Dẫn nhập
Địa bàn mà nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát, thu thập thông tin là xã Dương Liễu, một xã làng nghề thuộc huyện Hoài Đức, cách thành phố Hà Nội tầm 20km về phía Tây, cách trung tâm Hà Nội tầm 20km về phía Tây, cách trung tâm huyện 3km, phí bắc giáp xã Minh Khai, phía nam giáp xã Cát Quế, phía tây giáp xã Liên Hiệp và Hiệp Thuận huyện Phúc Thọ [1].
Xã có diện tích đất tự nhiên vào khoảng 431,93 ha, trong đó, đất nông nghiệp 302.07 ha, đất phi nông nghiệp 130 ha. Năm 2016 toàn xã có 3.466 hộ gia đình với 14.307 nhân khẩu chia ra 14 khu vực dân cư [2]. Nhìn vào ảnh vệ tinh (hình bên) chúng tôi nhận thấy địa hình chung của xã Dương Liễu và Cát Quế là thon dài xuôi về phía Nam, diện tích chật hẹp, khu dân cư tập trung với mật độ cao, đường nhánh nhỏ và hẹp. Riêng khu vực ở xóm Hợp Nhất, nhà cửa được quy hoạch theo dạng bàn cờ, đường xóm vuông vức và gọn gàng hơn các khu vực khác. Nhưng khác với các địa phương nông thôn khác trên cả nước, xã Dương Liễu có mật độ dân số vô cùng dày đặc với hơn 3312 người / km2 (mật độ dân số của nông thôn cả nước năm 2011 là 265 người / km2 và của ĐB Sông Hồng là 949 ng / km2) [3].
Tỷ trọng cơ cấu kinh tế của xã Dương Liễu tăng trung bình từ 8 – 10% / năm theo hướng tăng trưởng các ngành Công nghiệp – Thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn xã Dương Liễu có 45,6% hộ gia đình làm nghề theo hình thức tiểu thủ công nghiệp, với tổng thu nhập năm 2016 vào khoảng 223,44 tỉ đồng .

Lý do lựa chọn đề tài
Cách thức mà người dân lựa chọn để phát triển sinh kế trong bối cảnh biến đổi khí hậu vẫn luôn là câu hỏi lớn của chúng tôi sau chuyến thực địa.
Cần thừa nhận rằng, không thể thực hiện một phỏng vấn tiêu chuẩn (formal) về một vấn đề lớn như biến đổi khí hậu với những người dân có trình độ học vấn tương đối thấp như người dân xã Phùng Xá vì sẽ có rất ít thông tin được khai thác một cách đầy đủ. Tuy nhiên, nếu tiếp cận từ góc độ phân tích quy trình làm việc của ngành nghề, sau đó đặt nó trong sự liên tục của một chu trình và liên kết về mặt mạng lưới thì sự tác động của biến đổi khí hậu sẽ được biểu hiện rõ ràng hơn ở nhiều chiều cạnh như nguồn thu nguyên liệu tươi, khâu phơi phóng và đầu ra cho sản phẩm.
Rốt cuộc, trong xu hướng của biến đổi khí hậu tại Việt Nam như hiện nay, thì công việc kinh doanh của người dân Dương Liễu nói chung và hộ gia đình mà chúng tôi nghiên cứu trường hợp (case study) nói riêng sẽ chịu tác động trực tiếp nhất ở khâu nào, đâu là rủi ro và đâu là lợi thế của họ trong kinh doanh?
Nghiên cứu dưới cách tiếp cận quy trình thông qua mạng lưới xã hội là cách thức để trả lời cho những câu hỏi gây tò mò cho nhóm nghiên cứu chúng tôi sau chuyến thực địa về địa bàn Dương Liễu.
Mục tiêu nghiên cứu:
- Sử dụng dữ liệu phỏng vấn sâu, kể lại câu chuyện về một trường hợp cụ thể về nghề làm bột sắn khô ở Dương Liễu.
- Dựa trên câu chuyện đó, mô tả lại quy trình làm bột khô sắn một cách chi tiết nhất có thể
- Nêu bật lên và chỉ ra được mạng lưới xã hội mà hộ dân đấy sử dụng trong việc kinh doanh của mình
- Phân tích sự tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan đến việc kinh doanh của hộ dân mà chúng tôi nghiên cứu .
Quá trình thu thập và xử lý thông tin trên thực địa
Trước khi xuống địa bàn nghiên cứu, điều phối viên của chúng tôi cũng đã nói qua, khác với khu vực nhà thờ lớn thành phố Nam Định và xã Phùng Xá, địa bàn Dương Liễu lần này sẽ khó có thể thu thập thông tin hơn rất nhiều. Không hẳn vì người dân không mến khách, nhưng tâm lý chung của người dân ở đây là không thích những người lạ xuống tìm hiểu nghiên cứu, nhất là khi hỏi về khía cạnh môi trường làng nghề. Mặt khác, do nhiều nhà báo đưa tin về địa phương, ảnh hưởng đến việc làm ăn của họ, nên người dân ở đây từ lâu đã mất cảm tình với cánh nhà báo và vô hình chung đánh đồng các điều tra viên xã hội học và nhà báo làm một. Chi tiết này cản trở không nhỏ tới việc tìm hiểu thông tin của chúng tôi, khi nhóm nghiên cứu chưa có nhiều kinh nghiệm trước các tình huống như vậy.
Cách thức tiến hành
Không thể tiến hành một cuộc phỏng vấn theo dạng người hỏi và người đáp với máy ghi âm trên tay – là điều mà tôi nhận định ngay từ lúc đầu khi xuống địa bàn. Do vậy tôi và nhóm nghiên cứu quyết định sử dụng cách tiếp cận của Nhân học là phỏng vấn theo dạng nói chuyện, tán gẫu, với những câu hỏi dạng “có không” và “bao nhiêu”, nhiều hơn là “tại sao” và “như thế nào”. Thông tin thu được vẫn sẽ phản ánh một cách sơ bộ các chiều cạnh mà nhóm nghiên cứu quan tâm trong khi không làm người dân cảm thấy thiếu thoải mái.
Để làm được điều này, thay vì đặt câu hỏi một cách trực tiếp, chúng tôi sử dụng cách đặt câu hỏi theo “3 vòng tròn đồng tâm”. Vòng tròn 1: là lân la nói chuyện làm quen; vòng tròn 2: nói những chuyện liên quan gián tiếp; vòng 3: nói những chuyện liên quan trực tiếp. Và dù là bắt đầu từ vòng tròn nào trước thì cả ba vòng đều phải hướng vào một mục đích là thông tin cần hỏi. Ở các nước Á Đông nói chung và ở Viêt Nam nói riêng thì việc hỏi chuyện lân la như thế này được xem là cách làm an toàn và dễ chấp nhận hơn cả. Thực tế, các thông tin chúng tôi thu được tuy chưa thể đi sâu vào đời sống người dân nhưng các con số cũng không tôi chút nào. Bằng việc lân la như thế, chúng tôi đã hỏi được con số thu nhập đầu ra đầu vào của gia đình chị mà không cần dùng câu hỏi trực tiếp.
Bên cạnh đó, thay vì chỉ đứng không hỏi chuyện, chúng tôi lựa chọn việc làm cùng với người dân. Thái độ tỏ ra hí hứng và cầu thị là rất quan trọng, nếu tỏ ra biết quá nhiều, người dân sẽ không muốn nói với các điều tra viên nhiều nữa, nhưng nếu tỏ ra ham hiểu biết và muốn học hỏi, thì thay vào đó người dẫn sẽ sẵn sàng chỉ dẫn. Việc tương tác tạo ra tiếng cười, nụ cười và sự chia sẻ kiến thức hình thành nên lòng tin và đây là thời điểm đặt câu hỏi.
Ở hộ gia đình thứ nhất, chúng tôi đi vào phía bên trong và gặp hai bố con chủ hộ đang bẻ bột, chúng tôi xin vào làm cùng và làm y xì những gì bác ấy chỉ dẫn. Đây là cách tốt nhất để tạo thiện cảm và bắt chuyện với gia đình này. Mặt khác, do không được chụp ảnh quay phim nên việc trực tiếp bẻ bột cho phép tôi nhận biết và tính toán được những thông tin sau.
Thứ nhất, đây là công việc tương đối nhẹ nhàng, không cần công phu hay kĩ thuật cao, bất cứ ai cũng làm được. Trung bình một người sẽ phải làm khoảng 5p - 6p [7] để chẻ ra và bẻ hết một cục bột nặng tầm 8-10kg tức là 1 tiếng thì được gần 1 tạ, nếu lấy bình quân theo cách tính trung bình này, thì một người sẽ mất khoảng 6h – 7h mỗi ngày để sắn, chẻ và bẻ hết một 1 tấn bột chứa trong một bể.
Thứ hai, độ trắng của miếng bột là trắng hơn nhiều so với tinh bột sắn lúc ban đầu, nếu tinh bột sắn khi thả vào bể có màu như bôt giặt OMO (vừa trắng vừa có hạt xanh dương nhạt) tức là không đồng đều thì bột sắn khi bẻ ra có màu trắng tương đương với độ trắng của một viên phấn, tức là rất trắng. Chính màu trắng tinh này là thứ khiến người dân tin rằng sản phẩm của họ là rất sạch, không có vấn đề gì. Tất nhiên, nếu chỉ nhìn qua mà không quan tâm đến toàn bộ quy trình, thì người khác cũng có thể dễ dàng rằng, sản phẩm này là sạch.
Thứ ba, trung bình 10kg bột bẻ ra thì phơi được trên một phên, như vậy để phơi được toàn bộ bể chứa này, họ sẽ cần khoảng hơn 100 phên. Chủ nhà của cả hai hộ đều cho biết, họ có khoảng 1000 phên như thế, tức là năng lực của họ đủ để phơi cùng lúc 10 tấn bột chứ không phải 2-3 tấn như họ nói. Tất nhiên, họ không làm được vì quỹ đất eo hẹp, không đủ chỗ để phơi. Có hộ phải phơi ở ngoài đường, nhưng đến khi mưa thì không sao chạy kịp.
Sau lần ghé vào các hộ dân để tìm hiểu đời sống làng nghề của và quan sát thái độ của họ, chúng tôi tự đúc rút ra được những chi tiết được xem là “nhạy cảm” sau. 3 từ nhạy cảm: môi trường, xả thải, bẩn và 3 việc nhạy cảm: chụp ảnh, ghi âm, phỏng vấn.

Ba từ nhạy cảm: “môi trường”, “xả thải”, “bẩn”
Gần như chúng tôi có thể hỏi bất cứ câu gì trừ ba thứ trên, tức là các câu hỏi đặt ra có thể xoay quanh vấn đề cuộc sống, an ninh, sinh hoạt… nhưng khi vừa thấy chúng tôi bước vào, hỏi chuyện nước nôi, những người dân ở hộ gia đình đầu tiên đã hướng ra cổng và nói luôn họ làm việc rất sạch sẽ [8], không có vấn đề gì phải quan tâm lo lắng, bản thân nước sử dụng là bột cũng sạch [9] và hầu như chả có gì để nghiên cứu ở đây cả – nhưng khi chúng tôi xin phép chụp ảnh thì họ không đồng ý.
Việc người dân lo sợ và rào trước đón sau là điều dễ hiểu, họ dĩ nhiên không thể phân biệt được người làm xã hội học và dân làm báo nên tâm lý ngại và sợ này là thái độ chung. Điều này kéo theo việc chúng tôi không thể đưa ra các câu hỏi đại loại như: Môi trường ô nhiễm như hiện này là do đâu? Xả thải thẳng ra cống có qua xử lý không? Hay nước cống bẩn và đen ngòm như thế có phải là do nhà anh chị xả ra không? – ngay cả việc đưa ra một câu hỏi như thế này cũng được đại diện lãnh đạo xã trả lời trong tâm lý không thoải mái, huống hồ là người dân. Bên cạnh đó, hộ gia đình đầu tiên vẫn cho rằng chúng tôi đến để dò la tin tức nên mỗi khi chúng tôi hỏi một nghề khác thì họ ngay lập tức khéo gợi ý “mời” chúng tôi sang nhà khác để tìm hiểu [10].
Ba việc nhạy cảm: chụp ảnh, ghi âm, phỏng vấn
Có thể những người lần đầu đi làm nghiên cứu sẽ tâm niệm một điều là thu thập được càng nhiều thông tin thì càng tốt, tuy nhiên nếu người dân không chịu nói chuyện hay không trả lời trức tiếp mà lảng tránh các câu hỏi thì người nghiên cứu sẽ thu thập được điều gì. Câu trả lời là người ta phải hướng qua các hành động khai thác gián tiếp.
Lần xuống Phùng Xá, máy ảnh là thứ giúp chúng tôi ghi lại khá nhiều thông tin thú vị, tuy nhiên lần này khi về Dương Liễu, thì chiếc máy ảnh đen to cồng kềnh lại là thứ gần như khiến chúng tôi bị xua đuổi. Chưa cần đến phỏng vấn hay ghi âm, việc đeo một chiếc máy ảnh ở cổ khiến chúng tôi dễ dàng bị “dán nhãn” là nhà báo về tìm hiểu thực trạng môi trường. Gia đình thứ nhất mà chúng tôi bước vào cũng là nhà thấy chiếc máy ảnh của tôi đầu tiên. Và mặc dù có điều phối viên dẫn đường vào chào hỏi đàng hoàng, thì chúng tôi vẫn bị “xua đuổi” một cách khéo léo.
Thứ hai là ghi âm. Ghi âm là cách thức để chúng tôi có thể lắng nghe lại các thông tin mà ghi chép thông thường không mang lại được: đó là giọng điệu. Việc họ lên giọng ở đâu, xuống giọng chỗ nào, linh hoạt ở đâu, ngắc ngứ thời điểm nào đều có thể xem là dữ liệu có thể sử dụng và đưa vào phân tích. Tuy nhiên, để có những thông tin này, việc đầu tiên là phải thu được âm đã. Và trong nhóm 3 người của tôi, có một người bí mật làm việc này, tức là ghi âm mà chưa xin phép. Dĩ nhiên, việc này là trái đạo đức nghề nghiệp, việc ghi âm khi chưa được phép của người khác là không nên, nhưng có vẻ như chúng tôi đang ở thế rất khó xử. Hoặc là ghi âm bí mật để có thông tin mang về hoặc là trung thực và không có gì cả, trong khi vẫn bị xua đuổi. Ở nước ngoài, chuyện nghiên cứu này có thể rất rành mạch, nhưng ở Việt Nam, chưa có điều gì là rõ ràng cả - và chúng tôi đang ở Việt Nam. Nhưng mọi chuyện gần như đổ bể khi một thành viên trong nhóm vô tình để lộ việc làm này một cách vô cùng hồn nhiên [11]. Rất may, người dân lúc ấy không để ý, nếu không, buổi nói chuyện của chúng tôi sẽ dừng lại ở 3p59 như chú thích dưới đây.
Ở hộ gia đình thứ hai, gia đình của chị Nụ - khi thấy thành viên của chúng tôi cầm máy điện thoại trên tay, chị đã phần nào đoán được mục đích của chuyến đi, giai đoạn gần cuối của cuộc nói chuyện, chị Nụ hỏi: “Thế bọn cháu đi phỏng vấn là để... “ <mắt nhìn vào đt của Trang> #00:37:28-5# - khác với hộ gia đình trước, chúng tôi đã tạo được thiện cảm với chị Nụ và chị đã tiếp chuyện chúng tôi khá chu đáo, do vậy bài nghiên cứu trường hợp lần này, chúng tôi xoáy sâu hơn vào sâu chuyện của chị Nụ. Sau đấy, tôi còn quay lại nhà chị thêm vài lần để hỏi thêm thông tin, ấn tượng lần đầu là rất quan trọng, chị vẫn đón tiếp tôi niềm nở như lần đầu.
Liên kết thông tin
Sẽ là không toàn diện và khách quan, nếu chỉ thông qua các thông tin từ một hộ gia đình của chị Nụ, trong khi ngành nghề của chị là một mắt xích trong chuỗi các ngành nghề tại Dương Liễu, do vậy trong quá trình phân tích thông tin, chúng tôi luôn đặt gia đình của chị vào tổng thể chung của mạng lưới chứ không tách bạch riêng biệt. Ở trong mạng lưới (network) ấy, vị trí của nghề này tác động nhiều đến phát triển của nghề khác và ngược lại (hình dưới).

Sơ đồ 1: Mạng lưới xã hội các ngành nghề tại Dương Liễu
Mặt khác, chúng tôi sử dụng thông tin của nhà này, làm cơ sở dự đoán cho nhà khác miễn là cùng nghề. Ví dụ, câu chuyện mà chúng tôi muốn kể dưới đây là từ một gia đình làm bột sắn khô, chủ hộ là chị Nụ, đại đa số thông tin thu thập từ gia đình này được chúng tôi sử dụng để mô tả, phân tích. Tuy nhiên, nhiều chỉ báo như lượng bột, số phên, thời gian bẻ bột hay số tiền cho từng bột nhập theo tấn lại được thu thập từ gia đình khác, cũng làm nghề này (hai nhà cách nhau một bức tường).
Con số tuy có thể không chính xác một cách tuyệt đối, nhưng cũng phần nào khiến chúng tôi hình dung được một cách khái quát quy trình làm việc và mạng lưới xã hội mà người dân ở đây tham gia vào.
---
Câu chuyện: “Sự lựa chọn của chị Nụ”
Đẩy chiếc xe kéo sát vào mép đường, trải thêm một vài miếng giấy lót cho êm, lấy tay phủi lớp bột trắng đang bám trên mép thân xe, chị Nụ đã sẵn sàng cho mẻ hàng tiếp theo được đưa ra chợ.
Chị Nguyễn Thị Nụ[12], sinh năm 1979 là người làng Dương Liễu, lấy chồng tại địa phương. Hiện chị đang sống cùng chồng, mẹ chồng và con trai đang học lớp 5. Cũng như bao người dân khác tại địa phương Dương Liệu, chị nói bằng chất giọng đặc trưng không giống ai - khi được hỏi về nghề nghiệp, chị cho biết chị và gia đình kinh doanh nghề làm bột sắn khô đã gần 20 năm nay rồi.
Nghề học từ chồng và gia đình chồng, về làm dâu là có sắn máy móc, công cụ, bể chứa và các mối quen biết với các cai sắn tại địa phương nên chị có thể học và làm ngay. Với 4 bể chứa có dung tích hơn 1000m3 có thể chứa cho 3-4 tấn tinh bột sắn mỗi ngày, 1 mô tơ loại nhỏ, 6 thùng phuy đừng nước, gần một ngàn chiếc phên tự đan bằng nan cùng máy bơm loại nhỏ, chị Nụ đã có thể một mình làm toàn bộ các quy trình chế biến bột sắn khô [13] (sơ đồ dưới). Dùng chậu múc từng can nước từ chiếc thùng phuy Chị cho biết, nghề này chị học từ người trong gia đình chồng, nhưng không đòi hỏi tay nghề quá cao, trình độ gì ghê gớm, chỉ cần cẩn thận và chăm chỉ. Chỉ Sáng làm từ 3 hoặc 4 giờ, làm đến tầm 18 hoặc 19 giờ là có thể nghỉ. Trưa thì làm tới tầm 11h vào nấu cơm rồi ra làm tiếp. Tiếng là có giờ giấc, nhưng khác với các cơ sở kinh doanh theo dạng công nghiệp, nghề của chị là tự làm tự ăn tự bươn chải, lại một mình mình làm nên thích làm lúc nào thì làm, thích nghỉ khi nào thì nghỉ [14] chả ai cấm đoán gì cả. Việc đánh bột cũng có máy móc hỗ trợ, chỉ là nhà có ba cái bể lắng, làm hết bể này lại phải bê mô tơ sang bể kia để đánh tiếp. Tiền điện không nhiều, nhưng vắng chồng nên môt tay chị phải làm cả. Chồng chị trước cũng làm nghề này sau nhà chị có chiếc xe tải 1,4 tấn nên anh không ở nhà làm cùng chị nữa mà chuyển sang lái xe chở hàng cho người trong địa phương, nhiều lúc cũng không ở nhà phụ vợ con vì còn lo chuyện trong dòng họ và làng nước, công việc nặng nhọc, may mà nhiều lúc có mẹ chồng và con trai bẻ sắn mang ra sân sau phơi giúp. Bên cạnh lao động của chồng, tính ra thu nhập chính của gia đình chị là từ nghề làm bột sắn khô này, chia sẻ về số tiền đầu tư cho từng đợt mua nguyên liệu, số tiền bán ra thu vào và chi phí trang trải cuộc sống, thu nhập của gia đình chị dựa vào nghề làm bột sắn khô này vào khoảng hơn 30 triệu / tháng, tức là vào khoảng 360 triệu / năm thuộc vào dạng thu nhập trên trung bình của xã Dương Liễu năm 2016.
Mặc dù không còn phải lo chuyện ăn chuyện mặc, nhưng chính chị cũng phải thừa nhận: “Làm nghề này vất lắm!”. Ngoài chuyện thời gian, công sức, còn lo chuyện nắng mưa - thời tiết thất thường là điều vô cùng nguy hại, bởi sau khi đã hoàn tất hầu hết công đoạn, nhưng đến khâu phơi mà không may trời mưa khiến bột bị ẩm thì hầu như là phải cho bột vào bể để đánh lại từ đầu, lại tốn thêm 3-4 ngày nữa mà thu thì hầu như không có. Mặt khác, nghề làm bột sắn nói chung (tinh bột sắn và bột sắn khô) đều phải dựa vào nguồn nguyên liệu là sắn tươi mang từ địa phương khác về, nếu thời tiết không ổn định, nắng mưa thất thường thì sẽ khiến cho cây sắn phát triển không tốt, có khả năng bật mầm sớm, ảnh hưởng đến quá trình nuôi củ của cây và làm giảm lượng tinh bột hiện có trong từng củ sắn. Sắn tốt là loại sắn cho hàm lượng tinh bột cao, chiếm tầm ½ củ sắn (phần còn lại sau quá trình chế biến là bã), nhưng sắn kém chất lượng là loại sắn có hàm lượng tinh bột ít, khiến cho năng suất tạo ra tinh bột sắn có hàm lượng tinh bột xuống theo đôi khi chỉ còn 3/7 và kéo theo đó là giá thành và uy tín của người làm tinh bột. Bởi nghề này là đầu vào của hầu hết các ngành nghề khác trong địa phương, kể cả nghề làm bột sắn khô của gia đình chị Nụ. Khi được hỏi về việc, chị ứng phó ra sao trước những vấn đề thời tiết như trên, chị cho biết, nhà chị có làm một loạt các tấm bạt, được căng ra bởi dây thép kéo ngang qua sân nhà, lúc mưa, nếu không may không lấy vào kịp thì kép bạt ra, che lại, cứu được phần nào thì cứu. Phần nào không may bị ẩm, thì cho vào bể đánh lại, chứ không để có hàng mốc, hàng tồi.
Chỉ tay vào thùng nước, chúng tôi hỏi chị, phần nước này mình đổ đi đâu. Chị vui vẻ nói, một phần đổ vào nấu cháo heo, phần nhiều, mình đổ thẳng ra cống, cống chảy ra kênh mương ngoài kia, đi đâu thì mình không biết. Cứ chiều chiều xong việc chị và các hộ gia đình ở đây là dùng vòi xịt nước thật mạnh xuống sân, phá tan các mảng bột bám trên nền gạch rồi bột hòa tan vào nước, cứ thế mà trôi ra ngoài. Làm nhiều cho nó sạch, chứ để lâu nó chua – chị cho hay. Sân đúng là có sạch hơn thật, phí vệ sinh 200 ngàn / năm gia đình chị vẫn đóng nhưng cái mùi chua chua thì vẫn còn ở đâu đó, trong nhà, ngoài ngõ, mang theo đi cả làng.
Với chị Nụ, làm nghề này 20 năm rồi, lái buôn lái thương, người mua người bán ở trong làng ngoài xã chị phần lớn đều quen cả, nhiều lúc cho người ta mua vay bán chịu một phần do lòng tin, phần khác còn là “nghề này dựa nghề kia” chính chị cũng phải mua chịu bán chịu cho người khác. Sau từ 1-2 tuần, khi đã có tiền bán hàng chị mới đến nhà người ta mà gửi lại, tuy không mấy ai chịu lâu, nhưng đôi khi cũng có người chịu cả tháng may mới có tiền trả vì theo chị lắm lúc nhiều người cũng không bán được hàng. Đẩy chiếc xe kéo ra ngoài sân, chị nói chiếc xe này có thể kéo được 2-3 tạ hàng hóa, nhà chị chật hẹp, oto tải phải để ngoài đường, còn di chuyển trong các ngõ xóm như địa phương Dương Liễu, nhà nào cũng phải tự trang bị một chiếc xe kéo như vậy, không ít thì nhiều chị tự đẩy hàng ra ngoài đường cái mà chất hàng lên xe, bán cho tỉnh khác.
Nghề làm bột vất vả là thế, tuy nhiên khi được hỏi chị có ý định chuyển nghề không, chị Nụ thật thà nói rằng chị chẳng biết chuyển sang nghề nào ngoài nghề làm bột sắn khô này cả, một phần vì khi về nhà đã có sẵn đồ cứ thế làm làm ngay, không phải lo nguồn vốn, nếu giờ vì lý do nào đó mà phải từ bỏ thì chị cũng chỉ có thể biết nuôi heo và bán hàng thêm ngoài chợ. Thú vị ở chỗ, chị Nụ cho rằng nghề nhàn nhất trong địa phương là nghề bán hàng ngoài chợ, chị thỉnh thoảng những ngày mưa, chị cũng ra phụ bán cho một cửa hàng quần áo ngoài chợ Sấu, ngày nắng thì về nhà làm bột. Khi nào có thời gian rảnh rỗi lại đưa cháu đi công viên, cà nhà cùng đi, chỉ khác là chị và các gia đình ở đây không có thói quen la cà quán xá cà phê cà pháo như dân thành thị. Làm mệt thì nghỉ, nghỉ xong lại làm, tự làm tự ăn. Chị thích bán hàng ngoài chợ và có nuôi heo, nhưng nói đến việc chuyển nghề, chị có vẻ lần lữa không muốn chuyển.
Chị chỉ cười và nói rằng, làm mãi nó quen.
(còn tiếp...)