là: số lần bị từ chối trả lời phỏng vấn của các bạn Nữ thấp hơn rất nhiều lần so với các bạn Nam. Hay nói cách khác, riêng trong buổi sáng 8/1, đại đa số các bảng hỏi người lớn thu thập được là kết quả trong lợi thế về giới mà các bạn nữ đem lại.

Cuối cùng là uy tín của chị Ngọc Anh, cứu nguy cho nhóm nghiên cứu khi buổi lễ cuối cùng kết thúc. Ngay cả khi đã có lời mời của cha xứ, đại đa số người dân vẫn nhanh chân ra về lo chuyện cơm nước ở nhà. Nguy cơ lớn nhất lúc này là không mời được ai ở lại. May mắn là chị Ngọc Anh lại giới thiệu mình là Sơ và cần sự hợp tác của người dân ở đấy, trong vòng 10p, có ít nhất 23 sinh viên đã ở lại và tham gia đánh bảng hỏi. Cộng với số bảng hỏi thu được từ sáng, ít nhất chúng tôi đã đạt được chỉ tiêu tối thiểu trên 120 bảng hỏi (con số thực là 134). Cường quản lý nhóm thanh niên này, Việt phụ trách một phụ nữ tầm trung niên và Khánh Linh, Ngô Hà, Lan Nguyên, được gọi đến để hỗ trợ nhóm hoàn thành đợt phỏng vấn cuối cùng này.

Có nhà khoa học từng nói, nhà xã hội học giỏi là người biết giữ chân người khác lại để phỏng vấn trong khi chả cho họ một điều gì, ngoài việc lấy đi thời gian quý báu của họ. Những quyển sách hay thường được đúc kết từ những sự kiện thực tế, nhưng thực tế của chúng tôi ở đây đó là: cùng một độ tuổi, cùng một giới tính, cùng một bằng cấp… đôi khi, vị thế xã hội mới là thứ quyết định tất cả. Người dân không hoàn toàn quan tâm lời đề nghị của cha xứ, không quan tâm tới sự hiện diện của 6 học viên cao học đang đon đả chờ đợi – đã sẵn sàng ở lại do lời đề nghị của một “chị Sơ”.

Đặt một câu hỏi

Nếu không có chị Ngọc Anh, nhóm nghiên cứu sẽ phải làm gì để giữ chân người dân lại? Chà... Nếu làm được điều ngược lại này, có lẽ tôi sẽ tạm quên mình là người điều phối, lặng lẽ chuyển sang viết quyển sách mang tên “Phương pháp nghiên cứu XHH”, bán lại cho các học viên khác và trở nên nổi tiếng như các giáo sư của chúng tôi.

---

(*) Tất cả tên của các nhân vật được nhắc đến trong bài viết đều đã được thay đổi.

---

Nguồn ảnh: được tìm kiếm từ trang https://pixabay.com 

(còn tiếp...)